Văn hóa – Di sản

Độc đáo kiến trúc, tên gọi các cửa ra vào Kinh thành Huế

Hà Oai 27/03/2024 11:36

Kinh thành Huế có 11 cửa thành đường bộ và 2 cửa đường thủy có kiến trúc, tên gọi độc đáo nhưng mỗi cửa mang một chức năng cùng những câu chuyện lịch sử khác nhau sau khi được xây dựng, phục hồi lại.

Mặt trước hướng Nam có 4 cửa ra vào Kinh thành Huế

Kinh thành Huế được khởi công xây dựng vào năm 1805 chỉ đắp bằng đất và mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch và xoay mặt về hướng Nam với diện tích mặt bằng 520 ha, Kinh Thành Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam và tư tưởng triết lý phương Đông... Mặt bằng của Kinh thành Huế có dạng hình vuông hơi khum ở phía trước theo địa hình dải đất dọc bờ sông Hương, mỗi mặt có các cổng thành và trên có vọng lâu dùng để quan sát.

z5285187359507_66f2ba0b93f376cf67f822c18dfc3439.jpg
Kỳ đài và mặt hướng Nam Kinh thành Huế.

Các mặt thành lại được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn... cùng hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài được đào gần 10km chiều dài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hào) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương).

Cổng ngõ (hay cửa) được xem là bộ mặt của các công trình kiến trúc với chức năng chính là nơi ra vào của mỗi công trình. Kinh thành Huế về tổng thể gồm có 3 vòng thành theo thứ tự từ ngoài (lớn) vào phía trong (nhỏ) gồm Kinh thành (vòng ngoài cùng gồm 13 cửa ra vào, trong đó có 11 cửa đường bộ và 2 cửa đường thủy), Hoàng thành (vòng thành giữa gồm 4 cửa ra vào) và Tử cấm thành (vòng thành trong cùng, khi mới xây dựng chỉ có 7 cửa và về sau có thêm 4 cửa).

Theo đó, các cửa của Kinh thành Huế được xây dựng năm 1809 dưới triều vua Gia Long (phần cửa vòm) và các vọng lâu phía trên được xây dựng từ năm 1824 - 1831 dưới triều vua Minh Mạng bao gồm 11 cửa đường bộ và 2 cửa đường thủy, mỗi cửa mang một chức năng và câu chuyện lịch sử riêng. Mỗi mặt Kinh thành Huế có 2 cửa nhưng riêng mặt hướng Nam (mặt trước Kinh thành Huế) có 4 cửa là cửa Chánh Nam, Đông Nam, Quảng Đức và Thể Nhơn nằm sát 2 bên Kỳ đài.

Kinh thành Huế có bao nhiêu cửa thành

Cửa Ngăn hay còn gọi là Thể Nhân Môn nằm ở phía Nam bên trái Kỳ Đài của Kinh thành. Vòm cửa được xây dựng năm 1809 và vọng lâu bên trên xây năm 1829. Ban đầu có tên là Thể Nguyên, năm 1829 xây vọng lâu bên trên cửa vòm và vua Minh Mạng đổi tên gọi là Thể Nhân (hoặc Nhơn) nhưng người dân thường gọi là Cửa Ngăn bởi mỗi khi vua và cung phi đi lối Thể Nhân từ Đại Nội ra Phu Văn Lâu, nhà Lương Tạ để hóng mát hoặc tắm sông thì quân lính ngăn không cho thường dân đi lại. Hiện nay Cửa Ngăn là con đường một chiều cắt đường Lê Duẩn vào đường 23/8.

cua-ngan-hay-con-goi-la-the-nhan-mon-.jpg
Cửa Ngăn hay còn gọi là Thể Nhân Môn.

Cửa Quảng Đức (chữ Quảng Đức từ chữ dinh Quảng Đức - tên cũ của phủ Thừa Thiên) hay còn gọi là cửa Sập nằm ở phía Nam bên phải Kỳ đài Kinh thành Huế lưu thông một chiều cắt đường Lê Duẩn vào đường 23/8. Cửa Quảng Đức từng bị sụp đổ cả vọng lâu lẫn vòm cửa năm 1953 do lũ lụt nên người dân hay gọi là cửa Sập. Trước khi có tên “Cửa Sập” nhân dân gọi đây là cửa Ngăn Trên để phân biệt cửa Ngăn Dưới (cửa Ngăn và cửa Sập là cửa dành cho vua ra vào). Trong chiến sự năm 1968, cửa Sập bị phá hoại nặng nề và bị đóng, năm 1998 cửa được phục chế lại.

cua-quang-duc-hay-goi-la-cua-sap.jpg
Cửa Quảng Đức hay gọi là cửa Sập.

Cửa Chánh Nam hay còn gọi là cửa Nhà Đồ (nay ở đường Nguyễn Trãi và là đường một chiều thông ra đường Lê Duẩn) nằm ở phía Nam bên phải Kỳ Đài Kinh thành Huế. Thời vua Gia Long có một kho chứa binh khí, có thợ làm đồ dùng cho nhà vua gọi là Đồ Gia - dịch sang tiếng Việt là Nhà Đồ (nằm gần Nhà Đồ nên người dân gọi là Cửa Nhà Đồ). Cửa Chánh Nam bị sụp đổ trong trận lũ năm 1953 và sau này mới được phục dựng lại.

cua-chanh-nam-mon-hay-con-goi-la-cua-nha-do-.jpg
Cửa Chánh Nam hay còn gọi là cửa Nhà Đồ.

Cửa Đông Nam Môn hay còn gọi là cửa Thượng Tứ hiện nay là đường một chiều đi từ đường Trần Hưng Đạo vào Đinh Tiên Hoàng. Cửa Đông Nam nằm ở bên trái Kỳ đài Kinh thành Huế và gần viện Thượng Tứ (có nhiệm vụ chuyên môn trông coi việc nuôi ngựa để kéo xe cho vua) nên về sau cái tên Thượng Tứ được sử dụng khi nhắc đến của Đông Nam.

cua-dong-nam-mon-hay-con-goi-la-cua-thuong-tu-.jpg
Cửa Đông Nam Môn hay còn gọi là cửa Thượng Tứ.

Cửa Hữu hay gọi cửa Tây Nam nằm ở phía Tây Nam của Kinh thành Huế trên đường Yết Kiêu gắn liền với một câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử, tại đây vua Hàm Nghi đã xuất thành ban chiếu “Cần Vương” chống thực dân Pháp. Người dân thấy nằm ở phía “hữu” nên gọi luôn cửa thành tên cửa Hữu như hiện nay.

cua-huu-hay-goi-cua-tay-nam-mon-.jpg
Cửa Hữu hay gọi cửa Tây Nam.

Cửa An Hoà có tên khác là Tây Bắc nằm ở góc Tây Bắc của Kinh thành Huế nối từ đường Nguyễn Trãi ra thẳng đường Tăng Bạt Hổ. Tên người dân thường gọi là cửa An Hòa bởi mặt trước có làng An Hòa và chợ An Hòa. Cùng trục đường Nguyễn Trãi ở phía Nam là cửa Nhà Đồ và hướng ngược lại là Cửa An Hòa.

cua-an-hoa-co-ten-khac-la-tay-bac-mon.jpg
Cửa An Hoà có tên khác là Tây Bắc

Cửa Chánh Tây nằm ở phía Tây Kinh thành Huế trên đường Thái Phiên (TP Huế). Trong chiến sự năm 1968 từng là cửa ngõ giao tranh ác liệt, cửa bị tàn phá hoàn toàn phần vọng lâu phía trên và nay đã được tu sửa phụng dựng lại.

cua-chanh-tay-.jpg
Cửa Chánh Tây.

Cửa Đông Bắc hay còn gọi là cửa Kẻ Trài thuộc góc Đông Bắc. Ngày xưa, Kẻ Trài là tên xóm nằm phía trước cửa thành tập trung buôn bán hình thành hai dãy nhà, lều quán lúp xúp và người dân gọi là những dãy “nhà trài” hai bên bờ sông, lâu dần thành tên cửa Kẻ Trài. Cửa Kẻ Trài dẫn vào khu quân đội quản lý nên ít người dân hay du khách được vào hay tiếp cận nếu không có việc.

cua-dong-bac-hay-con-goi-la-cua-ke-trai-.jpg
Cửa Đông Bắc hay còn gọi là cửa Kẻ Trài.

Cửa Đông Ba hay cửa Chánh Đông nằm trên đường Mai Thúc Loan, xuất phát từ pháo đài Đông Hoa từ thời vua Gia Long. Vì triều đình kiêng dùng tên húy của mẹ nhà vua là bà Hồ Thị Hoa nên đổi tên thành Đông Ba.

cua-dong-ba-hay-cua-chanh-dong-.jpg
Cửa Đông Ba hay cửa Chánh Đông

Cửa Chánh Bắc hay gọi là Cửa Hậu bởi nằm ở cuối đường Đinh Tiên Hoàng ra đường Tăng Bạt Hổ thuộc mặt sau của Kinh thành Huế. Sau khi thực dân Pháp chiếm Kinh thành Huế (1885), cửa Chánh Bắc và cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài) bị đóng kín để lập đồn Mang Cá.

cua-chanh-bac-hay-goi-la-cua-hau-.jpg
Cửa Chánh Bắc hay gọi là Cửa Hậu.

Trấn Bình Môn không phải là cửa đi ra ngoài thành như các cửa còn lại mà là cửa phụ thuộc vòng tường thành Kinh thành Huế thông đến Trấn Bình Đài (pháo đài phòng thủ của Kinh thành Huế). Trấn Bình Môn nối hai pháo đài Bắc Định và Đông Bình (Kinh thành Huế) lại với nhau.

tran-binh-mon.jpg
Trấn Bình Môn.

Tây Thành Thủy Quan hay gọi là cống Thủy Quan là cửa đường thủy thông giữa sông Ngự Hà (trong Kinh thành Huế) với sông đào Kẻ Vạn khu vực Kim Long (TP Huế). Đây là một cống vòm bên dưới cầu Thủy Quan và nằm trên đường Tôn Thất Thiệp.

tay-thanh-thuy-quan-hay-goi-la-cong-thuy-quan-.jpg
Tây Thành Thủy Quan.

Đông Thành Thủy Quan còn được gọi là cống Lương Y dẫn nước từ Ngự Hà đổ ra sông Đông Ba và nằm trên đường Xuân 68 trên trục đường chạy dọc theo mặt Đông của Kinh thành Huế.

dong-thanh-thuy-quan-con-duoc-goi-la-cong-luong-y-.jpg
Đông Thành Thủy Quan.

Năm 2020, sau khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực Thượng Thành (Kinh thành Huế), hai bên Đông Thành Thủy Quan đã phát lộ ra hai cổng thành phụ nằm ở hai bên trái - phải cầu Lương Y và theo phỏng đoán đây là 2 cửa đặt đại bác phòng thủ năm xưa của Đông Thành Thủy Quan.

z5282345943394_7f4a5711ea72d89bb061b8480235e099.jpg
Hai cổng thành phụ ở hai bên cầu Lương Y mới được phát hiện và phỏng đoán.

Trải qua bao biến động của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, hầu hết các cửa thành đều chịu hư tổn ít nhiều nhưng đã được tu bổ, phục dựng lại hoàn chỉnh và mang lại vẻ đẹp cho Kinh thành Huế. Tất cả các cửa thành là những thành phần không thể thiếu trong kho tàng di sản kiến trúc Cố đô Huế.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Nghệ thuật múa Hàn Quốc “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại”
    Các nghệ sĩ Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn múa “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (TP Huế).
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo kiến trúc, tên gọi các cửa ra vào Kinh thành Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO