Xây dựng môi trường văn hóa nhìn từ phong tục và hương ước
Xây dựng môi trường văn hóa không phải là vấn đề mới đặt ra trong thời hiện đại mà đã được người Việt quan tâm từ rất sớm. Từ thời xa xưa, người Việt đã hình thành nên phong tục, tập quán vừa như luật lệ, vừa như đạo lý để điều chỉnh hành vi cộng đồng. Trên nền tảng đó, các làng xã dần hình thành hương ước - bước phát triển cao hơn, có tính chế tài và tổ chức rõ ràng. Cả phong tục lẫn hương ước, qua nhiều thế hệ đã góp phần định hình môi trường văn hóa truyền thống: kỷ cương, hài hòa, đậm đà bản sắc.

Phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hệ thống phong tục của người Việt xưa gắn liền với các giai đoạn trong vòng đời của con người như: sinh đẻ, trưởng thành, cưới hỏi, mừng thọ, ma chay... Bên cạnh đó là các tập tục mang yếu tố tâm linh, phong tục theo chu kỳ lao động, thói quen trong chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái cách ứng xử trong quan hệ xã hội.
Phong tục không chỉ là tập quán lâu đời mà là biểu hiện cụ thể của hệ giá trị văn hóa cộng đồng. Đó là cách người xưa đặt ra những quy ước ứng xử trong đời sống, được duy trì bằng sự tự giác và ý thức tập thể, không cần đến luật pháp nhưng vẫn có sức răn đe sâu rộng. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều tuân thủ những chuẩn mực chung để giữ gìn danh dự dòng họ và sự ổn định của làng xóm. Chính cơ chế tự quản ấy đã góp phần hình thành môi trường sống có trật tự, có đạo lý. Qua nhiều thế hệ, phong tục không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn tạo nền tảng cho một đời sống cộng đồng hài hòa, bền vững.
Từ nền tảng phong tục, hương ước là một bước phát triển cao hơn, thể hiện tính tự trị và tổ chức xã hội của cộng đồng làng xã truyền thống. Trong xã hội Việt Nam xưa, các tổ chức hương thôn như phe giáp, xóm ngõ, làng xã thường đặt ra những điều ước để ràng buộc, chế ngự, điều hòa giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng. Hương ước còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như hương lệ, hương khoán, khoán ước, quy ước, lệ định, lệ tục... để chỉ những quy ước chung của làng xã.

Hương ước ghi rõ các điều khoản về trật tự xã hội, nghĩa vụ cộng đồng, lễ nghi thờ cúng, giáo dục con cháu, xử phạt những hành vi lệch chuẩn… Có thể ví hương ước như “hiến pháp làng”, một bộ quy tắc điều chỉnh hành vi, vừa cụ thể, vừa mang tính răn đe, đồng thời thể hiện rõ tinh thần “phép vua thua lệ làng”. Qua hương ước, mỗi người dân ý thức rõ mình cần làm gì, được làm gì và không nên làm gì để giữ thể diện cho làng, đồng thời gìn giữ danh tiếng của dòng tộc và tổ tiên.

Tùy theo đặc điểm địa lý, phong tục, hoàn cảnh kinh tế xã hội mà mỗi làng xã có thể tự điều chỉnh nội dung hương ước cho phù hợp. Từ việc tu bổ đình chùa, cứu tế người nghèo, chống mê tín dị đoan, khuyến khích học hành, gìn giữ vệ sinh môi trường… tất cả đều có thể được quy định trong hương ước. Điều đó cho thấy người xưa đã có ý thức cao về xây dựng đời sống văn minh, bền vững trên cơ sở đạo lý, luật tục và sự đồng thuận xã hội.

Phong tục và hương ước của người xưa không chỉ là những “cổ lệ” tồn tại trong sử sách hay qua những câu chuyện truyền miệng. Đó là sự kết tinh của trí tuệ cộng đồng, của lối sống biết ứng xử, biết răn mình và cùng gìn giữ cái đẹp. PGS.TS Đỗ Thị Hảo - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khi bàn về những tục hay, lệ lạ của mảnh đất kinh kỳ xưa từng khẳng định, nét thanh lịch văn minh của người Hà Nội được thể hiện rõ qua lời ăn tiếng nói, cách ứng xử trong đời sống hằng ngày: với xóm giềng, gia đình, bè bạn và cả không gian sinh hoạt thường nhật. Chính từ đó hình thành nên một nếp sống độc đáo, chỉ Hà Nội mới có, được phản ánh rõ nét qua các tục lệ. Nhiều tục lệ Hà Nội chứa đựng nội dung tiến bộ, góp phần phát huy và giữ gìn phong tục đặc trưng của từng làng xã, từng địa phương.
Chẳng hạn, khoán ước của làng Dương Liễu (huyện Hoài Đức) lập năm Cảnh Hưng thứ mười gồm 28 điều, chủ yếu quy định việc bảo vệ sản xuất, canh giữ hoa màu, bảo đảm an ninh nông nghiệp.
Hương ước làng La Khê (quận Hà Đông) chia thành bốn mục: Hình phạt, Hộ dân, Chính trị, Phong tục, phản ánh toàn diện đời sống của làng thời bấy giờ. Một số hương ước còn đưa ra quy định cụ thể về cảnh quan, sinh thái. Hương ước làng Đa Sĩ (quận Hà Đông) yêu cầu trồng cây xanh tại các di tích tâm linh, xử phạt nghiêm những hành vi chặt phá cây cối, phá hoại cảnh quan. Hương ước làng Đông Trù (huyện Đông Anh) nghiêm cấm vứt rác bẩn ra đường, làm nhà vệ sinh cạnh lối đi; người vi phạm bị xử phạt bằng tiền sung công.
Vấn đề giữ gìn trật tự, đạo lý và thuần phong mỹ tục cũng được đặc biệt coi trọng trong hương ước. Hương ước làng Tương Mai (quận Hoàng Mai) quy định rõ việc xử phạt những hành vi gian tham, trộm cắp, loạn luân, bất hiếu hay tụ tập đàn ca trong lúc có tang. Một số lệ làng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cộng đồng như làng Nam Đồng (quận Đống Đa) quy định: khi có hỏa hoạn, đê vỡ hoặc trộm cướp, toàn dân trừ người già yếu phải lập tức tham gia ứng cứu, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy ước làng.
Nhiều hương ước cũng thể hiện tư tưởng tiến bộ trong khuyến học, đồng thời đặt ra những quy định rất chi tiết về việc canh phòng, lễ lạt, cưới hỏi, xử lý hành vi gian tham, trộm cắp hay loạn luân. Không ít quy định thể hiện tư tưởng tiến bộ, đề cao thuần phong mỹ tục và nếp sống thanh lịch của người Hà Nội xưa.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Hảo, việc tìm hiểu, nghiên cứu, giới thiệu những tục lệ Thăng Long - Hà Nội đặc biệt là những tục hay lệ lạ hiện còn trong dân gian sẽ giúp mọi người có thể hình dung được mọi mặt sinh hoạt hay nói cách khác là những thói đất nết người rất đa dạng của Hà Nội xưa để rồi từ đó sẽ dễ dàng nhận thấy những mặt tích cực cần phát huy, những điểm hạn chế cần loại bỏ.
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, việc nhìn lại phong tục, hương ước càng có ý nghĩa trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay. Tại Hà Nội, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước văn hóa được các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trên nền tảng truyền thống, nhiều phường, xã chủ động soạn thảo hương ước theo hướng văn minh, tiến bộ, loại bỏ những yếu tố lạc hậu. Nhiều nơi đã hoàn thành công nhận quy ước cho gần như toàn bộ tổ dân phố, thôn làng, vượt tiến độ thành phố đề ra. Nhờ đó, hương ước, quy ước ngày càng phát huy vai trò trong việc điều chỉnh hành vi ứng xử, nâng cao dân trí, thúc đẩy đời sống văn hóa cộng đồng.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, hương ước truyền thống thường quy định những nội dung hết sức cụ thể, gắn chặt với đời sống của cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc vận dụng và bổ sung hương ước cần linh hoạt, phù hợp với yêu cầu mới của từng địa phương, trên cơ sở thực tiễn và những vấn đề đang đặt ra trong đời sống xã hội.
Có thể nói, môi trường văn hóa không chỉ được tạo nên từ hệ thống chính sách và thiết chế hành chính, mà quan trọng hơn bắt nguồn từ nếp sống, thói quen và giá trị được cộng đồng bồi đắp qua nhiều thế hệ. Việc khơi dậy và phát huy tinh thần tự quản, tinh thần cộng đồng trong phong tục, hương ước chính là cách người hôm nay tiếp nối mạch nguồn văn hóa của người xưa - để gìn giữ một xã hội trật tự, nhân văn và giàu bản sắc từ chính mỗi phường, mỗi phố, mỗi làng quê./.