Truyện

Sen quán

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hải 07:58 26/10/2024

Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.

img_5927.jpg
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Đến đời sau, bố là người chơi đàn nguyệt người tỉnh lẻ, gặp mẹ, cô nhạc công đàn tranh ở một đoàn nghệ thuật rồi nên chồng nên vợ. Ông bà ngoại chỉ sinh được một mình mẹ nên bố đến ở rể. Hồi còn bé, chị được mẹ dạy bảo rất kỹ lưỡng nếp ăn nếp ở của người Tràng An. Lớn lên, chị được mẹ truyền nghề và cho theo học đàn tranh tại Nhạc viện. Âm thanh của cây đàn tranh như ngấm vào máu thịt và tâm hồn của chị từ tấm bé. Khi mẹ luyện đàn theo những làn điệu chèo ở nhà chị thường lẩm nhẩm hát lời theo và thuộc được dăm ba bài. Một lần, nghe chị hát “Đào lý một cành”, mẹ nhận xét: Con có chất giọng hội tụ được cả bốn tố chất vang, rền, nền, nảy của người hát theo lối cổ. Nếu đến câu lạc bộ ca trù học thêm, biết đâu sau nối được nghề cũ của bà ngoại. Nhưng rồi việc học đàn ở trường, việc nội trợ giúp mẹ ở nhà khiến chị chưa thể...

Tốt nghiệp hệ trung cấp âm nhạc, chị đi xin việc ở vài nơi nhưng chưa đâu tiếp nhận. Một lần, đến chơi nhà, nghe tiếng đàn của chị từ tầng 2 vọng xuống, ông Trưởng đoàn của bố mẹ khen hay và hứa sẽ nhận chị về đoàn. Nhưng phải đợi khi mẹ về hưu mới có chỗ. Thành ra, chị vẫn phải ăn bám vào số tiền lương ít ỏi của hai nhạc công nghèo. Thương bố mẹ, chị quyết định đi kiếm tiền để đỡ đần bố mẹ chút ít.

Sáng hôm ấy, chị nói dối mẹ cần một bộ áo cánh, váy thâm của các cụ ngày xưa để đi biểu diễn văn nghệ do chi đoàn thanh niên khu phố tổ chức. Mẹ mở hòm đựng quần áo của bà ngoại từ mấy chục năm trước đưa cho chị cùng lời dặn dò: Đây là kỷ vật thiêng liêng mà bà ngoại để lại, con nhớ giữ cho cẩn thận...

Nhưng chị không đi diễn mà theo một người thợ ảnh thuê thuyền ra giữa đầm sen. Khi chị xuống thuyền, một vài người đăm đắm nhìn và buông lời bình phẩm:

- “Người đâu mà mặt hoa da phấn, đẹp như diễn viên đóng nàng Châu Long”.

Chẳng mấy lúc, hai chiếc thuyền đã ở giữa không gian tĩnh lặng. Chỉ có hai người với ngút ngàn sen. Đang là đầu hạ, hoa sen bắt đầu nở rộ. Bên những chiếc lá chen nhau khoe xanh là búp, là hoa, có bông còn e ấp, có bông đã bung nhụy vàng rực rỡ... Nhiều đóa hoa đã mở cánh phô sắc màu đặc trưng. Tất cả, từ thân, lá, hoa đều tỏa mùi hương thanh khiết.

Trong cảnh sắc đẹp đến nao lòng ấy, người thợ ảnh bắt đầu thực hiện công việc sáng tạo khi chị hóa thân trong tà áo cánh nâu tấu năm cung chèo...

Chừng nửa giờ sau, người thợ ảnh bảo đã chụp hết 1/2 dung lượng phim. Nửa còn lại, theo thỏa thuận với anh, chị phải cất đàn, cởi áo cánh, chỉ đeo một vuông yếm lụa đào mỏng manh trước ngực...
Lần đầu tiên trong đời phải phơi bờ vai nõn nà và eo lưng thon thả của mình trước người thợ ảnh khiến chị không khỏi bối rối. Thành ra mấy ngón tay của chị cứ lóng ngóng với mấy cái cúc áo con con.
Về phía người thợ ảnh, anh cũng trở nên lúng túng. Lên phim xong nhưng anh chỉ lặng ngắm vẻ đẹp ẩn hiện của chị mà chưa biết phải làm gì. Chị ngước nhìn lên trời và kéo anh về thực tại:

- Tiếp tục đi anh. Lát nữa nắng to tôi sẽ bị nheo mắt.

Vừa nói chị vừa ngắt một đóa sen hàm tiếu vừa để làm “đạo cụ” vừa để che bớt bộ ngực căng tràn của tuổi hai mươi.

Người thợ ảnh tiếp tục bấm máy. Anh nắn nót chọn từng khuôn hình để nhân vật trung tâm vừa hòa được với vẻ đẹp của đầm sen, vừa e ấp bên những bông hoa đang khoe sắc. Mười tám kiểu ảnh còn lại là mười tám góc độ, và biểu cảm trên gương mặt của chị cũng phải thuận theo gợi ý của người thợ ảnh... Cuối cùng thì cửa sổ đo số ảnh trên máy đã hiển thị kiểu thứ 36. Người thợ ảnh nói như một câu thuyết minh phim chiếu bãi thời bao cấp:

- Hết phim, mời đồng bào về nghỉ.

Phần vì việc “sắm vai” nhân vật khá căng thẳng đã xong, phần vì câu nói hài hước của người thợ ảnh, chị đứng lên vươn vai thả lỏng cơ thể và cười thật sảng khoái. Con thuyền nhỏ bỗng tròng trành khiến chị ngã nhào xuống đầm sen. Người thợ ảnh chèo thuyền của mình cập mạn thuyền của chị và nói:

- Tôi giữ chắc thuyền rồi. Cứ bình tĩnh mà leo lên...

Loay hoay một lúc chị cũng leo được lên thuyền. Cả bộ váy và yếm đều ướt sũng. Vuông lụa đào dán chặt lấy bầu ngực của chị. Chị nhìn xuống váy rồi đỏ mặt lên vì ngượng. Chị ngắt vội chiếc lá sen che lên phần da thịt ngang hông nơi cái váy vừa bục chỉ...
Đúng lúc ấy người thợ ảnh lại bất ngờ hướng ống kính về phía chị, vừa bấm máy, vừa suýt xoa:

- May quá, vẫn còn một kiểu...
Chị gắt:

- Anh làm cái trò gì thế. Đã nói hết phim sao còn cố tình chụp tấm ảnh trong khi tôi đang thế này...

Người thợ ảnh phân bua:

- Không hề lõa lồ. Tôi đã chọn được góc chụp hợp lý nhất.
Anh đóng ống kính, đặt máy ảnh vào túi rồi tiếp tục thanh minh:

- Thực ra là trong khoảnh khắc hiếm hoi như thế, theo bản năng nghề nghiệp tôi lại lên phim... Không ngờ vẫn còn một kiểu thứ 37 mà chỉ cánh thợ ảnh chuyên nghiệp biết lắp phim mới có được...

- Tôi sẽ hủy kiểu cuối cùng này ngay sau khi anh tráng phim xong.

- Đừng. Tôi van cô đừng làm thế. Trong đời chụp ảnh của tôi, chưa bao giờ có được khoảnh khắc kỳ lạ và tấm ảnh đẹp đến thế.

- Anh lẻo mép lắm. Nhưng theo thỏa thuận, tôi chỉ trả nốt số tiền còn lại khi anh in đủ 37 kiểu ảnh vừa chụp và đưa hết cho tôi...

- Được thôi. Nhưng thực tình, tôi rất tiếc. Cả cuộn phim vừa chụp, có lẽ tấm ảnh thứ 37 sẽ là tác phẩm nghệ thuật để đời của cô và cả của tôi nữa...

***

Bây giờ thì tác phẩm nghệ thuật “để đời” cỡ 10x15 chụp từ 25 năm trước đang ở trước mặt chị. Chị đã giữ lại cả 37 tấm ảnh nhỏ đặt trong cuốn album và 3 tấm ảnh phóng to treo trên tường trang trí cho quán Sen của mình. Còn cuộn phim chụp buổi sáng ấy chị đã tặng lại cho người thợ ảnh từ mấy tháng trước. Chị muốn tri ân người thợ ảnh và cũng là một cách giúp anh ấy trong lúc đang khó khăn. Sáng nay, anh ấy gọi điện, nói sẽ đến quán uống trà sen và có món quà đặc biệt dành cho chị. Trong lúc chờ đợi, chị mở cuốn album ảnh năm xưa để được đắm mình trong kỷ niệm cũ.

Như mọi lần, chị dừng lại rất lâu ở tấm ảnh cuối cùng... Tấm ảnh gần như đặc tả khuôn ngực đầy đặn, căng tràn như thể đang tìm cách thoát ra khỏi mảnh lụa đào ướt sũng trong ánh sáng ven nửa tỏ nửa mờ. Và nét mặt, ánh mắt, nụ cười lộ rõ chút ngượng ngập, chút ngơ ngác nhưng vẫn rất thánh thiện. Một tấm ảnh tự nhiên và hoàn hảo mà cả đời chị không có cơ hội chụp lại được. Khi anh trả tập ảnh mẫu, ngắm tấm ảnh cuối cùng này, chị nghĩ lời người thợ ảnh suýt xoa trong đầm sen là có lý. Và chị đã nâng niu cất giữ nó hàng chục năm trời. Rồi chị ngước lên nhìn 3 tấm ảnh cỡ 50x75 treo trong không gian của quán...

Hai mươi tám năm đã trôi qua, ba tấm ảnh trên tường cũng bắt đầu ngả màu. Hai tấm ảnh chị mặc áo cánh nâu chơi đàn với hai biểu cảm khác nhau. Một tấm khi tấu bản “Đào liễu”, gương mặt lộ vẻ âu lo khi chị nghĩ đến cảnh “thân gái dặm trường”. Một tấm chị nhập thần theo điệu luyện năm cung, gương mặt lại phảng phất buồn khi “nguyệt lặn sao tàn...”, một mình một bóng. Còn tấm ảnh mặc yếm đào trễ nải, dẫu đã có bông sen trước ngực, vẫn toát lên vẻ ngượng ngùng, e ấp... Ba tấm ảnh ấy chính người thợ ảnh đã tư vấn và chọn giúp chị để phóng to. Khi có được ba tấm ảnh ấy rồi chị mới trình bày với bố mẹ ý tưởng mở quán trà sen ở nhà. Bố chị vốn là “tín đồ” của trà, lại cảm được cái thú tao nhã khi thưởng thức trà sen nên ủng hộ chị ngay. Mẹ ngắm mãi những bức ảnh của chị rồi bàn thêm:

- Mở quán, e sẽ xô bồ không hợp với gia cảnh nhà mình. Nhưng con có thể biến cái quán thành một không gian văn hóa để thưởng thức tinh hoa đất trời là vị của những búp trà sơn cước với hương sen kinh kỳ. Mà nhạc cổ sẽ là sứ giả dẫn dắt mọi người đến với không gian ấy...

Hiểu ý mẹ, chị đã nhờ một họa sĩ thiết kế từ tấm biển bên ngoài đến cách bài trí bên trong quán. Chị còn thuyết phục bố mẹ đến một phòng thu làm đĩa CD ghi lại những bản độc tấu đàn nguyệt của bố, đàn tranh của mẹ và của chị, bản hòa tấu nhạc cụ của cả gia đình và cuối cùng là bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà huyện Thanh Quan do chính chị học ngâm theo lối cổ.

Vào một ngày thu, bà con trong phố, khách qua đường ngỡ ngàng khi trước cửa nhà chị treo biển “Sen quán”. Từ trong quán vọng ra tiếng đàn tranh, đàn nguyệt dặt dìu như muốn đưa mọi người đến với những câu chuyện trong các tích chèo thuở xưa... Khách đến thưởng thức có cả người ngoại quốc, nhưng đông nhất là cánh văn nghệ sĩ Hà thành. Họ rủ nhau đến thưởng trà ngon nghe nhạc cổ, tìm cảm hứng sáng tác từ cô chủ xinh đẹp và ba tấm ảnh sen trên tường...

Sen quán dần đông khách và trở thành một trong những nguồn thu nhập của gia đình thì mẹ xin về hưu sớm để chị được thế chỗ trong đoàn nghệ thuật. Tiếp đó, người yêu của chị từ nước ngoài về và xin cưới bằng được. Chồng chị là người giỏi làm ăn nhưng rất gia trưởng. Khi biết chị mang thai đứa con gái đầu, anh bắt chị thôi phụ việc cho mẹ ở quán. Chị miễn cưỡng nghe theo. Khi chị sinh đứa thứ hai, chồng yêu cầu chị bỏ việc ở đoàn về lo nội trợ và trông nom con cái. Anh bảo, thu nhập ba tháng của chị ở đoàn không bằng một đêm ở quán bar mà anh góp vốn. Chị cự lại rằng, cái nghề đàn đã thấm vào máu thịt, hồn vía của cả gia đình, không thể bỏ. Lần này thì anh phải nhượng bộ. Hết thời hạn sinh nở, chị tiếp tục đi làm. Rạn nứt trong quan hệ vợ chồng bắt đầu từ đấy, nhất là khi mẹ chồng bắt chị phải sinh tiếp con trai để có người nối dõi. Chồng chị vào hùa với mẹ. Sống ở nhà chồng chỉ bàn mưu kế làm ăn kèm lời ong tiếng ve chuyện sinh con trai, chị thấy mình thật lạc lõng.

Một lần cãi nhau với chồng, chị dắt luôn hai đứa trẻ về ở với mẹ. Vắng chị, chồng lục tung tư trang trong cái va ly biểu diễn của chị và phát hiện ra tập album có tấm ảnh thứ 37. Anh ta hùng hổ sang nhà chị, ném tập ảnh xuống trước mặt cả nhà và cật vấn về tấm ảnh lõa lồ. Sau vụ tấm ảnh, gia đình nhà chồng cho rằng chị là đứa con dâu hư hỏng và không muốn đón chị về nữa.

Rồi bỗng một chiều, có cô gái trẻ đến Sen quán và tuyên bố đã có thai với chồng chị, siêu âm là con trai. Cô ta bảo, chính mẹ chồng chị xui gặp chị đòi cho thằng bé một danh phận...

Nỗi đau dồn dập kéo đến khiến chị mất ngủ triền miên, người gầy rộc. Thương chị, bố mẹ bàn tính mãi rồi đưa ra lời khuyên:

- Nhà người ta lấy vật chất làm lẽ sống. Nhà mình quen với cuộc sống thanh đạm nhưng lại được bồi đắp bằng đời sống tinh thần phong phú. Đã một thời nhà mình đầy ắp tình yêu thương, đầy ắp tiếng đàn và tiếng cười... Con không cần phải đánh đổi vật chất lấy nỗi buồn. Với mức lương dù ít và chút đỉnh thu nhập từ Sen quán cùng hai thiên thần bé nhỏ ở bên, con phải tìm lại cuộc sống hạnh phúc mà bao người hằng mơ ước...

Chị nghe theo lời bố mẹ, làm đơn xin ly dị chỉ với một yêu cầu: được nuôi hai đứa con. Chồng có vẻ vẫn luyến tiếc vợ đẹp con ngoan nhưng bị cô vợ trẻ đã có con trai “dắt mũi” nên phải thuận theo.
Chuyện ấy cũng đã 20 năm trôi qua. Con gái đầu chị bây giờ đã là ca sĩ, đứa thứ hai cũng có học bổng ở nhạc viện nước ngoài. Còn chị cũng vừa về nghỉ để nhường chỗ cho một danh cầm trẻ... Quán Sen vẫn như xưa. Ngoài cái đĩa CD cũ, chị đã thu âm thêm được hai đĩa nhạc không lời cho đủ một số làn điệu dân ca đặc trưng của 3 miền Bắc - Trung - Nam và lưu giữ trong ổ cứng. Khách đến quán không đông nhưng vẫn đều đều...

Mấy tháng trước tình cờ người thợ ảnh năm xưa xuất hiện. Anh ta bước vào quán với dáng vóc gầy guộc, lam lũ khiến mãi chị mới nhận ra. Rồi anh kể cho chị nghe về những thăng trầm của cuộc đời từ khi kết hôn với một cô người mẫu ảnh và 20 năm mưu sinh ở phương Nam. Vì nghe và làm theo những ý tưởng đồng bóng của vợ mà anh chỉ còn hai bàn tay trắng, vợ thì bỏ đi theo người đàn ông khác...

Anh ngập ngừng hỏi về cuộn phim năm xưa và đề nghị:

- Em có thể cho tôi sử dụng một số tấm ảnh trong cuộn phim ngày ấy để tôi tham gia một cuộc thi không? Thực tình, bây giờ tôi không có tiền và không thể chụp được những tác phẩm như thế nữa.
Chị ngẫm nghĩ một lúc rồi lên gác lấy xuống cuốn phim mà chính anh ta đã hướng dẫn cách bảo quản rồi nói:

- Anh là tác giả, tôi chỉ giữ giúp. Bây giờ xin trả lại cho anh.
Người thợ ảnh ngạc nhiên:

- Tôi đang sống trong một giấc mơ hay trong cuộc đời thực đây nhỉ?

- Là thực. Bây giờ khi đã bước sang tuổi 50, tôi mới thấm hết câu anh nói về bức ảnh để đời. Tôi muốn anh in và gửi cho một tạp chí nhiếp ảnh nào đó, ảnh một cô gái Hà Nội của thế kỷ trước... Có lẽ, sẽ ít ai còn nhận ra tôi nữa...

***

Chị đang miên man suy nghĩ về số phận tấm ảnh, về phận người thì người thợ ảnh đến. Anh trịnh trọng đặt trước mặt chị cuốn tạp chí nhiếp ảnh nước ngoài và mở trang có tấm ảnh để đời kèm theo lời chú thích bằng tiếng Anh dưới bức ảnh: “Tác phẩm đoạt giải Nhì trong cuộc thi” rồi nói tiếp:

- Một nhà xuất bản đã mua bức ảnh này để làm trang Mùa hè của lịch 5 tờ năm tới. Tôi đến là để cảm ơn và muốn được chia sẻ niềm vui cùng em...

Chị từ tốn:

- Chính tôi phải cảm ơn anh mới đúng. Nhờ những tấm ảnh của anh mà tôi đã mời được khách đến với không gian văn hóa Sen. Từ Sen quán phần nào đã chuyển tải được giá trị văn hóa độc đáo của Hà Nội đến với du khách trong nước và bạn bè khắp năm châu./.

Bài liên quan
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
(0) Bình luận
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
  • Tình già
    Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
  • Bầu Trời và Mặt Đất
    Ngày xửa ngày xưa, đã từ rất lâu, Bầu Trời và Mặt Đất là hai người bạn. Họ thân với nhau lắm. Ngày ngày họ cùng chơi đùa, nói chuyện, chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn cho nhau.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sen quán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO