Tản văn

Nơi gió được sinh ra

Tản văn của Dương Thắng 06:36 18/07/2023

Gió không về với nhân gian mà dạo chơi nữa. Trưa, nắng gắt gao nở một nụ cười bí hiểm. Yên gió, hàng cây đứng lặng ngả bóng vào nhau. Lá rơm rớm giọt sầu gục xuống. Phố thấp thoáng những bóng người chạy trốn, bịt kín khuôn mặt. Từng luồng bụi vẫn bay lơ lửng trên không trung, biến hình mờ ảo bám vào nóc nhà, khe cửa, vấn vít hàng quán, vỉa hè, lối người qua lại. Tôi chạy vội về với cánh đồng trong cơn mơ, gió yên lặng ngả xuống vai mình.

gio-650.jpg

Gió kể với tôi, rằng gió sinh ra từ cánh đồng, lúc chưa mùa gặt đã thoang thoảng hương lúa non, từ vạt cỏ dầm sương mà man mác mùi bùn, mùi đất. Gió sà mặt nước, nơi những con kênh dẫn lối chảy từ làng ra cánh đồng. Gió nằm trên mặt sông nghe rì rào sóng vỗ. Gió hít hà bao la hương đồng nội. Nụ cười của gió khi mới bắt đầu như thế. Chỉ là là mặt đất, quyện lấy sương sa, quyện lấy cỏ hoa. Rồi cứ thế, dần trưởng thành, gió dạo chơi trong những khu vườn êm ái. Nơi những con ong đi lấy mật, chỉ cần chạm nhẹ cánh hoa, là gió sà xuống kéo bông hoa rung rinh, lay lay theo cánh ong bay. Gió gom từng vốc nắng mật đậu đầy quả ngọt. Mùa quả chín vàng ươm, mùa nắng đã dậy hương. Gió nắm lấy tay người, chi chút gọi mời. Tuổi thơ tôi thấy gió khi ấy vì cũng ngang tầm với. Chỉ cần nghe thấy tán cây xào xạc trong bản tình ca của chim chóc, bướm ong là khi đó gió rạng rỡ, vui vầy. Vườn càng nhiều cây, càng đầy tiếng gió. Gió hát lên bài hát về màu xanh hi vọng, màu xanh bất tận. Trong vai trò của khách mời và cũng có khi làm chủ sân khấu, gió tự tin mà nói rằng: cả khu vườn sinh ra gió. Tôi chạm được gió trong đôi mắt trẻ thơ màu xanh mà mẹ tôi vẫn bảo chính màu xanh làm cho đôi mắt sáng. Khi ấy, gió toát lên nét trong trẻo, hồn nhiên, vô tư mặc sức cười đùa.

Rồi theo năm tháng, gió cao lớn hơn, mang trong mình sức vóc rộng dài, gió bắt đầu bằng những sải rộng, luồng gió chạy xô mãi tới chân trời. Gió thở động tàu dừa, buồng cau. Gió nắm lấy thân cau đu bám, chơi trò rây rắc hương tỏa đầy vơi. Hoa cau rụng xuống, chiếc mo kéo rụp. Gió làm những chiếc cây thấp, nhỏ phía dưới cũng phải giật mình co cụm trong sự ngơ ngác của trò chơi ú tim. Mỗi tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm trước hiên, nghe rõ gió, cảm nhận sâu về gió bằng hương cau thoang thoảng, hương cơm ấm nồng. Bát canh cua đồng khi ấy ngọt vị gió, đậm đà vị gió. Tôi nhớ, những hôm đi làm đồng về, gió mời mọc ngồi bệt xuống dưới bụi tre già nghỉ ngơi. Chao ôi, gió cũng không cần phải tung những vạt lá tre bay lả tả mà lướt nhẹ dưới đường làng như vậy đâu. Bỏ chiếc nón mê xuống, các bà, các mẹ thi nhau đón gió. Cốc nước vối chẳng cần có đá, cứ mát âm ỉ đến tận ruột gan. Khi ấy, luồng gió hân hoan với từng lam lũ. Mẹ tôi ngồi đó, cũng nhẹ lòng với gió. Bao nhiều mồ hôi dần tan biến, đôi mắt nhìn trìu mến. Thực là gió đồng gió biển, xuất hiện, đến thật kịp thời. Con trâu cột dưới bóng tre cứ thiêm thiếp lắng nghe, không muốn đứng dậy đi cày. Người làng vui vầy, trong lời gió hát mê say.

Gió mang trong mình sứ mệnh cao cả là thế. Vậy mà, tôi cũng như những đứa trẻ mãi không chịu lớn đã bao lần cứ vô tư hỏi gió đến từ đâu. Mẹ tôi bảo gió đến từ màu xanh, đến từ bóng cây. Cây cao bóng cả thì gió càng đầy. Tôi vẫn không tin cho đến một hôm cả khu phố mất điện. Gió im phăng phắc, người người thầm nhắc. Nơi những con phố càng thiếu vắng bóng cây tôi càng không tìm thấy. Lại nhớ, có lần cả con phố chẳng phải trước bão hay sau bão gì, chỉ sau một đêm, cây đổ rạp hết, lá chất chồng lên nhau tả tơi dọc mép đường, tôi đã thấy bóng gió quay lưng, lặng lẽ rời đi. Chao ôi, lúc ấy thật muốn biết cảm xúc của cây, của gió. Nhưng muộn quá rồi, cây gục mình bên những chơi vơi. Chẳng kịp hấp hối, chẳng kịp nói một lời. Tim tôi đau, xa xót những mầm côi.

Cuối cùng, gió quyết định không về nhân gian nữa, gió ở lại với mây trời. Chọn lúc đỉnh điểm nắng nóng như thiêu như đốt, gió kéo mây đi đâu, để lại khoảng trời xanh đến thăm thẳm vô tận. Tưởng như những tia nắng có thể xuyên thủng tất cả mọi thứ. Nhân gian nằm im lìm, cắc cớ trong tiếng ve râm ran đến thấu ruột gan. Từng ngôi nhà nép vào nhau, nứt những khe bê tông không thể liên kết, hàn gắn lại. Đúng giữa trưa, trong giờ cao điểm, bỗng đâu cả thành phố bị cúp điện. Người người nhốn nháo, tỏa ra mọi cung đường tìm gió. Người ra bờ hồ, người tới bờ sông gọi gió. Cái nắng khiến mặt hồ, mặt sông cũng tưởng như vỡ ra như chiếc gương không thể lành lại được nữa. Dòng sông ngầm chảy một điều gì đó trong nỗi nhớ chực trào, trong khôn xiết gửi trao.

Thế rồi, cho đến cuối buổi hoàng hôn, lúc mặt trời còn kiêu hãnh vẽ từng vệt đỏ ửng miên man trước khi lặn mất, có tiếng điều hòa chạy êm đang tạo ra tiếng gió, nhỏ giọt từng thanh âm mơ màng. Hình như gió tới nhưng không còn ý niệm thời gian. Người cũng lại mau quên sự tồn tại của gió. Nằm trong phòng lạnh, chẳng ai còn thức tỉnh sự ngọt ngào của gió, chẳng ai tìm kiếm và quan tâm gió đến từ đâu nữa. Trong muôn vàn tiếng kêu than, hẳn không ai nghe thấy tiếng than về thân phận của gió. Như một bổn phận đã làm tròn sau cuối, gió hòa mình chới với khúc ru mưa. Đêm, cơn giông thịnh nộ, giận giữ như muốn gạt phăng mọi thứ hỗn độn mà nó đi qua. Cả thành phố ngủ say. Say hơn cả bầu trời làm da diết bóng cây. Tiếng gió thức đầy trong niềm vỡ òa tưởng như hạnh phúc nào còn chưa trọn vẹn. Nhưng không, đó chỉ là lời nhắc. Rằng mai này, nếu ai còn khao khát, trong lời ươm mầm của đất, hãy tự hỏi lòng mình nơi gió được sinh ra./.

Bài liên quan
  • Hương sen đầu hạ
    Làng tôi có một đầm sen, cứ tới đầu mùa hạ hoa lại bung nở hồng. Trời miền Trung buổi ấy cũng bắt đầu chói chang oi ả, nhưng màu hồng của sen, lạ thay, lại có thể làm dịu đi cái khắc nghiệt bao đời của xứ sở.
(0) Bình luận
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Nơi gió được sinh ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO