Suối cạn
Chẳng nhớ tôi đã đi dọc con suối cạn sau nhà bao nhiêu lần. Mỗi lần đi, lại một lần suy tư về con suối mà mình chưa biết tuổi. Có lẽ ngày xửa, ngày xưa khi rừng đầu nguồn chưa bị tàn phá, nó là con suối xinh đẹp, tràn đầy sức sống từ dòng nước trong vắt đầu nguồn.
"Lòng người đôi khi như suối cạn
Chỉ còn sỏi đá trơ ra."
Dòng nước trong vắt đó chảy mải miết suốt ngày đêm tận hiến cho đất đai, cây cỏ, muông thú... Cũng có lúc nó mang theo cơn giận sôi sùng sục từ tính khí thất thường của gã mưa, của thần núi, hậu quả của cơn giận đó là những mảng đất đá, cây cối bị cuốn phăng xuống lòng suối. Những lúc ấy nom nó giống như gã trâu đực ngứa sừng muốn húc tung mọi thứ để khẳng định sức mạnh của mình. Dòng nước trong vắt hay đục ngầu mang theo linh hồn nó đều tìm mọi cách hòa nhập vào một dòng khác lớn hơn đổ ra sông.
Ấy là tôi tưởng tượng ra thế thôi, vì từ nhỏ khi đôi chân của tôi chưa đủ cứng để leo đồi, đôi tay chưa đủ chắc để cầm dao chặt, tôi đã nghe mẹ gọi nó là suối cạn. Đã gọi là suối thì phải có nước, suối không có nước cũng bị coi thường, bằng chứng là lòng suối mòn vẹt thành con đường in những dấu chân của đủ hạng người giẫm xuống. Những viên đá tròn trịa to như quả trứng gà, trứng vịt, hoặc nhỏ hơn một chút người ta thi nhau nhặt mang về để kỳ lưng, rồi cho vào chậu hoa, chậu cây cảnh... Lòng suối chỗ nào có cát đều bị đào bới, để lại những cái hố sâu hoắm như mồm, miệng quái vật. Đoạn suối gần khu dân cư còn bị đổ đủ thứ loại rác thải bốc mùi xuống lòng suối. Suối cạn giờ như người quả phụ im lặng chịu đựng sống phần đời của mình, chờ đợi vào ngày mai.
Đi dọc lòng suối cạn để khám phá bảo tàng đá, cơ man những đá và đá, đủ mọi hình khối, màu sắc. Có những tảng đá còn nguyên vệt rêu khô, dính vài mảnh vỏ ốc vỡ vụn, dấu tích chứng tỏ sự hiện diện của nước. Đá bày ra la liệt, đá mẹ, đá con, đá ông, đá bà... chúng chen nhau đứng, ngồi, nằm, quì... trong lòng suối cạn. Tôi trèo lên một gò đất cao ngắm dòng suối đá trôi chầm chậm dưới ánh mặt trời.
Đi ngược lên phía đầu nguồn, xa dần khu dân cư, lòng suối hẹp dần và cao hơn. Tôi bám vào một tảng đá đu người lên, tay tôi sờ phải chùm rễ cây ôm trọn một phiến đá to gần bằng cái bàn, ngước nhìn thấy một cây hoa ban xanh tốt, đang mở những cánh hoa đầu tiên khoe sự thích nghi của mình. Nó ưỡn ngực hãnh diện hơi thái quá, khiến lòng tôi chùng xuống. Xinh đẹp mỹ miều như nó lẽ ra phải được soi bóng xuống dòng nước trong vắt, vui đùa cùng những áng mây trắng, áng mây hồng... được nâng niu trong chậu sứ tráng men bóng loáng, hoặc được trồng, được chăm sóc cẩn thận nơi quảng trường một thành phố lớn, để nhiều người nhìn ngắm, ngợi khen. Nó thật dại dột khi cố tình mọc ở một tảng đá cạnh suối cạn, nơi hẻo lánh, khắc nghiệt. Số phận chọn nó, hay nó trót vấn vương nơi này không nỡ rời xa.
Mẹ dặn tôi đi rừng gặp mưa to chớ coi thường nước suối cạn. Bao nhiêu ngày con suối thiêm thiếp, ngắc ngoải sống dở, chết dở cầu xin ông trời rủ lòng thương cho những trận mưa thật lớn để nó thỏa cơn khát kinh niên, khi chưa thỏa cơn khát, nó đã bất ngờ giận dữ như một kẻ điên loạn. Dòng suối như người tình bị phụ bạc, gặp dòng nước đục ngầu từ các nơi đổ xuống. Suối cạn lúc đó biến thành một gã hung thần, thò những cánh tay quỷ giật đổ cây cối, lán nương..., người chớ dại mà lội qua.
Sau cơn giận dữ dòng suối nhìn càng điêu tàn, thê lương. Đá hộc, đá tảng ở đâu trôi dạt về nhiều thế, chúng mang thương tích đầy mình vì bị va đập. Có tảng đá phải hứng chịu cả cái cây to phi vào, khiến nó nứt làm đôi. Bụi lau trên đồi bị nước bứng cả cụm nằm lọt thỏm trong đống đá sỏi dưới lòng suối, mấy bụm hoa như chiếc đuôi chồn vẫn cố huơ huơ lên trời.
Cơn lũ đi qua dòng suối lại hiện nguyên hình là con suối cạn. Tôi cứ nghĩ thời gian khiến tâm hồn mình chai sạn, nửa đời người quăng quật kiếm sống, va đập như đá trong lòng suối cạn, liệu còn giây phút nào yếu mềm. Nhiều khi thèm sự cả tin nông nổi của tuổi trẻ, yêu ghét rành mạch phân minh. Không phải kiềm chế cảm xúc khi tức giận, không phải im lặng nhốt những nỗi đau, nỗi bất bình vào đá sỏi, rồi chôn vùi nơi đáy suối. Những viên sỏi không thể nảy mầm, chúng xám xịt như mùa đông.
Tôi thích nhất đi dọc suối cạn vào ngày đang xuân, khi sắc trời chuyển màu lơ, làm cho đá dưới lòng suối dường như cũng được thay áo mới, mềm mại hơn. Chúng được ướp hương hoa bưởi, hoa xoài, hoa nhãn từ những mảnh nương nhỏ nằm hai bên bờ suối cạn. Thời khắc này bước trên đá, nhảy trên đá cũng luôn cảm thấy phảng phất mùi hương bay theo mình. Tiếng bầy ong loang trong ngọn gió ngọt mùi xuân từ đỉnh núi Nong Bẩu thả xuống, nghe sống động như tiếng sương rẽ mùa.
Xuân của đất trời đến hẹn lại xuân, xuân của hồn người đến, khi trong ta tràn ngập cảm xúc yêu thương, tin tưởng.
Có những đêm giật mình tỉnh thức. Tôi nghe thấy văng vẳng thanh âm vọng về từ phía suối cạn, nghe như tiếng hát. Ngày nhỏ có lần mẹ bảo “Đêm nào trăng sáng rõ mặt người, khi trời vừa dứt mưa, đá suối cạn biết hát đấy con ạ”. Có lẽ đá hát thật, càng khuya tiếng hát càng rõ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng. Nghe như lời than vãn, trách móc, có lúc nghe như lời tỏ tình của đôi lứa.
Hay tại chàng gió đa tình tiếc đêm trăng đẹp, đã khua hồn đá ngàn năm thức dậy. Chợt thấy thương vô cùng những mùa không yêu... Đêm trăng có đôi tình nhân rủ nhau ra suối cạn tâm sự, trăng chảy thành dòng lấp lóa, sỏi đá nảy mầm, xanh trong đêm.