Những nhịp cầu mến thương

Tạ Thị Thanh Hải| 02/01/2023 09:53

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, tự bao giờ đã vương luyến hồn du khách bởi nét đẹp cổ kính với những danh lam thắng cảnh ghi dấu vàng son lịch sử như Văn miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Thành phố giữa lòng sông ấy còn được biết đến với những cây cầu, một gạch nối văn hoá - xã hội - kinh tế với các địa phương lân cận như một sự giao thoa diệu kì.

mua-thu-ben-ho-guom(1).jpg
Mùa thu bên Hồ Gươm

Hưng Yên quê tôi là một tỉnh nhỏ giáp ranh với Hà Nội, cùng mạch nguồn văn minh sông Hồng huyền sử. Trước kia, cung đường gần nhất từ quê tôi lên Hà Nội phải đi đường đê sông Hồng, qua phà Khuyến Lương rồi lên Lĩnh Nam, Mai Động. Kỉ niệm thuở thiếu thời của tôi là những lần đạp xe theo chị gái đi lên tận chợ Mơ bán táo. Gió cuối đông hun hút thổi. Sông Hồng mênh mang sương giăng. Chiếc phà ì ầm qua lại hai bên bờ sông chuyên chở bao nhọc nhằn mưu sinh của người lao động, chất chứa bao ước mơ khát vọng hướng về Hà Nội phồn hoa. Chị em tôi đứng đợi phà giữa tiết trời lạnh giá rồi lại cùng nhau chật vật đẩy xe hàng xuống phà, cố giữ thật chắc để chiếc xe được thăng bằng. Hai chị em đẩy xe gọn vào gần mép phà, quan sát những xe hàng của những người cùng chuyến, tôi thấm thía nỗi vất vả của người dân quê. Trời rét buốt mà mồ hôi rịn trên những khuôn mặt đỏ bừng, những cánh tay gồng lên gân guốc. Lúc ấy, tôi nói với chị mình: “Ước gì có cây cầu bắc qua sông để đỡ phải đợi phà, dắt xe hàng lên xuống vất vả thế này chị nhỉ?”. Chị tôi bảo: “Từ nhà mình lên Hà Nội cũng có đường đi qua cầu nhưng xa hơn đường này em ạ”.

Lần sau lên Hà Nội, chị dẫn tôi đi theo quốc lộ 5 rồi qua cầu Long Biên. Cung đường này đúng là xa hơn so với đi phà Khuyến Lương nhưng tôi lại có cảm giác nhẹ nhàng hơn. Đi đến đầu cầu Long Biên, tôi đã trông thấy tấm biển ghi tên nhà thầu Dayde’ &Pille’, năm khởi công và khánh thành cây cầu. Nhìn tấm biển sắt hoen rỉ nhuốm màu thời gian mà lòng tôi thầm ngưỡng mộ. Mới được biết đến cầu Long Biên qua những trang sách, những câu hát trữ tình, chỉ đến khi được đạp xe trên cây cầu thép có tuổi thọ hàng thế kỉ, nhìn xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa đắp bồi bờ bãi trù phú nên thơ, tôi mới cảm nhận rõ ràng và tha thiết hơn tình yêu Hà Nội của mình. Cây cầu này đã ghi lại dấu ấn đặc biệt của Hà Nội trên những chặng thăng trầm của lịch sử dân tộc, những chứng tích đau thương của chiến tranh và cả không khí hào hùng của đoàn vệ quốc quân trở về tiếp quản Thủ đô.

cau-long-bien.jpg
Cầu Long Biên

Năm tôi thi đại học, tôi được anh trai đưa đi Hà Nội bằng xe máy. Lúc đi qua cầu Chương Dương, nhìn về phía cầu Long Biên tôi chợt thấy bâng khuâng khó tả, vừa có cảm giác sung sướng hân hoan khi được chạy xe bon bon trên cây cầu hiện đại, lại có một chút rưng rưng hoài niệm về cây cầu thép cũ trầm mặc phía bên kia. Hà Nội không còn là miền lấp lánh xa xôi ngút ngát nữa mà bỗng như gần hơn. Chỉ cần đi qua cầu là được hoà mình vào dòng người xe tấp nập, là đến với vẻ đông đúc mà rất đỗi bình yên nơi phố cổ, cảm nhận được sự cổ kính nên thơ khi dạo quanh Hồ Gươm, thâu lượm cái không khí thoáng đãng mát lành nơi Hồ Tây lộng gió. Và sau chuyến đi ấy tôi vẫn âm thầm mơ ước về những cây cầu mới nối quê mình gần với Hà Nội hơn nữa.

Hà Nội khởi sắc từng ngày. Biết bao tuyến phố mới được mở ra, biết bao công trình xây dựng mọc lên theo đà phát triển của Thủ đô. Bước sang thế kỉ 21, con đường vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì và hệ thống đường dẫn nối ra quốc lộ 5 được coi là một dự án lớn, là món quà của tình hữu nghị Việt –Nhật. Công trình có tầm quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ cho trục kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cầu Thanh Trì được khánh thành thông xe ngày 2/2/2007, là một trong những công trình trọng điểm hướng tới đại lễ “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Và với những người dân Hưng Yên quê tôi thì cây cầu có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là một cung đường ngắn nhất để mọi người đến được với Thủ đô. Cây cầu nối liền Hà Nội với Ecopark, một khu đô thị xanh bậc nhất miền Bắc được ví như “Singapo thu nhỏ”. Từ ngày có cầu Thanh Trì, nhiều người làm việc ở Hà Nội đã chuyển về Ecopark sinh sống để được tận hưởng bầu không khí trong lành thoáng đãng nơi đây. Cây cầu đưa những sinh viên quê tôi đến với Hà Nội, thắp lên bao ước mơ khát vọng nơi giảng đường đại học. Cây cầu khiến quãng đường từ quê lên Thủ đô được rút ngắn hơn, vợi bớt nỗi nhọc nhằn của những phận đời quê lên phố mưu sinh. Mỗi lần đi trên cầu Thanh Trì, nhìn xuống dòng sông Hồng đang lững lờ chảy, miệt mài bồi đắp phù sa, tôi lại bâng khuâng nhớ về những chuyến phà nhọc nhằn trong quá khứ để thấy Hà Nội phát triển diệu kì, quê hương mình cũng nhờ đó mà thay da đổi thịt.

cau-thanh-tri.jpg
Cầu Thanh Trì

Sau cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy được ra đời cũng được coi là một điểm nhấn quan trọng trong việc thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội. Cầu Vĩnh Tuy chính thức được thông xe ngày 26 tháng 9 năm 2010, giữ kỉ lục là cây cầu rộng nhất Việt Nam tính đến thời điểm ấy. Cây cầu này cũng vinh dự được gắn biển “Công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Cầu nối phố Minh Khai của quận Hai Bà Trưng với phố Đàm Quang Trung (Long Biên), góp phần giảm lưu lượng xe ô tô đi từ trung tâm thành phố về phía đông, giảm áp lực giao thông cho hai cây cầu Chương Dương và Thanh Trì. Và với người dân Hưng Yên quê tôi, từ khi có cầu Vĩnh Tuy, nhiều hoạt động giao lưu buôn bán cũng thuận tiện hơn; nhất là quãng đường đến với bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một bệnh viện lớn và uy tín của miền Bắc, đã gần hơn rất nhiều. Có người lái xe gọi đó là cây cầu “vượt thời gian” vì có biết bao bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời nhờ cung đường thuận tiện ấy. Mỗi nhịp dẫn của cây cầu như là một nhịp thở của những sinh mạng quý giá. Có người vượt qua được ranh giới mong manh thập tử nhất sinh trở về đã hết lời ngợi ca sự tiện ích của cây cầu huyết mạch này. Một công trình bề thế bởi bê tông cốt thép, ngỡ như một vật vô tri vô giác mà bỗng nhiên được thổi hồn kì diệu, trở thành mạch nguồn sự sống cho Thủ đô, hồi sinh biết bao trái tim tưởng chừng đã lỗi nhịp. Thật đáng yêu, đáng quý biết bao!

Theo dòng chảy của thời gian, Hà Nội cứ thay da đổi thịt từng ngày. Mỗi lần đến với Hà Nội, tôi lại như người lữ khách lãng du, hoài niệm miên man về những cây cầu mình từng đi qua. Tôi cùng bạn bè mình cũng đã có cơ hội khám phá thêm những cây cầu bề thế như Thăng Long, Đông Trù, Nhật Tân… Và trong thời gian tới, sẽ có nhiều cây cầu mới bắc ngang sông Hồng như biểu tượng sinh động nhất về một Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại, phồn hoa nhộn nhịp mà ấm áp nghĩa tình. Những cây cầu ấy tựa như những cánh tay vững vàng đang dang rộng đón chào bạn bè khắp nơi về tụ hội. Và niềm hân hoan tự hào cứ lan toả thiết tha trong những trái tim yêu Hà Nội, đằm thắm như một bản tình ca nồng nàn.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Tạ Thị Thanh Hải. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Rong ruổi nỗi nhớ Hà Nội phố
    Khi ông trời kéo tấm màn mây đi ngủ, những thanh âm của ban ngày tạm lắng xuống. Dòng người thưa dần, tiếng còi xe cũng ngớt, đâu đó vang lên tiếng bước chân vội của những người đi làm về muộn. Giữa thành phố rộng lớn, không cần lắng lòng bạn cũng nghe thấy những tiếng rao đêm vang lên, vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố nhẫn nại và chậm chạp như muốn đếm nhịp thời gian, đo không gian của đêm.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Những nhịp cầu mến thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO