Loài hoa nhớ thương của biển

Hà Vinh Tâm| 26/07/2021 09:57

Loài hoa nhớ thương của biển

Sáng nay sau trận mưa ồn ào kéo qua thị xã, không khí chùng xuống với chút se lạnh cuối cùng còn sót lại của mùa xuân. Khi dạy xong tiết đầu tiên, tôi mở tung cánh cửa lớp bước ra ngoài thì cả một không gian sáng bừng ùa vào. Ánh mắt tôi bất chợt dừng lại ở một góc ban công gần lớp học: "Chao ôi, hoa cúc biển"! Ở góc chéo khuất ấy xuất hiện hai bông hoa cúc biển nhỏ bé đang khoe sắc cam đỏ vươn mình trong nắng. Bao cảm xúc trong trẻo, mến thương pha chút ngạc nhiên, thích thú bỗng dấy lên trong lòng...

Thực ra bao nhiêu năm về trước tôi chỉ nghe và nhìn thấy loài hoa này đâu đó thoáng qua trên một số bài hát, bài thơ hoặc bức ảnh... và chưa bao giờ có ấn tượng đặc biệt với nó, chưa bao giờ trực tiếp nhìn thấy nó. Cho tới năm nay, khi bén duyên với Cửa Lò, sống với từng hơi thở của thị xã ngày đêm, khi chạy xe trên các cung đường Cửa Lò, tôi lại nhìn thấy những bức ảnh loài hoa này xuất hiện một cách trang trọng trên các bảng hiệu, các áp phích,... trang trí ở trung tâm thị xã. Tôi nghe đồng nghiệp, lũ học trò nhắc đến công viên Hoa Cúc Biển, đến đồi hoa cúc biển gần đây... nghe thầy hiệu trưởng trường tôi nói về triển khai dự án hoa cúc biển trong khuôn viên trường học, và tôi chợt nhận ra: ở miền biển tôi sống có một loài hoa đặc trưng... Tôi ao ước mình được tận mắt nhìn thấy hoa cúc biển, tận tay sờ những cánh hoa mong manh mà cứng cáp ấy và ao ước mình đặt chân đến đồi hoa cúc biển để ngắm sóng gió, mây trời, để đắm chìm trong thiên đường hoa cúc biển... Cho đến một ngày, nắng hạ rạo rực đằm mình thúc giục chùm phượng hồng bắt đầu hé nụ, cây bàng non đơm hoa và những quả xoài non đọng nhựa thì tôi tận mắt nhìn thấy dọc vỉa hè, sát tường nhà thi đấu trường tôi những bụi hoa cúc biển nở vàng cam tươi mới, rực rỡ, tràn đầy sức sống. Lòng chợt vẩn vơ nhớ đến lời thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh: "Nắng hồng cho áo mau khô/ Bông hoa cúc biển mùa thu nở rồi/ Chùm sim chín ở ven đồi/ Lặng nghe tiếng hát đưa nôi dặt dìu". Nữ sĩ viết về bông hoa cúc biển để gọi mùa thu chắc là vì nuối tiếc mùa hoa cúc biển khi hạ về?

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, cậu học trò yêu quý từng bươn bả cùng tôi làm đề tài khoa học kĩ thuật cách đây mấy tháng, rủ cô đi khám phá Cửa Lò. Sau khi đi đến cầu Cửa Hội quay và chụp hình xong, hai cô trò đi tìm đồi hoa cúc biển trên bãi cát. Đang rà rà dọc đường Bình Minh, cu cậu reo lên: "Đây rồi, cô ạ". Ôi chao, bạt ngàn hoa cúc biển đang bung nở phô hết vẻ đẹp quyến rũ, kiều diễm của mình dưới những rặng phi lao xanh ngắt. Tôi mê mẩn ngắm nhìn. Có những bụi cây thật lớn, rễ đâm tỏa lan rộng xuống bờ cát, có những bụi cây nhỏ, đâm thẳng... nhưng dù lớn hay nhỏ, cây nào cũng có cả nụ và hoa. Những bông hoa vươn lên như vô số mặt trời bé con bừng dậy. Cuống hoa màu xanh ngọc thon dài, có lớp lông tơ mịn màng từ cành đến đài hoa. Đài hoa mỏng manh nâng đỡ nhiều cánh hoa. Mỗi cánh hoa hình răng cưa xếp xen kẽ nhau thành một vòng tròn quanh nhụy hoa. Tôi mỉm cười khi quan sát chúng: Hóa ra chúng cũng biết vị trí xếp chồng lên nhau xen kẽ, đứng bên cạnh nhau để phô hết vẻ đẹp của mình. Phấn hoa màu vàng, cánh hoa có loại màu vàng tươi đơn sắc, có loại gồm hai màu: rìa hoa ngoài màu vàng còn bên trong màu đỏ cam tôn vẻ đẹp cho nhau. Nụ hoa y như nụ hoa hồng xanh bé xíu. Lá cây dài như những chiếc lá bạch đàn thu nhỏ. Mùi thơm của hoa giống mùi của thân cây nhưng dịu nhẹ hơn. Đó là mùi hương ngọt nồng của cỏ, phải đưa tay nâng nhẹ lên cánh mũi mới ngửi được mùi hương đặc trưng này. 

Cùng với sóng biển rì rầm, những rặng phi lao rì rào với gió, những đợt sóng hoa rung rinh chạy miên man khắp mọi nẻo với vàng tía chen nhau suốt dọc bãi cát chang chang nắng mùa. Có người từng bâng khuâng tự hỏi: Loài hoa cúc biển lưu lạc về đây bén duyên hay hữu duyên với xứ biển? Phải chăng là từ câu chuyện xưa kể về loài hoa này? Chuyện xưa kể về ông vua hào hoa - hoàng đế Bảo Đại - người kế vị cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn đã có công mang loài hoa này từ nước Pháp xa xôi vượt đại dương về nước ta? Hình như vì hữu duyên nên mới bén duyên, hoa cúc biển đã có một hành trình ngoạn mục, có một sức sống kỳ diệu, kiên cường có thể thích ứng với sự đổi thay của khí hậu từ xứ lạnh sang xứ nhiệt đới gió mùa? 

Không có tài liệu nào kể cả cuốn từ điển về hoa, người ta nhắc đến hoa cúc biển (hải cúc) một cách đầy đủ, trọn vẹn, chính thức như nhiều người từng phát hiện ra. Ấy thế nhưng ngay cả trong cuộc sống đời thường hoa cúc biển đã hiện diện theo bước chân những người dân chài vùng biển từ buổi sáng tinh mơ khi thuyền từ khơi xa trở về nặng lưới cá tôm. Hoa cúc rực rỡ hút hồn bao du khách đến với Cửa Lò khi mải mê nằm dài trên bãi cát mà nhìn lên bờ hay chạy dọc những rặng phi lao để ngắm nhìn thiên nhiên và chụp ảnh, ghi hình. Hoa cúc biển ngọt ngào, mơ mộng trong những kỉ niệm ấm áp thương mến của lũ học trò miền biển nơi đây. Không những thế, hoa cúc biển còn trở thành biểu tượng của thị xã duyên hải Bắc Trung bộ này  gắn liền với lịch sử hơn 500 năm, Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi, con trai trưởng của đại thần khai quốc triều Lê Nguyễn Xí về đây chiêu dân lập ấp. Theo nhiều người kể thì hoa cúc biển cũng có mặt tận bãi Dài (Cam Ranh - Khánh Hòa) ngun ngút nắng, hay ngược ra biển Đồng Châu (Tiền Hải - Thái Bình), lại có khi tỏa sắc cùng sóng dập dềnh của Sầm Sơn (Thanh Hóa). Và khi ở thị xã Cửa Lò, hoa cúc biển mới phô hết sắc màu và vẻ đẹp quyến rũ của nó, trở thành "đặc sản" của thị xã biển thân thương này.

Ngay cả khi đã héo hon, khô quắt, hoa cúc biển cũng giống như bao loài hoa cúc khác, hoa và lá không nỡ lìa cành như người xưa từng phát hiện: “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (Lá có khô cũng không bỏ cành, hoa dù có tàn héo vẫn không rơi xuống đất). Bởi vậy, hoa cúc được xem như một biểu tượng của sự thủy chung, của người quân tử. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi nhắc đến loài hoa cúc biển, ông lại nghĩ đến người con gái dịu hiền đầy thương nhớ: "Có người lính nhớ màu hoa cúc biển/ Màu hoa vàng nỗi nhớ hoàng hôn/ Lặng nghe người lính hát về loài hoa/ Mang tên người con gái rất dịu hiền" (Chiều đảo xa). 

Tuy là loài hoa dại mọc trên cát khô cằn, nhưng cúc biển lại mang vẻ đẹp nổi bật, tràn đầy sức sống khiến ai đã gặp một lần đều không nỡ rời xa... Đó là loài hoa xôn xao sóng hát, đó là loài hoa mang linh hồn của thị xã biển nhỏ xinh, bình dị và nên thơ - thị xã Cửa Lò.
(0) Bình luận
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Tăng cường xây dựng người Ba Đình văn minh, thanh lịch, nghiêm túc, nghĩa tình
    Quận ủy Ba Đình đã tổ chức Hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024 về “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống”; triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Quận uỷ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phát động cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4.
  • Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch
    Tiếp tục triển khai hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành uỷ Hà Nội “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Đừng bỏ lỡ
Loài hoa nhớ thương của biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO