Truyện

Phở Đệ Nhất Thanh - Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang

Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang 06/07/2025 07:23

Con vàng anh yếm cam nghiêng đầu rỉa cánh. Trong ánh nhập nhoạng của ngày vừa vào sáng, nhúm lông vũ bé bỏng như đốm lửa hoang dã bập bùng trong chiếc lồng treo trước nhà chú Xè.

img_0921.jpg
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

“Vẫn không chịu hót hử?” Chú Xè chắp tay sau lưng, ngẩng nhìn. Từ ngày dọn đến đây, vàng anh thành ra câm lặng dù có thời từng đoạt danh hiệu Đệ Nhất Thanh trong cuộc thi hót ở Hạ Long hồi năm 1948. Cựu hoàng tới dự còn đeo vào cổ vàng anh chiếc mề đai quán quân. Giờ đây chú Xè đeo lên ngực mình như dây chuyền, lúc nào cũng bỏ ngoài áo, trưng cho thiên hạ xem, tựa hồ chính ông mới là người đoạt giải hót hay nhất vậy.

“Mở hàng không chú Xè ơi?” Bác Dần nhà đối diện gọi, vừa khệ nệ nhắc nồi nước lên bếp than. Gánh phở của bác chỉ còn hai cái bàn tạp nhạp kê sát đường, nhưng cái bảng hiệu phía trên viết bằng lối thư pháp Đông Hồ tiên sinh rất oách: Phở Hàng Thiếc.
“Một bát.” Chú Xè lửng thửng qua, lấy tay phủi phủi mặt ghế trước khi ngồi xuống.

Thím Dần cầm bình nước vối, rót đầy cốc thủy tinh. Chú Xè uống nửa cốc, khà một tiếng sảng khoái, tặc lưỡi: “Nhớ trà Tân Cương quá!”

“Nghe nói nhà Hữu còn giữ hơn chục lạng. Sang đấy bảo nó nhượng lại cho một ít.” Thím Dần nói.

“Linh tinh, để từng ấy năm có mà hỏng hết trà.” Bác Dần cãi lại, gõ vá lốp cốp vào thành nồi trước khi múc nước dùng vào bát. Đó là thói quen của ông mỗi khi làm phở cho khách chứ chả tác dụng gì. Mấy lúc dọn dẹp dưới bếp, thím Dần đếm tiếng lốp cốp ấy để áng chừng nếu chồng bán đắt hàng thì lên phụ và nhất là coi bán được bao nhiêu bát. “Sót một đồng thì chết với bà”, bác gái vừa đếm tiền vừa lẩm bẩm. Dạo này bác thành ra chắt bóp hơn trước để sắm sửa cho cu Đỗ. Có đứa độc đinh nên nhà Dần kỳ vọng ở nó nhiều lắm, muốn con sang Pháp sang Mỹ du học. Tấm bảng hiệu này cũng do cu Đỗ tự viết, bảo treo lên thế nào cũng đắt khách. Quả từ ngày mấy chữ ấy hiện ra phía trên chỗ ngồi của bác Dần, tô phở bình thường bỗng đượm vị băm sáu phố.

“Cho một phở Hàng Thiếc!” Ông giáo Lan đặt cặp xuống ghế, tự rót đầy cốc nước vối.

Một thằng nhóc đang nghịch mấy cái căm chiếc xe đạp của ông giáo dựng bên tường.

“Con nhà ai vậy?” Giáo Lan hỏi.

“Cục cưng của nhà Lê ạ. Họ dọn tới cũng lâu rồi ạ.”

“Thế à…” Người quen mỗi lần nghe ông giáo nói “thế à” thì biết là hết chuyện, ông chẳng quan tâm nữa nên không ai hỏi han gì, nhất là khi ông đang ăn. Trái với vẻ ngoài thư sinh mực thước, ông có lối ăn uống kiểu nhà binh vội vàng như sắp hành quân. Nhiều đặng phụ huynh học trò chưa kịp chào dứt câu, ông để bát xuống sau khi bưng lên húp ừng ực, nhưng không húp cạn nước mà lúc nào cũng chừa lại sóng sánh đủ soi mặt mình tựa hồ Mị Nương tưởng ngắm được dung nhan Trương Chi trong đáy cốc.

Lòng chiều bơ vơ lúc thu
vừa sang,
Chập chùng đêm khuya
thức ai phòng loan
Một cánh chim rơi trong
khúc nhạc vàng
Đây đó từng song the
hé đợi đàn.

Giáo Lan đặt mấy tờ tiền trên bàn, leo lên xe, đạp đi, bỏ lại cho mọi người giọng hát chẳng gọi là hay nhưng lúc nào cũng đượm cái day dứt riêng khó tả. Nàng Mị Nương của thầy đang ở Hà Nội. Một ngày mùa thu nàng nói với chàng:

“Anh xem những con sâm cầm trên hồ mới vô tư làm sao. Em sợ có ngày mình không gặp chúng nữa. Nên thôi, em không xuôi về Nam cùng anh đâu…”

Họ chia tay bên hồ. Những con sâm cầm nối nhau bơi trên chiếc gương phẳng phiu, kéo theo ảo ảnh của mình soi đáy nước, rồi lả lướt về núp dưới bóng cây in hằng xuống mặt thu pha.

Mấy tháng sau, thầy Lan theo đại gia đình vào Hóc Môn, rồi cứ vậy anh giáo thành ông giáo, mới mấy năm đã kịp già, tóc vẫn xanh cỏ hoa nhưng da đã sạm vì nắng mới. Rồi thầy cùng mẹ, vợ chồng anh trai, ba đứa cháu chuyển về xóm này vì u già chợt muốn nghe giọng Hà Nội.

Nhà Lê cũng từng sống mấy năm trên phố. Ông bố vốn làm thầy ký hãng buôn. Tháng Chạp năm ngoái có người họ hàng biên thư rủ vào chơi thế là vợ chồng với thằng con khăn gói lên đường. Tới Sài Gòn, lạ nước lạ cái chưa biết về đâu thì một anh con trai dáng bộ cũng khôi ngô đon đả hỏi thăm rồi kéo về nhà. Vậy mà họ ở đó hơn tháng. Anh nọ cũng dân lao động chân tay, không vợ không con, nhà cửa đơn sơ, không có chi đáng gọi là của cải. Nghĩ đến đây bố thằng Lê Quốc Khánh định bụng giới thiệu một cô trong xóm cho anh.

Hai ông bà cứ dặn mọi người xưng hô thế. Bố Quốc Khánh với mẹ Quốc Khánh. Nhà bác Dẫn cưng thằng Đỗ bao nhiêu thì nhà Quốc Khánh còn cưng nó còn hơn thế. Thằng Quốc Khánh ít tuổi, học theo lối ăn mặc trong này, bộ đồ vải mỏng, sơ mi trắng, quần ngắn cũng màu trắng, đứng lên ngồi xuống một hồi là chỗ hai cái mông quần bẩn hết cả.

“Quốc Khánh, lại đây!” Chú Xè gọi. Thằng nhỏ vâng một tiếng rõ to, lon ton tới. Chú Xè nhón cái quẩy đưa nó. Thằng nhỏ lí nhí “con xin”, ngồi gặm gặm đầu quẩy.

“Ngoan thế!” Chú vuốt mái tóc mượt mà nó.

“Thích con nít thì chả lấy vợ đi.” Thím Dần bưng đống chén đũa sạch đi ra.

“Đây chả thèm.” Chú Xè chẳng rõ có dỗi không, đặt mấy đồng lên bàn rồi ngoe nguẩy đứng dậy.

“Cái lão như con gái mới nhớn!” Bác Dần nói, “cái xóm bé tẹo mà toàn trai già.”

“Cái con gái già này sao mày chả chịu hót.” Chú Xè bực tức con vàng anh, tay thì thoăn thoắt khiêng mấy cái mẹt đựng thảo dược ra phơi trước sân, nơi tia nắng mới rạng ngày đậu trên mái nhà, dịch từ từ đến chỗ mấy cái ghế đẩu chỏng ngược làm kệ phơi thuốc.

Bấy giờ Phở Hàng Thiếc mới bắt đầu đông khách. Tiếng vá va vào thành nồi vang lên liên tục đến tận trưa. Thím Dần ngồi rửa bát đũa bên hè, mẹ thằng Quốc Khánh đi qua đưa gói giấy, bên trong là chiếc sơ mi mới cắt may. Thím Dần suýt xoa, í ới gọi thằng Đỗ lên ướm thử. Bác Dần đứng ngó, nhổ nước bọt vào tay, vuốt vuốt tóc thằng con, nom nó đã ra dáng công tử.

Thím Dần gấp tờ tiền như đạo bùa, kín đáo đặt vào tay mẹ Quốc Khánh rồi ủ bàn tay thô ráp của mình lên tay bà.

“Em gửi chị tiền công may đồ…” Thím Dần liếc chồng, “mà chuyện em nhờ chị hôm bữa…”

“Nhà thờ ấy hả?” Mẹ Quốc Khánh hỏi. “Chị đã hỏi Cha rồi, Cha bảo Chúa nhật này nhà em cứ tới dự lễ.”

“Vâng, trăm sự nhờ chị. Nhà em cũng muốn cháu Đỗ được rửa tội. Rồi được mang tên thánh. Thầy ở trường nói học bổng đi Tây dành cho Kitô hữu rộng rãi lắm, nên…”

“Lạy Chúa lòng lành”. Mẹ Quốc Khánh mắt nhắm, làm dấu thánh thành kính.

“Lạy Chúa… lòng lành…” Bác Dần gái bối rối nói theo.

“Chị cứ thong thả rồi tất thảy cũng xong. Mọi sự đều được Chúa an bài.”

“Vâng, trăm sự nhờ ơn chị.”

“Thôi, tôi phải đi chợ mua con cá. Nay là sinh nhật thằng Quốc Khánh.”

“Ra là sinh nhật cháu nhà. Hay là mừng tiết thu, tối cứ kéo sang nhà chú Xè làm buổi liên hoan. Cũng đã lâu không giỗ chạp, cưới xin gì.”

Hai mắt mẹ Quốc Khánh long lanh, răng bà cắn nhẹ môi dưới, e dè. “Nhưng để tôi hỏi bố Quốc Khánh rồi sang mời mọi người.” Dứt lời, bà đội lại chiếc nón lá, đứng dậy, hướng thẳng ra chợ.

***

Tiếng gà đang gáy mặt trời. Ban trưa. Không rõ gà nhà nào.
Thầy giáo Lan đóng trang giáo án, lấy mùi soa cẩn thận chùi sạch ngòi bút máy, đóng nắp lại. Đoạn ông lấy trong hộc bàn một thanh chủy thủ rồi lách vào mép giấy, chậm chậm xẻ đôi hai trang điệp dính vào nhau. Cứ thế đến hết cuốn sách, lúc nắng đã kịp đậu trên những phiến lá bị loài sâu nhỏ gặm thủng lỗ, làm mấy hạt vàng li ti nhỏ xuống tấm thiếp trên bàn.

Kính mời
Giáo sư Lan cùng gia đình
Xin vui lòng di gót ngọc đến dự buổi dạ yến tại tư gia
Xuân Thu dược phòng
Đúng 6 giờ 30 tối
Nay kính

Thầy Lan nhón bốn đầu ngón tay nâng tấm thiếp lên, hít một hơi. Mùi mực mới thoảng hương nhục đậu khấu với quế khâu. Chú Xè viết thiếp cho bố mẹ thằng Quốc Khánh đi gửi. Ông vốn thích những trò bài vẽ hoa hòe.

“Nửa gia đình” gồm anh trai, chị dâu với hai đứa cháu dọn lên phố nửa năm nay cho tiện buôn bán. Chỉ còn thầy với u già ra vô mấy buồng trống. Có đận anh trai cho đánh xe chở u già lên ở chung nhưng được vài ngày thì u đổ bệnh, ho liên miên mấy tháng, tới chừng về lại xóm này mới dứt ho. Ông lang Xè thì bảo nhờ thuốc của ông mới khỏi nhưng thầy Lan biết không phải vậy. U già mắc chứng cảm phố, hễ đến chỗ đông người, nghe tiếng bánh xe lạch cạch trên hè, tiếng í a í ới gọi khách, với không khí lúc nào cũng ám thứ mùi gì đó là bà bắt đầu ho rủ.

Những cơn ho từ năm này qua năm khác làm bà suy kiệt. Ông đốc tờ Xuân khuyên nếu gia đình có điều kiện thì nên thiên di về Nam. “Nắng phương đó tốt cho phổi cụ bà.” Thế là cả nhà đi. Cuộc chia ly bên hồ và những con sâm cầm không biết giờ này đang làm gì và ở đâu? Chàng Lan mong có ngày nàng con gái chàng thương vọc bóng mình trên nước Tây hồ, chiếc bóng mắc vào chân con sâm cầm bơi ngang để rồi trong cái ngỡ ngàng nàng té vào những con thủy cầm ấy và chúng sẽ cất cánh bay kéo nàng theo về trời Nam đoàn tụ với chàng.

Thanh chủy thủ chàng vừa lấy rọc sách cũng là thứ nàng hay dùng tỉa thủy tiên. Nàng trao chàng buổi chia ly, để chàng làm cái công việc tỉ mẩn, căng thẳng như thể tay thích khách lần mò xem chỗ nào trên thân thể kẻ bạo quân không được giáp trụ che chắn thì luồn lưỡi dao vào. Thế nên nàng mới gọi dao ấy là chủy thu, trêu chàng Kinh Kha chẳng sang Tần, chẳng ám toán ai nhưng cũng một đi không trở lại.

U già bước vào buồng tự lúc nào. Đứng nhìn con trai, đóa hoa lan bà chăm sóc mấy chục năm nay. Bà không biết chữ, lúc chồng là ông đồ cuối mùa đặt đứa con trai út tên Lan bà đã phản đối.

“Quân tử chi hoa? Cái quân tử Tàu nhà ông đã hết thời rồi. Đến khăn tay ngoài chợ bây giờ người ta cũng thêu bông hồng đỏ chót.”
Ông đồ chẳng cự cãi làm gì. Thói đời dạy ông nhẫn nhịn. Ông chỉ lẳng lặng làm giấy khai sinh. Và lan lại là lan.

U già yêu đóa lan của bà, chỉ ước có cái lồng thủy tinh để mình chụp xuống hoa ấy, bảo vệ nó mãi mãi. Bà vuốt tóc con trai, hình dung đang mân mê một cánh dạ lan mong manh. Kìa kìa. Một sợi tóc bạc, bà khẽ nhổ. Thầy Lan kêu, quay ra sau thì nhìn thấy mẹ. Trên bàn tay nhăn nheo của bà cầm sợi tóc óng ánh.

“Hay là con về ngoài đó…” Bà nói.

“Không. Chuyện này con nói bao lần rồi. Con sẽ ở lại đây với u.”

“Biết chừng năm sau u đoàn tụ với thầy các con đấy.”

“U chỉ nói gở. U sống thọ trăm tuổi.

"Trăm tuổi mà làm gì. Như hoa đấy, nở có thì, thế mà lại hay.”
Bà cầm chiếc lược đồi mồi chải lại tóc con trai. Áo quần mặc chiều nay, bà cũng là thẳng thớm treo trong tủ rồi.

“Con đi một mình nhé.”

“Kìa u…”

“Hôm nay u lại thấy mệt trong người.” Bà vờ húng hắng vài cái.
Dẫu nói vậy, đến hẹn, trước sân Xuân Thu dược phòng đã thấy bóng dáng u già ngồi xem mấy đứa con nít nghịch dế.

Mùi cá chưng tương trong bếp thoảng đưa. Mấy đĩa cà, vài đĩa dưa bày ra trên bàn. Phút chốc, khoảng hai chục người già trẻ lớn bé quây quần thắp tiếng ồn vào xóm ngụ cư đã ngập trong đêm. Qua rằm chưa được đầy tuần, mảnh trăng tròn khuất mất, nhưng đâu đó bên những bức vách, khói ám vì đốt vàng mã vẫn còn lưu. Tro tiền giấy vẫn náo trong xó nhà nào, mùi khét còn vương vấn gấu quần ai.

Mấy ngọn đèn dầu leo lét rọi lên những gương mặt tảo tần.
Bố Quốc Khánh đứng lên, trịnh trọng: “Kính thưa các ông các bà! Hôm nay là sinh nhật cháu Quốc Khánh cũng là kỷ niệm gần năm tròn nhà chúng em đến đây định cư. Buổi tiệc mọn này coi như thay cháu Quốc Khánh cảm ơn các ông các bà.”

Bố Quốc Khánh run run xấu hổ, ông vốn không quen phát biểu trước đông người. Vừa ngồi xuống đã ực chung rượu lấy lại tinh thần. Láng giềng thấy vậy cũng nhất loạt nâng chén. Tiệc thành sôi nổi, người hát người hò. Bác Hữu vác ống điếu ra. Chú Xè rít rồn rột, hai mắt mơ màng, chợt vùng dậy, ném đũa vào lồng nhốt con vàng anh làm nó giật mình đập cánh hoảng loạn.

“Cái con vật đần độn chẳng chịu hót.” Mặt ông bừng bừng giận giữ.
“Thế là nó khôn đấy.” U già của thầy Lan lên tiếng. Trong xóm, bà là người trọng tuổi nhất. “Chẳng phải bác khoe nó đạt cái giải Đệ Nhất Thanh còn gì. Đã lên tới tột cùng vinh dự của giống loài, giờ nó phải biết im lặng cái lặng im của kẻ hiểu mình tài hơn tất thảy, biết khiêm nhường rút về cái lồng son, nghe đồng loại tranh đua nhau thôi”

Lan ngạc nhiên nhìn mẹ. Đôi khi chàng quên mất chuyện bà không biết chữ.

“Tôi nghĩ do phong thổ đấy.” Bác Dần nói. “Chim ở đây hót tiếng Nam nó nghe không ra, sợ hót lên chúng lại không hiểu mình mà bâu vào mổ cho hói sọ giống... lão Đang.”

“Cái lão bán phở này!” Bác Đang trán dồ ngồi gần đó kêu lên phản đối.

Mấy bàn cười rần. Thằng Quốc Khánh nghiêng đầu, chuồi khỏi vòng tay ôm của mẹ, định chạy ra đường nhưng bị bác Hữu ôm lại.

“Này, cháu tên gì đấy nhỉ?”

“Quốc Khánh ạ.” Thằng nhóc đáp, cố vùng ra.

“Thế cháu họ Quốc tên Ạ ư?”

“Không, cháu tên Khánh. Lê Quốc Khánh.” Nó thoát khỏi tay ông, chạy ù tới chỗ đám bạn.

“Cháu nó sinh đúng tháng 9 ngày 2, nên vợ chồng tôi quyết định đặt vậy.” Bố Quốc Khánh giải thích.

“Hay lắm. Ý nghĩa lắm. Bé con cùng tuổi nước Việt mới đấy.” Chú Xè nói.

“Thì hàng phở của tôi cũng gắn liền địa chỉ văn hóa ngàn năm chứ lị.” Bác Dần vỗ ngực.

Bác Đang nói: “Tôi cũng từng buôn bán ở Hàng Thiếc mà chẳng thấy hàng phở nhà ông.”

Thím Dần đã bốn năm chung, ngà ngà say, ngất ngư ngắt lời.

“Ối giời! Làm gì đã kịp bán phở ở Hàng Thiếc. Lão Dần nhà tôi mổ trâu ở Nam Định. Học mót được nghề nấu phở. Vào đây chẳng biết làm gì thì bày hàng. Lúc đầu chả bán được bao vì chẳng ai biết tiếng. Sau thằng Đỗ nó viết cho mấy chữ, thế là khách đến đông nườm nượp. Cái thằng làm gì cũng giỏi.”

Nhà bác Dần hiểu, người ta đến hàng này ba phần vì muốn ăn món phở của bác, bảy phần muốn ăn cái hương vị hoài nhớ cố hương. Bác không chỉ gánh nồi phở mà gánh cả nước non vạn dặm phân ly vào tận đất mới.

Đỗ lên tiếng hộ bố mẹ. “Dạo này nhà làm ăn cũng khá. Nhà cháu định đặt cái bảng hiệu đàng hoàng. Sẵn đây toàn các chú các bác cao minh. Nay chọn một cái tên nghe sao lưu danh thiên cổ.”
“Đời người được bao mà tính chuyện thiên cổ.” Bác Dần phủi tay. Ông nhất quyết giữ cái tên Phở Hàng Thiếc.

Chú Xè thì đòi đặt thành Đệ Nhất Thanh để vinh danh con vàng anh của chú. Thím Dần gái kiên quyết giữ tên cũ vì “hạp vía” làm ăn. Bố Quốc Khánh, dĩ nhiên chọn tên Quốc Khánh.

Chớm thu, bên kia đường, những tán lộc vừng đã xanh trở lại, chỉ còn sót đâu đó vài chiếc lá đỏ chẳng chịu buông mình, lặng lẽ nấp giữa mấy đồng bạn mới thay áo. Loài cây lạ đời tàn úa lúc đầu năm, nội hai ba ngày, lá đã chuyển hết sang vàng và bắt đầu rụng, để dân ngụ cư nhìn mùa thu ôm ấp mùa xuân mà nhớ tiếc dĩ vãng đành ủ chút cảm tình vào chiếc lá vàng cũng sắp sửa bị cơn gió cuốn bay.
Thầy Lan bất giác thở dài, rồi nói hay là mỗi người chọn một cây lộc vừng bên kia đường. Lá của cây nào rụng cuối cùng thì người đó thắng.

Mọi người chẳng nói mình tán đồng hay phản đối ý thầy Lan, nhưng ai ai cũng tự nhiên chăm chăm nhìn mấy chiếc lá lộc vừng kiên gan không có vẻ gì là sắp rụng bên đường…

***

Những người đang ngồi ở quán phở nổi tiếng nhất nhì giữa lòng Sài Gòn, vào năm thứ hai mươi lăm của thế kỷ hai mươi mốt không biết quán này được đặt tên theo một con chim bé nhỏ khi xưa từng sống đối diện quán. Mùa xuân nọ, khi những chiếc lá lộc vừng rụng rơi, con vàng anh lìa đời, thọ hơn rất nhiều so với bạn bè đồng loại. Nó chết trong lồng mà chưa một lần trở về chốn cũ.

Tôi nhìn các thực khách bằng đôi mắt mơ màng. Có lẽ chẳng vì tuổi già đâu mà vì khói bếp. Họ đều trẻ trung, đều xinh đẹp, họ thuộc về một thời đại khác. Gần năm mươi năm tôi mới trở lại xóm này, hẻm nhỏ đã thành lộ lớn, cả cái gánh ven đường chỉ mấy chiếc ghế con nay đã thành nhà hàng chuyên món phở mà khách khứa từ năm châu chực chờ để được vào ăn. Ngày ấy tôi chả cần xếp hàng, lúc nào bác Dần cũng chừa sẵn cho tôi một bát nhiều hành và chẳng ai thèm tranh chỗ với một đứa con nít. Chỉ có tiếng vá va vào thành nồi là không còn nữa, những kẻ đứng bếp hậu sinh không nối tiếp cái tục ấy, để chuỗi âm thanh kia không ngừng vang động vào cõi mênh mông của những người đã đi rất xa rất xa tới vùng đất này, rồi lại đi rất xa rất xa vào quên lãng. Sau rốt, đến cả những câu chuyện cũng không tồn tại mãi mãi.

Tôi từng có hơn vài chục phần trăm cơ hội để quán này suýt nữa được đặt theo tên mình nhưng rốt cuộc chỉ vì một chiếc lá lộc vừng mà hỏng chuyện. Xác suất để một chiếc lá rụng theo ý mình là bao nhiêu nhỉ? Ôi thôi, tôi lại lẩn thẩn mất rồi. Đừng trách một ông già sắp sửa bước vào tuổi tám mươi. Bố tôi những năm cuối đời còn nhắc: “Chỉ tại chiếc lá lộc vừng ngoan cố. Phở Quốc Khánh nghe hay hơn Phở Đệ Nhất Thanh chứ”./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuyện người phụ nữ họ Trần cứu chúa Nguyễn trên phá Tam Giang
    Người phụ nữ họ Trần được dân gian kể là người có công cứu chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang và đang được thờ tự ở xã Đan Điền (TP Huế) với tên gọi miếu Bà Tơ.
  • Ra mắt hai ấn phẩm pháp lý phục vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phát hành hai ấn phẩm: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025)” và “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”. Đây là những tài liệu có tính thời sự, cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ, chính thống, hỗ trợ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố theo định hướng cải cách bộ máy nhà nước.
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
  • Hội nghị lần thứ Nhất Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nội Bài thông qua nhiều nội dung quan trọng
    Trong không khí phấn khởi trước thành công của việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã và chương trình công tác tháng 7 của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nội Bài (Thành phố Hà Nội), chiều ngày 4/7 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nội Bài tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội.
  • Cấp tỉnh, cấp xã (mới) theo thẩm quyền không để chậm trễ, bỏ sót công việc
    Ngày 4/7/2025, đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận số 174-KL/TW về một số nhiệm vụ tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả.
Đừng bỏ lỡ
Phở Đệ Nhất Thanh - Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO