Tản văn

Những bông hoa mang màu nắng

Tản văn của Võ Thu Hương 10:42 26/06/2023

Mùa hè, khi người người nhắc phượng, nhớ sen thì hoa dẻ vẫn gọi về một vùng nhớ trong tôi, âm thầm mà xôn xao. Hoa dẻ, tôi vẫn nghĩ những cánh hoa vàng ươm ấy là hiện thân rực rỡ nhất, nồng nhiệt nhất của mùa hè vùng quê nóng bỏng của mình.

hoa-de.jpg

Nhà tôi cách chân núi Quyết vài trăm mét. Hè về, lũ trẻ con thường canh lúc bố mẹ đi làm, những buổi được nghỉ học lại tha thẩn ven chân núi chơi với những trái, những hoa. Thi thoảng trong um tùm bụi rậm, bụi hoa dẻ bất ngờ mọc chen bên con đường mòn chạy vòng quanh núi gần nhà. Con đường chạy thành hình cánh cung, cong vòng ấy gắn với những ngày tiểu học của tôi. Có tới dăm con đường đi từ trường tiểu học về khu tập thể, đường ngắn nhất khoảng một cây số. Đường dài nhất là đường cánh cung ấy, hơn hai cây số. Và chúng tôi thích thú chọn con đường ấy vì có thể vừa đi về, vừa tha hồ ngắm hoa, ngó bướm.

Hoa dẻ nở vào mùa hè, những ngày cuối cùng của năm học, những bông hoa còn non xanh và chúng chỉ chín vàng khi hè về. Khi cảm giác chạm vào hương hoa dẻ là biết đã vào hè. Quanh năm bụi bờ cây dẻ nhạt nhòa chìm trong những màu xanh quen mắt, bỗng một buổi mai kia, đi ngang, một mùi hương ngọt lịm níu chân lại.

Hương hoa dẻ có vẻ như thích chơi ú òa, trốn tìm với đám trẻ con, cứ thích bất thình lình xuất hiện như thế để có khi cả lũ phải tranh giành nhau chỉ vì cả một lùm cây chỉ có một bông hoa đang độ ngát hương. Những người lớn ở quanh núi Quyết về sau cũng thích trồng cây hoa này, phần lớn để chiều lòng đám trẻ con, cho chúng sự thú vị khi thấy một bông hoa có khả năng chuyển từ màu xanh qua vàng. Bông hoa có khả năng “chín vàng” và lừng thơm mùi quả chín hấp dẫn. Chẳng ai bán hoa dẻ làm cảnh nên bố của bạn tôi phải leo lên núi Quyết, toát mồ hôi mới tìm ra một cây dẻ be bé để trồng trong sân nhà. Tới mùa hè, hoa thơm lừng cả con ngõ nhỏ.

* * *

Thuở bé, khoảng những năm đang học lớp 4, lớp 5, vào những ngày hè, tôi thường được mẹ gửi xe quen đi từ Vinh về Đô Lương. Những bông dẻ trong bụi rậm khi “chín” có màu vàng ươm nổi bật, hương toả lan rất xa. Hoa dẻ thơm nồng nàn khi “chín” vàng, nhưng với tôi, mùi quyến rũ nhất của bông hoa là khi úa tàn dần, cánh khô cong lại. Lúc ấy trong nồng nàn hoa dẻ như mang mùi hanh hao vị nắng. Có lẽ nắng tháng sáu, tháng bảy ươm đầy trong những cánh hoa ấy chẳng nỡ rời bông hoa mà đi, kể cả khi hoa đã tàn.

1660552974_de-1.jpg

Hoa dẻ chen chúc trong từng bụi rậm ở những con dốc núi đồi Ngọc Sơn dẫn về nhà bà nội gắn với suốt một thời ấu thơ tôi. Bà nội biết cháu gái thích hoa dẻ, đi đâu về cũng đứng tần ngần ngó quanh bụi rậm, nơi toát ra mùi thơm lừng. Lưng bà còng còng nhưng mắt khá tinh. Bà luôn tìm thấy một hai chùm hoa mang về cho cháu. Với con bé tôi tóc râu ngô vì suốt ngày đầu trần đội nắng ngày ấy, một bông dẻ thôi cũng như quà tặng đầy ý nghĩa của thiên nhiên, của bà. Mà nắng đâu chỉ trong những đóa hoa nồng nàn, nắng trốn trong vị mít thơm lừng, nắng theo cả trong vị trái chay chín thanh nhẹ mà bà nội vẫn hay mang về cho đứa trẻ thành phố mê những món quà quê bé nhỏ… Mắt tôi tinh hơn mắt bà, trẻ con dĩ nhiên cũng nhanh nhẹn hơn người già nhưng thiếu kinh nghiệm nên hầu như tôi không tìm ra được hoa dẻ nhanh bằng bà. Có khi suốt cả chiều đi đi lại lại dọc con đường chen chúc bờ bụi, hít hà mùi thơm của hoa lúc ẩn lúc hiện mà không hái được đóa hoa nào. Chiều về, khi những tia nắng cuối ngày chìm xuống dãy núi xa xa, niềm vui bất chợt đến như chực vỡ òa khi thấy bông dẻ vàng lấp ló. Tựa như những tia nắng của ngày đã ươm hết vào đó trước khi ngày kịp tàn.

Mùa hè là mùa để có thể cảm nhận rõ nhất vị nắng trong từng hương hoa vị quả. Và bông hoa bé nhỏ mang vị nắng, màu nắng thường theo tôi từ quê về phố, mang theo cả nỗi nhớ thương những ngày hè bên bà. Để rồi, mãi nhiều năm sau lớn lên, đi đến đâu gặp những đóa hoa màu vàng ươm, như móng rồng, hoàng lan… đứa cháu gái ấy cũng thấy mến yêu ngay khi nhang nhác giống bông dẻ, nhắc nhớ kỷ niệm bên bà khi xưa.

Anh lái xe ở cơ quan tôi hôm nọ tình cờ ngắt một bông hoa dẻ trên tường rào nhà mình đưa lên cơ quan. Con gái nhỏ của tôi ồ lên thú vị khi phát hiện ra đó là hoa dẻ - loài hoa lần đầu bé gặp nhưng đã từng biết rất lâu từ những câu thơ trong sách giáo khoa: “Bờ cây chen chúc lá/ chùm dẻ treo nơi nào/ Gió về đưa hương lạ/ Cứ thơm hoài xôn xao”. Bông dẻ bé nhỏ ấy gợi tôi nhớ tới những mùa hè xa ngái.

Khi tôi kể cho bé con nghe về những bông hoa dẻ trong ký ức tuổi thơ mình. Con bé nói, mẹ nhé, mùa hè nào đó con muốn về cùng mẹ, tìm những bông hoa bên chân núi như mẹ vẫn kiếm tìm suốt buổi chiều hè ngày xưa…/.

Bài liên quan
  • Một ly tỉnh & nhớ
    Người ta có muôn vàn cách để quên một điều gì đó nhưng để nhớ về kỷ niệm thì lại chẳng có nhiều. Tôi hay chọn buổi sáng thứ Bảy trong tuần để được thư thả về phố núi quê hương, ngồi đợi giọt đắng của đất đai, mưa nắng điểm từng nhịp xuống chiếc ly sứ như đợi thời gian mở cánh cửa diệu kì của mình.
(0) Bình luận
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
  • Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?
    Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
  • Gác nhớ
    Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
  • Chiếc ghế mây của cha
    Những ngày mưa to gió lớn, không đi làm nương được, mẹ rủ đám con gái chúng tôi lấy ghế mây ra đầu hè ngồi khâu vá. Bà nội tôi đeo kính lão xỏ kim, bà cười móm mém theo những câu chuyện kể tếu táo của đám trẻ chúng tôi. Chiếc ghế mây phát ra âm thanh kin kít chịu đựng sức nặng cơ thể con người theo những điệu cười khúc khích.
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Những bông hoa mang màu nắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO