Hà Nội xưa - nay

Phố Hàng Buồm - Không gian di sản giữa lòng thành phố sáng tạo

Nguyễn Thị Phương Lan 07:05 17/07/2025

Nằm trong lòng khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Buồm không chỉ là nơi lưu giữ những di sản quý giá của Thăng Long xưa mà còn là minh chứng sinh động cho sự hòa quyện giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch trong bối cảnh thành phố đang vươn mình trở thành đô thị sáng tạo. Giữa dòng chảy hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng, Hàng Buồm trở thành một mô hình điển hình cho việc phát huy giá trị di sản để hướng tới phát triển bền vững, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa, vừa mở ra những trải nghiệm độc đáo cho khách du lịch.

Phố Hàng Buồm trong dòng chảy di sản đô thị

Hình thành từ thế kỷ XVII, phố Hàng Buồm từng là một trong những trung tâm giao thương sôi động bậc nhất của đất kinh kỳ, nơi giao thoa văn hóa giữa người Việt, người Hoa và ảnh hưởng của phương Tây. Đến nay, con phố này vẫn lưu giữ được nhiều giá trị kiến trúc và không gian sinh hoạt truyền thống, góp phần làm nên bản sắc đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội.

anh-1-pho-hang-buom-xua.jpg
Phố Hàng Buồm xưa (Ảnh tư liệu)

Giá trị về kiến trúc

Hàng Buồm là một phần quan trọng trong cấu trúc tổng thể của khu phố cổ, nơi vẫn còn hiện diện những ngôi nhà ống với mặt tiền hẹp, chiều sâu kéo dài - kiểu kiến trúc đặc trưng phục vụ cho hoạt động buôn bán và sinh hoạt đô thị xưa. Trên tuyến phố, du khách dễ dàng bắt gặp sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc Trung Hoa với mái ngói cong, họa tiết chạm khắc tinh xảo và phong cách Pháp thuộc với những ban công sắt, cửa sổ vòm, tạo nên một không gian kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại. Đây là minh chứng cho quá trình giao thoa văn hóa kéo dài hàng thế kỷ, là yếu tố hấp dẫn trong mắt những du khách yêu mến di sản đô thị.

Giá trị về không gian văn hóa

Không gian phố Hàng Buồm không chỉ là nơi giao thương tấp nập mà còn là không gian cộng đồng sống động, nơi kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di tích tín ngưỡng như đền Bạch Mã, đền Quan Đế, đình Hàng Buồm không chỉ là chốn linh thiêng trong đời sống tâm linh của cư dân, mà còn là điểm kết nối cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian. Những không gian này không chỉ phục vụ đời sống tinh thần, mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch tâm linh và trải nghiệm văn hóa đặc sắc ngay giữa lòng đô thị hiện đại.

anh-4.jpg
Phố Hàng Buồm ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống, góp phần làm nên bản sắc đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Đặng Thủy

Bên cạnh đó, Hàng Buồm còn là một thiên đường ẩm thực truyền thống với hàng loạt quán ăn lâu đời, nhà hàng mang đậm hương vị Hà Nội. Du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ, tham gia các hoạt động tín ngưỡng, mà còn có thể thưởng thức đặc sản trong không gian gần gũi, đậm chất phố cổ. Chính sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, ẩm thực và không gian sống đã tạo nên sức hút riêng biệt cho Hàng Buồm - một không gian di sản không ngừng chuyển mình trong lòng thành phố sáng tạo.

Nghề thủ công và buôn bán

Không chỉ nổi danh là điểm giao thương sầm uất bậc nhất kinh thành xưa, phố Hàng Buồm còn là nơi hội tụ của những nghề thủ công truyền thống được truyền nối qua nhiều thế hệ. Những kỹ nghệ tinh xảo không chỉ phục vụ sinh kế mà còn là biểu tượng sống động cho sự khéo léo, sáng tạo và tri thức bản địa. Đây được coi là những giá trị cốt lõi trong nền công nghiệp văn hóa đương đại.

Từ các làng nghề ven đô tụ hội về đây, cư dân Hàng Buồm đã hình thành nên một không gian nghề đa dạng, phản ánh chiều sâu văn hóa nghề thủ công của phố cổ Hà Nội. Hiện nay, nhiều nghề truyền thống vẫn còn được duy trì tại khu phố như: làm oản bột, làm hương, khắc dấu, chế tác khuôn bánh hay sản xuất vàng mã. Những nghề tưởng chừng nhỏ bé này lại chứa đựng trong đó tinh thần nghề nghiệp nghiêm cẩn, sự tận tâm với từng sản phẩm, như chia sẻ của nghệ nhân Phạm Tịnh - thợ khắc dấu lâu năm trên phố: “Ai làm nghề gì thì phải thật giỏi nghề đó. Cần có cái tâm trong mỗi sản phẩm mà mình làm ra”.

Sự hiện diện bền bỉ của các nghề thủ công không chỉ góp phần bảo tồn di sản phi vật thể mà còn tạo nên dấu ấn riêng biệt cho Hàng Buồm trong lòng khu phố cổ. Các sản phẩm truyền thống do chính tay người thợ phố cổ làm ra đã và đang trở thành món quà độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người mong muốn khám phá chiều sâu văn hóa Hà Nội qua từng vật phẩm mang hơi thở truyền thống.

Bên cạnh nghề thủ công, Hàng Buồm từ lâu còn nổi tiếng với truyền thống buôn bán và dịch vụ. Là một trong những trung tâm thương mại sớm nhất của kinh kỳ, phố Hàng Buồm từng tấp nập thuyền buôn, hàng hóa và các dịch vụ phục vụ đời sống đô thị. Cho đến ngày nay, không khí giao thương ấy vẫn được duy trì qua các cửa hàng bán nguyên liệu thực phẩm, bánh kẹo, đồ gia dụng, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa góp phần tái hiện không khí phố nghề truyền thống, tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch trải nghiệm.

Nghề thủ công và buôn bán tại Hàng Buồm không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc nghề nghiệp của người Hà Nội xưa mà còn mở ra những tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch văn hóa, đưa du khách đến gần hơn với những giá trị truyền thống, chân thực và đầy bản sắc của một thành phố sáng tạo mang cốt cách ngàn năm.

Lễ hội và tín ngưỡng dân gian

Trong lòng khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Buồm là một không gian tín ngưỡng dân gian phong phú, nơi vẫn lưu giữ nhiều đình, đền, hội quán mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử. Các nghi lễ như lễ cầu an và các hoạt động tín ngưỡng truyền thống vẫn được tổ chức, tạo nên không gian tâm linh đặc sắc. Tại đây có các đền như Bạch Mã, Hương Tượng, Hương Nghĩa, Hương Bài, Thanh Hà, Quan Đế, đình Phất Lộc và Hội quán Quảng Đông... Những địa danh này không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng cư dân mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu mến chiều sâu văn hóa bản địa.
Việc phục dựng và tổ chức trở lại một số lễ hội tại các di tích không chỉ tạo cơ hội kết nối cộng đồng với di sản mà còn góp phần nâng cao nhận thức xã hội về giá trị văn hóa, lịch sử của các không gian tín ngưỡng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa chuyên biệt, kết hợp giữa tín ngưỡng, trình diễn nghệ thuật và trải nghiệm không gian phố cổ.

Thách thức và định hướng phát triển trong mô hình thành phố sáng tạo

Trong hành trình định hình Phố Hàng Buồm như một không gian sáng tạo đặc thù giữa lòng khu phố cổ Hà Nội, không thể không nhìn nhận rõ những thách thức đang hiện hữu. Trước hết, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm biến đổi đáng kể cấu trúc vật thể và cảnh quan vốn gắn bó mật thiết với lịch sử và ký ức cộng đồng. Song song đó, làn sóng thương mại hóa, đặc biệt dưới áp lực từ ngành du lịch khiến nhiều giá trị văn hóa bị giản lược, thậm chí mất đi tính nguyên bản.

Một khó khăn đáng kể khác là sự thay đổi về cấu trúc cư dân. Việc người dân bản địa dần rời đi và được thay thế bởi dân nhập cư thiếu gắn bó với truyền thống đã dẫn tới nguy cơ đứt gãy mạch truyền lưu văn hóa. Bên cạnh đó, thiếu vắng một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương, cộng đồng cư dân, doanh nghiệp sáng tạo và giới nghiên cứu cũng làm hạn chế khả năng phát huy tiềm năng của phố Hàng Buồm như một hạt nhân trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa đô thị.

Để phát huy tối đa tiềm năng văn hóa sáng tạo tại phố Hàng Buồm trong chiến lược phát triển Hà Nội thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO, cần thiết ưu tiên một số chính sách mang tính định hướng lâu dài. Trước hết, cần thiết lập cơ chế đặc thù cho “khu di sản sáng tạo” Hàng Buồm: Tích hợp mục tiêu bảo tồn với phát triển các hoạt động văn hóa đương đại, hỗ trợ nghệ nhân, hộ kinh doanh và nhóm sáng tạo trong lĩnh vực thủ công, ẩm thực truyền thống, nghệ thuật biểu diễn dân gian, đồng thời khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc địa phương.

Song hành với đó là việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo địa phương. Cụ thể, cần tạo điều kiện để các cơ sở truyền thống chuyển đổi số, nâng cao năng lực thiết kế bao bì, kể chuyện di sản (heritage storytelling), tiếp cận thị trường qua các nền tảng số, và kết nối với chuỗi cung ứng du lịch, văn hóa, giáo dục.

Một hướng đi quan trọng là thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân và cộng đồng: Thiết lập các mô hình hợp tác ba bên trong công tác trùng tu di sản, tổ chức sự kiện văn hóa, giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, đồng thời hỗ trợ phát triển nghệ thuật cộng đồng như một phần không thể thiếu của đời sống đô thị sáng tạo. Cần mở rộng mô hình “cộng đồng sáng tạo” - nơi mà cư dân không chỉ là người gìn giữ văn hóa, mà còn trở thành chủ thể sáng tạo, nhà sản xuất sản phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái phát triển bền vững dựa trên di sản.

Đồng thời, cần chú trọng tái tạo không gian công cộng mang yếu tố văn hóa sáng tạo: Chuyển đổi một số khu vực trong phố thành không gian biểu diễn ngoài trời, nơi trưng bày thủ công mỹ nghệ, tổ chức trải nghiệm ẩm thực và di sản, hình thành nên những “phòng triển lãm sống” giữa lòng phố cổ, vừa gần gũi vừa hấp dẫn.

Có thể khẳng định rằng, phố Hàng Buồm không chỉ là một địa chỉ di sản với giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc mà còn là một “phòng thí nghiệm” cho các mô hình phát triển công nghiệp văn hóa đô thị gắn với nguồn lực bản địa. Trong bối cảnh Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố Sáng tạo toàn diện, việc phát huy hiệu quả các không gian như Hàng Buồm sẽ là bước đi thiết thực để đảm bảo tính bền vững trong phát triển, giữ gìn bản sắc trong quá trình hội nhập và xây dựng một đô thị vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa./.

Bài liên quan
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
(0) Bình luận
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
  • Tự hào Hoàn Kiếm - Nối mạch nguồn xưa, tri ân và tiếp bước
    Tối 13/6/2025, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình “Tự hào Hoàn Kiếm – Nối mạch truyền thống, tri ân và tiếp bước” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm), nhân kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập quận. Sự kiện nhằm tri ân các tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
  • Bách hóa Tổng hợp Hà Nội - Ký ức một thời
    Mỗi lần có dịp qua phố Tràng Tiền, ngắm nhìn tòa nhà Tràng Tiền Plaza lộng lẫy, trong tôi lại tràn về những hoài niệm một thời xa xưa - khi nơi đây còn là Bách hóa Tổng hợp. Vẫn con phố ấy, góc quen ấy mà không gian giờ đã đổi thay.
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Phục dựng nghi lễ tế Đinh tại đền Đức Thánh Cả
    Ngày 9/3/2025, nghi lễ tế Đinh đã điễn ra tại đền Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Việc phục dựng nghi lễ là một phần trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
  • Tây Hồ – Nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại trong bảo tồn văn hóa
    Quận Tây Hồ, một trong những quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên mà còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Quận Tây Hồ là một khu vực đặc biệt với sự kết hợp hài hòa giữa không gian xanh mát của các hồ, làng nghề truyền thống và các di sản văn hóa phong phú. Những năm qua, Tây Hồ đã và đang thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo nên một hình ảnh đầy bản sắc và thu hút du khách.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổng kết 6 tháng đầu năm 2025: Tiếp tục ổn định tổ chức, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn
    “Đổi mới phương thức hoạt động, phát huy năng lực hội viên, nâng cao chất lượng sáng tác là yêu cầu tất yếu để Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đồng hành cùng Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới”, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội tổ chức sáng 16/7/2025.
  • Thiên nhiên trong kí viết về chiến tranh của Minh Chuyên
    Năm 2025, nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ghi nhận những đóng góp nổi bật cho văn học và sự nghiệp gìn giữ ký ức chiến tranh Việt Nam của ông. Không chỉ có trải nghiệm thực tế của một người lính từng xông pha gần chục năm trên chiến trường miền Nam vào những năm máu lửa, Minh Chuyên còn có đủ độ lùi thời gian cần thiết của một nhà văn thời hậu chiến để có thể nhìn về chiến tranh từ nhiều phía. Bởi vậy, chiến tranh trong ký của Minh Chuyên hiện lên đa diện, vừa chân thực vừa thấm đẫm suy tư. Thiên nhiên trong tác phẩm không chỉ là chứng nhân của tội ác, mà còn là hình tượng nghệ thuật giàu cảm xúc - như người mẹ bao dung, lặng lẽ chở che con người giữa mất mát và tàn phá.
  • Lưu trữ mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ AI
    Nhờ ứng dụng công nghệ AI, mộc bản Triều Nguyễn đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV lưu trữ một cách khoa học, giúp cho du khách, công chúng dễ dàng tiếp cận.
  • Hà Nội triển khai tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” năm 2025
    Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội mới ban hành Hướng dẫn triển khai tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” năm 2025 đến Công đoàn cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
  • Phường Hoàn Kiếm vững bước, tiến tới Đại hội điểm của Thành phố Hà Nội
    Vận hành đơn vị hành chính mới từ ngày 1/7/2025 hiệu lực, hiệu quả, Đảng bộ phường Hoàn Kiếm còn vinh dự được Thành phố Hà Nội lựa chọn làm Đại hội đại biểu điểm. Dự kiến, Đại hội đại biểu phường Hoàn Kiếm nhiệm kỳ 2025 – 2030 sẽ diễn ra ngày 22 – 23/7. Được biết, phường Hoàn Kiếm đã, đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội mang tính lịch sử của phường, hướng tới Đại hội Đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Phố Hàng Buồm - Không gian di sản giữa lòng thành phố sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO