Câu chuyện mùa thu ấy

Lê Phương Liên| 05/10/2022 05:12

Tôi còn nhớ mùa thu năm ấy, chị Phương (chị ruột tôi) đã là học trò trường Nữ học Trưng Vương (26 Hàng Bài. Hà Nội). Chị Phương hơn tôi bảy tuổi rất ra dáng thiếu nữ mặc áo dài đi học. Chị thường hát một bài hát ca dịu dàng, có câu: “Với bao tà áo xanh, đây mùa thu.” (1)

Câu chuyện mùa thu ấy
Bể bơi Ấu trĩ viên một thuở
Một hôm đi học về chị nói với mẹ tôi:
- Mẹ ơi, con được vào Ban ca thành!
Nghe con gái nói thế nét mặt mẹ tôi có vẻ phân vân suy nghĩ. Chắc mẹ tôi chưa hiểu Ban ca thành là gì? Thấy nét mặt mẹ tôi nghĩ ngợi, bác Chính (anh trai của mẹ tôi người từ chiến khu Việt Bắc về trong đoàn cán bộ vào tiếp quản Thủ đô) liền bảo:
- Cô cứ cho cháu hoạt động xã hội đi. Thiếu nhi đời sống mới là phải thế. Bây giờ mình vừa dạy con giữ nếp “con nhà lành” vừa phải bạo dạn tham gia đoàn thể mới, cô ạ!
Mẹ tôi cười ý nhị và vui vẻ nói một từ lạ:
- Vâng, em xin “tiếp thu” lời anh.
Nghe mẹ nói thế, tôi bèn hỏi:
- “Tiếp thu” là gì hả mẹ?
Mẹ tôi cười trìu mến, nhìn bác Chính, rồi giải thích cho tôi:
- Nghĩa là mẹ nghe lời bác Chính, hiểu ý bác khuyên bảo. Mẹ đồng ý để chị Phương đi sinh hoạt Ban ca thành!
- Úi, con cảm ơn mẹ.
Chị Phương vỗ tay reo lên.
Mấy đứa trẻ con trong nhà, thấy chị Phương vỗ tay cũng vỗ tay theo, cười khanh khách. Thế là từ đó, ngoài thời gian đi học, chị Phương được đi sinh hoạt Ban ca thành -  tức là Ban Ca thiếu nhi Thành phố Hà Nội. Nơi sinh hoạt chẳng đâu xa, chính là ở Ấu trĩ viên (nay là Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội). Dạo trước ngày 10/10/1954, nơi ấy chỉ để cho con cái các ông Tây bà Đầm người Pháp vào vui chơi. Sau khi bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, nơi ấy đã mở rộng cửa đón trẻ em ở mọi tầng lớp. Bọn trẻ ở các phố gần đó thường đến chơi đu thuyền và chạy đuổi nhau dưới những hàng cây cổ thụ... Những đứa trẻ ở xa hơn có thể đi tàu điện đến bến Bờ Hồ rồi đi bộ tới học bơi tại bể bơi nơi ấy. Chị Phương tập hát trong Ban Ca thiếu nhi Thành phố Hà Nội tại một hội trường nhỏ gần bể bơi. Tôi nhớ trước cửa hội trường ấy có giàn hoa tigon màu hồng nở tươi trong nắng.
Thấm thoát thời gian trôi đi, chị Phương vừa học hành chăm chỉ ở trường Trưng Vương và vừa đi tập hát đều ở Ban Ca thiếu nhi thành phố. Thế rồi chị được kết nạp vào Đội Thiếu nhi quàng khăn đỏ. Được quàng khăn đỏ là oách lắm! Hồi đó đội viên quàng khăn đỏ còn rất ít. Khi đi trên đường phố đội viên quàng khăn đỏ gặp nhau là đứng lại nghiêm chỉnh giơ tay chào theo kiểu đội viên. Khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi ngưỡng mộ lắm. Trong lòng ao ước nghĩ tới một ngày: “Từ hôm nay em được mang chiếc khăn, thắm màu cờ nước...” (2)
 Sắp đến buổi biểu diễn ra mắt Ban Ca thiếu nhi Thành phố Hà Nội, chị Phương được phát một cái váy đồng phục màu xanh, có quai “cánh tiên”. Nhìn chị mặc đồng phục thiếu nhi áo sơ mi trắng, váy xanh có quai “cánh tiên”, chiếc khăn quang đỏ trên ngực nổi bật trên nền áo trắng thật là xinh quá, thật là khỏe khoắn nhanh nhẹn khác hẳn khi chị mặc áo dài thướt tha. Ngày ấy tôi luôn quấn quýt bên chị Phương, chị đi đâu tôi theo đấy. Ngày biểu diễn sắp tới tôi có được đi theo chị không nhỉ?
 Buổi tối bao mong đợi đã đến! Thế mà mẹ tôi và các dì... đều đi dạy các lớp bình dân học vụ. Bà tôi phải ở nhà trông một bầy trẻ con nhỏ tuổi hơn tôi. Không có ai đi xem và vỗ tay hoan hô chị Phương biểu diễn. Chẳng hề buồn, chị Phương dắt tôi đi đến vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Chị hân hoan nói: “Thế là chị có em tối nay rồi!”. Tối đó trăng lưỡi liềm lơ lửng. Vườn Chí Linh hương hoa thơm ngát. Sân khấu Nhà bát giác sáng rực, khán giả đã ngồi đông nghịt.   
Ban Ca thiếu nhi xếp hàng phía sau sân khấu. Nơi ấy chìm trong bóng tối của các vòm cây. Chị Phương dắt tay tôi đứng vào hàng ngũ. Tôi hỏi: “Sao em lại đứng vào hàng?”. Các chị trong Ban ca khúc khích cười nhìn tôi. Chị Phương cúi xuống ghé vào tai tôi nói: “Chị hát bè trầm, đứng hàng cuối cùng, em sẽ đứng cạnh chị. Chị sợ em bị lạc”. Tôi chưa hiểu ra sao thì cả Ban ca đã tiến bước. Lần lượt từng hàng lên sân khấu. Hàng đầu đi trước. Hàng thứ hai tiếp theo. Hàng thứ ba trong đó có chị Phương dắt tôi đi   nối đuôi nhau lên sân khấu. Tất cả đứng trên một bục gỗ, tầng thứ ba cuối cùng là tầng cao nhất. Quả là tôi quá thấp nhỏ đứng lọt thỏm giữa chị Phương và một chị to béo. Tôi ngước mắt lên chỉ nhìn thấy lưng các chị đứng ở hàng trên thôi. Chẳng ai biết có một đứa bé đang đứng giữa dàn đồng ca nữ sinh Hà Nội. Tiếng nhạc bất thình lình nổi lên. Các chị cất tiếng hát vang:
Một ông sao sáng! Hai ông sáng sao!
Ba ông sao sáng! Sáng chiều muôn ánh vàng.
Bốn ông sáng sao! Kìa năm ông sao sáng! 
Kìa sáu ông sáng sao!
Trên trời cao. 
Đêm thì sao đứng, giữa trời ngàn sao.
Lấp lánh sáng ngời ánh sao.
Ngày thì sao đứng, giữa cờ sao vàng.
Kìa đó! Em đếm kìa một, hai, ba, bốn, năm sáu,
 bảy tám, chín mười.
Trăm nghìn vạn triệu vô số hàng hà trên nước 
Việt Nam.
Cờ Việt... Nam…! (3)
Tôi đứng lặng trong tiếng hát trong veo. Tưởng như mình đã bị chìm nghỉm hết đường cứu vớt trong lớp lớp sóng âm thanh xao xuyến. Tôi nắm chặt tay chị Phương. Chị cùng nắm chặt tay tôi. Hai chị em như truyền cho nhau một cảm giác vững vàng đầm ấm. Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay rầm rầm sôi động cả vườn hoa Chí Linh. Ban ca từ từ rời sân khấu. Khi trở về mặt đất rải sỏi ở vườn hoa Chí Linh tôi mới sực tỉnh. Tôi hít một hơi như thu lấy cả bầu không khí thơm ngát của vườn hoa. Các chị Ban ca vây lấy tôi khen rối rít: “Em ngoan quá!” Một chị rất xinh vuốt tóc tôi và nói: “Chị chưa thấy đứa bé nào ngoan bằng em. Đứng yên từ đầu đến cuối bài hát, không quấy khóc tí nào, không ho he gì cả”. Ui chao ơi! Tôi đỏ mặt lên. Sao các chị lại coi thường một đứa bé năm tuổi đến như vậy nhỉ? 
 Nhìn thấy hai chị em vui vẻ dắt tay nhau về nhà, bà tôi, mẹ tôi, các dì tôi ồ cả lên mừng rỡ. Dường như ai cũng lo lắng nghĩ đến những sự xấu đến với hai chị em tôi thì phải. Chị Phương khoe: “Chúng con hát xong được ăn kem!” Tôi nói theo: “Con cũng được ăn kem vì đứng im không hát ạ”. Nghe hai chị em tôi kể chuyện, Mẹ tôi bảo: “Các anh các chị phụ trách chu đáo ý nhị lắm đấy”. “Vâng, một chị phụ trách đưa chúng con về tận nhà, chị ấy ở phố Hàng Thùng cùng đường về ạ”. Chị Phương tôi kể thêm cho mẹ biết.
Từ mùa thu ấy, chị Phương lớn bồng lên. Chị càng ngày càng tỏ ra là một thiếu nữ có tính cách mạnh mẽ. Các chị xinh nhất và hát hay nhất Ban ca thủa đó đều trở thành các ca sĩ nổi tiếng. Có chị sau này là giáo sư dạy thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Hà Nội. Tuy được khen là người có giọng hát hay mà chị Phương lại không chọn con đường làm ca sĩ. Chị tự cho rằng mình chỉ hát đồng ca và hát bè đệm được thôi. Chị học giỏi các môn toán, hóa, sinh và thi vào Đại học Nông lâm trở thành một kỹ sư chăn nuôi. Sau khi tốt nghiệp chị công tác ở những vùng nông thôn Thái Bình, Bắc Ninh... Có một lần tôi đến thăm chị ở một nông trường chăn nuôi. Chị đang đứng trong trại lợn, giữa những tiếng lợn kêu ủn ỉn, chị vẫn véo von hát: “Gửi gió cho mây ngàn bay. Gửi bướm muôn màu về hoa. Gửi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư. Về đây với thu trần gian…” (1) Chị Phương vẫn thế, khi là một kỹ sư chăn nuôi chị vẫn lãng mạn và mơ mộng như cô nữ sinh Trưng Vương ngày nào.
Chị tôi đã mất lâu rồi. Mỗi khi gió heo may thổi về, tôi lại nhớ tới chị tôi. Nhớ đến một ngày thu mới mẻ ở vườn hoa Chí Linh. Tôi bé nhỏ đứng bên chị tôi giữa cả dàn đồng ca nữ sinh Hà Nội. Tất cả cất cao tiếng hát như một ước mơ “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao...”. Rồi, tất cả đi vào đời, ai cũng mang trong trái tim một ánh sao.
(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện mùa thu ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO