Tình già
Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
Bà Tám cố gượng hết sức chồm dậy ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp ngó ra sân nghe những giọt nước chảy thành dòng theo mái tranh chắp lưỡi rầu rĩ:
- Không biết ổng có mang theo áo mưa không mà giờ đã chạng vạng rồi chưa thấy về.
Gian nhà tối om, lạnh ngắt chỉ có cái bếp còn sót chút lửa từ những thanh củi cháy dở mà con Lu nó “đóng đô” từ lúc mưa tới giờ làm cho con gà mái kêu ổ muốn vào banh cái bếp cũng không dám. Nó đứng co ro ướt sũng ở đầu hè. Nghe tiếng rũ cái áo mưa tiện lợi rọt rẹt, con Lu uể oải vặn thân hình gầy nhom mấy cái rồi ra đón ông chủ. Ông già Tám ngồi trên cái ngạch địa nhà, rủ cái quần xoăn tận đùi vì sợ ướt mưa xuống che cái chân như cái ống thổi lửa của mình rồi cất giọng hỏi con Lu:
- Ở nhà trông bà hay có đi đâu không?
Nó cạ chân ông ư ử mấy tiếng rồi lại vùi mình vào đống tro bếp. Ông chống gậy lọ mọ trong bóng tối tìm cái phích cắm điện găm vào. Bóng đèn dây tóc tỏa thứ ánh sáng vàng như nghệ ngập tràn gian nhà trống huơ trống hoác. Bà Tám ngồi nãy giờ tay quờ quạng tìm cái quạt mo phe phẩy cho khỏi muỗi rồi lên tiếng:
- Ông xuống bếp nhóm lửa rồi hong đồ đi cho khỏi ướt. Trời mưa lớn như thế này sao không đụt ở đâu chờ tạnh hẵng về.
Ông già Tám cười hở hai cái lợi còn sót mấy cái răng làm cảnh:
- Bà có thấy gì đâu mà nói như thánh phán. Đã đói bụng chưa?
Bà Tám xị mặt dỗi hờn. Bà trông chờ ông từng phút vậy mà ông không nói một câu cho bà vui lòng lại còn cười cợt lên sự quan tâm của người khác. Trước mắt bà là màn đen u tối nhưng bà vẫn có thể cảm nhận mọi vật xung quanh theo cách riêng của bà. Nghe tiếng rọt rẹt bà biết ngay là ông, biết ngay con Lu hay con gà mái đang vào nhà lục lọi. Kể từ lúc đôi mắt bà tắt hẳn ánh sáng thì đôi chân bà cũng gần như không đi lại được nữa. Ông trời thật bất công khi lấy đi của bà hai thứ quan trọng. Bây giờ thế giới của bà bị thu nhỏ lại chỉ còn là chiếc giường tre, bầu bạn hàng ngày với bà là con chó Lu để bà tâm sự lúc vắng ông và con gà mái để bà la, bà mắng mỗi khi buồn. Ông đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên căn nhà hoang vắng, hiu hắt so với cái thế giới ồn ào xung quanh. Bà nằm nơi cái giường tre mặc cho nỗi buồn bào mòn thể xác lẫn tâm hồn già mỗi ngày. Trước đây bà vẫn còn lờ mờ nhận ra sáng tối, nhưng từ lúc những đứa con của bà lần lượt bỏ bà ra đi, bà suy kiệt dần rồi mù hẳn. Bà cứ ao ước sống lại những tháng ngày sum vầy, hạnh phúc trước đây nhưng giờ biết khi nào tìm lại được. Ông già Tám nãy giờ cộm rộm vào bếp nấu lưng bát cơm đem lên ngồi đút bà ăn. Nhìn bà nhai trệu trạo từng muỗng cơm ông đút mới thấy hết tình thương mà họ dành cho nhau lúc tuổi đã chiều tàn.
***
Mỗi ngày ông già Tám chống gậy rời nhà từ lúc tờ mờ sáng sau khi đã nấu chút cơm để ở cái bàn cạnh giường bà rồi đến đại lý vé số kiến thiết nhận vé đi bán. Cứ ngày hai bận ông có mặt nơi này. Ở cái tuổi gần đất xa trời, đôi chân ông ngả nghiêng trên những con đường ông đi qua. Ông không nhanh chân để bán được ở những quán cà phê hay quán ăn vì đội quân vé số trẻ con và phụ nữ họ nhanh lắm. Ông thường lòng vòng ở chợ chờ mong sự mua giúp của những người xung quanh. Ông không còn sức để mời mọc mà chỉ chống gậy lê từng bước nặng nhọc chìa tập vé số hờ hững trước mặt. Người ta thương tình mua giúp ông bao nhiêu vé tùy thích rồi lại tự bỏ tiền vào cái ví da mà công ty xổ số trang bị cho đội quân vé số. Ông đeo trước bụng vì ông không biết tiền. Có những người mua đôi vé nhưng cho ông vài trăm ngàn, ông cũng chỉ biết gật đầu nhè nhẹ chớ cũng không còn hơi để nói hết đủ hai từ cảm ơn. Ở cái chợ thị trấn này hầu như ai cũng biết ông nhưng dường như chẳng ai biết tên ông là gì. Người ta chỉ gọi ông là ông già Tám hay ông già vé số. Mỗi sáng ông hay đi dọc theo khu phố tấp nập của thị trấn. Thấy ông dò dẫm từng bước trên vỉa hè, người ta thương tình chạy đến mua vé cho ông. Có người mua vé giúp ông nhưng chẳng bao giờ dò kết quả vì nếu cho tiền mà không mua vé ông không nhận đâu. Ông nghèo nhưng không mong sự bố thí của ai bao giờ. Ông sống bằng chút sức tàn lực kiệt của mình. Có nhiều hôm rảo quanh khu chợ đến mỏi gối chồn chân mà bán chưa được chục vé là ông lại lê lết từng bước đến những quán cà phê gần đó. Tôi chưa thấy ông mời mọc, rao hay nài nỉ ai mua vé số. Ông cứ chống gậy đứng khép nép nơi góc quán, ai thương tình thì đến mua vài tờ ủng hộ. Có những hôm thấy ông mệt thở hắt ra trông thiệt tội nghiệp, cô Thủy - người thường uống cà phê cùng tôi mời ông chai nước. Có hôm chúng tôi mua cho ông ổ bánh mì bảo ông ăn cho có sức để đi, ông cười móm mém:
- Ông để dành cho bà.
Nhiều hôm ông cầm ổ bánh mì mềm nhũn ra về đến nhà ngồi đút cho bà ăn. Bà Tám lấp mấp nhai rồi nuốt ổ bánh mì mà cái cổ thẳng đơ khác chi nuốt miếng xơ dừa. Cứ đến cuối ngày, ông vội vã đến đại lý để thanh toán. Cô nhân viên đại lý giúp ông đếm tiền, trả phần trăm được bấy nhiêu ông cầm bấy nhiêu chứ hầu như ông không biết. Mấy bà bán trái cây ngoài lề chợ thấy ông đi qua xì xào với nhau:
- Ở thị trấn mình dân hiền khô hà, chớ thành phố chắc người ta lừa ông lấy hết.
Bà Sáu bán rau ở cổng chợ chen vào:
- Đi chùa cúng bái chi cho xa. Giúp ông già Tám là làm phước lắm rồi.
Có nhiều hôm ông về đến nhà trời đã tối hẳn trên tay đùm túm chút rau, chút cá mà bà con tiểu thương trong chợ họ cho. Ngày trước thằng con khờ khờ của ông còn biết ra tận chợ đón ông về. Nó khờ khạo nhưng có hiếu với cha mẹ nó lắm. Thấy ông nằm ngủ mà cái gối nó xẹp lép, nó leo cây gòn hái trái dồn gối cho ông mà không may ngã từ trên cây xuống. Nó ra đi khi chưa kịp dồn cái gối cho cha. Kể từ khi thằng con mất, vợ chồng ông sớm hôm nương tựa lẫn nhau. Ông đi bán, ai cho cái gì ông cũng để dành đem về cho bà, còn bà nằm nhà cứ chiều đến là trông ông không khác chi trẻ con trông mẹ đi chợ về. Những hôm người ta cho đồ ăn ngon, bà nhất quyết nhường ông ăn chứ không chịu ăn một mình. Nhìn hai ông bà già sắp kề miệng lỗ đùn đẩy nhường nhau thức ăn, luôn miệng hỏi “có ngon hông?” không khác gì những cặp mười tám đôi mươi yêu nhau. Hàng xóm gặp cảnh ấy họ chọc ông “Ông bà Tám tình gớm hé”, ông vừa thở vừa cười:
- Bả mà xa ông một ngày bả nhớ không ngủ được.
Bà Tám hứ một tiếng rõ to làm đám nhỏ hàng xóm cười rặc rặc cho sự nũng nịu như trẻ con của bà. Mặc dù cơ cực là thế nhưng không thấy ông than vãn gì mà chỉ thấy ông cười. Nghe câu nói của ông là biết khi còn trẻ ông cũng hài hước lắm. Cuộc sống gian khó nuôi những đứa con khờ cùng bà vợ mù đã lấy đi của ông ít nhiều nụ cười thôi. Kể từ lúc những đứa con không còn nữa, ông dành trọn sự quan tâm cho bà vợ mù lòa. Hằng đêm nơi căn nhà lá tối thui, ông bà nói chuyện có khi tới tận khuya vì tuổi già nên không còn ngủ nghê chi mấy. Thính giác nghễnh ngãng làm cho câu chuyện của ông bà đôi khi cứ tréo ngoe cẳng ngỗng, ông nói gà, bà nghe vịt, vậy mà vui, mà tình. Những lúc không có ông ở nhà, bà than thở với đám nhỏ hàng xóm hay lân la sang chơi “Sao không chết nhanh cho rồi”, nghe nhẹ tênh. Bà mong đi về thế giới bên kia mà nghe háo hức như chúng ta mong đi du lịch vậy. Mấy đứa nhỏ hỏi vui:
- Bà đi rồi bỏ người tình cho ai?
Bà có biết người tình là gì đâu nên cứ hể, hả cho đến khi tụi nhỏ nhắc ông Tám ấy thì bà cười, cái cười méo xệch trên khuôn mặt nhăn nheo, dúm dó.
- Để ổng đi sau. Bà đi trước còn lo cho lũ nhỏ.
Nghe đến đây có đứa đang đùa mà đôi mắt ầng ậc nước. Có bà mẹ nào mà tấm lòng không bao la đâu. Những đứa con dù xấu hay tốt cũng đều là núm ruột của mình nên khi chúng ra đi, bà mang vết thương mãi không lành, đau như có ai xát muối. Bà còn mong được chăm con khi đi về thế giới bên kia mới thấy tình mẫu tử lớn biết nhường nào. Nhìn bà mẹ mù, thân thể chỉ còn da bọc xương đau đáu nỗi nhớ con làm cho đứa nào đó trong đám nhỏ thút thít, mũi hít rột rẹt. Bà biết mình làm cho tụi nhỏ nó buồn nên bà chuyển đề tài rất nhanh:
- Hôm rồi cái hội từ thiện nghe nói ở đâu ngoài phố vô cho ông bà mấy bao gạo với mì tôm. Bà nói ổng nghỉ bán vài ngày mà ổng hổng chịu. Ổng nói ráng đi để thêm chút tiền mua cho bà bộ đồ bận cho nó mới. Mà mấy đứa con gái trong cái hội từ thiện gì đó nó đẹp ghê nghen bay. Đứa nào nói cũng dễ thương hết trọi.
Bà nói đến đây làm mấy đứa nhỏ mắt còn rưng rưng mà phá lên cười rộn ràng:
- Bà Tám không nhìn thấy làm sao biết họ đẹp gái?
Bà cười giả lả rồi nói:
- Thì tao nghe tiếng tao đoán vậy. Mà đứa nào đứa nấy nó thơm lừng mùi trái cây gì mà trong đời tao chưa từng được ngửi.
Mấy đứa nhỏ nhìn nhau đoán là họ xức nước hoa. Bà không biết là phải vì trong đời bà làm sao biết mùi nước hoa nước hòe gì đâu. Khi đám nhỏ ra về hết, bà lại rơi vào khoảng không gian tĩnh lặng thường nhật. Tiếng con gà mái kêu ổ vào bươi cái bếp tro làm con Lu rượt tận ra ngoài vườn nghe quang quác phá vỡ không gian tĩnh lặng của chiều hè nắng như thiêu đốt. Bà lên tiếng la con Lu làm nó quay vào mà vẫn còn hậm hực. Gió thổi vào từ cánh đồng mang chút hơi nước hiếm hoi làm cho không khí bớt oi ả. Bà phe phẩy cái quạt mo trên tay chờ ông về.
***
Đã hai hôm nay bà bỏ cơm làm ông già Tám lo cuống quýt. Ông nghỉ không đi bán để ở nhà chăm bà. Không biết bà bị bệnh gì mà ông cứ thoa dầu gió mùi nực nồng. Với ông chai dầu gió có thể trị bách bệnh. Sổ mũi, đau đầu, đau bụng... ông đều thoa dầu gió. Bà nằm mắt nhắm nghiền thở không ra hơi nhưng bàn tay cứ nắm tay ông thật chặt vì nó là điểm bấu víu duy nhất trong suốt cuộc đời buồn tủi của bà. Ông ngồi xoa xoa lên cái bụng lép kẹp dính xuống chiếc chiếu động viên:
- Bà cố húp chút cháo loãng mới khỏe lên được.
Câu nói của ông có giá trị hơn liều thuốc bổ. Bà mở mắt nhìn ông lo lắng:
- Ông đã ăn gì chưa?
Ông già Tám mừng rỡ bưng chén cháo đút cho bà mấy miếng. Vì thương ông mà bà cố nuốt chớ bà không biết mình ăn gì. Thấy bà khỏe lên đôi chút, ông vội chống gậy ra tận ngoài thị trấn mua thuốc cho bà uống. Bước chân già cứ muốn dồn dập trên con đường bê tông giữa trưa nắng gắt làm cho đôi dép tổ ong dưới chân ông chực chờ rớt ra. Con đường ngày thường ông vẫn đi qua mấy bận nhưng hôm nay sao nó dài ra trong sự gấp gáp. Về đến nhà ông thấy tối thui do đôi mắt ông hoa lên vì nắng. Con Lu mấy ngày nay nằm chèo queo dưới giường bà sao trưa nay nó lăng xăng đến lạ. Nó lao ra sân khi thấy ông về, sủa đổng lên mấy tiếng. Ông đặt bị thuốc lên bàn cất tiếng gọi bà. Không gian vắng lặng không tiếng trả lời. Nghĩ rằng bà dỗi “sao ông đi lâu thế để bà đợi”, bà buồn, ông nắm đôi vai gầy guộc của bà lay lay. Toàn thân bà lạnh ngắt, cứng đơ. Ông nức nở:
- Bà mới nói chuyện với tui lúc sáng đây mà sao giờ đã theo các con rồi.
Ông đâu biết được bà như chiếc đèn dầu hỏa đã cạn. Nó cố bùng cháy lên những ngọn lửa cuối cùng trước khi tắt hẳn. Ông ngồi ôm bộ quần áo mới bà chưa kịp mặc bất động trong sự lô nhô, rộn ràng của những người hàng xóm sang giúp đỡ tiễn đưa bà.
***
- Đã lâu sao không thấy ông già Tám bán vé số hả Thủy?
Tôi chợt nhớ đến ông khi thấy một chị tới chìa tập vé số mời mua.
- Ông già Tám bán vé số mất cách đây hơn một tuần rồi thầy ạ. Tội ổng thiệt...
Thủy trả lời tôi bằng cái giọng buồn buồn khác thường với lối nói cười rộn ràng của nó. Vậy là cả gia đình ông đã đoàn tụ nơi thế giới bên kia. Hy vọng nếu có một cuộc đời nữa, tôi cầu mong sự nghèo khó buồn tủi không còn bám lấy để họ được hạnh phúc bên nhau bằng cái tình già mà tôi đã từng chứng kiến trên cõi thực này./.