Truyện

Dưới bóng cây mận già

Truyện ngắn của Duy Thành 14:36 26/03/2024

Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.

“Nó là ngựa thồ, chuyên chở hàng trên núi, thân hình nhỏ bé, chứ không to cao như ngựa chiến”. Chú Hiền, chủ của con ngựa giải thích. Hôm ấy, chú và nó đã đi một quãng đường rất xa để xuống chợ thị trấn, có tên là chợ Chiều, hy vọng sẽ bán măng được giá hơn. Chú là bạn đồng ngũ với bố tôi, nên tiện đường ghé thăm. Bố tôi nói chợ tuy gọi tên là chợ Chiều, nhưng thật ra nó không phải đợi đến chiều mới họp. Chợ Chiều họp buổi sáng, vì thế, chú và con ngựa không còn cách nào khác là ở nhờ nhà tôi một đêm.

duoi-bong-cay-man-gia.jpg
Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Con ngựa bạch được dỡ hai cái sọt nặng và buộc cẩn thận dưới gốc bưởi già trong vườn. Cả buổi tối chú Hiền và bố tôi ngồi uống rượu với chân gà, cùng mấy hạt lạc rang. Họ ôn lại những ngày đi lính cùng nhau. Ngoài vườn, con ngựa bạch thi thoảng lại giậm chân lịch bịch hoặc phì một cái rõ to, như tiếng một con hổ mang đang giận dữ. Tôi vừa học bài vừa ngắm nó qua ánh sáng lờ mờ của bóng điện trong phòng hắt ra vườn.

Sáng hôm sau, trước sự thảng thốt của cả nhà: Dưới gốc cây bưởi, nơi đêm trước con ngựa bạch được buộc tại đó, đã hoàn toàn trống trơn. Con ngựa biến mất. Chú Hiền lảo đảo sụp xuống, không biết vì tiếc con vật, hay trận say rượu chưa dứt. Chợ Chiều đã họp, nhưng chú chẳng còn tha thiết bán măng nữa, mà lặng lẽ đi bộ quay trở về ngôi nhà trên núi. Mẹ tôi phải đưa măng ra chợ bán giúp chú. Rồi mãi tận dịp giữa hè, khi được nghỉ dài ngày, tôi đã đích thân mang số tiền bán măng đó lên núi gặp vợ chồng chú Hiền.

Nhà chú lẽ ra ở trong thung lũng, với những nếp nhà sàn nằm yên ả dưới bóng những cây mận già. Nhưng rồi, nó lại ở hút sâu trên núi, muốn đến đó phải leo bộ qua những con dốc không cao lắm nhưng dài dằng dặc, hai bên đường cỏ lau ngả bời bời. Một ngôi nhà sàn nhỏ e dè nép vào thân núi, xung quanh là những cây bưởi đang trĩu quả xanh tròn, vườn mận trẻ cũng đang bắt đầu cho thu hoạch. Dưới thung sâu, những ngọn măng chĩa lên trời như những mũi tên. Chắc đó là nơi chú Hiền đã hái măng và mang xuống chợ Chiều dạo trước.

Chú Hiền không có nhà. Con ngựa bạch ngày nào đang thong thả gặm cỏ bên sườn dốc. Một người thanh niên đang ngồi trong nhà, chăm chú với cái điện thoại cảm ứng.

“Mấy hôm sau nó tự tìm về.” – Anh ta trả lời thắc mắc của tôi về con ngựa. Một lúc tôi chán, bỏ ra ngoài ngồi dưới gốc cây bơ ngắm con ngựa bạch.

Chiều bắt đầu buông xuống. Bóng núi ngả một vệt dài và sâu xuống thung lũng tre nứa. Từ trên các sườn núi, một đoàn ngựa đang đeo hai bên sườn những bao tải căng phồng và nặng trĩu đều đều bước. Khi đi qua chỗ tôi ngồi, con nào cũng khẽ liếc mắt nhìn tôi, như đánh giá, dò xét, rồi lại cắm cúi bước. Đúng như chú Hiền nói, chúng là ngựa thồ, nên nhỏ bé, và rất dẻo dai. Chủ của chúng ở dưới thung lũng hoa mận, vì thế, chúng sẽ còn phải đi một chặng rất dài nữa mới về đến nhà.

Chú Hiền về, dắt theo một con ngựa bạch đeo bên hông hai bao tải. Trông nó trẻ hơn con đã từng thồ măng đến nhà tôi. Chú Hiền dỡ bao tải xuống. Đó là những quả đậu vàng hái cho phiên chợ sớm mai. Con ngựa này là con của con ngựa bạch kia. Nó còn non sức, và chú Hiền đang huấn luyện nó chở hàng.

Bữa cơm tối nhà chú Hiền đơn giản với măng nứa luộc chấm muối ớt và thịt chuột rừng, trong lúc đi hái đậu chú đã bẫy được. Anh con trai chú ăn vội vàng, thay quần áo mới, chào bố mẹ rồi rời đi.

Nửa đêm, anh ta về, người ướt đẫm hơi sương. Trăng ngả bạc cả một dải núi mênh mông, đẹp mê mẩn cả người, đến nỗi tôi không nỡ ngủ.

Ngồi xuống cạnh tôi, anh ta bảo: “Không thể sống cả đời với nơi này được. Anh phải đi thôi.”

Hồi tối, khi anh ta đi chơi, chú Hiền kể đã phải bán ngôi nhà dưới thung lũng hoa mận để lấy tiền trang trải cho việc đầu tư nông nổi của cậu con trai. Ham làm giàu, thích giàu, nhưng anh lại quá vội vàng. Kết cục là tiền mất nhiều, và vết thương do lần vấp ngã đầu tiên ấy quá sâu, khiến anh ta gần như mất hết ý chí đứng lên làm lại.

Tôi không biết nói gì. Mười mấy năm qua tôi chẳng nghĩ được gì khác ngoài việc theo đuổi học hành. Chỉ một năm nữa thôi tôi sẽ tốt nghiệp phổ thông. Thi đại học là con đường duy nhất tôi chọn.

Lặng lẽ ngồi ngắm trăng một lúc, anh ta đi vào nhà. Dưới gốc cây bơ, hai con ngựa đứng im. Chúng không bị cột vào gốc cây. Chú Hiền nói ngựa ở đây thì không lo phải cột nó, vì đêm trăng sáng, chúng thường tự mình đi lang thang tìm cỏ, uống sương, ngắm trăng, như thế từ lâu rồi. Chỉ khi mang đi nơi khác mới phải cột, vì sợ nó lại đi lang thang theo thói quen thôi.

Mùa đông, một buổi sáng trời còn dày đặc sương mù, chú Hiền dắt theo một con ngựa bạch đứng ngoài cổng gọi tên bố tôi. Đó là con ngựa mẹ đã từng đến nhà tôi vào đầu mùa hè. Chú nói muốn nhờ bố tôi bán giúp nó vào lò mổ. Trong thị trấn có lò mổ kiêm nấu cao ngựa, mà chú chắc chắn đêm ngủ trọ nhà tôi, con ngựa bạch này đã từng bị bọn trộm bắt rồi bán cho lò mổ đó, vì lý do kỳ diệu nào không biết, con ngựa đã đào thoát được và trở về với gia đình chú.

Bố tôi nén thở dài. Tôi biết bố không muốn làm việc đó. Chú Hiền cũng có thể tự làm việc đó, vậy tại sao chú không làm, mà lại nhờ bố tôi?

Đưa chú Hiền một món tiền gọi là tạm ứng trước khi bán được ngựa, để chú yên tâm về trên núi, bố tôi khẽ thở dài nhìn con ngựa được cột vào gốc cây bưởi. Chú nói số tiền đó để chữa chạy cái chân cho cậu con trai. Một đêm đi chơi với bạn gái, anh ta đã gặp tai nạn.

“Sao bố không mang nó đến lò mổ. Để ở nhà, nhỡ đêm trộm nó lại đến bắt mất thì sao?”

Bố không trả lời trước câu hỏi của tôi, chỉ lặng lẽ châm thuốc lào. Ngoài trời, sương giăng nhẹ. Con ngựa lại bồn chồn như lần trước. Nó lạnh.

Nửa đêm, con ngựa giậm chân nhiều hơn, nó thở phì phì, thậm chí có lúc còn cất tiếng hí nhẹ. Bố tôi nói loài vật cũng dự cảm được cái chết, sự chia ly. Nếu ta nuôi một con vật, chăm sóc nó, đồng hành với nó cả khi vất vả lẫn khi vui mừng, thì chứng kiến nó bồn chồn trước cái chết trong dự cảm, ta đều không thể nỡ. Chính vì điều đó, chú Hiền mới không tự mình mang nó đến lò mổ, mà lại nhờ bố.

Tôi cũng bồn chồn, ngủ không sâu giấc. Nghe tiếng chân ngựa giậm liên hồi, tôi khẽ mở cửa sổ nhìn ra ngoài. Cảnh tượng trước mắt khiến tôi lặng đi giây lát. Dưới gốc bưởi, không phải một, mà là hai con ngựa. Chúng đang quấn quýt bên nhau.

Đó chính là con ngựa bạch con mà tôi đã gặp hồi mùa hè, khi lên núi thăm chú Hiền. Không biết bằng cách nào nó đi được một chặng đường dài và tìm được ngựa mẹ.

Trước sự quấn quýt của hai con ngựa, bố tôi bối rối. Đưa ngựa mẹ đi lò mổ lúc này thì thật là tàn nhẫn với ngựa con. Thôi đành tạm giữ hai con ngựa lại, chờ chú Hiền đến đón nó vậy.

Đầu giờ chiều hôm đó chú Hiền thất thểu tìm đến. Ngồi uống với bố tôi chén trà nóng bên bếp lửa, chú Hiền bảo: Cả con ngựa con, lẽ ra cũng không còn là ngựa của chú nữa. Chú đã bán nó đi, hy vọng đủ tiền chữa chạy cho cậu con trai. Nhưng ngay đêm đầu tiên ở nhà chủ mới, nó đã tìm cách bỏ trốn về với mẹ. Hai, ba lần như thế, nếu không cắn đứt được dây thừng, bị cột chặt, nhốt trong nhà kho, thì nó sẽ hí cả đêm, tiếng hí đau thương đến nỗi chủ mới của nó không chịu nổi, đành mang trả lại, lấy tiền về.

Nay nó lại còn tìm mẹ nó thế này, thật chẳng biết làm sao.

Không có ngựa, cuộc sống của gia đình chú Hiền sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Những mảnh nương trồng trỉa ngô đậu của chú đều ở sâu sau những ngọn núi cao, chỉ sức ngựa mới giúp được sức người. Nay bán ngựa đi là cực chẳng đã, chứ chú thương hai con ngựa lắm. Nó ốm chú cũng xót xa như vợ con ốm vậy.

…Hai năm sau, vào mùa hè, tôi lại đến thăm chú Hiền ở ngôi nhà sâu trong núi. Chú đã có thêm một con ngựa nhỏ, do ngựa mẹ đẻ ra. Ba con ngựa đang nhẩn nha gặm cỏ, cách xa nhau. Thi thoảng, ngựa con lại ngẩng đầu lên hí một tràng dài về phía mẹ và em nó. Ngựa mẹ cũng ngẩng đầu lên hí đáp lại. Chúng đang giao tiếp đấy. Chú Hiền nói. Ở đây, những con ngựa ăn cỏ ở hai ngọn núi khác nhau cũng thường giao tiếp với nhau như vậy, nghe rất vui tai.

Ngựa mẹ thật ra là tài sản của gia đình tôi. Mẹ tôi đã mua nó và cho chú Hiền thuê lại, mỗi năm trả một khoản gọi là. Tại sao mẹ lại mua con ngựa trong khi gia đình chúng tôi cũng chẳng dư dả gì?

Bởi vì, mẹ tôi kể, ngày xưa mẹ nuôi một con trâu cho hợp tác xã. Khi mẹ đi thoát ly, con trâu phải đưa sang cho người khác nuôi. Vài năm sau, mẹ làm việc ở lò mổ của công ty liên hiệp thực phẩm. Một ngày nọ, như thường lệ, những con trâu bị đưa vào lò mổ, trong đó có một con trâu gầy gò xơ xác. Trước khi bị giết, nó đã ra sức kêu to. Mẹ tôi nhờ tiếng kêu ấy mà nhận ra con trâu từng được mình chăm sóc. Phút giây gặp gỡ ngắn ngủi đó, con trâu chỉ nhìn mẹ, rồi từ đôi mắt to đẫm buồn của nó, hai dòng nước mắt lăn dài.../.

Bài liên quan
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Dưới bóng cây mận già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO