Những kiêng kị trong lễ hội Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, diễn ra tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 6 tháng Giêng (âm lịch) nhằm tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người đã lập nên nước Âu Lạc và xây dựng kinh thành Cổ Loa. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu, đồng thời tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội Cổ Loa có nhiều nghi lễ quan trọng, trong đó việc tuân thủ các điều kiêng kị được xem là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự linh thiêng và thành công của lễ hội.

Kiêng kị về màu sắc
Tục kiêng màu trắng: Trong lễ hội Cổ Loa, người dân kiêng mặc quần áo màu trắng vì đây là màu gắn liền với tang tóc và sự mất mát. Theo quan niệm dân gian, màu trắng mang đến điều không may, ảnh hưởng đến không khí vui tươi của lễ hội. Đặc biệt, trong các nghi thức tế lễ và rước kiệu, người tham gia thường mặc trang phục màu đỏ, vàng hoặc các màu sắc rực rỡ khác để tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn. Việc tránh màu trắng cũng liên quan đến truyền thuyết về Bạch Kê tinh.
Theo dân gian, khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, có một con gà trắng (Bạch Kê tinh), cứ đêm đến lại hóa thành yêu quái để làm đổ tường thành, khiến An Dương Vương và dân chúng loay hoay đắp mãi không xong. Về sau, nhờ có phép thuật của thần Kim Quy, trừ diệt Bạch Kê Tinh, nên việc xây thành mới hoàn thành. Tuy nhiên, con gà trắng này vẫn được coi là biểu tượng của sự phản bội và tai họa, vì nó cũng liên quan đến việc nỏ thần bị Trọng Thủy lấy cắp, gián tiếp dẫn đến bi kịch của nước Âu Lạc. Chính vì thế, người dân Cổ Loa kiêng dùng màu trắng trong lễ hội để tránh nhắc đến điều xui rủi.
Kiêng kị trong nghi lễ
Không được mang vũ khí vào trong đền Cổ Loa: Theo quan niệm của người dân địa phương, đền thờ là nơi linh thiêng, cần được giữ gìn sự thanh tịnh và trang nghiêm. Việc mang theo vũ khí vào đền ẩn chứa sự xung đột, làm mất đi tính trang nghiêm, thanh bình của không gian lễ hội. Hơn nữa, chuyện cũ kể rằng, khi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc, nội bộ đã xảy ra biến loạn, dẫn đến sự thất thủ của thành Cổ Loa. Vì vậy, việc kiêng mang vũ khí vào đền còn mang ý nghĩa nhắc nhở về bài học lịch sử, tránh những mâu thuẫn và bạo lực có thể xảy ra. Đây cũng là một biện pháp đảm bảo an ninh, tránh những sự cố đáng tiếc trong quá trình tổ chức lễ hội.
Kiêng không nói lời bất kính với vị thần được thờ: Khi tham gia lễ tế, người làm lễ tuyệt đối không được buông lời khiếm nhã với thần linh hay xúc phạm đến Thục Phán An Dương Vương và các vị thần khác. Điều này xuất phát từ quan niệm rằng, lời nói có thể ảnh hưởng đến linh khí của buổi tế lễ. Người xưa tin rằng lời bất kính có thể làm thần linh phật ý, khiến lễ hội mất đi sự linh thiêng và không nhận được sự chứng giám của các bậc thần thánh.
Kiêng kị trong quá trình rước kiệu
Theo quan niệm dân gian, kiệu là nơi ngự của thần linh, tượng trưng cho sự hiện diện và che chở của các vị thần. Nếu kiệu chạm đất hay bị đổ giữa đường, điều này được xem là sự bất kính, có thể khiến thần linh không chứng giám và làm gián đoạn sự linh thiêng, linh khí có thể tiêu tán, làm mất đi sự may mắn và thịnh vượng của cộng đồng. Ngoài ra, việc kiệu bị đổ, chạm đất còn gợi nhớ đến những biến cố trong lịch sử, như sự sụp đổ của nước Âu Lạc. Tránh để xảy ra thiếu sót nào, dù là rất nhỏ, khi chuẩn bị vào hội, các giáp chọn những phu kiệu, cả trai và gái, trước hết tránh người có tang. Vì theo phong tục của làng, tang chế gắn liền với sự mất mát và đau thương, không phù hợp với không khí vui tươi và trang trọng của lễ hội Cổ Loa. Các phu kiệu phải khỏe mạnh, có dáng hình đẹp và đức hạnh. Khi rước kiệu phải có kíp phụ sẵn sàng thay thế, mỗi người phải cẩn trọng trong từng bước đi, luôn nhắc nhở nhau phải giữ thăng bằng kiệu thánh.
Kiêng kị trong trò chơi dân gian
Tránh tranh cãi, đánh nhau trong trò chơi: Trong hội có nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, ném còn, bắn nỏ, người tham gia phải giữ tinh thần hòa hiếu. Lễ hội Cổ Loa diễn ra vào những ngày đầu năm mới (ngày 6 tháng Giêng), là dịp để dân làng đoàn kết, giao lưu và cùng nhau gìn giữ những trò chơi thượng võ truyền lại từ xa xưa. Việc tranh cãi hay gây gổ khi tham gia các trò chơi này không chỉ làm mất đi ý nghĩa vui tươi mà còn có thể gây ra mâu thuẫn trong cộng đồng trong những ngày đầu xuân. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, nếu xảy ra xích mích trong lễ hội có thể trở thành điềm báo một năm không thuận lợi, mất hòa khí và ảnh hưởng đến sự bình an của cả làng.
.jpg)
Những điều kiêng kị trong lễ hội Cổ Loa không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần, tổ tiên và anh hùng dân tộc mà còn truyền tải thông điệp về sự tôn trọng lịch sử, giáo dục thế hệ sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn./.