Tản văn

Ký ức tháng Năm

Duy Ngọc 06:35 13/05/2023

Tháng Năm, ký ức lại ùa về bên những hàng cây phượng đỏ, tiếng ve râm ran gọi nắng hè. Tháng năm những cơn mưa đầu mùa chợt nắng, chợt mưa đỏng đảnh như cô gái dậy thì. Tháng năm hết bụi phấn trên vạt áo thầy cô, chia tay học trò cuối cấp để ngôi trường lại đìu hiu, lặng lẽ.

Tuổi học trò của tôi đã xa lâu lắm khiến ký ức mơ hồ như sương mù buổi sớm, nhưng vẫn còn nguyên đó những tháng hè cất trong ngăn tủ hoài niệm. Chúng tôi xếp gọn sách vở, bỏ lại những sáng tinh mơ ngồi tụng bài. Khi đường phố Hà Nội mới lác đác người đi chợ, tiếng loa truyền thanh trên cột điện phát ra nhạc điệu thể dục buổi sáng, đâu đó trên vỉa hè từng tốp già có, trẻ có, mắt còn ngái ngủ khởi động theo tiếng nhạc phát ra từ loa thì cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi guồng chân đạp xe trên con đường Nghi Tàm, Quảng Bá. Đường vắng không bóng người, chỉ thấy những rặng cây xanh rì và ổi găng chín vàng còn đọng sương sớm hai bên vạt đê. Hồ bơi Quảng Bá là điểm thú nhất để bọn tôi vùng vẫy những sáng hè oi nồng, rồi trên sân bóng đá mỗi chiều quên ăn, hay bao trưa hè ngồi lì bên hồ câu cá…

Nhưng ký ức đáng nhớ nhất là khi anh đội trưởng thiếu niên Tiền phong khu phố tổ chức cho đi tham quan khu Di tích Bác Hồ nhân ngày 19/5 sinh nhật Bác. Lúc đó tôi mới 11- 12 tuổi. Trước hôm đi, chúng tôi đã được phổ biến cặn kẽ điều lệ đội, tác phong, trang phục áo sơ mi trắng, quần âu xanh công nhân và tất cả đều phải đeo khăn quàng đỏ. Mẹ tôi đã chuẩn bị cho mọi thứ từ chiều hôm trước. Quần áo, khăn quàng đỏ được là phẳng phiu, thêm gói xôi đậu xanh và hai hào để tôi uống nước. Đúng 5 giờ sáng, chuyến tàu điện đầu tiên chạy qua nhà cũng là lúc tôi cùng nhóm bạn đến nơi tập trung. Anh phụ trách yêu cầu chúng tôi xếp hàng đôi đi bộ về hướng Quảng trường Ba Đình. Đã rất đông các bạn thiếu niên đứng theo hàng thẳng tắp với trang phục đồng đều, rực một màu khăn quàng đỏ tiến về lăng Bác Hồ. Cảm giác hồi hộp của tuổi thơ dâng trào trong lần đầu được vào viếng Bác. Dù Bác đã đi xa nhưng qua từng câu chuyện của gia đình, qua từng trang sách, qua từng bài giảng của cô giáo trên lớp về tấm lòng thương yêu các cháu nhi đồng và hơn hết là được tận mắt nhìn thấy Bác trong lăng, tôi đã xúc động vô ngần. Hình ảnh Bác Hồ với nụ cười hiền hậu không hề xa lạ với các em nhỏ mỗi khi Bác ghé thăm trường. Bác nằm đó như muốn nhắn nhủ các cháu thiếu niên, nhi đồng luôn nhớ và làm theo 5 điều Bác dạy: Chăm học, chăm làm, kính thầy, yêu bạn, yêu Tổ quốc để mai sau các cháu sẽ là chủ tương lai đất nước.

Ký ức tháng Năm với tôi là những kỷ niệm chậm rãi. Hình ảnh của tuổi cắp sách đến trường hối hả trong lớp học, nghịch ngợm trong giờ ra chơi, vui sướng khi tiếng kẻng tan học và chờ đón những ngày tháng Năm để được tung tăng ba tháng hè. Ở cái tuổi ăn no, ngủ kỹ và chơi đùa, nhưng khi ngồi trên lớp tôi luôn lắng nghe cô giáo giảng về đức dục, lễ giáo nhà trường, trong gia đình phải biết kính trên nhường dưới, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ bạn trong hoạn nạn, ra đường thấy người già, người tàn tật phải nâng đỡ… Kỷ niệm với tôi là những ngày cắm trại do nhà trường tổ chức. Còn gì vui sướng khi cùng các bạn tự nấu ăn, thổi cơm, nhặt rau như người lớn. Trên bãi cỏ bằng phẳng, những túp lều xinh xinh được dựng lên. Ngày đó cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ, lều dựng bằng chăn dạ Nam Định và vỏ chăn hoa cũ bạc màu mà những người mẹ chiều con tháo ruột bông để con mang vỏ đi cắm trại. Trong lúc bọn con gái nhặt rau thổi cơm, cánh con trai chúng tôi hì hục đào hố chôn cọc làm thành hai chiếc lều cho tốp nam và nữ. Một nhóm đi kiếm lá cây, hoa dại về làm cổng chào. Lớp tôi chia thành 5 tổ để chấm điểm thi đua trại lều đẹp, nấu ăn giỏi, rồi điểm thi múa, hát, nhảy cao, kéo co…

Có một kỷ niệm mà mỗi lần nhớ lại luôn trào nước mắt. Để chuẩn bị cho chuyến trại hè, cô giáo thông báo cho học sinh trước để chuẩn bị. Học sinh nam mỗi bạn mang theo dụng cụ dựng lều như vỏ chăn, cọc tre, dây thừng, dao, cuốc xẻng. Học sinh nữ mang nồi xoong, bát đũa, rổ rá để nấu ăn. Ngoài ra mỗi học sinh phải mang theo gạo ăn hai ngày (loại gạo không có độn) và 2 đồng để mua thức ăn. Về nhà kể lại cho mẹ yêu cầu của cô giáo, mẹ không nói gì chỉ bỏ xuống bếp. Đêm đó mẹ nằm trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau, ngoài dụng cụ cắm trại và quần áo, mẹ gói cho tôi túi gạo vào chiếc khăn vuông rồi nhét 2 đồng bạc vào túi áo ngực, không quên gài kim băng cho khỏi rơi tiền. Tôi chào mẹ trước khi đi, nhìn nét mặt mẹ tôi có vẻ không vui. Ít ngày sau tôi nghe hai đứa em kể lại “Hôm anh đi trại, mẹ vét hết gạo cho anh mang đi, ở nhà tụi em toàn ăn ngô bung và mỳ luộc”.

Trong những năm tháng chiến tranh Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân rồi sơ tán, anh em tôi được gửi về quê ngoại, mình mẹ gồng mình nuôi ba anh em tôi ăn học bằng đồng lương công nhân xí nghiệp may ít ỏi, trong khi bố tôi ở chiến trường miền Nam không có tin tức gì. Thương mẹ, thương mấy đứa em, thương cho hoàn cảnh gia đình không có cha, tôi chăm chỉ học tập rồi du học nước ngoài. Giờ cuộc sống đã thay đổi nhiều, sự mất mát người cha nằm lại nơi chiến trường và tháng Năm vui buồn lại ùa về, để mỗi khi nhìn hàng phượng đỏ rực dưới nắng mà lòng lại xao xuyến, bồi hồi./.

Bài liên quan
  • Suối cạn
    Chẳng nhớ tôi đã đi dọc con suối cạn sau nhà bao nhiêu lần. Mỗi lần đi, lại một lần suy tư về con suối mà mình chưa biết tuổi. Có lẽ ngày xửa, ngày xưa khi rừng đầu nguồn chưa bị tàn phá, nó là con suối xinh đẹp, tràn đầy sức sống từ dòng nước trong vắt đầu nguồn.
(0) Bình luận
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
  • Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?
    Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
  • Gác nhớ
    Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
  • Chiếc ghế mây của cha
    Những ngày mưa to gió lớn, không đi làm nương được, mẹ rủ đám con gái chúng tôi lấy ghế mây ra đầu hè ngồi khâu vá. Bà nội tôi đeo kính lão xỏ kim, bà cười móm mém theo những câu chuyện kể tếu táo của đám trẻ chúng tôi. Chiếc ghế mây phát ra âm thanh kin kít chịu đựng sức nặng cơ thể con người theo những điệu cười khúc khích.
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Ký ức tháng Năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO