Chính sách & Quản lý

Di tích cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc thành nơi trồng hoa màu

Hà Oai 13/04/2024 18:08

Bên trong Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) không còn nguyên vẹn biến thành nơi trồng hoa màu của người dân khiến di tích cấp Quốc gia mất cảnh quan thẩm mỹ, giá trị văn hóa…

Tháp đôi Liễu Cốc không còn nguyên vẹn

Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa ước khoảng 1.000 năm tuổi và từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ xếp vào hạng những di tích giá trị trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương, tồn tại không còn nguyên vẹn.

z5331012681557_f090c5a7761ff214d13dc4c39926e416.jpg
Toàn cảnh khu vực di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Nhìn vào bình đồ Tháp đôi dễ nhận thấy hai tháp, một tháp lớn và một tháp nhỏ: Tháp lớn có chân móng vùi lấp dưới lòng đất, gạch, hiện nay chưa xác định nền móng ban đầu của tháp. Chiều cao xác định được từ cos diềm tháp đến cos bắt đầu của chân móng là 4m. Bên trong tháp ở phía Tây còn lưu giữ một đoạn vòm cuốn gạch của đỉnh tháp, đặc trưng kết cấu thể hiện trong các công trình kiến trúc, văn hóa tôn giáo Chăm. Ở tường ngoài tháp có các khoảng tạo hình lõm, chia mặt chính tháp thành hệ thống bổ trụ. Nền tháp lát và bó vỉa bằng gạch, tường tháp dày 1,6m, diện tích lòng tháp còn lại trên 9m².

Tháp nhỏ có chất liệu và kỹ thuật xây dựng giống tháp lớn, lòng tháp còn lại khoảng 7,5m². Tháp Đôi Liễu Cốc được xây dựng gần nhau trên hai trục song song hướng Đông – Tây, lối vào tháp ở phía Đông.

Theo truyền thuyết, vùng tháp cổ đó do “Bà Chúa Tháp” cai trị, rất linh thiêng. Cạnh tháp có một ngôi miếu xây lên từ đời vua Thành Thái, được họ Nguyễn Văn tái tạo để thờ Bà Chúa Tháp, thường gọi là “Miếu Bà Cô xóm Tháp”. Tháp Đôi Liễu Cốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia ngày 20/7/1994.

z5331012665129_afee38fd6abbedf5bc36edff51bffc18.jpg
Miếu Bà và phía sau là Tháp đôi.
z5331012678656_e5986de275db3a646165aa04f9ba02eb.jpg
Tháp đôi Liễu Cốc là công trình không còn nguyên vẹn.
z5331012687712_24fdc9800934b7259dcfc4aebdc4da2b.jpg
Dấu tích của Tháp lớn.
z5331012727386_11127eb909db708a95661c2e4a110261.jpg
Tháp nhỏ chỉ còn thấy phần gạch.

Người dân trồng hoa màu trong khu vực Di tích cấp Quốc gia

Theo đó, Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tạp chí Người Hà Nội tại Tháp đôi Liễu Cốc cho thấy, bên trong có miếu thờ, 3 cây xanh cao to và cây cối bên trong mới được phát quang. Trong khi Tháp đôi không còn nguyên vẹn mà chỉ thấy các cục gạch vương vãi và dấu tích tháp là những lớp gạch vẫn đang còn xếp lên cao. Đặc biệt, hơn 1/2 bên trong di tích cấp Quốc gia đã bị người dân lạm dụng, xâm phạm với việc trồng cây hoa màu ngắn ngày như xả, đậu, ớt lạc, giàn bầu… khiến cho Tháp Đôi Liễu Cốc mất cảnh quan thẩm mỹ, giá trị văn hóa lịch sử…

Theo một người dân đang chăm sóc giàn bầu cho biết, nếu không được trồng rau màu thì nơi này sẽ có cây cối mọc um tùm và cũng chỉ trồng phía sau không ảnh hưởng gì đến Tháp đôi hay Miếu Bà. “Trồng rau màu và thường xuyên làm cỏ nên các cây dại xung quanh cũng không lên được và di tích sẽ không bị cây hoang mọc um tùm như xưa” – Người dân này nói cho biết.

Trước vấn đề kể trên, PV Tạp chí Người Hà Nội đã liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo UBND phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) mong muốn được trao đổi thông tin liên quan đến di tích Tháp đôi Liễu Cốc nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền địa phương.

z5337137206638_a7f5fe7d5d72048f56d4089110df26ce.jpg
Người dân trồng xả và đậu phía bên trái (nhìn từ cổng vào) trong khu vực Tháp đôi Liễu Cốc.
z5331012676184_fcdc73bd208aa8569e595b5a4aa53909.jpg
Phía sau Tháp đôi được người dân trồng rất nhiều rau màu.
z5337158715598_dad49c8619d9cce13d70bbf20a6a30f6.jpg
Phía sau Tháp đôi đã được người dân trồng ớt, đu đủ...
z5331012669744_385e3167b279329f2d7d287aefa44d6b.jpg
Người dân đang buộc lại giàn bầu của mình.

Trao đổi với PV Tạp chí Người Hà Nội, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ và đơn vị đang phối hợp cùng với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để cuối tháng triển khai. Việc di tích Tháp đôi Liễu Cốc bị người dân trồng hoa màu xâm phạm sẽ cho kiểm tra bởi đã giao cho địa phương phối hợp với Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý Tháp đôi Liễu Cốc.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 898/QĐBVHTTDL ngày 2/4/2024 do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương ký, cho phép Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc (thôn Bàu Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo quyết định, diện tích thăm dò và khai quật là 80m² (diện tích thăm dò là 20 m² gồm 4 hố x 5m²/hố và diện tích khai quật là 60m² gồm 3 hố x 20m²/hố) với thời gian từ ngày 9/4 - 5/7/2024.

Việc thăm dò khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt thăm dò khai quật khảo cổ, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất là một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Di tích cấp Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc thành nơi trồng hoa màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO