Chuyện tình bên hồ Tây

Tản văn của Ngô Vĩnh Bình| 14/11/2022 11:03

…Người ta đến hồ Tây cùng bạn bè, đến cùng người mình thương. Người ta đến hồ Tây đôi khi chỉ có độc một mình. Để xem cái bao la, cái tráng lệ của cảnh hồ, để tìm xem “cáo trắng, trâu vàng” chuyện có không, tìm về một cô bán chiếu thuở nào.

ho-tay-2(1).jpg

Lại có người đi lang thang tìm từ cho một câu thơ, một bức vẽ, một bài ca và tự hỏi tại sao xung quanh hồ, bên cạnh tên các làng cổ trồng sen, trồng đào, hoa lay ơn, thược dược là những con phố mang tên những văn nghệ sĩ lừng danh: Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn...! Rồi lại có những người hí húi đo đạc nói là để cải tạo nước, cải tạo cảnh quan ven hồ, làm đẹp hồ… Đôi khi có người chỉ đến đây làm một kiểu ảnh, ăn một đĩa bánh tôm, hoặc thưởng thức một ly kem, đĩa ốc luộc!
Tại sao người ta thích đi hồ Tây thế nhỉ? Có người đã giải thích “Có lẽ bởi đối mặt với khoảng không rộng lớn, những con sóng dập dìu, người ta được sống thật với bản ngã luôn giấu trong tim. Khi vui thì thấy trước mắt cả thành phố đang cùng ta san sẻ, khi buồn sẽ chẳng một ai lớn tiếng phán xét mà chỉ yên lặng lắng nghe.
Người ta thường tìm đến hồ Tây khi lòng nhiều tâm sự.
Người ta chọn hồ Tây là nơi để thổ lộ tâm tình.
Có lẽ hồ Tây là nơi chôn giấu nhiều bí mật nhất của người Hà Nội thân thương.
Hàng vạn người cùng hàng vạn câu chuyện, đều cất tại nơi đây cả”.
Tôi có thói quen, cứ sáng sáng là lại ra hồ Tây nghe sóng vỗ và ngắm mặt trời lên. Một sáng, tình cờ gặp ông bạn già quen biết nhau từ thời làm tờ tin Sư đoàn, tôi nói với ông về hồ Tây như thế. Ông bảo:
“…Tôi cũng “cất” một câu chuyện của riêng mình nơi đây bạn ạ, chuyện tình…( ông xúc động kể): Em đến với tôi vào những ngày Hà Nội nóng nhất tựa một cơn gió mát lành làm tôi như được trở lại những ngày xa xưa khi còn trai trẻ. Em lộng lẫy, trẻ trung và giàu cá tính. Em bảo, “con gái giống như một cuốn tiểu thuyết, đừng mong đọc một ngày mà hiểu hết được”... Tôi say mê đọc đến quên ăn quên ngủ cuốn tiểu thuyết đời em. Có lần làm em buồn, tôi xin lỗi rối rít và em bảo, anh phải đền em bằng một tuần caffe tại Hà Nội, mà là caffe Common Man em mang từ Sing về và do chính tay em pha! Em lại trách tôi kiệm lời, đôi lúc ăn nói trống không, ít chịu lên hình trên facebook! Tôi đùa, anh chụp ảnh người ta thì đẹp, người ta chụp ảnh cho anh thì ảnh xấu điên! Em bảo, em biết chụp hình, tháng 8 này em về nước em sẽ chụp cho anh một bức ảnh đẹp… Hôm gặp nhau lần đầu ấy, hồ Tây như cũng lộng lẫy hơn, tha thướt và đáng yêu hơn. Đêm đó tôi viết bài thơ với những câu mở đầu thật vụng về mà tha thiết:
Tôi hỏi, sóng đến từ đâu
Mà khiến lòng tôi xao động?
Sóng bảo, sóng đến từ muôn vàn lớp sóng
Để xô vào bờ tôi!
Tôi hỏi, em đến từ đâu?
Em bảo, em đến từ đám đông
những người đàn bà!
Sao lại là em, mà không phải là
những người đàn bà khác
Đã làm trái tim anh tan nát?
Em bảo, tại anh, em không biết!
Em không biết và cả anh cũng không biết
Sóng nước hồ Tây vẫn ào ạt xô bờ
Mặt trời sáng sáng vẫn mọc,
hoa lộc vừng cuối vụ vẫn rơi rơi…
Thế mà sau đấy vị ngọt caffe thành giọt đắng rồi!!!. Mùa hạ đã qua, mùa thu đã tới. Thời gian công tác nửa năm bên ấy đã hết mà em vẫn chưa về, tin tức cứ thưa dần và… rồi bặt hẳn! Bặt tin em, nhưng tôi tin em vẫn chưa quên tôi, chưa quên hồ Tây nơi cố hương! Tôi viết bài thơ có tựa đề “Thu đã sang rồi, hạ còn ở lại”, có câu:
Ngóng tin em, em vẫn cuối phương trời…!
Sáng nay, bỗng thấy đóa sen
bên một nụ hoa cúc dại
Mới hay,
Thu đã sang rồi, nhưng hạ còn ở lại
Trong anh, trong em, trong sóng nước Tây Hồ?!
Và, tôi như người mất hồn như người vừa đánh rơi một thứ gì quý lắm mà em vừa mới cho! Tôi như thấy câu Kiều năm xưa đang vận vào mình: “Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”! Tôi chua xót đi tìm câu trả lời về hạnh phúc! Ai đó viết “Hạnh phúc như một con bướm vậy. Khi bạn càng rượt đuổi thì nó càng bay xa hơn. Còn khi bạn dừng lại, nó lại tự bay đến với bạn!”. Tôi biết, tôi không thể có cái gì dành cho em, ngoài những câu từ rỗng tuếch, kết cục rồi sẽ ra sao?. Tôi tự bào chữa cho mình rằng: “Hạnh phúc, đôi khi không nằm ở đích đến, mà nằm ngay trên con đường hai đứa đang đi và đứng trước nghịch cảnh”, đứng “giữa chông chênh bão tố” cuộc đời như em có lần viết! Anh cám ơn em vì đã đến với anh trong những ngày hè nóng bỏng và cầu chúc cho em luôn rạng rỡ, trẻ trung, bình an, may mắn cùng “đôi mắt biết cười”…
… Một hôm, chừng 7 giờ sáng như thường lệ tôi vừa từ hồ Tây về thì có người khách lạ đứng chờ ngoài cổng:
- Dạ thưa, ông có phải là Ngọc An, cựu ký giả không ạ?
- Vâng, tôi đây!
- May quá gặp được ông, tôi vừa từ Canada về, madame Phương có gửi ông thư này.
Nói rồi khách cáo bận công chuyện, chào và hẹn gặp, Tôi vào phòng riêng mở thư em. Em viết: “|Ông yêu! Em vừa về Hà Nội đêm qua, hiện đang ở Khách sạn Metropole Hà Nội muốn gặp ông. Ông cho em chừng một giờ đồng hồ thôi được không? Xin ông vui lòng cho biết địa điểm và vài chữ mô tả về ông hôm nay để em tiện nhận diện. Đã 5 năm rồi mà. Ông chiều em, chiều người cũ thêm một lần nhé!” Ký tên: “Em của ngày xưa”! Kèm theo mấy dòng ấy là một hộp nhỏ caffe có in biểu trưng của nhà hàng Common Man của Singapore…
Tôi vội vàng ngồi vào bàn và viết trên messenger gửi em: “Vẫn chỗ năm xưa, nhưng mang tên phố mới: phố Trịnh Công Sơn; người: tóc bạc, bận bộ đồ nhà binh cũ, đầu đội mũ mềm kiểu Bát lộ quân, chân đi dép rọ!”; viết rồi nhấn Enter…”
Tôi cám ơn ông bạn già đồng nghiệp đã cho nghe câu chuyện tình cảm động để tôi thêm yêu hồ Tây, thêm yêu Hà Nội!

Bài liên quan
  • Làng thổi thủy tinh
    Con đê trài chãi ngăn sông với làng, những bến đò bên sông vẫn đẹp như mơ và mát rượi.
(0) Bình luận
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Trường THCS Mễ Trì (Quận Nam Từ Liêm): Hành trình 62 năm với sự nghiệp “trồng người”
    Sáng 20/11, Trường THCS Mễ Trì đã long trọng tổ chức Lễ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 62 năm thành lập và 20 năm xây dựng phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới, biểu dương những cán bộ, giáo viên có thành tích trong công tác dạy, đồng thời đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.
  • Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện tình bên hồ Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO