Văn hóa – Di sản

Đức Thánh Đầm và tục kiêng kỵ ở làng Mễ Trì

Ngô Thị Hồng Giang 15:15 14/07/2025

Xưa kia, vùng đất Anh Sơn (sau là Mễ Trì, nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ là một làng nhỏ. Trong làng có ông lão chuyên nghề chài lưới, sống đơn độc, không có con cái.

Một hôm, ông mang lưới ra đồng đánh cá, suốt cả ngày hôm ấy chẳng đánh được gì ngoài một quả trứng to bằng quả trứng vịt. Ông mang trứng về cất vào trong chum thóc, hơn hai mươi ngày sau quả trứng nở ra một con rắn trắng, hình dáng giống rồng, đẹp lạ thường. Vừa sợ, vừa mừng nhưng ông vẫn giấu kín, nuôi trong chum, hằng ngày lấy các loại hoa (rang, súng, sen) và quả cho rắn ăn, yêu thương rắn như con.

den-tho-duc-thanh-dam.jpg
Cổng đền Đầm

Chừng được trăm ngày, rắn lớn dài rất nhanh, ông yêu quý lắm, đi đâu cũng giấu rắn mang theo. Một lần, đến chơi nhà nọ, chẳng may rắn thò đuôi ra và bị gãy một đoạn. Từ đó, ông để rắn ở nhà nhờ bà hàng xóm cũng ở một mình nuôi hộ. Một đêm, mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội, rắn rời khỏi nhà bò thẳng ra đầm rồi biến mất. Ông đuổi theo nhưng chẳng thấy rắn đâu. Bà hàng xóm cũng đuổi theo ra giếng ở đầu cổng làng, sau đó đột ngột ngã bệnh rồi qua đời. Ông đi khắp đầm tìm gọi rắn rồi lại buồn bã trở về nhà, ngày đêm luyến tiếc. Hôm sau, ông lại ra đầm đánh cá, nhớ đến rắn liền khấn: “Gia cảnh ta nghèo lắm, hôm nay ta kéo cá ở đầm này, con phù hộ cho ta được nhiều cá”. Quả nhiên hôm ấy, ông kéo được nhiều cá thật. Rồi từ đó, mỗi lần ra đầm kéo cá, ông đều khấn rắn như thế.

Thấy ông đánh cá được nhiều, những người đánh cá quanh đấy đều lấy làm lạ, đến hỏi ông nguyên do. Ông thực thà kể lại đầu đuôi câu chuyện. Mọi người làm theo, quả nhiên họ kéo được nhiều cá thật. Từ đó, những người sinh sống bằng nghề chài lưới tại đây tin rằng, mỗi lần mắc vó, nếu thành tâm cầu khấn họ sẽ được thần phù trợ. Họ còn bàn nhau đến chỗ rắn xuất hiện trước đây, đào đất đắp thành một cái bệ rồi trồng cây xung quanh. Ngày ngày, những người đi đánh cá đều vào bệ đó thắp hương khấn cầu may. Dân gọi đó là miếu thờ Đức Thánh Đầm.

Miếu Đầm thờ rắn trở nên linh thiêng, mọi người gần xa cầu việc gì cũng được ứng nghiệm. Cũng từ đó, dân kiêng không nói câu gì có chữ “cộc” và cũng không nuôi các con vật có màu trắng như trâu, bò, lợn, gà... Một lần trời hạn hán, ao giếng cạn khô, người không có nước uống. Nhà vua đã lệnh cho các địa phương làm lễ đảo vũ cầu mưa tại hơn một trăm ngôi đền miếu trong cả nước nhưng không hiệu nghiệm. Lúc bấy giờ, triều đình nghe được tin bệ Đầm linh thiêng tại làng Anh Sơn, cầu sao được vậy, vua liền phái quân thần sửa lễ về bệ Đầm làm lễ cầu đảo. Chưa dứt tuần tế, trời đất âm u, mưa như đổ nước, lúa má xanh tươi trở lại. Nhớ công thần phù trợ, vua sai hàng tổng xây ngôi đình chung gần Miếu Đầm tại làng Anh Sơn, trên địa phận xứ Đồng Mồ để mãi mãi thờ cúng thần. Nhà vua ban sắc chỉ xuân thu nhị kỳ, triều thần về tế lễ. Nhưng lạ thay, khi đình vừa làm xong, vào khoảng nửa đêm một ngày gần đó, bỗng nhiên mưa gió nổi lên, sấm sét đùng đoàng. Đến sáng hôm sau dân làng đi làm đồng, chẳng thấy đình đâu, thậm chí một viên gạch ngói cũng chẳng còn.

Thời gian sau đó, lại gặp nắng hạn, dân xã phải tập trung trai tráng nạo vét các giếng để lấy nước ăn, vét bùn để thông thủy mạch. Khi nạo vét giếng ở gần miếu Đầm, mọi người phát hiện dấu tích một ngôi đình ở sâu dưới giếng. Một người con trai họ Ngô thấy có một chiếc chiêng đồng liền cầm lên đánh ba tiếng thì lăn ra chết ngay. Dân làng lo sợ, liền trả chiêng lại xuống giếng, chỉ chớp mắt, mưa gió tầm tã, nước trong giếng đã đầy ăm ắp. Từ đó về sau, mỗi lần nước giếng cạn, dân lại thấy có một cái đình ở dưới giếng. Và khi tát nước thau giếng thì người họ Ngô phải lánh xa.

Mọi người truyền tụng nhau rằng, nhà ở dưới giếng là nhà của Đức Thánh Đầm - rắn thần, là dòng dõi con vua Thủy Tề, bèn xây trên bờ giếng một bệ thờ. Khi gặp trời hạn hán, các cấp phủ huyện lệnh sức xuống cho quan xã cùng dân chúng sửa lễ mang ra bệ Đầm cầu đảo. Nếu cầu rồi mà không mưa thì lệnh cho tát giếng thì trời sẽ mưa to. Bên giếng là cổng gọi là Cổng Mộc, trên nóc cổng có gắn ba chữ “Anh Sơn môn” (cổng làng Anh Sơn). Dân làng lập bệ khắc chữ thờ bên bờ giếng: “Kỳ linh tỉnh/ Anh Sơn thiên cổ tỉnh/ Ngọc bệ vạn niên từ”.

Ngày nay, Miếu Đầm đã được tu bổ khang trang hơn, được Thành phố Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 2014. Người dân địa phương vẫn phụng thờ hương nhang và tin tưởng vào sự phù hộ độ trì của vị Thánh thủy thần từ xưa truyền lại. Nhưng một số kiêng kỵ từ xa xưa như dân làng không nuôi con vật trắng vì sợ phạm húy ngài (Thần Rắn trắng) và không sử dụng từ “cộc” vì (Thần Rắn bị cộc đuôi), người họ Ngô không đến gần mỗi khi giếng Mộc cạn hoặc tát giếng thì đến nay chỉ còn lại trong những lời kể của các cụ cao niên trong làng. Tuy nhiên, một số kiêng kỵ cho những người tham gia lễ rước, cử hành lễ tế nơi Miếu Đầm vẫn được các cụ truyền nhau thực hành nghiêm ngặt. Như việc lựa chọn người làm chủ tế phải là người không có bụi (không vướng tang chế), gia đình văn hóa con cái có nếp có tẻ (có con trai và con gái), vợ chồng song toàn và được làng xóm yêu mến… đặc biệt những người trong đội tế cần trai giới, ăn uống kiêng khem cẩn trọng (ăn uống thanh đạm, không ăn các thứ như nội tạng, hành tỏi, mắm tôm...) một vài tuần trước khi tham gia tế, nếu không sẽ bị ngài quở trách. /.

.............................................
Bài viết sử dụng tư liệu trong Thần tích Mễ Trì (bản ghi chép lưu trữ tại Miếu Bản Thổ) và lời kể của các cụ cao niên phường Mễ Trì.

Bài liên quan
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
(0) Bình luận
  • Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô được UNESCO ghi danh Di sản Thế giới liên biên giới
    Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã thông qua Quyết định phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam), bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trong danh sách Di sản Thế giới.
  • Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới
    Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (người Bulgaria) - Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.
  • Việt Nam có 2 hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới tại kỳ họp thứ 47
    Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới đang diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp) xem xét hai hồ sơ Di sản thế giới của Việt Nam gồm hồ sơ liên tỉnh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc và Hồ sơ đa quốc gia Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Việt Nam và Lào).
  • Nghệ thuật chèo tỉnh Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định đưa Nghệ thuật Chèo tỉnh Bắc Ninh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.
  • Tháp Bà Pô Nagar nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
    Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng từ khoảng thế kỷ 8 đến thế kỷ 13, hiện còn bảo lưu 14 đạo sắc phong và 28 đơn vị minh văn trên các bia ký cùng nhiều hiện vật quý hiếm. Đặc biệt, tượng nữ thần Ponagar/Thiên Y A Na được đánh giá là đỉnh cao nghệ thuật tạo hình điêu khắc, phản ánh bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm.
  • Độc đáo kiến trúc chùa Huyền Không
    Chùa Huyền Không (phường Kim Long, TP Huế) có phong cách kiến trúc độc đáo mới lạ là sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc phật giáo của Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đức Thánh Đầm và tục kiêng kỵ ở làng Mễ Trì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO