Truyện

Tự khúc

Hạnh Nguyễn dịch và giới thiệu 24/08/2023 07:13

Rèm cửa, hạ xuống. Trước mỗi bàn trang điểm, chiếc đèn nhỏ phía trên lại được bật sáng; trong tấm gương, phản chiếu hình ảnh một cô gái đang kẻ lông mày, sửa lại tóc.

tu-khuc.jpg
Nhà văn Hàn Thiếu Hoa

Thật tĩnh mịch, đến cả người bạn gái đang giúp buộc lại dải dây phía sau, cũng chỉ khe khẽ xoay mình làm một động tác thỉnh cầu không lời. Âm thanh ngày thường biến mất, chỉ có những chuyển động chuẩn xác, nhanh nhẹn của động tác và ánh mắt sâu thẳm.

Những chiếc đèn con trên các bàn trang điểm được tắt từng cái từng cái một. Các cô gái nâng những chiếc váy dài đi ra ngoài. Âm thanh dạo thử cất lên từ dây đàn cổ cầm bảng lảng trong không gian từ ngoài cửa bay vào.

Chỉ còn lại một cô gái. Cô đón nhận tất cả sự tĩnh mịch và trang trọng đó.

Nhìn hình ảnh thiếu nữ phản chiếu trong gương, cô nghĩ: chờ khi khúc nhạc dạo đầu vang lên, ánh đèn xanh mơ hồ hướng về phía vũ đài trong màn đêm thăm thẳm, lúc đó, chính nàng, sẽ trở thành linh hồn sống vĩnh viễn trong lòng mọi người. Mà nàng, một cô gái vừa mới tốt nghiệp, đã đảm nhiệm một nhân vật có sức nặng trong một vở kịch tráng lệ. Hôm nay là đêm công diễn đầu tiên, nàng cuối cùng có thể… Nghe nói, ba lần công diễn đều đông khách; trời chưa sáng, dân chúng đã xếp hàng mua vé rồi. Họ dâng cho đời những giọt mồ hôi hóng hổi; còn nàng, nàng có thể cống hiến được gì? Cô gái đứng dậy, cánh tay họa một đường trong không khí. Trời ơi, trông sao mà cứng nhắc, không hề gợi chút ý thơ. Nhìn vào gương, cô hoảng sợ… Làm sao đây? Trong gương, bỗng hiện lên nụ cười của vị trưởng bối. Ồ… Cô quay người lại: “Viện trưởng”.

Viện trưởng, mái đầu điểm bạc, là đạo diễn của vở kịch múa này. Người đàn ông cao tuổi ấy nhìn vào đôi mắt của cô gái, hỏi: “Có sợ không?”

“Sợ”.

Viện trưởng cười, nói: “Nghệ thuật là sự thành thực. Nó không bao giờ thôi làm lòng người khắc khoải. Đừng chỉ trông đợi vào những linh cảm bất ngờ, chỉ cần sáng tạo một cách giản dị là được”.

Ông chăm chú nhìn cô, thuận tay cầm cây bút kẻ mày, vẽ thêm vào đôi mày của cô một nét mờ mờ, nơi chân mày hơi chút cong lên: lập tức mang lại cho gương mặt cô một vẻ dịu dàng hơn, mà cũng bướng bỉnh hơn. Đôi lông mày thật cá tính, thực sự đã tạo nên một cảm hứng sáng tạo mới.

Đặt bút xuống, viện trưởng buông tay, nói: “Chúc thành công, con gái”… Cô gái trẻ duỗi thẳng hai cánh tay, bỗng nhớ ra mình đã quên mất phải tiễn viện trưởng… Cô quay người bước đi, dang hai cánh tay lên, đưa một vòng thật mềm mại; Cơ thể xoay múa một đường cong, chiếc váy bồng bềnh như muốn bay lên, uyển chuyển như một bông sen trắng trong nước. Trăng sáng, gió nhẹ, bông sen trắng kia, đung đưa dưới làn ánh sáng… Cô nhìn và mỉm cười. Nhưng nụ cười vụt tắt ngay sau đó: bộ váy này thật đẹp; đôi lông mày này thật đẹp; bạn diễn của mình, ban nhạc, cả ánh sáng tràn ngập vũ đài ngoài kia, cũng đẹp làm sao. Nhưng mình, chỉ cần sai nửa nhịp, đã có thể… Tiếng chuông reo lên. Cô bước vào phòng tập với vẻ lo lắng. Những bạn diễn nữ đứng xung quanh giúp cô chỉnh lại nếp gấp của chiếc váy dài, cài lại đồ trang sức trên đầu. Lúc đó, viện trưởng cũng vừa mới tới, đưa cho cô một lá thư màu trắng. Cô mở lá thư ra…

Tuy không phải là diễn viên, nhưng chúng tôi hiểu rõ, đây là tâm trạng của một người chính thức thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của cuộc đời mình. Ngày mai là lần đầu đồng chí công diễn. Với hy vọng rằng có thể giúp đồng chí có thêm sức mạnh vào lúc ấy, chúng tôi đã quyết định viết cho đồng chí một bức thư. Viết gì ư? Tôi sẽ nói về công việc đầu tiên tôi phải làm, đó là lái xe.

Trước giải phóng, tôi là một đứa bé nhặt than nghèo khổ. Sau giải phóng, tôi trở thành nữ tài xế xe bus đầu tiên của thành phố. Lần đầu tiên thử lái xe, vừa đi lên, tôi bỗng quên tất cả các thao tác điều khiển. Tim tôi chợt hoảng sợ. “Lên đi, lên đi, lên đi”, một nhóm công nhân mới tan tầm bước lên xe, nhìn tôi. Một cô gái với đôi mắt to, đưa bàn tay lớn thô ráp bắt tay tôi, nói: “Chào chị, chị tài xế!”. Ồ, bàn tay của cô ấy thật lớn.

Xe đầy người rồi, tôi mới định thần nghĩ: đằng sau có bao nhiêu là người, mình phải lái thật tốt!

Đi qua hai bến thì dừng. Tôi mồ hôi túa ra đầy mặt, không dám quay đầu lại nhìn. Chẳng biết ai đó đã kêu lên: “Xuống thì mở cửa nhé!”. Người ào ào xuống đến nửa xe. Từ tấm gương phản chiếu, tôi thấy cô gái mắt to kia, nghiêng người về phía trước, đẩy cửa xe; nhưng tôi lại cảm thấy đôi tay ấm áp với vết chai trên tay của cô ấy đang nâng đỡ tôi… Động cơ vang lên. Lau nước mắt, nhìn thẳng về phía trước, tôi tăng ga.

Ồ, bắt đầu của tôi là như thế. Còn em? Nếu như em lo sợ, thì hãy nghĩ: bên dưới sân khấu không có người ngoài, trong những người ngẩng đầu đang xem biểu diễn, còn có một đứa bé đã từng phải khổ nhọc luyện than nhìn em. Nghĩ như thế, thì sẽ không thấy sợ nữa. Đồng chí, hãy biểu diễn tốt nhé. Thắng lợi, rèn luyện, đối với những người cách mạng chúng ta, đều là có ích.

Đúng rồi, vẫn còn chuyện này tôi muốn nói với em. Có một bé gái, cô bé ấy nói, trước cửa sổ nhà cô bé có một khóm hoa hồng được gia đình cô bé ấy chăm sóc cẩn thận. Ngày mai, cô bé ấy muốn mang một bó hoa tặng em”.

Bên dưới là dòng chữ ký. Nhìn chữ viết tay, có chút trẻ con, lại có chút già dặn, có vẻ thuần phác, lại đôi chút hoa mỹ. Cô nghĩ mãi và thử đoán xem đồng chí nào có chữ ký như trên, tuổi của người ấy, tính cách… Ồ, viện trưởng đang mang tới gì kia? – một bó hoa hồng đỏ thắm. Trong tim hoa còn ngậm những hạt nước, trong suốt, tinh khiết, giống như những giọt sương kết đọng trong đêm, lấp lánh dưới ánh sáng.

Cô bần thần ngẫm nghĩ. Không biết tự khi nào, viện trưởng đã đưa bó hoa đặt vào lòng cô. Nhìn bó hoa, bất giác, mắt cô nhòa lệ. Hay là những hạt nước trong suốt giữa nhụy hoa phát ra ánh sáng, khiến mắt cô mờ đi?

Cô chọn một bông hoa tươi thắm nhất, nhẹ nhàng cài vào túi áo viện trưởng; lại chọn từng bông, từng bông một, cài lên đầu những người bạn diễn. Cuối cùng, cô cầm một bông hoa nhỏ nhất, tự cài lên búi tóc của mình. Bông hoa hồng nhỏ được cài thấp ấy, có vẻ như còn e thẹn, ngậm những giọt nước mắt, nhè nhẹ cúi đầu khẽ cười.

Cùng với tốp múa, cô đến bên tấm màn sân khấu.

Khúc dạo đầu vang lên, một chuỗi những nốt nhạc vô hình bay lượn trong không gian. Như trong cảnh mộng mơ hồ từ đêm sâu bỗng hiện về. Ánh trăng phủ trùm hương hoa hồng. Sao mà ngào ngạt.

Hương hoa đậm sâu làm cho không khí trở nên thăm thẳm vô biên, sự sâu thẳm này khiến cho ánh trăng như nước kia càng thêm phiêu bồng. Cô hiểu rõ: tất cả những cố gắng vươn lên, dù là tâm linh, dù là thân thể, trong không gian thơm ngát này, đều có thể mặc sức bay lượn.

Bản nhạc kết thúc. Mở màn rồi. Bước vào ánh trăng thơm, cô, dang đôi cánh tay, vươn về ước mơ cao xa, bay lên…

Truyện ngắn của Hàn Thiếu Hoa (Trung Quốc)

Hàn Thiếu Hoa (1933 - 2010), nhà văn nổi tiếng của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Nhân Dân Trung Quốc, Khoa Trung Văn của Đại học Truyền hình Bắc Kinh. Từ những năm 70 về sau, Hàn Thiếu Hoa tập trung sáng tác ở thể loại tản văn, phóng sự và tiểu thuyết. Tản văn của ông đã từng được giải thưởng văn học xuất sắc toàn quốc, tiểu thuyết châm biếm, văn học thiếu nhi của ông cũng đạt nhiều các giải thưởng khác nhau. Tác phẩm nổi bật của ông bao gồm: “Tuyển tập tản văn Hàn Thiếu Hoa”, “Tình nồng”, “Nước chảy vời vợi”, “Tản bộ”…
Truyện ngắn “Tự khúc” được coi là tác phẩm thành danh sớm nhất của ông, đăng trên báo Nhân Dân (Trung Quốc) ngày 18/10/1961 và thường được đưa vào tuyển tập những truyện ngắn hay ở Trung Quốc.

Bài liên quan
  • Nơi gió được sinh ra
    Gió không về với nhân gian mà dạo chơi nữa. Trưa, nắng gắt gao nở một nụ cười bí hiểm. Yên gió, hàng cây đứng lặng ngả bóng vào nhau. Lá rơm rớm giọt sầu gục xuống. Phố thấp thoáng những bóng người chạy trốn, bịt kín khuôn mặt. Từng luồng bụi vẫn bay lơ lửng trên không trung, biến hình mờ ảo bám vào nóc nhà, khe cửa, vấn vít hàng quán, vỉa hè, lối người qua lại. Tôi chạy vội về với cánh đồng trong cơn mơ, gió yên lặng ngả xuống vai mình.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Tự khúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO