Chính sách & Quản lý

Khai quật khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc, xuất lộ di tích có 2 tháp thờ duy nhất ở Việt Nam

Hương Giang 09:14 09/07/2025

Sau khi thăm dò, khai quật di tích Tháp đôi Liễu Cốc (phường Kim Trà, TP Huế) giai đoạn 2 đã thu được 9.380 tiêu bản và mảnh hiện vật, trong đó xác định được di tích duy nhất ở Việt Nam có 2 đền tháp thờ chính.

gen_h_thap3-1751961915674.jpg
Các chuyên gia khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Ngày 8/7, Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức công bố kết quả thăm dò và khai quật di tích cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc (phường Kim Trà, TP Huế) giai đoạn 2.

Theo đó, từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6/2025 di tích Tháp đôi Liễu Cốc (phường Kim Trà, TP Huế) được tiến hành khai quật với việc mở 2 hố tổng diện tích 60 m² (một hố ở phía Đông của tháp Bắc để làm rõ tiền sảnh và đường vào tháp Bắc, một hố ở vị trí phía Bắc và Đông của tháp Nam để làm rõ quy mô cũng như kết cấu cùng cửa vào tháp Nam), ngoài ra cơ quan khảo cổ còn mở khai quật 2 hố thám sát tổng diện tích 6 m² ở phía Bắc của tháp Bắc và phía Nam của tháp Nam. Sau khi khai quật, các nhà khảo cổ đã thu được 9.380 tiêu bản và mảnh hiện vật, tập trung chủ yếu là các loại hình vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và các mảnh kim loại đồng.

Từ khai quật khảo cổ đã xác định được mặt bằng, quy mô và kết cấu toàn bộ kiến trúc đền tháp Bắc và một phần cấu trúc mặt bằng của đền tháp Nam, đồng thời ở 2 hố thám sát cũng xác định được vị trí, khoảng cách và một phần cấu trúc hệ thống tường bao phía Bắc và phía Nam của khu đền tháp.

Qua khai quật, các nhà khảo cổ cũng xác định di tích Tháp đôi Liễu Cốc là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên gò đất phù sa thấp nằm bên hữu ngạn gần sông Bồ được quy hoạch trong một khu đất bằng phẳng với hai đền tháp chính ở trung tâm, bao quanh là hệ thống tường bao ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi. Đặc biệt, Tháp đôi Liễu Cốc là di tích duy nhất hiện biết ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có hai đền tháp thờ chính.

Cả 2 tháp đều được xử lý gia cố nền bằng đất sét pha cát và bề mặt đầm chắc bằng đất Laterite màu đỏ sẫm, toàn bộ kiến trúc sử dụng vật liệu chủ yếu là gạch từ nguyên liệu đất sét khai thác gần sát di tích... Bên cạnh đó, hai tháp không xây dựng cùng thời điểm, có sự chênh lệch thời gian khoảng 10 - 20 năm (tháp Bắc được xây dựng sớm - cuối thể kỷ IX và tháp Nam xây muộn hơn khoảng cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X). Có thể xác định, từ sau năm 1306 Tháp đôi Liễu Cốc đã dần bị xuống cấp và không được chăm sóc tu bổ, nhiều cấu kiện và trang trí kiến trúc bị rơi rụng vùi lấp trong đất. Tuy nhiên, dù không được chú trọng bảo tồn và xây dựng nhưng nơi đây vẫn có người dân (có thể có cả người Việt và người Chăm) sùng tín đến dâng hương lễ bái và sau này còn lập miếu thờ Dương Phi (bà Chúa Tháp) ngay trước mặt tháp Nam.

Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, kết quả bước đầu sau thăm dò, khai quật Tháp đôi Liễu Cốc đã cung cấp nhiều cứ liệu khoa học quan trọng, đem đến nhiều nhận thức mới cũng như các vấn đề còn bỏ ngõ chưa thể nhận diện đầy đủ về lịch sử, bố cục, không gian và tính chất của di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Di tích Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm, là di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị và đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng. Năm 1926, di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương thời bấy giờ.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khai quật khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc, xuất lộ di tích có 2 tháp thờ duy nhất ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO