Gợi mở tư duy cải cách từ những thăng trầm của kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức: tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản trầm lắng, yêu cầu cải cách thể chế ngày càng rõ rệt…, việc nhìn lại những bài học từ lịch sử là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Cuốn sách “Kinh tế Việt Nam – Thăng trầm và đột phá” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2025) của hai tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng mang đến một nền tảng tri thức khoa học và thực tiễn để suy ngẫm, định hướng cho hiện tại và tương lai.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc lần đầu năm 2009, giữa bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Lần xuất bản thứ ba vào năm 2025 không chỉ khẳng định giá trị bền vững và sức sống lâu dài của tác phẩm, mà còn mở ra cơ hội để bạn đọc đương đại tiếp cận một nguồn tri thức phong phú, hệ thống về kinh tế Việt Nam trong tương quan với các biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt là trong hơn 20 năm đầu tiên kể từ khi đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới.

Sách dày gần 500 trang, bao gồm 13 chương được chia thành ba phần: Thăng trầm, Đột phá, Vấn đề và hiện tượng.
Phần Thăng trầm đưa người đọc ngược dòng lịch sử, từ thời kỳ kinh tế thuộc địa sang độc lập, từ kinh tế bao cấp sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những giai đoạn kinh tế khó khăn như lạm phát phi mã đầu thập niên 1990, hệ thống tín dụng yếu kém, cơ chế quản lý hành chính nặng nề… được phân tích bằng số liệu cụ thể, lý lẽ chặt chẽ. Đây không chỉ là các thông tin quá khứ, mà còn là cơ sở để nhìn lại năng lực điều hành vĩ mô nền kinh tế của Việt Nam trong những bước đi đầu tiên của công cuộc Đổi mới.
Phần Đột phá thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của tư duy kinh tế: từ việc công nhận kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích khu vực tư nhân, đến hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp, mở cửa thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản và thu hút đầu tư nước ngoài. Các phân tích trong sách cho thấy rõ tính chất “bước ngoặt” của nhiều sự kiện – không chỉ là kết quả của hoàn cảnh khách quan mà còn thể hiện sự chuyển hướng tư duy và năng lực thể chế của Nhà nước.
Ví dụ, việc hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp đầu thập niên 1990 được đánh giá là “một cột mốc thể chế lớn”, tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường tài chính hiện đại. Tương tự, sự bùng nổ thị trường chứng khoán đầu những năm 2000, các “cơn sốt” bất động sản, vàng, đô la Mỹ cũng được lý giải dưới góc nhìn phản biện không chỉ ghi nhận thành quả mà còn cảnh báo nguy cơ của bong bóng tài sản, hành vi đầu cơ và bất ổn vĩ mô.
Điểm tạo nên chiều sâu cho cuốn sách là phần Vấn đề và hiện tượng, trong đó các tác giả đặt ra nhiều câu hỏi vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay: Làm sao để kiểm soát bong bóng tài sản? Chính phủ nên can thiệp ở mức nào trong thị trường tài chính? Vai trò của Nhà nước và thị trường cần được phân định ra sao trong bối cảnh toàn cầu hóa?
Ví dụ, khi phân tích “hành vi bầy đàn” trên thị trường vàng và ngoại tệ, các tác giả chỉ ra rằng: tâm lý bất ổn của nhà đầu tư không chỉ đến từ yếu tố thị trường mà còn do thiếu nhất quán trong truyền thông chính sách. Đây là bài học quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi tin đồn, mạng xã hội và độ trễ thông tin có thể tạo nên những biến động lớn.
Tác phẩm cũng đề cập đến vai trò của Nhà nước không theo hướng cực đoan hay tuyệt đối hóa mà khuyến nghị một “Nhà nước kiến tạo”: biết dẫn dắt, điều tiết, nhưng cũng khơi thông tiềm năng sáng tạo của thị trường và khu vực tư nhân. Quan điểm này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách ngân sách, minh bạch tài chính công và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Những bài học từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ như khủng hoảng khu vực năm 1997 hay tài chính toàn cầu năm 2008 – cũng được phân tích chi tiết, đi kèm số liệu cụ thể. Chẳng hạn, VN-Index lao dốc từ đỉnh 1.171 điểm tháng 3/2007 xuống dưới 400 điểm vào tháng 6/2008, hàng loạt doanh nghiệp “phá sản kỹ thuật” không chỉ phản ánh rủi ro thị trường mà còn cho thấy khả năng phản ứng còn yếu của hệ thống điều hành và giám sát. Nhìn từ đó, bài học củng cố thể chế, nâng cao năng lực dự báo và điều tiết vẫn mang tính thời sự trong giai đoạn hậu Covid-19.
Ngoài nội dung phân tích, cuốn sách được đánh giá cao ở cấu trúc khoa học, hệ thống tra cứu theo chủ đề, bảng biểu và số liệu minh họa hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Điều quan trọng hơn cả, theo nhận định của nhiều chuyên gia là tinh thần gợi mở mà cuốn sách mang lại. Các tác giả không đơn thuần tái hiện lịch sử kinh tế mà còn phản biện lại những quan điểm, phương thức phát triển kinh tế chưa hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thúc đẩy các yếu tố nội lực để đưa Việt Nam hội nhập hiệu quả hơn vào nền kinh tế toàn cầu./.