Tản văn

Nơi gió được sinh ra

Tản văn của Dương Thắng 06:36 18/07/2023

Gió không về với nhân gian mà dạo chơi nữa. Trưa, nắng gắt gao nở một nụ cười bí hiểm. Yên gió, hàng cây đứng lặng ngả bóng vào nhau. Lá rơm rớm giọt sầu gục xuống. Phố thấp thoáng những bóng người chạy trốn, bịt kín khuôn mặt. Từng luồng bụi vẫn bay lơ lửng trên không trung, biến hình mờ ảo bám vào nóc nhà, khe cửa, vấn vít hàng quán, vỉa hè, lối người qua lại. Tôi chạy vội về với cánh đồng trong cơn mơ, gió yên lặng ngả xuống vai mình.

gio-650.jpg

Gió kể với tôi, rằng gió sinh ra từ cánh đồng, lúc chưa mùa gặt đã thoang thoảng hương lúa non, từ vạt cỏ dầm sương mà man mác mùi bùn, mùi đất. Gió sà mặt nước, nơi những con kênh dẫn lối chảy từ làng ra cánh đồng. Gió nằm trên mặt sông nghe rì rào sóng vỗ. Gió hít hà bao la hương đồng nội. Nụ cười của gió khi mới bắt đầu như thế. Chỉ là là mặt đất, quyện lấy sương sa, quyện lấy cỏ hoa. Rồi cứ thế, dần trưởng thành, gió dạo chơi trong những khu vườn êm ái. Nơi những con ong đi lấy mật, chỉ cần chạm nhẹ cánh hoa, là gió sà xuống kéo bông hoa rung rinh, lay lay theo cánh ong bay. Gió gom từng vốc nắng mật đậu đầy quả ngọt. Mùa quả chín vàng ươm, mùa nắng đã dậy hương. Gió nắm lấy tay người, chi chút gọi mời. Tuổi thơ tôi thấy gió khi ấy vì cũng ngang tầm với. Chỉ cần nghe thấy tán cây xào xạc trong bản tình ca của chim chóc, bướm ong là khi đó gió rạng rỡ, vui vầy. Vườn càng nhiều cây, càng đầy tiếng gió. Gió hát lên bài hát về màu xanh hi vọng, màu xanh bất tận. Trong vai trò của khách mời và cũng có khi làm chủ sân khấu, gió tự tin mà nói rằng: cả khu vườn sinh ra gió. Tôi chạm được gió trong đôi mắt trẻ thơ màu xanh mà mẹ tôi vẫn bảo chính màu xanh làm cho đôi mắt sáng. Khi ấy, gió toát lên nét trong trẻo, hồn nhiên, vô tư mặc sức cười đùa.

Rồi theo năm tháng, gió cao lớn hơn, mang trong mình sức vóc rộng dài, gió bắt đầu bằng những sải rộng, luồng gió chạy xô mãi tới chân trời. Gió thở động tàu dừa, buồng cau. Gió nắm lấy thân cau đu bám, chơi trò rây rắc hương tỏa đầy vơi. Hoa cau rụng xuống, chiếc mo kéo rụp. Gió làm những chiếc cây thấp, nhỏ phía dưới cũng phải giật mình co cụm trong sự ngơ ngác của trò chơi ú tim. Mỗi tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm trước hiên, nghe rõ gió, cảm nhận sâu về gió bằng hương cau thoang thoảng, hương cơm ấm nồng. Bát canh cua đồng khi ấy ngọt vị gió, đậm đà vị gió. Tôi nhớ, những hôm đi làm đồng về, gió mời mọc ngồi bệt xuống dưới bụi tre già nghỉ ngơi. Chao ôi, gió cũng không cần phải tung những vạt lá tre bay lả tả mà lướt nhẹ dưới đường làng như vậy đâu. Bỏ chiếc nón mê xuống, các bà, các mẹ thi nhau đón gió. Cốc nước vối chẳng cần có đá, cứ mát âm ỉ đến tận ruột gan. Khi ấy, luồng gió hân hoan với từng lam lũ. Mẹ tôi ngồi đó, cũng nhẹ lòng với gió. Bao nhiều mồ hôi dần tan biến, đôi mắt nhìn trìu mến. Thực là gió đồng gió biển, xuất hiện, đến thật kịp thời. Con trâu cột dưới bóng tre cứ thiêm thiếp lắng nghe, không muốn đứng dậy đi cày. Người làng vui vầy, trong lời gió hát mê say.

Gió mang trong mình sứ mệnh cao cả là thế. Vậy mà, tôi cũng như những đứa trẻ mãi không chịu lớn đã bao lần cứ vô tư hỏi gió đến từ đâu. Mẹ tôi bảo gió đến từ màu xanh, đến từ bóng cây. Cây cao bóng cả thì gió càng đầy. Tôi vẫn không tin cho đến một hôm cả khu phố mất điện. Gió im phăng phắc, người người thầm nhắc. Nơi những con phố càng thiếu vắng bóng cây tôi càng không tìm thấy. Lại nhớ, có lần cả con phố chẳng phải trước bão hay sau bão gì, chỉ sau một đêm, cây đổ rạp hết, lá chất chồng lên nhau tả tơi dọc mép đường, tôi đã thấy bóng gió quay lưng, lặng lẽ rời đi. Chao ôi, lúc ấy thật muốn biết cảm xúc của cây, của gió. Nhưng muộn quá rồi, cây gục mình bên những chơi vơi. Chẳng kịp hấp hối, chẳng kịp nói một lời. Tim tôi đau, xa xót những mầm côi.

Cuối cùng, gió quyết định không về nhân gian nữa, gió ở lại với mây trời. Chọn lúc đỉnh điểm nắng nóng như thiêu như đốt, gió kéo mây đi đâu, để lại khoảng trời xanh đến thăm thẳm vô tận. Tưởng như những tia nắng có thể xuyên thủng tất cả mọi thứ. Nhân gian nằm im lìm, cắc cớ trong tiếng ve râm ran đến thấu ruột gan. Từng ngôi nhà nép vào nhau, nứt những khe bê tông không thể liên kết, hàn gắn lại. Đúng giữa trưa, trong giờ cao điểm, bỗng đâu cả thành phố bị cúp điện. Người người nhốn nháo, tỏa ra mọi cung đường tìm gió. Người ra bờ hồ, người tới bờ sông gọi gió. Cái nắng khiến mặt hồ, mặt sông cũng tưởng như vỡ ra như chiếc gương không thể lành lại được nữa. Dòng sông ngầm chảy một điều gì đó trong nỗi nhớ chực trào, trong khôn xiết gửi trao.

Thế rồi, cho đến cuối buổi hoàng hôn, lúc mặt trời còn kiêu hãnh vẽ từng vệt đỏ ửng miên man trước khi lặn mất, có tiếng điều hòa chạy êm đang tạo ra tiếng gió, nhỏ giọt từng thanh âm mơ màng. Hình như gió tới nhưng không còn ý niệm thời gian. Người cũng lại mau quên sự tồn tại của gió. Nằm trong phòng lạnh, chẳng ai còn thức tỉnh sự ngọt ngào của gió, chẳng ai tìm kiếm và quan tâm gió đến từ đâu nữa. Trong muôn vàn tiếng kêu than, hẳn không ai nghe thấy tiếng than về thân phận của gió. Như một bổn phận đã làm tròn sau cuối, gió hòa mình chới với khúc ru mưa. Đêm, cơn giông thịnh nộ, giận giữ như muốn gạt phăng mọi thứ hỗn độn mà nó đi qua. Cả thành phố ngủ say. Say hơn cả bầu trời làm da diết bóng cây. Tiếng gió thức đầy trong niềm vỡ òa tưởng như hạnh phúc nào còn chưa trọn vẹn. Nhưng không, đó chỉ là lời nhắc. Rằng mai này, nếu ai còn khao khát, trong lời ươm mầm của đất, hãy tự hỏi lòng mình nơi gió được sinh ra./.

Tản văn của Dương Thắng