Hà Nội xưa - nay

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa

Quỳnh Chi 16/10/2024 06:54

Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.

GS.TS. Đặng Cảnh Khanh cho biết thêm, với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long - Hà Nội từ xa xưa cũng còn là một thành phố sáng tạo, nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa Việt Nam. Nó cũng thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước. Về phương diện này, chính môi trường sống Thăng Long - Hà Nội cũng tạo cho người Thăng Long Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn những khu vực khác trong học tập, lao động và sáng tạo.

thanglonghanoi.jpg
Thành phố Kẻ Chợ, kinh đô xứ Đàng Ngoài khoảng năm 1685. Hình minh họa trong sách của Samuel Baron (London, 1732).

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi từng phân tích, chúng ta không nên nhìn nhận văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội “bằng con mắt tĩnh mà cần phải hiểu nó như một khái niệm động”. Ngược lại, Nguyễn Huệ Chi cũng cho rằng, chính môi trường văn hóa Thăng Long - Hà Nội “đã có một ưu thế riêng vừa cải biến nhanh chóng cốt cách của những con người nhập cư, biến họ thành người Hà Nội, vừa chưng cất, tinh lọc mọi sản phẩm mà họ sáng tạo để sớm trở thành những giá trị mới mẻ, khác xa với văn hóa gốc rễ nơi họ ra đời”.

Chính từ đặc điểm mang tính chất trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội mà chúng ta có thể thấy, dường như trong lịch sử phát triển của dân tộc, tất cả những thánh hiền, anh hùng, nghệ sĩ, danh nhân nổi tiếng của dân tộc đều ít nhiều có quan hệ tới mảnh đất địa linh nhân kiệt Thăng Long – Hà Nội. Hoặc sinh ra lớn lên, hoặc học hành đỗ đạt, hoặc lập nghiệp, công thành danh toại, thậm chí hy sinh thân mình vì mảnh đất ngàn năm văn hiến.

thaprua.jpg
Toàn cảnh Hà Nội đầu thế kỷ XX nhìn từ trên cao, trung tâm là tháp rùa nổi lên trên hồ Gươm, phía xa là sông Hồng và cầu Long Biên.

Thăng Long xưa luôn được coi là mảnh đất của những người sáng tạo, những thần đồng, những thiên tài. Người ta nói nhân tài nơi đây xuất hiện như lá tre, xuất hiện từ khi tuổi còn rất trẻ, ba tuổi đánh giặc như Thánh Gióng, trẻ chăn trâu, đánh khăng ngoài đường nhưng vẫn có thể ứng đối chữ nghĩa, văn chương trôi chảy. Người Thăng Long xưa xuất hiện trong giới chính trị, văn nhân tao nhã, ở nơi nào họ cũng đứng nơi vị trí đầu bảng, trong nhóm những người xuất sắc nhất. Điều này dường như là hiển nhiên.

Nhưng Thăng Long xưa cũng còn có rất nhiều người được coi là “dị nhân”, những tài năng xuất chúng, chẳng có thi cử đỗ đạt gì mà vẫn thông kim bác cổ. Người ta nói nhiều đến một tầng lớp thật đặc biệt được gọi là “sĩ phu Bắc Hà”, mà đặc trưng nhất cho nhóm người này chính là dân Thăng Long. “Sĩ phu Bắc Hà” có thể có rất nhiều điều khiến cho sĩ phu nơi khác nể sợ cũng có, mà ghen tỵ cũng có, cả cảm phục mà đôi khi cũng cả căm ghét. Nhưng khi nói đến “Sĩ phu Bắc Hà” thì ít ai phủ nhận được rằng họ là những người đặc biệt, mà đặc biệt nhất chính là họ có tài năng sáng tạo.

ngothinham.jpg
Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là một “Sĩ phu Bắc Hà”, nhà ngoại giao xuất sắc của dân tộc. Ông là người làng Tả Thanh Oai, trước kia thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, các cậu học trò xứ Thăng Long xưa hay chữ đã đành, nhưng ngoài việc vận dụng chữ nghĩa văn chương như thần - trường hợp của “Thần Siêu” (Nguyễn Văn Siêu), “Thánh Quát” (Cao Bá Quát), họ còn là những người uyên thâm bác học, hỏi đâu biết đấy. Thăng Long là mảnh đất sinh ra, nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, cũng là nơi phát hiện, rèn luyện và sử dụng nhân tài. Và sau cùng, cái miền “phồn hoa thứ nhất Long thành” cũng là môi trường hoạt động khắc nghiệt để chọn lựa và đào thải nhân tài.

Ngày xưa, sống ở đất Kinh kỳ Thăng Long mà không học hành, rèn luyện, lao động miệt mài là khó có thể tồn tại được. Văn hóa Thăng Long dường như không chấp nhận những sự dễ dãi. Công tử bậc nhất kinh thành như cậu Chiêu Bảy (Nguyễn Du), cha là Nguyễn Nghiễm làm đến tể tướng, anh Nguyễn Khản là Tả thị lang Bộ Hình, đều là quan đại thần, học vấn tri thức đầy mình, thế mà thuở nhỏ vẫn phải ngày ngày qua đò sang sông để học tập thêm.

Người Thăng Long - Hà Nội đa tài, năng động và sáng tạo một phần cũng nhờ bầu không khí đa tài và năng động của chính Thăng Long - Hà Nội. Tài năng của Thăng Long - Hà Nội, được đào tạo từ các lò học của mảnh đất này là sự hòa quyện giữa tính uyên bác, hàn lâm với tính dân gian, dân dã, giữa sự nghiêm túc, chỉn chu với sự phóng khoáng, trẻ trung, phá cách… Nó đa dạng giống như bầu trời và mặt đất của Thăng Long - Hà Nội, khi trong sáng mạnh mẽ tươi tắn, lúc trầm mặc sâu lắng. Uyên bác như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, tài hoa và nghệ sĩ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, đài các và quý phái như Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan.

“Thăng Long - Hà Nội không chỉ là một lò đào tạo nhân tài mà còn là nơi rèn luyện bản lĩnh và nhân cách con người. Bên cạnh môi trường học tập, rèn luyện, Thăng Long còn là mảnh đất tốt để lập thân lập nghiệp. Chính môi trường sống, lao động, làm việc của chốn đô thành đã làm nảy sinh, tôi luyện nên biết bao nhiêu những tài năng cho đất nước” - GS.TS. Đặng Cảnh Khanh đánh giá.

hang-trong.jpg
Thợ vẽ tranh Hàng Trống tại Hà Nội thuở xưa.
kieuky.jpg
Qua những thăng trầm, người dân Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) vẫn giữ nghề dát vàng quỳ do Tổ nghề để lại từ thế kỷ XVII.

Ngay từ thế kỷ thứ XIV, khi viết cuốn Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi đã miêu tả không khí lập thân lập nghiệp của môi trường Thăng Long như sau: “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm, võng gấm, chồi và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt. Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn”. Thêm đó còn có Nghi Tàm, Nhật Tân trồng hoa, Yên Phụ nuôi cá cảnh, Đại Yên trồng cây thuốc, Vùng Buởi, An Thọ, Đông xã, Hồ Khẩu làm giấy, Kiêu Kỵ làm quỳ vàng, Ngũ Xã đúc đồng, chạm gỗ, Làng Me, Phù Khê, các phố Hàng Mây, Hàng tre làm hàng đan lát thủ công…

Hoạt động lao động nghề nghiệp ở Thăng Long xưa rất được tôn trọng. Những người có công trạng đóng góp, phát triển nghề được đề cao, thậm chí tôn thờ tại những nơi trang trọng nhất. Chẳng hạn người ta thờ Bà chúa nghề dệt lụa ở Nghi Tàm, Bà chúa nghề dệt lĩnh ở Tây Bắc Hồ Tây (Trích Sài, Bái An, Yên Thái, Nghĩa Đô…), Bà chúa dệt vải ở Thành Công. Thợ lành nghề ở Thăng Long được đào tạo bài bản, trước khi hành nghề thường được làm lễ cúng tổ nghề. Chính không khí học tập lao động nghề nghiệp nghiêm túc đã tạo ra những người thợ trẻ tuổi lành nghề, biết yêu quý nghề nghiệp, có bản lĩnh trong cuộc sống lao động trưởng thành.

Môi trường sống của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là bầu không khí đặc thù của văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng là chiếc nôi nuôi dưỡng, đào tạo nên những con người có phong thái Thăng Long - Hà Nội, phong thái thanh lịch, an bình và sáng tạo.

“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, Hà Nội ngày nay đã hội tụ đầy đủ những điều kiện tốt nhất, thiên thời, địa lợi và nhân hòa, để kế tục và phát huy những nét đẹp trong truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội, đưa Thủ đô của chúng ta vươn tới một tầm cao mới, xứng đáng với danh hiệu Thành phố anh hùng - Thành phố vì hòa bình - Thành phố sáng tạo” - GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, khẳng định./.

Bài liên quan
  • Mấy đặc trưng trong thơ Thăng Long - Hà Nội
    Để xác định những khác biệt của thơ Hà Nội so với thơ các địa phương khác cần nhìn lại cả quá trình phát triển của thơ từ thuở lập kinh đô, phải tính đến những tác phẩm không chỉ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, mà còn của những nhà thơ từ những vùng quê khác về sống ở Thăng Long. Và chính họ, những nhà thơ bị (hoặc được) phong cách sống, phong cách thơ của Hà Nội đồng hóa, vốn đông đảo hơn các nhà thơ nguyên quán Hà Nội, đã đóng góp nhiều hơn để tạo nên phong cách trữ tình cho thơ đất đế đô.
(0) Bình luận
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
  • Kiến trúc Thủ đô (1954 - nay): Dấu ấn qua mỗi chặng đường
    Sau ngày tiếp quản (10/10/1954), từ một thành phố nhỏ bé, với lượng dân số ít, Hà Nội đã vươn tầm trở thành thành phố lớn trong khu vực và thế giới với không gian kiến trúc đô thị đa hệ, giàu bản sắc và phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, có thể thấy ngành kiến trúc quy hoạch xây dựng đã có những đóng góp đáng kể và để lại nhiều dấu ấn. Đây chính là những bước đệm, tạo đà cho sự phát triển của đô thị Hà Nội trong tương lai.
  • Giới thiệu 150 bức ảnh quý về “Hà Nội ngày tiếp quản”
    150 bức ảnh quý về ngày đoàn quân tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/1954) vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm ảnh “Hà Nội ngày tiếp quản” tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO