Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa… phải không?
Anh bạn cố tri người tỉnh của tôi cười như phá tung sự khoái trá vốn có rồi hỏi:
Thế nào? Tết nhất năm nay to không?
Thấy bạn hồ hởi, tôi chỉ tay lên ban thờ:
Thì cũng như mọi năm:
Bạn tặng ta nải chuối vườn nhà và quả bưởi
Như đôi bàn tay dâng trọn vầng trăng.
Chậu quất, cành đào, con cháu sắm
Bà láng giềng mang cho cặp bánh chưng…
Phong vị quá nhỉ? Thế là đủ Tết! Ông ở quê sướng thật! Tình làng nghĩa xóm. Tuyệt! Rất truyền thống. À, mà này, hỏi nhá. Vì sao dân mình lại lấy nải chuối xanh làm thức chủ yếu bày mâm ngũ quả nhỉ?
Thì chuối là cây gần gũi… Ngày xưa nhà nào chả “chuối sau cau trước”? Nải chuối đẹp hình, đẹp sắc, đàng hoàng ở giữa mâm bồng, màu xanh lá cây tôn bật màu vàng quả bưởi. Từng trái mập mạp như những ngón tay xòe, cài được bao quả nhỏ: quất vàng, nho tím, táo xanh non… khác nào những vì sao lấp lánh? Cam quýt viền dưới như chuỗi ngọc. Nhìn vào mâm ngũ quả là thấy cả bầu trời quê, sự phong phú của cây trái vườn nhà… Nhưng có lẽ người xưa còn gửi vào đó nhiều suy ngẫm hơn nữa. Thân chuối ngay thẳng lại nhẵn bóng, lá to không bao giờ rụng, héo rồi vẫn ôm lấy cây che chở. Chuối mọc từng khóm, quây quần như gia đình nhiều thế hệ. Chuối mẹ đơm hoa, kết trái dâng cho đời… Chết đi lại truyền sang con. Cứ thế, đời nối đời tồn tại mãi… Không phải ngẫu nhiên mà trong các đám tang, người ta dùng hai đọt chuối non cắm vào song bình để cúng vong, chẳng phải chỉ vì nó tươi lâu mà đó là chuyện gửi tâm linh.
Có lí, có lí - Cửu gật gù tán thưởng - Quả chuối không phải để nhân giống, chỉ để dâng hiến, quý thật! Chuối xứng đáng là ngôi chủ.
Nói rồi, Cửu nhìn lên ban thờ nhà tôi, chợt hỏi:
Này, theo ông thì tại sao các cụ chỉ dùng gà trống để lễ nhỉ?
Cái này thì mình biết. Ngày xưa, năm nào cũng vậy, ông mình đều chăm bẵm cho con gà trống mã đỏ, mào cờ, chân lụa để cúng Tết. Có lần mình hỏi: “Mẹ cháu bảo dương sao âm vậy. Mình ăn toàn chọn gà mái cho ngon. Sao ông cứ chọn gà trống ạ?”. Ông mình mới giảng: “Đồ hiến tế cốt ở lòng thành, dâng lên thần thánh, tiên tổ nguyện ước của mình. Con gà trống là nó có đủ 5 đức tính quý. Đó là Nhân - Nghĩa - Dũng - Trí - Tín. Nhân là gieo giống tốt cho đời sau. Nghĩa là biết chăm sóc, che chở, chia sẻ mồi ăn với gà mái, gà con. Dũng là dám chống lại kẻ địch mạnh để bảo vệ đàn. Trí là biết dùng mưu mẹo khi đánh nhau, đòn thẳng đòn né, khi kém thế, biết rúc cánh tránh đòn. Cháu xem gà chọi nhau thì biết chứ? Còn Tín, có bao giờ gà báo canh, báo sáng sai đâu?”.
Đúng! Đúng! Các cụ sâu sắc thật! Gà mái sao có đủ năm đức ấy? Nhưng, gà cũng là thực phẩm cao cấp ngày xưa nữa! Thật không dễ gì mà thành phong tục. Nhất là mĩ tục. Tuy nhiên, cũng có những phong tục xuất phát từ những ngộ nhận như tục dựng cây nêu, vẽ cung tên, chọn hướng xuất hành, hẹn người xông đất…
Thấy vẻ nghiền ngẫm của Cửu, tôi trêu:
Ông đúng là nhà tự nhiên của tôi! Xin đừng trách người xưa mê tín. Nhận thức của các cụ đâu đã khoa học? Cái chính là xuất phát từ ước vọng rất lành mạnh, mong cho cuộc sống yên bình, nhiều may mắn, giàu yêu thương. Ví như chuyện “cắt đúm” ở quê tôi xưa…
Cửu vồ vập:
Cắt đúm à? Ông kể đi. Ngày xuân mà! Mình mới chỉ nghe nói hát đúm thôi, tức là nhiều người, nhất là trai gái tụ tập nhau hò hát cho vui.
Vâng, xin hầu cụ.
Tôi trêu Cửu thế và vui vẻ kể.
Mình không biết xếp chuyện này là lệ hay tục nữa, chỉ biết rằng, nó có từ ngày xửa ngày xưa. Và theo các cụ thì trai gái nào mà chả thích? Bố mẹ, ông bà nào mà chả muốn cho con cháu mình như đũa có đôi?
Đúng ra phải gọi là “Đi chợ cắt đúm”? Chợ Đình làng mình (làng Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) xưa to lắm. Một tháng 18 phiên, 6 phiên chính họp vào ngày 3 ngày 8. Nhưng chuyện “đi chợ cắt đúm” chỉ diễn ra vào phiên 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên chầu trời và phiên mồng 8 tháng Giêng đầu năm thôi. Trai, gái rủ nhau. Trai mài đồng chinh sắc lẹm, gái thêu đúm đẹp.
Trước hết, nói về cái đúm. Theo tiếng địa phương, đó là một cái túi nhỏ xinh xinh bằng vải đẹp tự khâu để đựng mấy thứ của con gái như gương, lược, trầu cau, vài đồng xu, đồng chinh, cũng có khi là đôi nụ thông, hoa tai… nghĩa là các thứ “đồ tế nhuyễn của riêng Tây”. Bình thường, các cô giữ đúm rất cẩn thận. Họ cho trong ruột tượng, nghĩa là cái bao thắt ngang trước bụng, bên ngoài còn choàng thêm một cái dây lưng rộng gần gang tay, thắt bỏ múi duyên dáng nữ tính. Bọn kẻ cắp khó mà nhằn. Này nhé, chiếc đúm nằm sát bên sườn, chỗ tay buông xuống, đụng vào có mà bị tóm ngay.
Nhưng những phiên chợ cắt đúm này lại khác. Các cô chỉ giắt sau dây lưng hoặc buộc hờ hững ra phía sau một chút để nó đung đưa cùng nhịp bước chân… Vì không có mục đích mua sắm nên trong đúm đương nhiên không có tiền. Đồ trang sức như nụ thông, khuyên tai dĩ nhiên về đúng chỗ của nó. Trong đúm thông thường chỉ có trầu cau, hoặc một tờ bao hương gấp kĩ (chất liệu để thoa chút má hồng ấy mà), một bông hoa thơm tùy theo sở thích của từng cô…
Họ đi chợ để chơi. Nơi các cô ghé đông nhất là dãy hàng thầy bói để xin một quẻ hoặc đến tam quan chùa Chè với ông đồng, bà cốt để được thì thầm khấn khứa gọi hồn tìm gặp người thân trong một niềm tin ngây thơ, trong sáng. Và, khi các cô ra về thì… đúm thường đã bị cắt tự lúc nào…
Đương nhiên là các cô không hốt hoảng mà chỉ hồi hộp thôi. “Không biết rằng ai mà… kín thế?”. Các cô ý tứ tách ra khỏi bạn bè và lặng lẽ ra về. Dưới vầng nón nghiêng che, nàng kín đáo liếc nhìn để rồi giật mình. Khi mà ai đó đập nhẹ vào vai mà ngượng nghịu cười cười “giả này”, hoặc sỗ sàng chộp lấy bàn tay trách yêu “sao mà vô ý thế?”.
Nếu là người đã biết và cũng ưng ưng, các cô sẽ tủm tỉm nguýt “rõ dơ” kèm theo một cái liếc nhớ đời cho ai! Nếu phải người không ưng, các cô sẽ vùng vằng ghé nón đi thẳng, mặc cho ai chưng hửng, thẫn thờ.
Nhưng cũng có khi, các cô được một lời ướm ý bâng quơ do tập Kiều:
Thứ này bắt được hư không
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về
Nhác thấy chàng trai thanh lịch, các cô sẵn sàng đối đáp ngay:
Bắt được thì cho em xin
Hay là giữ lấy làm tin cũng là…
Rồi họ đi với nhau một đoạn, trò chuyện bâng quơ, hẹn hò gặp lại… Cũng có khi chả nói câu nào nhưng tín hiệu của tình tứ thì ai mà tả cho được?
Nhưng nếu đoạn đường xuân đôi lứa, các nàng cảm thấy không hợp chuyện cho lắm, hoặc cũng muốn làm kiêu tí chút thì: “Thưa rằng bác mẹ em răn/ Làm thân con gái chớ ăn trầu người”. Cũng có khi là một lời từ chối khéo: “Thầy mẹ em khó tính lắm”… rồi ngoắt đi lối khác.
Nhưng dù sao các cô cũng vui, niềm vui kiêu hãnh… Chỉ buồn cho những cô ra về mà đúm của mình vẫn còn nguyên, sao tránh khỏi chạnh lòng, bâng khuâng! Lòng tự hẹn lòng đợi phiên sau hoặc liều đi chợ khác… Chợ Lau, chợ Quéo, chợ Đanh…
Không ít những đôi lứa nên duyên từ phiên chợ cắt đúm này, cho dù là người làng, người thiên hạ, người dưng…
Uây! - Cửu kêu lên - Thật là một cách ngỏ tình tuyệt vời, thú vị quá! Này, hỏi thật ông nhé! Ông có cắt đúm bà ấy không đấy?
Cụ ơi! Cụ kém cỏi thế? Chúng mình đều lớn với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nam nữ bình quyền, tự do tìm hiểu… thiếu gì những “Trăng vàng bên bóng tre/ Lặng thầm đêm không nói/ Hai lòng cùng lắng nghe…” mà cụ hỏi thế! Tốt nhất bây giờ, anh em mình “thừa lộc” con gà lễ của tôi đi…
Để thêm đậm đà phong tục hả? - Cửu lại cười phá lên ha hả.
Câu chuyện ngày xuân vui quá!