Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Nhớ gì khi xa Hà Nội

Nguyễn Hằng 03/09/2024 20:30

Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.

6zpi3c7i.png
Ảnh minh hoạ

Ngày mới chân ướt chân ráo ra Thủ đô, địa điểm đầu tiên tôi được chị gái dẫn đi thăm chính là Lăng Bác Hồ. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những rung động, thổn thức của con tim trong lần đầu viếng thăm ấy.

Từ tờ mờ sáng, chị em tôi đã có mặt tại quảng trường, trước khu Lăng Chủ tịch để dự lễ thượng cờ Tổ quốc. Đó là một màn nghi lễ rất thiêng liêng. Đúng 5 giờ 50 phút, loa phát thanh từ quảng trường phát thông báo: “Đã đến giờ cử hành lễ chào cờ. Đề nghị nhân dân ở khu vực quảng trường dừng mọi hoạt động, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lễ chào cờ được diễn ra trang trọng”. Tiếng loa vừa dứt, tất cả mọi người không ai bảo ai đều quay mặt về hướng Lăng trong thế đứng nghiêm trang. Tiếng nhạc “Tiến bước dưới quân kỳ” nổi lên hùng tráng: “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa”. Tiếp đó, một trung đội cảnh vệ quân phục chỉnh tề, nghiêm trang vác súng tiến đến trước cột cờ và thực hiện nghi thức thượng cờ. Lần đầu tiên được chứng kiến không khí trang nghiêm, trầm mặc lúc ấy, lòng tôi bất chợt dấy lên niềm tự hào vô bờ. Tôi hướng tầm mắt nhìn bao quát một lượt khu vực quảng trường lăng Bác. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước hàng vạn đồng bào. Đầu óc tôi như mường tượng ra hình bóng Bác đang hiền từ, giản dị đứng trên kì đài đọc tuyên ngôn độc lập. Và dưới đây, ngay nơi tôi đang đứng, gần một triệu đồng bào đang xúc động khi lắng nghe câu hỏi giản dị đầy quan tâm của người lãnh tụ tối cao: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không”.

Sau lễ thượng cờ, chúng tôi hòa chung trong dòng người chầm chậm tiến về Lăng Bác. Lời Quốc ca vang lên trầm hùng, xúc động: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu Quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Chúng tôi vừa đi, vừa kìm nén niềm xúc động đang trào dâng trong huyết quản. Mỗi người dân một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đều mang chung một tâm trạng tri ân thành kính đối với Bác. Chúng tôi lặng lẽ đi quanh thi hài Bác, lồng ngực ngân lên những nhịp đập thổn thức khi tận mắt nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt đang nằm thanh thản trong giấc ngủ bình yên. Dù cố gắng giữ trật tự theo quy định nhưng xung quanh tôi vẫn vang lên những tiếng khóc sụt sùi. Mọi người lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt. Ai cũng muốn đi chậm hơn một chút, dừng chân lâu hơn một chút để được nhìn Bác thêm chút nữa… Khoảnh khắc ngắn ngủi vậy thôi nhưng là những giây phút thiêng liêng và đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi.

Rời Lăng Bác, chị em tôi dong xe chạy hướng về Hồ Gươm - một danh thắng đẹp nằm giữa lòng Thủ đô tráng lệ. Nằm giữa phố xá ồn ào, náo nhiệt nhưng Hồ Gươm giống như một quần thể tách biệt với các kiến trúc như Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Có thể nói, Hồ Gươm là danh lam thắng cảnh vô cùng đặc biệt khi được thiên nhiên ưu đãi suốt 4 mùa. Mùa xuân, nước Hồ Gươm xanh biếc nằm lặng yên soi bóng những hàng cây, ven hồ là những hàng cây hoa anh đào và hoa bằng lăng nở rộ tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng và lãng mạn. Mùa Hạ, bầu không khí tươi mát, hồ nước trong xanh tạo không gian thoáng đãng cho du khách dạo chơi, ngắm cảnh. Thu đến, Hồ Gươm đẹp dịu dàng và thanh khiết khi được tô điểm bởi những hàng cây với tán lá đổ vàng màu hổ phách rồi liệng bay trong không gian, se sẽ đáp xuống mặt hồ. Đông về, Hồ Gươm lại khoác lên mình vẻ trầm mặc, tĩnh lặng mang dáng đứng rêu phong, cổ kính.

Hồ Gươm còn ghi dấu ấn trong lòng du khách khi gắn liền với được gắn liền với truyền thuyết về người Anh hùng dân tộc Lê Lợi - Lãnh tụ của nghĩa quân Lam Sơn trả thanh gươm thần cho thần rùa tại hồ. Tương truyền Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, đã vớt được một lưỡi kiếm dưới sông, lại tìm được cái chuôi ngoài ruộng. Lưỡi lắp vào chuôi vừa khít. Lê Lợi liền đem kiếm báu dấy cờ kháng chiến suốt mười năm đánh đuổi giặc Minh. Giải phóng đất nước, nhà vua đóng đô ở Thăng Long cũ và gọi là Đông Kinh. Một buổi, vua dạo thuyền trên Hồ Gươm (Lúc bấy giờ đang có tên là hồ Lục Thủy), bỗng gặp một con rùa vàng lớn nhô lên mặt nước. Rùa nói: “Xin nhà vua trả kiếm thần cho Long Vương”. Kiếm vừa rút khỏi vỏ đã vút bay về phía rùa, rùa ngậm lấy và lặn biến mất. Từ sự tích này mà hồ Lục Thủy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hồ trả Gươm hay gọi tắt là hồ Gươm).

Hồ Gươm vừa là nơi phong cảnh hữu tình, vừa mang trên mình nhiều chứng tích của lịch sử. Bởi vậy, nơi đây không chỉ là đặc trưng của Hà Nội mà còn là nơi lưu giữ tình yêu, niềm tự hào của biết bao người con Hà thành nói riêng và những người con đất Việt nói chung. Hà Nội là thủ đô, trái tim của đất nước và Hồ Gươm là địa danh mang trong mình hồn sắc thiêng liêng của Hà Nội.

Hà Nội còn để lại trong tôi những xúc cảm bâng khuâng khi hồi tưởng đến những tiếng rao đêm đã hằn sâu vào tâm tưởng. Thời sinh viên, đám bạn kí túc xá phòng tôi thường rủ nhau lên phòng truyền thống của học viện ôn bài tới khuya. Chừng 1-2h sáng, khi năng lượng buổi tối nạp vào đã tiêu hao hết, bụng réo cồn cào cũng là lúc phố đêm Hà Nội vang lên những tiếng rao đêm đầy ma lực “Bánh khúc đê, bánh khúc nào…Ai bánh khúc nóng đây”, “Xôi nóng đây”, “Bao nóng đây”. Chúng tôi cùng ùa chạy ra cổng rào ngăn cách giữa học viện và đường phố, tranh nhau gọi lớn vì sợ hàng bán dạo đi mất. Đứa thì mua xôi, đứa lại mua bánh bao, còn tôi bao giờ cũng chọn xôi khúc bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng của món ăn này. Nhìn cô bán hàng rau mở thúng xôi, dỡ lớp vải và lớp túi bóng ra để lộ mảng xôi khúc nóng hổi đang bốc hơi nghi ngút, tôi thầm nuốt nước miếng trong chờ đợi. Cầm đùm xôi khúc nóng hổi trên tay, vừa ăn vừa hít hà trong cảm giác thưởng thức một thứ đồ ăn thơm ngon vô tận. Đến nỗi, tận tới bây giờ, mỗi khi nhớ lại kỉ niệm ấy, tôi vẫn vô thức nuốt cơn thèm thuồng xuống cổ.

Hà Nội ồn ào trong nhịp phát triển vồn vã nhưng đâu đó giữa lòng Hà Nội vẫn tồn tại những người bán hàng rong mưu sinh như thế. Trên từng con phố nhỏ, bóng hình những chuyến xe bán hàng rong, gánh hàng rong len lỏi ngược xuôi gắn với bóng hình người lao động chân chất, lam lũ như khắc sâu vào tâm trí mọi người. Cũng như tôi, các bạn bè thường thắc mắc, chẳng biết những gánh hàng rong xuất hiện tại Hà Nội tự bao giờ, nhưng hình ảnh đó đã trở thành một mảnh ghép đặc trưng không thể thiếu của phố phường Hà Nội. Thủ đô ngày nay dẫu đã thay thế vẻ cổ xưa bằng những con phố tấp nập, hiện đại, những toà nhà cao tầng mọc lên san sát, những quán xá hiện đại lung linh nhưng những gánh hàng rong vẫn còn đó, bình dị và thân thương như một phần máu thịt của phố thị để ai đi xa lại thao thiết nhớ về. Ngỡ như, những gánh hàng rong tìm đến Hà Nội 36 phố phường để mưu sinh vì cuộc sống nhưng cũng chính mảnh đất kinh kì này cũng cần những tiếng rao đêm ấy để điểm tô cho nhịp sống thị thành những nốt nhạc trầm lắng, thẳm sâu.

Hà Nội trong tôi, vừa hiện đại vừa mênh mang với những nỗi niềm da diết. Muôn ngả đổ về thủ đô mưu sinh tạo nên một Hà Nội với nhịp sống ồn ào, tấp nập nhưng người Hà Nội vẫn đầy tao nhã, cảnh Hà Nội vẫn hết sức nên thơ và tình người Hà Nội vẫn luôn đong đầy những sợi thương, sợi nhớ./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Hằng. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
(0) Bình luận
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
  • Sông Đáy có còn sông trăng hay sông lụa
    Hà Nội chiết tự tiếng Hán có nghĩa là trong sông, thành phố trong sông. Thành phố Hà Nội có chín con sông ngang qua. Đó là sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Đuống, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ, sông Tích, sông Đà, sông Nhuệ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhớ gì khi xa Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO