Di tích An toàn khu Quán cơm cụ Điếc (huyện Đông Anh)
Di tích cách mạng Xuân Canh nằm trên đường quốc lộ số 3 thuộc địa phận xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Đây chính là địa điểm lịch sử ghi dấu một quán cơm bình dị của cụ Nguyễn Thị Thanh nhưng đã đóng góp rất nhiều cho cách mạng.
Từ năm 1941 đến năm 1945, cùng với các xã khác ở Đông Anh, Xuân Canh đã vinh dự được chọn làm nơi xây dựng an toàn khu của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và quán cơm của cụ Điếc (tên thật là Nguyễn Thị Thanh), còn gọi là “Quán cơm quốc tế”, đã trở thành một địa điểm đón đưa các cán bộ cách mạng, là trạm liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với cả nước. Suốt thời gian dài, nơi đây đã góp phần đảm bảo an toàn cho Trung ương Đảng hoạt động chỉ đạo các phong trào cách mạng cả nước.
Cuốn sơ thảo “Xuân Canh những chặng đường lịch sử có ghi rõ: “Một cán bộ binh vận là Lưu Thị Đoàn có quan hệ với chủ quán cơm đã lâu. Khi đồng chí Tỉnh gây dựng cơ sở quán này thì đồng chí Đoàn đã bàn giao lại để đồng chí Tỉnh tiếp tục gây dựng. Chẳng bao lâu, quán cơm trở thành một cơ sở tin cậy được Trung ương chọn làm trạm liên lạc, nơi hội họp, nơi giao nhiệm vụ cho cán bộ. Chủ quán là bà Nhạn, tên chính là Nguyễn Thị Thanh, quê ở Hưng Yên, lấy chồng ở làng Dóng (Phù Đổng - Gia Lâm). Ông mất sớm, để lại cho bà một con gái nhỏ 3 tuổi. Bà đến Văn Thượng ở nhờ để buôn bán kiếm sống. Tại đây, bà đi bước nữa lấy một người trong làng và ra mở quán cơm tại bến ô tô khách bên lề quốc lộ 3”.
Xuân Canh có bến đò ngang, đò dọc đi trên sông Đuống, sông Hồng, có Quốc lộ số 3, lại gần với đầm Tháng Năm nên quán cơm của cụ Thanh thường đón được nhiều khách qua lại làm ăn, buôn bán. Lợi dụng sự thuận tiện này, các cán bộ cách mạng trà trộn đi lại, địch rất khó phát hiện. Trong bài nói chuyện ở Đông Anh ngày 18/8/1987, đồng chí Trường Chinh đã kể lại “...Nhiều nơi trên đất Đông Anh đã trở thành trạm liên lạc, nơi hội họp như cây gạo Ba Đê, quán cơm của cụ Tấc cạnh cây gạo chợ Bỏi. Quán cơm của cụ Nguyễn Thị Thanh ở ngã ba Dầu thường được anh em cán bộ lúc đó gọi là “Quán cơm quốc tế”... Trong thời gian ở Đông Anh tôi thường ở nhà anh Lý Từ (Ngọc Giang), nhà cụ Trạch... và thường nghỉ tại các địa điểm như quán cơm cụ Thanh (ngã ba Dâu), đền Cổ Loa hoặc nhà cụ Phương, anh Tước (Ngọc Giang) để giao nhiệm vụ cho cán bộ...”.
Trong một thời gian dài, trạm liên lạc ở quán cụ Thanh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, không lần nào để lộ bí mật và đã trở thành một điểm ATK của 6 huyện thuộc ATK Trung ương giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945. Năm 1964, gia đình cụ Thanh được cấp bằng “Có công với nước” cùng với các gia đình cơ sở ở Xuân Canh. Năm 1987, tại vị trí quán cơm đã được gắn biển lưu niệm về một giai đoạn lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến năm 2002, di tích đã được tu bổ, nâng cấp xứng đáng với địa danh “ATK” thời kỳ tiền khởi nghĩa./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02