Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử

Nguyễn Thị Anh Thư 03/09/2024 19:00

Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh thần quật khởi của những người dân Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Hai - người đồng chí và cũng là người vợ mới cưới của ông - mới hơn 20 tuổi, bị thực dân Pháp kết án tù khổ sai 5 năm, và bị tra tấn tàn khốc đến chết trong nhà tù. Hiện trong Bảo tàng lịch sử Hỏa Lò, hai vợ chồng ông bà có số thứ tự 34, 35 khắc tên trên Bảng bằng vàng: Những nghĩa sĩ khởi nghĩa bị giam cầm đầu tiên trong Nhà ngục Hỏa Lò đầu thế kỷ 20.

kyswf5ji.png
Bảo tàng Nhà tù Hoả Lò (ảnh: internet)

Chiếc Boeing 787 lượn một vòng trên không trung khiến Thanh Ngọc được ngắm cả một vùng trời đất trung du xanh mướt thật đẹp dưới mặt đất. Cơ trưởng - là một phi công người Việt - cho máy bay lướt thật nhẹ đậu xuống đường băng sân bay Nội Bài. Đây là lần đầu tiên Thanh Ngọc về Việt Nam, vì cha mẹ cô đều là người Việt, nhưng sang Mỹ định cư từ trước năm 1975. Thanh Ngọc được sinh ra ở Oasinhton năm 1990, rồi lớn lên, học tập, làm việc cũng tại thành phố này luôn. Hiện tại cô đang làm thủ thư trong Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ. Thanh Ngọc không ngờ chỉ bay trong nội địa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, mà Việt Nam cũng sử dụng loại phương tiện có công nghệ tiên tiến hiện đại đắt đỏ do Hãng máy bay Boeing lớn nhất thế giới sản xuất. Điều này cho Thanh Ngọc một nhận định bất ngờ về giao thông Việt Nam là không đến nỗi lạc hậu như tưởng tượng của cô về Tổ quốc mình là một đất nước chưa phát triển, vô cùng lạc hậu, tăm tối và đói nghèo.

Nguyễn Việt Hiển chồng của Thanh Ngọc thì chẳng lạ gì Thủ đô Hà Nội, vì cha mẹ anh là dân Hà Nội gốc. Cha mẹ anh đưa gia đình vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1985. Trước khi sang Mỹ du học, anh đã nhiều lần được theo cha mẹ ra Hà Nội đón Tết cùng ông bà nội, khi ông bà anh còn sống. Hiển sang Mỹ học Tiến sĩ Y tế cộng đồng tại trường Đại học George Washington. Cũng tại nơi này anh gặp Thanh Ngọc. Họ trúng tiếng sét ái tình ngay buổi gặp mặt đầu tiên khi anh đến Thư viện mượn tài liệu để nghiên cứu. Sáu tháng sau, Thanh Ngọc đưa Hiển về ra mắt gia đình, rồi họ làm một đám cưới vô cùng gọn nhẹ nhưng trang trọng và ấm áp. Một năm sau đôi vợ chồng trẻ thu xếp thời gian được 10 ngày đưa nhau về Thành Phố Hồ Chí Minh với kế hoạch: 7 ngày đầu là ra mắt cha mẹ Hiển và làm 1 đám cưới nhỏ báo cáo với họ hàng nhà chồng, 3 ngày cuối là để nghỉ ngơi cho Thanh Ngọc tham quan mấy nơi thắng cảnh như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, v.v... trước khi họ quay về Mỹ học tập và làm việc tiếp.

Việc ra mắt nhà chồng và đám cưới đã diễn ra rất mỹ mãn đúng kế hoạch ban đầu. Chỉ có kế hoạch nghỉ ngơi 3 ngày cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh là phải thay đổi. Thanh Ngọc và chồng cô sẽ không bay về Mỹ từ Sài Gòn mà đổi thành bay về Mỹ từ Thủ đô Hà Nội. Sự thay đổi này cũng hay vì Thanh Ngọc vừa có cơ hội được thăm Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến của Tổ quốc, vừa có cơ hội để đến gặp ông Tiến, người ông trong họ ngoại nhiều tuổi nhất còn sống, và cũng là người tâm huyết sưu tầm, lưu giữ được nhiều tư liệu, ảnh quý giá về dòng họ mình. Ông có thể cho đôi vợ chồng trẻ biết rõ hơn về một người phụ nữ bí ẩn tự xưng là người trong dòng họ ngoại đã hiện về trong giấc mộng kỳ lạ của Thanh Ngọc và giục cô về thăm mộ cụ tổ 4 đời bên ngoại của nhà chồng.

*

Đêm có giấc mộng ấy, khi Thanh Ngọc đang ngủ thì cô cảm thấy có ánh sáng chói lòa xốc thẳng vào mặt, khiến cô choàng tỉnh. Thanh Ngọc nhìn thấy đèn trong phòng ngủ của mình sáng trưng, và chồng cô đang ngồi giữa giường, vẻ mặt ngơ ngác.

- Sao thế? Sao đang đêm anh không ngủ lại ngồi đó? - Thanh Ngọc lồm cồm bò dậy, nheo mắt lo lắng hỏi chồng. - Ba ngày nữa, mình sẽ về Oasinhton rồi. Còn điều gì phải lo lắng hả anh?

- Anh vừa mơ thấy - Hiển ngập ngừng. - một người phụ nữ trẻ rất xinh đẹp, mặc áo cánh trắng, quần đen, vấn khăn trên đầu như kiểu phụ nữ Việt sống cách đây khoảng trăm năm trước. Người phụ nữ xưa cổ này hình như anh đã gặp ở đâu đó, nhưng chưa nhớ ra là ai. Nhưng với kiểu cách trang phục này thì chắc tầm tuổi cụ của anh rồi.

Thanh Ngọc không sõi tiếng Việt lắm, nhưng từ khi yêu Hiển, cô luôn cố gắng tranh thủ học tiếng mẹ đẻ, tìm hiểu mọi thứ về Việt Nam để hiểu chồng hơn.

- Cụ bà của anh có nghĩa là: mẹ của bà anh đúng không? - Thanh Ngọc mạnh dạn nói.

- Đúng rồi. Cụ ấy đang nói gì đó, có vẻ là dạy dỗ một điều hệ trọng! - Hiển bứt dứt vỗ trán - Nhưng ngay lúc đó, anh lại chợt bừng tỉnh nên bây giờ đành chịu, không sao nhớ lại được cụ đang dạy anh một điều gì đó trong giấc mơ…

Vừa lúc đó, cánh cửa ra vào phòng bật mở, một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng trẻ đẹp như một hoa hậu bước vào. Nàng có nước da trắng, khuôn mặt trái xoan và… mặc áo cánh trắng, quần đen vấn một vành khăn trắng trên đầu theo kiểu các cụ ngày xưa.

Chồng cô choáng váng trố mắt, há hốc miệng, không thốt nổi lên lời.

Người phụ nữ trẻ lướt tới nhìn vào mặt Hiển mỉm cười dịu dàng trấn an:

- Thực đó! Không phải mơ đâu! Ta là bà Hai đây. Ta được ơn trên cho phép ghé qua các con vài phút rồi phải đi ngay! - Bà chỉ ra phía bầu trời ngoài ô cửa sổ - Trời sắp mưa rồi!

Rồi dường như để minh chứng cho lời bà nói, từ phía ngoài căn phòng, xa xăm trên bầu trời tối, lóe lên ánh chớp rồi vẳng đến một tiếng sấm nhỏ. Quay sang Thanh Ngọc, bà nói tiếp:

- Con dâu mới à! Ta biết con rất có tâm, muốn được tìm hiểu về tiếng Việt, tìm hiểu cội nguồn gốc rễ quê cha, đất Tổ. Thế là rất tốt: “Gương có năng lau mới mãi sáng/ Đường năng đi mới không lắm cỏ dại/ Chuyện lịch sử phải có người nhắc lại/ Các thế hệ sau mới nhớ cội nguồn…”

Rồi không biết bà rút đâu ra mà trên tay có chiếc khăn nhỏ:

- Về đi! Về thăm mộ cụ Hai đi!

Bà phảy mạnh tấm khăn nhỏ vào mặt Thanh Ngọc khiến cô giật mình, ngã ngửa ra giường. Đúng lúc đó một tiếng sấm nổ vang to kinh động. Đèn trong phòng tắt phụt. Chiếc cánh cửa ra vào như cũng vừa sầm đóng, khiến các tấm kính trên các ô cửa sổ như reo lên lanh canh. Thanh Ngọc choàng bật dậy. Căn phòng sáng mờ trong ánh chớp đỏ lòe bên ngoài cửa sổ, không có bóng ai. Người đàn bà trẻ đã biến mất. Thanh Ngọc chạy ra khẽ đẩy cánh cửa ra vào phòng. Cửa chỉ khép nhưng không khóa! Nước mưa đã bắt đầu quật rào rào vào các ô kính cửa sổ!

Thanh Ngọc quay lại giường, Hiển vẫn đang ngủ say sưa như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Vậy là thế nào? Câu chuyện vừa xảy ra với cô là mơ hay là thật? Thanh Ngọc đánh thức Hiển dậy và kể lại mọi chuyện cho anh nghe.

Hiển ngỡ ngàng kêu lên:

- Trong dòng họ nhà anh có một cụ tên là Hai. Nếu thế thì cụ bà về trong giấc mơ của em chính là bà Hai vợ cụ Hai Hiên thật đấy! Hồi học Trung học phổ thông, anh cũng đã được học “Vụ Hai Hiên - Hà thành đầu độc” trong sách Giáo khoa Lịch sử như tất cả các học sinh lớp 10 khác. Nhưng lúc đó anh đã học các bài học lịch sử của dân tộc rất đối phó, thờ ơ. Học mà không hề hay biết vị lãnh tụ bất khuất của cuộc khởi nghĩa đẫm máu lừng danh khắp Đông Dương đó, chẳng phải ai xa lạ - chính là các anh hùng nghĩa sĩ ruột thịt ngay trong nhà mình, là chú ruột của bà nội của mình. Lỗi tại ai đây? Tại các bài học lịch sử trong sách Giáo khoa bị viết chưa hay? Tại các thầy cô dạy lịch sử chưa hấp dẫn! Hay tại bản thân mình sống hời hợt, vô tâm với quá khứ của cha ông?...

Sau này anh lớn hơn, được các ông bà nhắc trong các đám giỗ chạp, đọc hồi ký của cụ nội, anh mới biết cụ Hai của nhà anh chính là ông Hai Hiên. Trong cuốn Vụ chính trị Đông Dương 1895-1923 của Tiến sĩ Patrice Morlat lấy từ nguồn tàng thư Bộ thuộc địa Pháp có viết: Hai Hiên là Chủ tịch Công đoàn nhân viên dân sự của Doanh trại quân đội Pháp đóng trong thành Hà Nội(1) Chính vì vậy, ông mới có khả năng trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa bao gồm cả quân lính và nhân viên làm bếp của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa làm trấn động cả 3 cõi Đông Dương khiến Thủ đô Paris phải run sợ.

- Ôi, nếu vậy thì trong Google thế nào cũng có. Để em xem nào! Khởi nghĩa Hà thành năm 1908

Thanh Ngọc giở chiếc điện thoại thông minh của cô ra, lướt nhoay nhoáy tìm. Một bức ảnh có hơn chục vị nghĩa sĩ bị cùm chân ngồi thành một dãy dài hiện ra. Chỉ có một khuôn mặt nữ trẻ trung xinh xắn mới chừng ngoài đôi mươi, tóc vấn khăn trắng, sống mũi dọc dừa thon thả với đôi mắt to đẹp nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh đầy đoan chính và khí phách. Na ná như khuôn mặt trong giấc mộng vừa rồi của cô. Thanh Ngọc reo lên:

- Đây, ảnh của các nghĩa sĩ đây rồi! Ôi, có phải chính cụ vừa hiển phách trong giấc mộng của con đó không? Giai nhân tiết liệt của Hà thành huyết sử? Cả các cụ ông nữa, ai cũng rất đẹp và khí phách.

- Tất thảy các cụ đều biết mối nguy nan khi tự lãnh nhiệm vụ này, nên trong ánh mắt các cụ không một ai có thoáng một vẻ nao núng, không một chút run sợ. - Hiển ngắm nghía vẻ đầy kính phục - Người phụ nữ duy nhất trong tấm ảnh lịch sử này bao nhiêu năm nay vẫn ngồi cùng các chiến hữu của mình nhìn ra ngoài cuộc đời để dõi xem ước mơ của mình và chiến hữu đã trở thành thực hiện: Thủ đô Hà Nội đã được giải phóng, Tổ quốc đã được tự do và độc lập.

- Vâng một khát vọng mà họ phải trả bằng những cái giá khủng khiếp - Thanh Ngọc đọc tiếp - như Nhà báo Pháp, Jean Ajalber đã tường thuật trong cuốn Vận mệnh của Đông Dương:

Đối với tôi, tôi còn trông thấy mãi như tôi đang ở đó, ba cái đầu của người bị hành hình, tóc tai rũ rượi…

Người ta mang những chiếc đầu đó đi, trong những cái rá nan thưa, lên phía đường Sơn Tây, Hà Đông, Huế, nơi họ phải chịu bêu…

Dọc đường máu cứ nhỏ giọt…

Cuối cùng, rồi những thủ cấp sẽ được móc lên cành cây… (2)

Thanh Ngọc rùng mình, co rúm người không dám đọc tiếp.

- Ừ, khủng khiếp quá lắm! - Hiển với chiếc máy tính của anh rồi mở ra - Trước kia, khi còn rảnh rỗi, anh có sắp xếp giúp ông nội anh đưa một tập hồi ký của cụ nội anh lên đám mây để lưu trữ. Anh còn nhớ trong đó có một chương cụ viết về mối tình bi tráng của ông bà Hai Hiên. Cụ nội anh là cụ Nguyễn Viết Phong - sếp phòng mổ của Nhà thương Bảo hộ - Nhà thương được thành lập từ năm 1904 do bác sĩ Le Roy Des Barres làm Giám đốc đầu tiên. Cụ Phong là người tốt nghiệp lớp Y tá người bản xứ đầu tiên ở Bắc Kỳ(3) Do khả năng chuyên môn cao trong phụ mổ và biết tiếng Pháp giỏi, ngay sau đó cụ được phong luôn làm Y tá trưởng phụ trách phòng mổ (4).

Do Triều đình nhà Nguyễn quá suy sụp về kinh tế sau những năm dài đánh nhau liên miên với Pháp nên từ năm 1862 triều đình đã ban hành Luật mới về thay hình phạt bằng tiền, trong đó có khoản mục nộp 300 hộc gạo (tương đương 216 lạng bạc lúc đó) sẽ được giảm từ tử hình xuống đi đày biệt xứ. Cụ Nguyễn Văn Phong chính là con rể của ông Nguyễn Văn Hữu, anh trai của ông Hai Hiên. Ông Hữu là người được vợ và con rể gánh bạc đi đổi án tử hình bị chém đầu thành án đầy đi Côn Đảo. Có vụ đổi bạc lấy mạng người và đổi thành công ấy là nhờ có bàn tay nhân hậu của bác sĩ Leroy des Barres giúp đỡ. Vị bác sĩ người Pháp này lúc đó vốn đang là Quan Y tế phụ trách về việc giám định sức khỏe cho tất cả các ứng cử viên các chức quan ở Đông Dương và trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho quan Toàn quyền Đông Dương. Vì quý mến người đồng nghiệp bản xứ, và cùng không muốn phải đuổi việc một người phụ mổ tài giỏi, vị bác sĩ Giám đốc đã giúp ông bạn mới cưới vợ này dùng cả gánh bạc đi lo lót cứu bố vợ và vợ mình không bị nhà nước Pháp mượn Luật “Tạo phản là trọng tội” của Triều đình nhà Nguyễn để truy sát. Có đọc những trang hồi ký của cụ, anh mới biết: chính cụ nội anh cũng liên can rất nhiều đến cuộc khởi nghĩa lịch sử cách đây hơn một trăm năm.

- Đây rồi! Anh tìm thấy đoạn hồi ký của cụ sếp Phong rồi! - Hiển chỉ cho cô vợ trẻ xem tiêu đề anh đã tìm thấy - Để anh đọc cho em nghe: Chương : 3-8-1908, Một bước vào sử xanh.

“Từ ngày 28 tháng 6 đến nay báo chí thi nhau đăng hình các nghĩa sĩ Hà thành bị đưa ra pháp đình, rồi bị chém cổ, bị bêu đầu. Pháp muốn trấn an 2000 binh lính trong thành Hà Nội, những kẻ ngoại bang xâm lược từ nay phải nơm nớp lo lắng: bất cứ lúc nào cũng có thể bị người An Nam giết chết mà không cần có súng đạn, gươm giáo.

Nhà báo Pháp, Jean Ajalber đưa tin về ba chiếc đầu của các ông đội Nhân, đội Cốc, đội Bình bị treo ở các cửa ô: “Hỡi người khách qua đường, hãy rảo bước mau! Đừng thở cái hơi chiều đang hé mở những bông hoa huyền diệu. Đừng lắng tai nghe tiếng lá rì rào và những cành cọ nghiêng ngả… Gió và mưa của cái mùa nhiều giông bão này chỉ mang lại cho anh một hơi thở của sự chết chóc, với những tiếng thì thầm kinh hãi và hờn căm…” (5)

Còn mình và người dân Hà thành lại chứng kiến tận mắt từng bụm máu loang chảy khắp dọc đường của bà Sáu Nhiêu bị lăn trong thùng gỗ có đóng đinh suốt từ cửa hàng của nhà bà ở Cửa Nam đến nhà giam Hỏa Lò, thật kinh hoàng man rợ như thời trung cổ.

Sáng nay 3 tháng 8 chúng kết án Hai Hiên cùng hai đồng sự khác tử hình chém đầu. Bà Sáu Nhiêu bị 3 năm tù. Vợ Hai Hiên bị kết án 5 năm tù khổ sai vì trực tiếp cùng bà ba vợ Hoàng Hoa Thám vận chuyển cà độc dược vào thành. Đã được tin chồng trốn thoát lên đồn Phồn Xương, nay lại nghe tin chồng bị bắt lại, sắp bị tử hình, vợ Hai Hiên ngất xỉu.

Quan trại giam sau khi được bạc của mình đút lót đổi mạng cho bố vợ thoát án tử chỉ phải đi đầy ra Côn Đảo, đã cho phép mình được ghé qua thăm cô Hai. Và mình đã kể cho cô nghe về người chồng anh hùng của cô, cũng là người bạn, người chú vợ của mình: cách đây mấy ngày, Hai Hiên đã trở về tự nộp mình cho Tây để cứu mạng cả dân làng Cao Xá Trung, phủ Hoài Đức.

Hôm ấy, Quan tri phủ phủ Thanh Oai - Nguyễn Văn Trù kể lại, ngài gục đầu trước hương án tổ tiên. Ngài không sao gượng dậy nổi để đi ra sân. Ngoài kia, ngài đã được báo: trên đường làng, đường thôn, đường xóm, từng dòng người từ trong những lều tranh vách đất cũng như mái ngói tường gạch âm thầm tay mang theo thẻ hương lũ lượt lê bước đến nhà thờ họ Nguyễn, nơi dân làng thầm loan tin nhau: Họ nghe nói các vị đại diện trong làng và gia tộc họ Nguyễn sáng sớm nay sẽ làm lễ tế sống Hai Hiên - vị nghĩa sĩ anh hùng - cậu ấm con trai nguyên quan phủ Quảng An cũ, nên để tri ân ơn cứu mạng họ cũng tự nguyện tìm tới.

Mượn thêm Luật “Tạo phản là trọng tội” của triều đình An Nam; tên Jules Bosch quyết liệt truy diệt bằng được vị lãnh tụ cuộc khởi nghĩa - Nguyễn Văn Hiên - người Việt giữ đầu mối cao cấp nhất điều hành tất cả mạng lưới các bếp nấu ăn, tiếp phẩm quân lương cho 2.000 binh lính Pháp trong toàn thành - người đã trực tiếp ra lệnh cho những người phụ trách các bếp ăn bỏ độc dược vào món súp rau của tất cả quân lính ở bữa tiệc chiêu đãi quân lính trong thành tối 27 tháng 6. Cuộc khởi nghĩa bất thành, Hai Hiên trốn thoát.

Sau một tuần truy tìm Hai Hiên mãi không được, tên Công sứ tỉnh Hà Đông điên tiết kéo cả quan phủ Hoài Đức cùng quân Pháp về làng Cao Xá xông vào từng nhà bất kể to nhỏ lấy báng súng đánh đập, lùa tất cả mọi người lớn bé ra đình. Trẻ con, đàn bà kêu khóc như ri. Tiếng kêu thét vang dậy đầu làng cuối xóm.

Đứng giữa sân đình tên Công sứ Pháp mặt đỏ tím lại cay cú, hùng hổ, tuyên bố:

- Chúng tao thề sẽ tru di ba họ nhà tên Nguyễn Văn Hiên - kẻ chủ mưu vụ đầu độc 2000 quan quân Pháp. Tên man rợ ấy đã làm kinh hoàng toàn xứ Indochine, làm chấn động cả nước Mẹ Pháp. Chúng tao thề sẽ xóa sổ toàn bộ đàn ông, đàn bà, già cả, lớn bé của cái làng khốn khiếp đã đẻ ra tên Nguyễn Văn Hiên to gan lớn mật như trời này. Nếu cầm đầu cái làng này, nếu họ hàng tổ tông của cái thằng chết tiệt này nội nhật trong ba ngày nữa không nộp mạng tên Hiên cho quan quân Pháp xử trảm!... Thằng quan phủ Hoài Đức, thằng lý trưởng Cao Xá Trung phải lo việc này. Không lo được, tao sẽ đày biệt xứ tuốt. Tao thề sẽ đốt sạch, xóa sổ sạch, giết sạch không còn một mống nào cả cái làng khốn khiếp này!...”

Quan phủ phủ Hoài Đức vốn là bạn thân của quan phủ Nguyễn Văn Trù từ thuở thiếu thời. Ông phủ Hoài Đức quá biết rõ tình cảm khăng khít, thắm thiết như cha con của mấy anh em bạn. Ông phủ Trù chính là anh trưởng của Hai Hiên, ông đâu có lạ nên cấp tốc sang cầu cứu bạn thân để cứu vớt dân làng Cao Xá, dù ông không hề biết chính xác bạn thân có đang cưu mang, che giấu em mình không, nhưng ông tin quan tri phủ Thanh Oai biết đích xác em mình đang ở đâu.

Quả nhiên, quan phủ Trù không tự đưa em đi trốn, nhưng trước tính mạng của mấy trăm lương dân làng Cao Xá đang treo trên sợi tóc, ngài đã dằn lòng hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn, âm thầm lặn lội lên đồn Phồn Xương, nơi Hai Hiên đang nương náu để báo tin dữ cho em.

- Em ơi! Quan phủ Hoài Đức đến báo với anh: Nhà mình cả thảy ba người: chú Bảy Hữu, chú Điều, cô Hai vợ em đều bị bắt giam trong ngục Hỏa Lò rồi! Ba ông Đội bạn thân của em đều đã bị chém bêu đầu ngoài cổng thành. - Ngài nức lên thê thiết - Hiện bọn Pháp đang bao vây cả làng, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đàn ông bị tra tấn, đánh đập, đàn bà bị hãm hiếp vô tội vạ. Xóm làng bị đốt phá, cướp bóc tan hoang. Chỉ có anh đang ở bên phủ Thanh Oai nên trốn thoát. Nhưng gia đình anh cùng cả ba họ nhà ta trong làng Cao Xá Trung đều đang bị giam giữ trong đình. Tên Công sứ Hà Đông đích thân đến làng thề sẽ tru di cả 3 họ nhà ta sẽ giết sạch, đốt sạch, xóa sổ mấy trăm mạng người cả làng Cao Xá, nếu nội trong ba ngày em không tự nộp mình cho chúng.

Khi nghe ông anh trai kể xong, Hai Hiên đã quỳ xuống lạy anh và khí khái thưa:

- Em chỉ hận chí lớn của em và các chiến hữu không thành khiến cả làng, cả họ vạ lây có nguy cơ ngập vào đầu rơi máu chảy. Em chỉ hận nợ nước chưa kịp đền! Việc em làm em chịu! Quyết không để ai liên lụy. Em sẽ về đổi mạng cho dân làng và họ tộc!

Và rạng sáng hôm nay, theo đúng hẹn với anh trai, Hai Hiên cưỡi ngựa băng theo lối tắt, vượt đồng sâu vào nhà thờ họ Nguyễn làng Cao Xá Trung. Vừa nhìn thấy em trai, ông phủ Nguyễn Văn Trù òa khóc:

- Em ơi! Anh thật vô cùng xấu hổ vì lẽ ra người làm quan như anh mới phải là người ra tay cứu nước trước. Vậy mà anh, đã không làm tròn được khí tiết trước non sông thì chớ, không phụ giúp được người anh hùng xả thân vì dân tộc, lại còn cầu xin em từ bỏ mạng sống để cứu giúp gia đình mình, họ tộc mình, dân làng mình. Làm quan như anh thật vô ích, thậm nhục nhã. Mang tiếng làm quan lớn của dân mà ngày ngày chịu sự sỉ nhục sai bảo của một lũ giặc ngoại xâm cướp nước tanh hôi đi đàn áp đồng bào mình. Khom lưng, quỳ gối vì miếng cơm manh áo dơ dáy. Làm anh trưởng mà không có đủ dũng khí để làm gương cho các em. Ngày ngày dâng hương lên bàn thờ tiên tổ, đứng trước các bài vị của cha ông - những anh hào tiết liệt xa xưa, anh không khỏi hổ thẹn. Anh thật không đáng có mặt trên đời này!

Quan phủ Nguyễn Văn Trù vùng dậy, chạy ra cửa, rồi quay ngược lại nhằm cây cột gỗ có treo câu đối trước bàn thờ lao đầu vào.

Hai Hiên đang đứng bên bàn thờ thấy vậy vội bổ nghiêng sang ngáng đường. Ông đã kịp thời chặn được phần nào cú lao chí tử của quan anh. Nhưng đầu ngài cũng đã va vào tấm câu đối bầm máu. Hai Hiên ôm chặt người anh, khẽ trải lòng:

- Thưa anh! Từ thuở thơ ấu, ba anh em chúng em tuy là không được cùng một mẹ với anh, nhưng anh vẫn coi chúng em không khác nào cùng mẹ sinh ra. Cha mất sớm mà chúng em vẫn còn quá nhỏ dại, anh thay cha cưu mang, dạy dỗ chúng em học hành, bảo ban ba anh em từ lời ăn, nết ở, quan tâm tới chúng em trong cuộc sống từ mái ấm, cho đến công ăn việc làm. Công ơn ấy chúng em luôn luôn ghi nhớ. Là người anh trưởng, nghiệp nhà quá lớn, gánh nặng mình anh. Anh tạo dựng cho cả gia đình. Cả dòng họ nhà ta vẫn thường trông cậy vào anh mỗi khi công to việc lớn, gặp việc đời trắc trở. Lý ấy, anh đừng băn khoăn nhiều. Với em, anh luôn là bậc phụ huynh gương mẫu. Trong thâm tâm, xưa nay, em vẫn luôn coi anh như là một người cha đáng kính.

- Nhưng anh còn thua cả nữ nhi. Anh cảm thấy nhục quá!- Quan phủ lắc lắc mái đầu hoa râm mới mấy ngày đã trở nên bạc trắng - Anh không bằng cả cô Hai vợ em. Cô ấy còn dám chính danh gan dạ trợ giúp nghĩa quân mong trừ nguy cứu quốc. Nay bị bắt giam trong ngục rồi. Thương quá! Cô ấy mới hai mươi tuổi đầu, còn quá trẻ, quá đẹp. Nghe nói cô ấy không bị tra tấn tàn khốc lắm vì đã nhận luôn tội tìm và vận chuyển độc dược cho nghĩa binh! Vợ em quả là nhi nữ mà anh thư tú kiệt; quả không hề hổ thẹn là người vợ tiết liệt, trung kiên của em. Còn bà Nhiêu Sáu. Ôi chao! Bọn mật thám Tây dã man lắm em ơi! Chúng đóng đinh nhọn vào thùng gỗ, rồi nhét bà vào đó mà lăn từ nhà bà về ngục Hỏa Lò. Cả Hà Thành chứng kiến sự can trường của vị nữ anh hùng ấy: Không một lời khóc lóc van xin. Ngược lại bà liên tục lớn tiếng gào thét, nguyền rủa quân cướp nước. Người bà Sáu Nhiêu rách tướp, máu bà chảy qua thùng thấm đẫm xuống đất suốt dọc những con đường mà bà bị lăn qua. Những con đường của Hà Thành - mảnh đất chôn nhau cắt rốn mà bà đã cắt máu thề nguyền sẽ đem cả tính mạng ra để cứu nó.

Một ông Đội bạn em đã quát vào mặt Tổng đốc Hà Đông đang hỏi cung ông rằng: “Những điều ông hỏi làm chúng tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi tự hỏi rằng: Không biết tại sao ông lại còn hỏi chúng tôi như thế? Bởi vì, suy cho cùng, ông cũng là người Việt Nam, ông phải hiểu cái việc mà chúng tôi - ba người lính khốn nạn này - đã cố làm. Chính các ông - những ông quan, ông lớn - các ông phải làm việc đó trước tất cả mọi người mới phải”(6) Chao ôi! So với ông Đội lính khố đỏ bình thường đó, so những người đàn bà như bà Ba Đề Thám, bà Nhiêu Sáu và cô Hai vợ em, anh là một vị quan mà thật đê nhục! Thật không đáng sống!

Hai Hiên vội đỡ anh dậy:

- Em xin anh nghĩ lại! Anh Hữu, em Điều, rồi vợ em đều bị Pháp bắt giam vào Hỏa Lò hết cả rồi. Chắc rằng cũng chẳng có ngày về. Vợ chồng em chưa có con cái gì, em Điều chưa vợ, thôi thì cũng xong, Nhưng còn vợ con anh cùng vợ con anh Hựu, các cháu còn quá nhỏ dại. Anh mà cũng bỏ dương gian này mà đi thì dòng dõi nhà ta tan nát hết. Gia đình ta nay đều trông vào một mình anh. Anh không nên nghĩ quẩn. Xin anh hãy nén nhịn, gắng sống để còn chăm lo cho dòng tộc nhà mình. - Hai Hiên nắm chặt tay, mắt quắc lên - Hãy nuôi mối cừu hận này trong lòng con cháu dòng họ nhà ta. Hãy gắng nuôi dạy chúng nên người, đặng mai sau phục thù cứu quốc. Quân tử phục thù mười năm, hai mươi năm vẫn chưa muộn mà anh. Hy vọng mai sau em cùng các đồng chí của mình được ngậm cười nơi chín suối khi thấy Tổ quốc mình độc lập, quốc dân mình được tự do, hùng cường sánh vai được với các cường quốc năm châu…

Cánh cửa gỗ lớn của nhà thờ tổ họ Nguyễn từ từ mở rộng. Dân làng Cao Xá Trung chẳng biết từ lúc nào đã kéo đến đứng chật sân nhà thờ. Họ thấy cậu ấm Hai Hiên người anh hùng của họ từ trong nhà thờ họ đường hoàng, đĩnh đạc bước ra bậc thềm hiên giữa vầng sáng chói lòa từ ánh mặt trời rực rỡ của buổi sáng giữa thu ùa vào người ông như giát vàng.

Lý trưởng làng Cao Xá Trung vội bước lên trước, quỳ sụp trước mặt Hai Hiên, vái ba lạy rồi quay lại lớn tiếng nói với dân làng:

- Ông Hai Hiên đã vì nghĩa lớn mà khởi nghĩa cứu nước. Đại sự bất thành là một nỗi uất hận, đau đớn khôn cùng. Ông đã may mắn trốn thoát khỏi bàn tay truy sát của giặc Tây. Đó là trời thương người anh hùng mà bao dung, che chở. Nhưng nay ông lại không nỡ để mặc toàn bộ con dân làng ta chết trong thảm sát mà tình nguyện hy sinh cả cái tính mạng quý giá của mình. Các bô lão và toàn bộ chức sắc trong làng Cao Xá ta đã họp bàn đêm qua: Tên làng là của tiên tổ để lại, đã được Thành hoàng chứng ghi lâu năm, khó đổi, nay chỉ có thể lập tên xóm. Làng ta xin được ghi nhớ công ơn trời biển của ông Hai Hiên bằng cách lấy tên ông làm tên xóm đã sinh ra ông - người anh hùng của dân tộc, để con cháu Cao Xá Trung ngàn đời hàng ngày vẫn luôn nhắc nhở, ghi tâm khắc dạ người anh hùng đã vì nghĩa lớn mà tình nguyện xả thân vì dân làng. Xóm Hai Hiên! Các bà con dân làng có nhất trí không?(7)

“Có ạ! Nhất trí! Xóm Hai Hiên ạ!”, “Nhất trí! Xóm Hai Hiên!”…

Những tiếng dạ ran lên cùng những tiếng khóc sụt sịt cố ghìm nén, xen tiếng niệm Phật bột phát vang lên: “Nam mô A-di-đà Phật!”, “Nam mô A-di-đà Phật”… tiễn Hai Hiên một trong những nghĩa sĩ lừng danh nhất của cuộc khởi nghĩa Hà thành đầu độc - bước vào cõi bất tử của sử xanh - một trang sử đẫm máu bi hùng của kinh thành Thăng Long, Thủ đô thiêng liêng ngàn đời của đất Việt…”

….

Càng đọc những trang hồi ký của cụ Sếp Phong, hai vợ chồng Hiển và Thanh Ngọc càng thấm thía: Dòng họ ngoại của Hiển là một dòng họ nặng lòng yêu Hà Nội, đã cống hiến nhiều liệt sĩ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung và vì Thủ đô Hà Nội nói riêng. Riêng trong vụ đầu độc Hà thành, dòng họ của Hiển đã cống hiến 4 vị liệt sĩ là ba anh em ông Hai Hiên và bà Hai vợ của ông. Dòng bên nội của ông Hai Hiên đã phải phiêu dạt khắp nơi để tránh bị thực dân Pháp mượn luật tru di tam tộc của triều đình phong kiến nhà Nguyễn lúc đó truy sát. Mẹ ông nội của Hiển là cháu gọi ông Hai Hiên là chú ruột phải đổi họ Nguyễn thành họ Trần để tránh bị liên lụy. Quá ngưỡng mộ tấm gương tiết liệt của ông cha tổ tiên mình, cả hai quyết định dành 3 ngày cuối cùng trước khi về Mỹ để đi thăm Thủ đô, và chính là để thắp một nén nhang lên đền thờ cụ Hai, vâng lời nhắn nhủ của vợ cụ.

*

Thanh Ngọc và Hiển được cụ Tiến dẫn đi thăm và dâng hương lên các nghĩa sĩ đã dâng hiến đời mình cho Hà thành bất tử. Nhìn Khu đài tưởng niệm “Vụ khởi nghĩa Hà thành đầu độc” khá khiêm nhường nằm nép bên cạnh Đài tưởng niệm Liệt sĩ của Phường Nghĩa Đô, Thanh Ngọc ngỡ ngàng thốt lên:

- Ủa! Cháu cứ nghĩ khu tưởng niệm cụ Hai Hiên và các nghĩa sĩ khởi nghĩa Hà thành năm 1908 phải lớn hơn, xứng với tầm vóc của một cuộc khởi nghĩa làm rúng động Đông Dương vang tới tận Châu Âu làm nước Pháp run sợ chứ ạ?

Ông Tiến ngậm ngùi:

- Đây mới chỉ là dự án tôn tạo của quận Cầu Giấy, chứ chưa phải của thành phố Hà Nội…

Chiều hôm sau, khi chia tay ông Tiến nơi sân bay Nội Bài để trở về Oasinhton làm việc, Hiển rơm rớm nước mắt nói với ông:

- Từ nơi xa Tổ quốc, cháu và vợ cháu sẽ luôn luôn nhớ về Hà Nội, nhớ công ơn của các liệt sĩ đã dâng hiến đời mình cho Thủ đô và Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp hôm nay. Chúng cháu hy vọng lần tới trở về sẽ được thăm một khu tưởng niệm riêng cho các nghĩa sĩ khởi nghĩa Hà thành năm 1908 rộng rãi và trang trọng, xứng tầm Thủ đô. Cháu cũng hy vọng Hà Nội sẽ có một con đường mang tên ông Hai Hiên để đền đáp nghĩa lớn của vị lãnh tụ khởi nghĩa đã cùng vợ mình dâng hiến cả tính mạng và hạnh phúc cho nền độc lập và tự do để Hà thành được bất diệt./.

Hà Nội ngày 30-8-2024

Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư

Cháu bên ngoại đời thứ 3 của ông Hai Hiên./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Thị Anh Thư. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
  • Sông Đáy có còn sông trăng hay sông lụa
    Hà Nội chiết tự tiếng Hán có nghĩa là trong sông, thành phố trong sông. Thành phố Hà Nội có chín con sông ngang qua. Đó là sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Đuống, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ, sông Tích, sông Đà, sông Nhuệ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Nón lá làng Chuông: Lưu giữ hồn Việt giữa lòng Thủ đô
    "Muốn ăn cơm trắng cá trê, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông"... Câu ca này đã được truyền tụng từ bao đời không còn ai nhớ nữa, chỉ biết rằng nó là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi - nghề làm nón lá ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội).
  • Thêm nhiều đầu sách mùa Trung thu cho thiếu nhi
    Nhân dịp Tết Trung thu, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm với nội dung, thông điệp ý nghĩa dành cho thiếu nhi.
  • [Video] Nồng ấm tình người Hà Nội trong bão lũ
    Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ gần đây, nhiều địa phương của Thành phố Hà Nội bị ngập lụt, đời sống người dân bị ảnh hưởng. Nhưng trong những lúc khó khăn, đầy thử thách này, hình ảnh về người Hà Nội thanh lịch văn minh, nghĩa tình, nồng ấm yêu thương, tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam lại tỏa hương sắc...
  • Huế: Kiểm tra, đánh giá độ an toàn 3 cây cầu bắc qua sông Hương trước mùa mưa bão
    Khu Quản lý Đường bộ II phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, đánh giá tổng thể các cầu Phú Xuân, Trường Tiền và Phú Lưu (TP Huế) để đảm bảo an toàn giao thông trước mùa mưa bão.
  • Rút báo động lũ trên sông Đuống
    Căn cứ vào mực nước sông Đuống tại Trạm Thủy văn Thượng Cát, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội đã ban hành Lệnh rút báo động lũ trên sông Đuống vào sáng 13/9/2024.
Đừng bỏ lỡ
Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO