Lương duyên xứ Nghệ - Hà thành

Đinh Hạ| 11/01/2023 09:22

Không hiểu vì đâu mà ta cứ bâng khuâng về một sợi dây vô hình níu buộc giữa mảnh đất kinh kỳ nghìn năm với xứ Nghệ quê mình. Vùng đất khắc khổ bị kẹt giữa núi và biển, quanh năm lầm lũi và căng thẳng với gió Lào và bão lụt ấy có gì vương vấn với hào hoa, thanh lịch của Tràng An?

hoang-thanh-thang-long-1.jpg
Hoàng thành Thăng Long (nguồn: Internet)

Hay tại vì cả một thời trai trẻ sôi nổi ta đã cháy hết mình nơi ấy?! Hay bởi leng keng tiếng đêm những khắc khoải vọng về “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”?! Hay luyến tiếc một tình yêu đã đánh rơi bên Hồ Gươm của một mùa thu xưa ngọt ngào hương hoa sữa?

Chỉ một làng thôi đã có mấy chục người làm việc, học tập ở nơi ấy thì suy rộng ra cả xã, huyện rồi xứ Nghệ có biết bao người chọn Hà Nội làm nơi an cư lập nghiệp cuộc đời. Có phải chất Nghệ kết tinh như Bùi Dương Lịch trong sách Nghệ An ký đã viết “Nghệ An đất xấu dân nghèo, kiên cố nhẫn nại, cần cù tiết kiệm...” đã thúc đẩy bao trí thức lên đường kiếm sống, nuôi thân, lập nghiệp và chọn nơi hồn thiêng của sông núi để dừng chân.

Xứ Nghệ - Hà thành, hai xứ sở cách xa nhau trên 300 km, thế nhưng vì một lẽ sâu xa nào đó đã gắn bó với nhau trong một truyền thuyết về Tổ quê ca trù cũng như liên quan với nhau trong câu chuyện về Tứ vị Thánh nương. Nhưng có lẽ mối lương duyên của hai vùng miền bắt nguồn từ thuở Thục Phán - An Dương Vương. Phía bắc chân núi Mộ Dạ (Diễn Châu), nơi cửa Hiền ta vẫn còn nghe âm u trong sóng biển câu chuyện đau thương về bài học dựng nước. Người đã gạt lệ chém con rồi đi cùng thần Kim Quy về phía biển xứ Nghệ cũng là người đã dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa để định đất ấy là kinh đô muôn đời từ năm 257 TCN.

Xứ Nghệ thuở xa xưa là nơi đầu sóng ngọn gió, là vùng đất phên dậu của các triều đại. Chính vì thế đời vua nào cũng hết sức chú ý bảo vệ vùng đất này. Xuyên suốt chiều dài lịch sử phong kiến, đặc biệt là thời Lý - Trần, đã có biết bao người con ưu tú của kinh thành Thăng Long vào cai quản xứ này như Lý Đạo Thành, Phiêu kỵ Thượng tướng quân Trần Quốc Khang, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải... Đặc biệt là Uy Minh hầu Lý Nhật Quang - vị hoàng tử thứ tám của vua Lý Thái Tổ được cử vào cai quản xứ Nghệ năm 1041. Nhờ tài kinh bang tế thế của ngài mà mở mang, ổn định vùng biên viễn. Để rồi từ một người săn sóc, chăm lo cho nhân dân trong cõi sống đã trở thành một vị Thánh bất tử, luôn hiện diện cứu vớt dân chúng và đất nước trong cõi vĩnh hằng. Đến thế kỷ XX, một người con ưu tú của xứ Nghệ lại hiển Thánh đất Thăng Long, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh.

Trong lịch sử, nhiều vị hoàng đế trên đường tuần du hoặc chinh chiến đã đến xứ Nghệ và để lại dấu ấn đậm nét. Không chỉ là đắp đường, đào sông (nay vẫn còn kênh nhà Lê chạy dọc dài huyện Nghi Lộc); không chỉ là chọn đất ấy làm căn cứ, lấy lực lượng chống quân xâm lược mà xứ Nghệ còn được lưu danh trong những câu thơ mang cốt cách tài hoa xứ kinh kỳ của Trần Minh Tông, Lê Thánh Tông hay hai câu thơ Trần Nhân Tông viết vào đuôi thuyền khi lui về Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần 2 (1285) – Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

Với tính cách của mình, người Nghệ là lực lượng nòng cốt, tinh nhuệ trong cuộc chiến tranh. Đồng thời, xứ Nghệ cũng đã cung cấp cho chính quyền phong kiến ở kinh đô một đội ngũ tài năng từ các khoa thi. Cuộc di dân từ xứ Nghệ ra Thăng Long có lẽ cũng bắt nguồn từ thuở đó. Trong số 82 bia Văn Miếu, xứ Nghệ luôn là một trong 3, 4 địa phương đứng đầu về số lượng. 82 bia thì có tới 57 bia có tên người xứ Nghệ, và trong tổng số 1304 tiến sỹ được đề tên có 113 người xứ Nghệ. Người Nghệ lập những kỳ tích đặc biệt có một không hai như khoa thi năm Quang Hưng thứ 15 (1592), hai cha con cùng đỗ. Cha - Ngô Trí Tri đỗ Đệ tam giáp; con - Ngô Trí Hòa đỗ Đệ nhị giáp khiến vua Lê Thế Tôn đề tặng 10 chữ vàng (Khoa danh thiên hạ hữu, phụ tử thế gian vô) khi vinh quy bái tổ. Hay chuyện về ba thế hệ trong một nhà cùng đỗ trạng, làm quan ở Thăng Long bắt đầu từ Hồ Tông Thốc (1341) đã để lại câu ca “Một nhà ba trạng nguyên ngồi/ tấm gương từ mẫu cho đời soi chung”... Đội ngũ khoa bảng xứ Nghệ không chỉ làm rạng danh quê hương mà có những đóng góp to lớn cho các triều đại, bồi đắp trầm tích cho văn hóa Thăng Long. Và ngày nay trong thể chế của nhà nước ta, xứ Nghệ với cái nôi là vùng đất cách mạng, của phong trào Xô viết thì sự có mặt của người Nghệ trong các cơ quan, bộ ngành rất đông đảo.

Có phải vì là nơi chung đúc vượng khí của núi sông, anh linh của trời đất nên đã hội tụ được nhân tài khắp cả nước. Xứ kinh kỳ nghìn năm hào hoa ấy cũng là cái nôi êm chắp cánh, tạo nên tên tuổi của nhiều văn nghệ sỹ xứ Nghệ. Trong ngôi đền thiêng của văn học hiện đại Việt Nam ở số 4 Lý Nam Đế, tạp chí Văn nghệ Quân đội một thời từng được gọi vui là Văn đội quân Nghệ bởi sự đóng góp lực lượng hùng hậu qua nhiều thời kỳ. Rồi những nhạc sĩ xứ Nghệ tài hoa chọn Hà thành làm nơi neo đậu bến đời có những đóng góp lớn cho âm nhạc Việt Nam và thành phố họ sinh sống như Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo... “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm...” lời bài hát rất Hà Nội ấy cũng là của một nhạc sĩ tài hoa đến từ xứ Nghệ.

Trải qua nhiều vinh quang và gian khó, được xây đắp bằng biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu của đồng bào; với bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến; với thế “rồng cuộn hổ ngồi” của nơi thắng địa; Hà Nội của hôm nay càng đẹp dáng rồng bay. Có người nhìn từ nét địa lý trường tồn nơi đây mà gọi là thành phố ngã ba sông. Đất Hà Nội được bồi đắp từ những phù sa; vẻ đẹp Hà Nội được bồi đắp tinh hoa. Và trong những tinh hoa ấy, có một mối lương duyên diệu kỳ giữa xứ Nghệ - Hà thành.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đinh Hạ. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Hà Nội trong trái tim tôi
    Từ thuở còn thơ bé, Hà Nội đã tượng hình trong trái tim tôi qua hình ảnh “cây cơm nguội vàng”, “cây bàng lá đỏ”, “phố xưa nhà cổ”, “mái ngói thâm nâu” đầy thiết tha, trìu mến. Hình ảnh về Thủ đô ngàn năm không hề ồn ã, xa lạ mà trở nên gần gũi thân thương như máu huyết đang cuộn trào trong trái tim nhỏ.
(0) Bình luận
  • Hà Nội trong tôi là Ga Hàng Cỏ
    Ga Hà Nội là một trong những biểu tượng trung tâm của Thủ đô Hà Nội! Mỗi khi nhắc tới Ga Hà Nội, tôi lại hình dung một đoàn quân với những hàng ngang, hàng dọc ngay ngắn trên sân ga.
  • Đèn đường kể chuyện
    Ở thành phố này, những cột đèn đường cứ kỳ quặc thế nào ấy. Đêm, thành phố đã đi ngủ, tất cả chìm vào lặng yên, riêng mấy cột đèn còn thức. Bốn mùa xuân hạ thu đông, đèn đường soi rõ những mặt người, lặng lẽ giấu đi những câu chuyện kể.
  • Hà Nội dấu trong mình điều gì
    Với mình, Hà Nội lúc nào cũng rộng lớn. Hay ít ra thì thành phố này đủ rộng để cất giấu trong mình vô vàn những bí mật không tên.
  • Hoa lề phố - Phố hoa lệ
    Năm chồng lên năm, mùa vắt sang mùa, xuân hạ thu đông “chùng chình” dắt tay nhau bước đi làm nên bức tranh Hà Nội chuyển mình thơ mộng. Nhưng người ta còn một đơn vị nữa để đong đếm thời gian đi qua thành phố hoa lệ - hoa bên lề phố.
  • Có một Hà Nội đẹp riêng đến lạ
    Một ấn tượng khó quên trong tôi khi đến Hà Nội là trải nghiệm đi xe buýt Hà Nội. Có người đùa vui rằng “Hà Nội không vội được đâu” và khuyên tôi muốn đi nhanh, đi vội thì bắt taxi hay Grabbike. Nhưng tôi muốn “không vội” để khám phá xe buýt ở Hà Nội như thế nào, có khác gì với xe buýt ở quê tôi không.
  • Khi viết về Hà Nội…
    Khi viết về Hà Nội, người ta không viết, người ta cảm nhận. Khi viết về Hà Nội, chữ Hà Nội nghe thật thân thương và trìu mến, như bầu không khí quanh ta, như cơn mưa thất thường mùa hạ, như mẹ, như cha và như tất cả.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lương duyên xứ Nghệ - Hà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO