Tản văn

Về ăn cơm mẹ nấu

Tản văn của Dương Thắng 11:53 04/06/2025

Chiều chậm trôi bên nhánh sông hiền hòa chảy êm dòng văn vắt. Mùa lúa chín đã qua còn lưu lại bao miết mải phù sa trên từng gốc rạ se sắt, hanh hao trồi lên khỏi mặt ruộng khô nứt.

bep_lua_mua_dong_20211129175756_20211203194001(1).png
Trong hơi ấm mùa đông vẫn mơ màng người nhóm lửa, thổi cơm (ảnh minh họa)

Gió heo may chạy dài trên đồng, ram ráp, bám dính, trộn lẫn mùi bùn theo vạt cỏ dầm sương. Trên từng thửa ruộng, rạ cắt sát mép được xếp gọn ghẽ, dựng vào thành từng đống nhỏ lúp xúp như những chiếc nón mê. Nên thơ quá đỗi một cánh đồng đời cuối mùa sâm sấp bóng. Gom đầy nỗi nhớ trải dài đồng ruộng, quẹt lửa hun từng xác xơ đã thấm mồ hôi trong thớ đất ải tơi. Nhớ ngày hanh hao vương vấn mùi khói đốt đồng. Khói bay lên giữa chạng vạng chiều, chừng như gom cả nỗi nhớ cánh đồng trong màu mắt người. Giữa khoảng không rộng lớn, khói mặc sức lan tỏa. Mùi khói chẳng thể lẫn, vị khói chẳng thể quên.

Để rồi mỗi khi đi xa nhìn thấy khói ở bất kì đâu, lại mường tượng ra một gian bếp ấm áp, đủ đầy tuổi thơ. Nhớ mùi cơm sượng, nhớ mùi mồ hôi quyện đầy áo mẹ ám khói. Vẫn biết rạ rơm còn thơm đầy hương mới mà sao nhớ quá miếng cháy nồi gang vàng rụm, niêu cá kho ủ trấu ngày nào. Trời trở lạnh rồi! Về thôi, về ăn cơm mẹ nấu.

Mưa rây rắc nhiều hơn, gió thấm dần qua da, muốn chạy ào về nhà. Đến đầu ngõ nhỏ để thấy khói bếp bay lên quyện lấy mái lợp chừng như quyến luyến, chừng như chưa muốn tan vào khoảng lặng mưa bay. Chưa thể cay xè, con mắt chưa đỏ hoe, mà sao nhớ khói quá thôi. Thứ khói thơm vào gan ruột, vương vít mùi bồ hóng, đậm đặc vị nắng mưa. Thứ khói ngấm vào da, gọi mồ hôi tràn qua khóe mắt. Bếp xưa còn đỏ lửa, mẹ còn đợi con về. Bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu vụng dại như câu ca nương mình thuở chưa xa ngái: "Cơm cha cơm mẹ đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người khổ lắm mẹ ơi/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn". Ấy là ngọt ngào xen lẫn gió mưa của xa xưa đã ngấm vào tiềm thức. Nhưng điều rất thật qua ngần ấy thăng trầm tháng năm, dẫu ăn miếng cơm thị thành đủ đầy mà sao vẫn nhớ vị quê mình đến vậy.

Nhớ ngày nào đi làm đồng về, đói bủn rủn chân tay, mưa phùn rét cóng, về tới nhà chưa kịp rửa chân đã ào vào bếp, quẹt lửa thổi cơm. Mẹ sắp, con đun. Nồi cơm chưa kịp sôi, lòng dạ đã gọi mời. Có khi chỉ là mớ tép, cá vụn ngoài đồng vừa vét được ở con mương cạn đã là một bữa "thủng nồi trôi rế". Rét quá đâu dễ kiếm thức ăn. Ấy vậy mà bát cơm nóng hổi niềm mong. Cả nhà ngồi quây quần bên manh chiếu mỏng. Mùi cơm thức dậy, tâm tư đắp đầy. Chiếc đũa cả để hé bên vung, tiếng thời gian ngập ngừng, đơm cho từng nhớ nhung.

Trở lạnh, nghĩ đến gian bếp xưa mà sao nghe ấm áp. Những hôm mẹ dậy sớm dù không phải ra đồng, vẫn nhóm lửa đun siêu nước thật đầy để lát cha dậy có nước nóng pha trà. Nồi cám lợn to nằm chềnh ềnh trên chiếc kiềng nhỏ đang sôi lục bục. Chiếc kiềng thế mà vững, qua bao ngày tháng, lửa bén bắt muội đen kít mà chẳng cập kênh. Rau bèo, rau chuối, khoai lang, rau muống quyện trong mùi cám gạo thơm đến là thơm. Con mèo cũng dậy sớm theo, nằm lim dim một góc cách ngọn lửa không xa. Và con, đứa trẻ quyện hơi mẹ cũng ngồi sát bên cầm que cời gẩy gẩy, đưa rơm ít một, đều tay cho ngọn lửa khỏi bùng lên. Vẫn nhớ những nắm cơm mẹ lèn chặt như quả trứng vịt để ăn với muối vừng. Cơm gạo mới thơm nồng trong nghi ngút khói. Khi ấy ngọn lửa mẹ nhen mới ấm áp làm sao. Vừa đủ cho đôi má ửng hồng, cho đôi chân đi dép lê khỏi lạnh, cho niềm tin thức dậy xa sau.

food-6762327_1920.jpg
Kí ức ùa về dẫu chẳng loang sương mà trong trẻo như sớm nào còn muốn rúc vào lòng mẹ hít hà mùi mồ hôi ám khói.

Cơm mẹ nấu, vốn bình dị như hơi thở đồng quê. Chỉ niêu cơm và niêu nhỏ cá kho. Thêm ít dưa chua muối xổi. Gia vị đâu có gì ngoài muối trắng và những thứ kiếm được quanh vườn. Khóm riềng, cụm gừng, khóm sả mỗi khi con đào lại mọc thêm nhánh mới. Và có một điều là chẳng bao giờ vội, dù ngoài kia gió bấc xạc xào lá chuối, buồng cau. Cái gì cũng tròn trịa. Cái rế bắc nồi cũng tròn ngay cả khi đã rách nan, quẹt đầy bồ hóng. Cái mâm nhôm trắng cũng tròn khi cả nhà ta ngồi quây tròn. Cùng khoanh đùi, cùng thưởng thức bát cơm tròn vị. Cha kể chuyện ruộng đồng. Mẹ kể chuyện làng trên xóm dưới. Bà nhắc cháu ăn không được vội, kẻo hóc xương. Ngần ấy thôi ghi tạc vào con những ngọt ngào, gần gũi.

Bước qua mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người ta lại có thêm thật nhiều trải nghiệm, để mà nhìn lại, để mà gửi thương, gửi nhớ về nơi mình sinh ra và lớn lên. Và cứ mỗi mùa đông, không chỉ bởi rét mướt tái tê, con vẫn muốn về ăn cơm mẹ nấu. Mỗi cuối tuần lại muốn chạy ào về tìm gian bếp ngày xưa đượm lửa thổi cơm.

Ngay cả mùi cơm khê, cả những khi cơm sượng vẫn ngon ngọt, vẫn đong đầy. Bát cơm trắng dậy mùi khói ấy là những giọt mồ hôi thấm đẫm ruộng đồng. Về ăn cơm mẹ, đâu để thấy xa xưa thuở ấy nhọc nhằn mà thấy cả khoảng trời dịu dàng che chở đời sông. Thấy cả con đê dáng lưng còng, thấy bờ tre kĩu kịt rủ xuống đường làng. Dáng mẹ về tất tả, nón mê ủ dột. Mưa phùn rơi, bát cơm ngót nửa làn hơi.

Kí ức ùa về dẫu chẳng loang sương mà trong trẻo như sớm nào còn muốn rúc vào lòng mẹ hít hà mùi mồ hôi ám khói. Trong hơi ấm mùa đông vẫn mơ màng người nhóm lửa, thổi cơm. Bóng mẹ nấu nấu, đun đun. Nghe hơi thở bình lặng, nghe cựa mình thời gian.
Trở lạnh rồi! Về ăn cơm mẹ nấu./.

Bài liên quan
  • Thắp lên cánh đồng mùa xuân
    Ngày Tết, tôi có hứng thú đi tìm miền cỏ nước. Từ thuở bé đến bây giờ vẫn nguyên một mong ước giản dị mà xa xôi ấy. Ví von một chút là được vị thần thiêng liêng của Tết năm đó mừng tuổi cho một hình sắc cánh đồng vào xuân. Ngẫm thế, chợt thấy nếu được trải mình vào cánh đồng đang dâng lên tràn chảy sắc xuân ấy, thật sẽ là một món quà trang trọng, lịch lãm và cải biến diệu kỳ.
(0) Bình luận
  • Cầu Long Biên bắc qua miền yêu thương
    Có đôi lúc tôi nghĩ, con người ta phải sống bao nhiêu cuộc đời mới đi hết được chiều dài thời gian, mới hiểu và cảm nhận đầy đủ lịch sử của cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, một cây cầu chạm vào ba thế kỷ. Cầu giống như con rồng khổng lồ uốn lượn trên cao với từng lớp vẩy thép đan xen, ngày đêm lặng lẽ bảo vệ người dân qua lại nơi dòng nước chảy xiết. Cây cầu ấy mang tên Long Biên, cây cầu bắc qua miền yêu thương.
  • Người đi về phía biển
    Khi biển sinh ra, tôi chưa biết hát. Khi biển lớn lên, em chưa biết khóc. Khi biển mặn mòi, thì đã có những dấu chân đi về phía biển. Biển ở phía đường chân trời, một nơi tưởng chừng như chưa từng có sự nhọc nhằn, vất vả. Bởi chân trời luôn luôn là ước mơ.
  • Bên thềm giếng cũ
    Chiều cao nguyên giăng giăng mây phủ, khói sương mờ ảo giữa thăm thẳm núi đồi, tiếng chim chíu chít gọi nhau về tổ trên nền trời rực ánh tà dương. Vạt sáng huyền hoặc cuối ngày ấy trở thành sợi chỉ mảnh dắt kẻ tha phương lần về miền nhớ.
  • Nhớ giàn nho của ngoại
    Sớm mai thức giấc, ánh nắng lọt qua khung cửa sổ, dịu dàng rơi trên bàn làm việc, lướt nhẹ lên những đồ vật quen thuộc: vài cuốn sách đang đọc dở, ly trà còn vương hơi ấm và... một chùm nho. Đưa mắt nhìn thật lâu vào chùm nho ấy, một cảm giác xao xuyến đầy mến thương y như vừa tìm được một người bạn cũ lâu ngày không gặp ùa về trong tôi.
  • Mùa về trên tay mẹ
    Kề má vào bàn tay mẹ, lòng tôi nghẹn ngào xót xa khi thấy từng vệt chai sần trên những đường nhăn chằng chịt nứt nẻ tựa trái na khô. Đôi tay mẹ bây giờ không còn khỏe, lập cập lẫn run run như buổi chiều hôm mòn vẹt vì nắng gió. Những mùa màng xưa cũ , những vệt trầm thăng đã quá nửa đời người lần lượt hiện lên trên đôi tay mẹ. Và ký ức tôi lại sụt sùi nhẩm đếm. Dẫu bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đã neo sẵn vào đất trời nhưng mùa của mẹ còn ngổn ngang nhiều hơn cả thế.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Về ăn cơm mẹ nấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO