Tản văn

Mùa xuân trở về

Tản văn của Nguyễn Thị Minh Hoa 12:07 09/03/2023

Đời kế đời, vạn lần và hơn thế nữa con người ta vẫn thường chờ đón mùa xuân. Ta đón xuân. Xuân đón ta cùng trở về nhà.

ta-ve-tim-lai-xuan-xua.-anh-nguyen-tuan-anh.jpg

Nhà của ta. Có ông bà, mẹ cha, có tháng ngày tuổi thơ được cất giấu trên mái nhà. Chỗ bố để cái roi tre, chỗ có viên ngói vênh, nên thường bị dột khi mưa. Có tuổi thơ ta ăm ắp trong căn buồng nhỏ, ánh sáng hắt từ ô vuông bố bỏ viên ngói ra để vào đó tấm kính, hoặc là bất cứ nơi đâu trong mái nhà này.

Ngày ta chào đời, bà lau nước mắt đón tay cháu. Bà kể mãi rằng bố đứng ngây, mẹ còn lóng ngóng không biết cho con bú. Rồi ta biết cười khanh khách, răng mọc cái một đến buồn cười, lại còn cái tay ngoáy tít chỉ... đi chợ. Ta lớn khôn, với dấu mốc mái nhà thấp xuống cùng lưng bà và vai áo mẹ bạc sau mỗi vụ.

Ta về nhà ta với bà, thơm nồng mùi trầu vỏ, nắp cơi trầu dính vôi đã bao năm. Bà một tay cắp cháu, một tay cời bếp cho lửa ấm, khi mà cái nẻ má hồng lại khiến bà xuýt xoa. Cái má hây hây có lớn mà chưa có khôn thì bà về trời. Bà vấn khăn, mặc áo the nâu, cổ áo có cái cúc hình giọt nước như ngọc khuất dần trong đám mây. Cây hồng xiêm bà trồng thắt một dải khăn xô nhỏ cũng còn nhớ bà đến nỗi mùa ấy hoa không đậu quả nữa là đứa “con đầu cháu sớm” của bà.

Nhà của ta có mẹ tảo tần, luôn dặn con cái rằng phải thắp hương dâng cúng các cụ hoa trái đầu mùa, rồi mới được nhận lộc. Mái nhà ta, bố vẫn soạn sửa, thắp hương trầm sau khi mẹ bày lễ. Anh chị em cứ tranh luận nhau mãi rằng “ban thờ” hay “giường thờ” thì đúng hơn nhỉ? Bố bảo:

- Gọi thế nào cũng đúng cả, âm dương xa là thế phải có nơi thờ tự, tưởng nhớ các cụ và người thân đã khuất trở về khi lễ tết. Cháu con có thành kính tiền nhân mới nên nếp nhà, mới biết lề lối việc họ, việc làng.

Ta còn bé, chưa thực hiểu, chỉ thấy mùi cỗ bàn, hương thắp, mùi thơm từ ngũ quả... Nhà ta đây, chỉ sau những soạn sửa mà sao khác? Không gian xuân ngan ngát tự lòng ta, hay tự xuân ùa vào trong ta. Những tưởng đằng đẵng thời gian, khốn khó, mưu sinh, thất bại hay bị phản bội khiến ta phải nhớ, phải quên mà làm rơi mất những điều nho nhỏ xưa cũ kia. Nhưng không, còn cả đây, trong một nếp nhà. Một nếp nhà vẹn nguyên trong tâm hồn, nó không quá lệ thuộc vào ngôi nhà thực sự che chở nắng mưa thuở nào.

Ta trở về, trở về để ngấu những trải nghiệm. Những sàng khôn làm tóc ta bạc, đường đời không thôi những bất ngờ. Ta hiểu, nơi ấy bình yên, ngày ấy bình yên, nếp nhà cho suy nghĩ của ta trọn vẹn trước sau. Những hôm nay và ngày mai đều bắt nguồn từ đây.

Nơi bà chăm nom ta, nơi mẹ vui buồn thường vẫn khóc. Nơi mà cái roi của bố vung lên nhưng không đau như ta tưởng, hoặc đau đến khóc thét. Nơi ta lẽo đẽo theo bà đội lễ lên chùa, ta sợ ông hộ pháp. Bà bảo, “Mình ăn ngay, nói thẳng là Phật độ, không phải sợ”. Tất cả nhắc ta về lòng trung thực. Ta có thể nghe và cũng có thể để đó, đôi khi cần đến để trang trí, mưu sinh là một cuộc cạnh tranh khốc liệt “khôn sống, mống chết”. Ai người muốn dại, muốn chết? Tự nếp nhà, những dòng chảy của ký ức ùa về nói với ta rằng: Mẹ ta sẽ khóc, bố ta sẽ đánh thật đau, hoặc bẻ roi im lặng. Bà cũng không chìa tay ra với ta.

Thế nên ta chọn, chọn cách để mẹ yên lòng, đợi ngày cùng ta vẫn lối của bà sắm lễ lên chùa, để việc làng, mẹ bận áo mới khoe con nhà mình tươi tắn như người ta.

Con đường nhỏ vắt qua cánh đồng làng, dẫn ra đường liên huyện rồi mới gặp đường cái quan. Lối ấy đưa ta mưu sinh chặng xa, để rồi những hấp dẫn lung linh lôi cuốn ta trong suốt hành trình. Mẹ hiểu tính ta, mong ngóng để trong lòng, không gọi. Ai mà gọi được ta ngoài những da diết từ mùa xuân.

Ta phải về, về với mẹ, về trải lòng ta ra cái sân nhỏ, tay mẹ già quét không xuể, cỏ mọc đầy chân tường hoa. Ta phải về bày lên cái bàn gỗ những quà dành dụm sắm sửa suốt cả tháng. Bàn tay mẹ khô gầy run run cầm lên những món hàng có phong gói màu đỏ. Mẹ lại khóc, vì vui. Mùi hương ngan ngát, mẹ đã thắp hương xin tiên tổ để đường ta về bớt xa, bình an vô sự. Chắc ta về đến ngõ là bà đã biết, cành hồng xiêm đung đưa. Cây vẫn tặng trái cành thấp để mẹ vít được xuống hái cúng bà. Cả khóm cúc vạn thọ nữa, cứ cho hoa suốt nửa năm cùng với hồng và mẫu đơn hái đôi bông là đủ đĩa hoa cúng.

Ta về vịn tay vào cái cột gỗ bạc thếch bước lên thềm, cái chõng tre không còn mà vẫn như thấy bà ngồi khâu áo, khăn vấn gọn gàng, bà cài cái kim có chỉ xâu dài lên khăn, hai bàn tay nhăn nheo vuốt miếng mụn vá thật phẳng phiu. Ta nằm ở đó, đón nắng mới, đợi bà nhờ xâu kim. Bọn chim ríu rít trên cành hồng xiêm, có con nào đó thật khôn ngoan tìm được quả chín ăn, còn một chút rụng độp xuống sân. Bà không tiếc mà vui lắm và bảo, “Chia cho bầy chim, lộc giời, lộc nhà mà”.
Ta về nhà với mẹ, trở về để tìm lại, tìm thấy xuân xưa. Ta tựa vào để được bình an và sưởi ấm. Mắt mẹ nhắc ta tìm đúng lối, đúng nếp nhà mình, để mẹ con lại an nhiên đội lễ lên chùa...
Ta trở về, thêm một lần chạm vào mùa xuân hạnh phúc.

Tản văn của Nguyễn Thị Minh Hoa