Tản văn

Mùa xuân trở về

Tản văn của Nguyễn Thị Minh Hoa 12:07 09/03/2023

Đời kế đời, vạn lần và hơn thế nữa con người ta vẫn thường chờ đón mùa xuân. Ta đón xuân. Xuân đón ta cùng trở về nhà.

ta-ve-tim-lai-xuan-xua.-anh-nguyen-tuan-anh.jpg

Nhà của ta. Có ông bà, mẹ cha, có tháng ngày tuổi thơ được cất giấu trên mái nhà. Chỗ bố để cái roi tre, chỗ có viên ngói vênh, nên thường bị dột khi mưa. Có tuổi thơ ta ăm ắp trong căn buồng nhỏ, ánh sáng hắt từ ô vuông bố bỏ viên ngói ra để vào đó tấm kính, hoặc là bất cứ nơi đâu trong mái nhà này.

Ngày ta chào đời, bà lau nước mắt đón tay cháu. Bà kể mãi rằng bố đứng ngây, mẹ còn lóng ngóng không biết cho con bú. Rồi ta biết cười khanh khách, răng mọc cái một đến buồn cười, lại còn cái tay ngoáy tít chỉ... đi chợ. Ta lớn khôn, với dấu mốc mái nhà thấp xuống cùng lưng bà và vai áo mẹ bạc sau mỗi vụ.

Ta về nhà ta với bà, thơm nồng mùi trầu vỏ, nắp cơi trầu dính vôi đã bao năm. Bà một tay cắp cháu, một tay cời bếp cho lửa ấm, khi mà cái nẻ má hồng lại khiến bà xuýt xoa. Cái má hây hây có lớn mà chưa có khôn thì bà về trời. Bà vấn khăn, mặc áo the nâu, cổ áo có cái cúc hình giọt nước như ngọc khuất dần trong đám mây. Cây hồng xiêm bà trồng thắt một dải khăn xô nhỏ cũng còn nhớ bà đến nỗi mùa ấy hoa không đậu quả nữa là đứa “con đầu cháu sớm” của bà.

Nhà của ta có mẹ tảo tần, luôn dặn con cái rằng phải thắp hương dâng cúng các cụ hoa trái đầu mùa, rồi mới được nhận lộc. Mái nhà ta, bố vẫn soạn sửa, thắp hương trầm sau khi mẹ bày lễ. Anh chị em cứ tranh luận nhau mãi rằng “ban thờ” hay “giường thờ” thì đúng hơn nhỉ? Bố bảo:

- Gọi thế nào cũng đúng cả, âm dương xa là thế phải có nơi thờ tự, tưởng nhớ các cụ và người thân đã khuất trở về khi lễ tết. Cháu con có thành kính tiền nhân mới nên nếp nhà, mới biết lề lối việc họ, việc làng.

Ta còn bé, chưa thực hiểu, chỉ thấy mùi cỗ bàn, hương thắp, mùi thơm từ ngũ quả... Nhà ta đây, chỉ sau những soạn sửa mà sao khác? Không gian xuân ngan ngát tự lòng ta, hay tự xuân ùa vào trong ta. Những tưởng đằng đẵng thời gian, khốn khó, mưu sinh, thất bại hay bị phản bội khiến ta phải nhớ, phải quên mà làm rơi mất những điều nho nhỏ xưa cũ kia. Nhưng không, còn cả đây, trong một nếp nhà. Một nếp nhà vẹn nguyên trong tâm hồn, nó không quá lệ thuộc vào ngôi nhà thực sự che chở nắng mưa thuở nào.

Ta trở về, trở về để ngấu những trải nghiệm. Những sàng khôn làm tóc ta bạc, đường đời không thôi những bất ngờ. Ta hiểu, nơi ấy bình yên, ngày ấy bình yên, nếp nhà cho suy nghĩ của ta trọn vẹn trước sau. Những hôm nay và ngày mai đều bắt nguồn từ đây.

Nơi bà chăm nom ta, nơi mẹ vui buồn thường vẫn khóc. Nơi mà cái roi của bố vung lên nhưng không đau như ta tưởng, hoặc đau đến khóc thét. Nơi ta lẽo đẽo theo bà đội lễ lên chùa, ta sợ ông hộ pháp. Bà bảo, “Mình ăn ngay, nói thẳng là Phật độ, không phải sợ”. Tất cả nhắc ta về lòng trung thực. Ta có thể nghe và cũng có thể để đó, đôi khi cần đến để trang trí, mưu sinh là một cuộc cạnh tranh khốc liệt “khôn sống, mống chết”. Ai người muốn dại, muốn chết? Tự nếp nhà, những dòng chảy của ký ức ùa về nói với ta rằng: Mẹ ta sẽ khóc, bố ta sẽ đánh thật đau, hoặc bẻ roi im lặng. Bà cũng không chìa tay ra với ta.

Thế nên ta chọn, chọn cách để mẹ yên lòng, đợi ngày cùng ta vẫn lối của bà sắm lễ lên chùa, để việc làng, mẹ bận áo mới khoe con nhà mình tươi tắn như người ta.

Con đường nhỏ vắt qua cánh đồng làng, dẫn ra đường liên huyện rồi mới gặp đường cái quan. Lối ấy đưa ta mưu sinh chặng xa, để rồi những hấp dẫn lung linh lôi cuốn ta trong suốt hành trình. Mẹ hiểu tính ta, mong ngóng để trong lòng, không gọi. Ai mà gọi được ta ngoài những da diết từ mùa xuân.

Ta phải về, về với mẹ, về trải lòng ta ra cái sân nhỏ, tay mẹ già quét không xuể, cỏ mọc đầy chân tường hoa. Ta phải về bày lên cái bàn gỗ những quà dành dụm sắm sửa suốt cả tháng. Bàn tay mẹ khô gầy run run cầm lên những món hàng có phong gói màu đỏ. Mẹ lại khóc, vì vui. Mùi hương ngan ngát, mẹ đã thắp hương xin tiên tổ để đường ta về bớt xa, bình an vô sự. Chắc ta về đến ngõ là bà đã biết, cành hồng xiêm đung đưa. Cây vẫn tặng trái cành thấp để mẹ vít được xuống hái cúng bà. Cả khóm cúc vạn thọ nữa, cứ cho hoa suốt nửa năm cùng với hồng và mẫu đơn hái đôi bông là đủ đĩa hoa cúng.

Ta về vịn tay vào cái cột gỗ bạc thếch bước lên thềm, cái chõng tre không còn mà vẫn như thấy bà ngồi khâu áo, khăn vấn gọn gàng, bà cài cái kim có chỉ xâu dài lên khăn, hai bàn tay nhăn nheo vuốt miếng mụn vá thật phẳng phiu. Ta nằm ở đó, đón nắng mới, đợi bà nhờ xâu kim. Bọn chim ríu rít trên cành hồng xiêm, có con nào đó thật khôn ngoan tìm được quả chín ăn, còn một chút rụng độp xuống sân. Bà không tiếc mà vui lắm và bảo, “Chia cho bầy chim, lộc giời, lộc nhà mà”.
Ta về nhà với mẹ, trở về để tìm lại, tìm thấy xuân xưa. Ta tựa vào để được bình an và sưởi ấm. Mắt mẹ nhắc ta tìm đúng lối, đúng nếp nhà mình, để mẹ con lại an nhiên đội lễ lên chùa...
Ta trở về, thêm một lần chạm vào mùa xuân hạnh phúc.

Bài liên quan
  • Câu chuyện đầu năm
    Thấy Cửu đến, tôi mừng quá, reo lên câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến: Oài! Đã bấy lâu nay bác tới nhà…
(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO