Truyện

Bến đợi

Truyện ngắn của Bùi Duy Phong 09:30 14/09/2023

Bà lão co ro trông thật tội nghiệp trước thềm khoa ung bướu của một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Bộ quần áo bạc màu, nhăn nhó càng làm cho thân hình bà lão thêm khắc khổ, nhỏ bé trước biển người đang chen chúc nhau xếp hàng chờ đến lượt được khám.

ben-doi.jpg

Bà nắm chặt tay đứa cháu ngoại như sợ nó tuột mất giữa dòng người đang nhích từng bước một. Thi thoảng, bà quay lại vuốt mái tóc rối bù nhiều ngày chưa gội cứ xõa xuống trán trên khuôn mặt gầy rạc, hốc hác của đứa cháu đi theo bà. Mất gần cả tiếng đồng hồ mới vào được tới khu khám bệnh, bà ngồi bệt xuống hành lang thở dốc chờ đến lượt được gọi tên. Chồng phiếu cao ngất ngưởng trên bàn cô y tá khiến bà thêm uể oải. Hai ngày qua, từ khi hai bà cháu rời quê vào đây khám bệnh là ngần ấy thời gian bà thấp thỏm lo âu. Vốn quen với tiếng sóng xô vào bờ cát, tiếng vi vu của rừng phi lao vắng lặng nơi làng chài cho nên sự tấp nập của thành phố lớn nhất nước này khiến bà choáng ngợp. Bà ôm khư khư cái túi xách đã sờn trước bụng vì trong đó là tất cả số tiền bà dành dụm, ki cóp nhiều năm trời. Đôi mắt bà dò xét, cảnh giác với tất cả những người xung quanh.

- Nguyễn Thị Thùy Trang!

Tiếng cô y tá gọi tên khiến bà giật nảy người. Bà vội đỡ đứa cháu tiều tụy của mình lê từng bước vào khám. Cô y tá ngăn lại bắt bà đứng ngoài cửa chờ. Bà ôm cái túi xách, hết ngồi xuống lại đứng lên đi lại gần cửa phòng ngóng nghe. Ngước nhìn đồng hồ treo ở hành lang bệnh viện chậm chạp từng giây, lòng bà như lửa đốt. Tim bà đập dồn dập, chân run lẩy bẩy chen qua đám người để vào bên trong khi nghe cô y tá gọi người thân của cháu vào gặp bác sĩ. Thấy bà ngơ ngác không biết đi lối nào, cô y tá hướng dẫn gằn giọng nói như ra lệnh: “Đi lối này nè!” làm bà thêm quýnh quáng. Không khí phòng điều hòa khiến bà bất giác thấy lành lạnh nơi sống lưng. Hai bác sĩ đang chăm chú theo dõi hình ảnh trên màn hình với cặp mắt đăm chiêu lắm. Vị bác sĩ đậm người hơn vừa thông báo nhỏ với bà, vừa đưa tay chỉnh kính mà mắt vẫn không rời tờ giấy kết quả đang cầm trên tay.

- Phim chụp cho thấy có một khối mờ ở phổi, với các biểu hiện thì chẩn đoán hình ảnh tạm thời là u phổi. Nhưng để có kết quả chính xác và chi tiết hơn thì cần phải xét nghiệm sinh thiết tế bào ung thư. Gia đình cần chuẩn bị tinh thần điều trị lâu dài cho cháu.

Bà gần như đổ sụp xuống. Tay bà run run cầm bút ký nguệch ngoạc trên tờ giấy cô y tá đưa cho. Những giọt nước mắt tưởng như đã cạn khô từ lâu nay ứa ra trên khóe mi sâu hóm. Những giọt nước mắt cả một đời khóc thương chồng con giờ đến lượt đứa cháu tội nghiệp. Hai bà cháu thất thểu dắt nhau ra khỏi phòng khám, tờ chẩn đoán run theo từng bước đi.

Vị bác sĩ giật mình khi nhìn thấy cái tên quen thuộc đang hiển thị trên màn hình vi tính - “Lừng Kim Linh”. Ông đọc vội địa chỉ quê quán bên dưới rồi vội vàng lách qua đám người đang đứng trước cửa phòng khám và chạy theo tìm bà cháu bệnh nhân vừa rời đi. Vị bác sĩ vừa kịp chạm vào vai bà cụ, vừa lay lay hỏi với giọng run run:

- Xin lỗi! Cô có phải là cô giáo Lừng Kim Linh ở làng chài Giao Kim không ạ?

Bà lão ngước nhìn vị bác sĩ vừa mới khám bệnh cho cháu mình, đôi mày bà nhíu lại cố lục tìm trong trí nhớ. Trong lúc bà chưa nhận ra ai, vị bác sĩ từ từ tháo khẩu trang và mũ trên đầu để lộ mái tóc xoăn bồng bềnh.

- Toàn “xoăn”? Có phải là trò không?

Bác sĩ Toàn “xoăn” ôm chầm lấy cô giáo của mình – người đã gần bốn mươi năm qua anh chưa có dịp gặp lại.

***

​Sau khi tốt nghiệp sư phạm, Linh được phân về công tác ở một làng chài ven biển. Vừa đặt vali xuống cạnh tường, Linh ngồi xuống chiếc giường ọp ẹp của phòng nội trú, lòng hoang mang rồi nước mắt lăn dài trên má tự lúc nào. Trường học hoang sơ quá sức tưởng tượng ban đầu của Linh. Gọi là ngôi trường nhưng chỉ có bốn phòng học với vách đất loang lổ, mái ngói xiêu vẹo, chực chờ rơi rớt lúc nào không hay. Các thầy cô được bố trí ở trong hai phòng tạm bợ cạnh trường. Linh đã trải qua những tháng ngày với những câu hỏi cứ xoay vần trong đầu: “Không lẽ mình chôn vùi đời mình ở cái làng chài này sao?” rồi lại tự vấn trấn an mình: “Thôi kệ, mặc cho cuộc đời ra sao thì ra”.

Đầu óc Linh quay cuồng với bao suy nghĩ vẩn vơ ngay cả khi đang ngồi trước lớp. Những mái tóc vàng hoe vì rám nắng, làn da đen nhẻm của đám học trò đang giương những cặp mắt trong veo, khát khao làm trái tim Linh xao động. Có nhiều đứa đến lớp với cái áo rách bươm và đôi chân trần trông thật đáng thương. Những đôi chân chai sần vì hàng ngày chúng được vùi trong cát, từ mọi ngõ ngách làng chài ra đến bãi biển. Chúng lớn lên như những cây tra, cây phi lao găm mình trong cát mà vươn. Những ngày đầu sau giờ dạy, Linh chỉ biết nằm suốt trong phòng nội trú gặm nhấm nỗi riêng.

- Linh ơi! Ra bến Đợi chơi với các chị không?

Tiếng chị Liễu cùng phòng rủ rê không làm Linh lay chuyển. Tiếng sóng biển xô bờ xào xạc ngoài kia cùng với gió chiều reo trên những rặng phi lao ven bờ không làm hấp dẫn Linh mà càng nhỏ thêm những giọt buồn. Trái tim cô giáo trẻ đang quay quắt nỗi nhớ nhà thì chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, tiếng xì xào của những cô cậu học trò nhỏ trước sân. Linh kéo nhẹ cánh cửa thì thấy những mái đầu vàng hoe đang thập thò.

- Thưa cô! Ba em bảo đem biếu cô ít cá ạ!

Linh ngạc nhiên nhìn cậu học trò nhỏ tóc xoăn, tay xách mấy con cá dài thòng, tươi rói mà Linh chưa biết tên. Đám học trò treo cá lên cửa rồi chạy ra bến, nhanh đến nỗi cô giáo chưa kịp nói lời cảm ơn. Cứ mỗi ngày trôi qua, những đứa học trò nhỏ tội nghiệp kia lại gieo vào lòng cô giáo trẻ một chút cảm thương để cô bám trụ lại cái làng chài nghèo ven biển này. Đã qua những tháng ngày xa lạ với môi trường mới, Linh quen dần với làng chài. Ngoài giờ dạy, Linh theo đám trò nhỏ loanh quanh trên những lối mòn đầy cát trắng hay ra bến Đợi xem người ta chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt đêm mỗi chiều tà. Nhìn những chiếc thuyền nhỏ tròng trành theo nhịp từng con sóng ra khơi khi trời vừa tắt nắng, Linh bỗng thấy thương cho cuộc sống mưu sinh luôn rình rập sự hiểm nguy của những ngư phủ nơi làng chài. Đang ngồi trên bờ cát phóng tầm mắt theo những con sóng bạc đầu vỗ bờ và rút dần theo thủy triều, Linh giật mình khi nghe tiếng ai hỏi mình từ sau lưng:

- Cô giáo Linh đang nhớ nhà lắm phải không? Để tui giới thiệu thằng em này ở lại tâm sự cùng cô giáo đêm nay cho đỡ buồn nghen.

Anh Trí, ba của Toàn “xoăn” – cậu học trò thường hay mang cá biếu cô giáo - đang vác mớ lưới trên vai cất giọng cười sảng khoái, giọng cười đặc trưng của những người nơi đầu sóng ngọn gió, theo sau là Đạt, chàng ngư phủ điển trai nhất làng chài này. Linh cười đáp lại:

- Sợ anh Đạt nhớ thuyền, nhớ biển không dám ở lại gánh nỗi nhớ nhà của Linh đâu.

Đạt ngồi xuống cạnh Linh, chỉ mỉm cười không nói. Làn da bánh mật, đôi tay rắn chắc chống ra sau đỡ lấy thân hình vạm vỡ làm cho “chàng đánh cá” đẹp không khác gì lực sĩ. Họ ngồi yên lặng bên nhau, ánh mắt nhìn ra phía chân trời xa tít mù khơi. Gió thổi từ bờ ra biển làm cho những mái tóc rối bù lòa xòa trước mặt. Linh buộc lại mái tóc, cất giọng hỏi để phá tan bầu không gian tĩnh lặng giữa hai người:

- Mình đánh cá có ra xa bờ không anh Đạt?

Đạt chỉ tay ra ngoài chân dãy núi đá chòm ra biển trả lời Linh:

- Mình ra khỏi bờ đá ngoài kia, vượt qua rặng san hô và chỉ đánh gần bờ thôi vì thuyền mình nhỏ không chịu được sóng lớn.

Tiếng anh Trí đứng trên thuyền gọi Đạt ra khơi làm ngắt quãng câu chuyện đang say sưa giữa Đạt và cô giáo Linh. Đạt tạm biệt cô giáo rồi vác mái chèo lên vai.

***

​Đã hơn hai năm Linh gắn bó với làng chài này. Mỗi mái nhà, mỗi lối mòn đã trở nên quen thuộc. Hàng đêm Linh vẫn thường đến nhà Toàn “xoăn” chỉ thêm cho đám trẻ học bài. Gia cảnh của Toàn rất neo đơn. Người mẹ trẻ băng huyết khi sinh gởi lại trên đời đứa con còn đỏ hỏn. Ba cha con nương tựa vào dân làng để sống. Khi nó đủ lớn, anh Trí lại gửi con trong bờ để đêm đêm mưu sinh giữa mênh mông sóng nước. Thương thằng bé côi cút, Linh hay thường ghé nhà nó khi thì giúp nấu ăn, khi thì giặt giúp cha con nó quần áo. Nó quấn quýt với Linh như là mẹ của nó vậy. Và mỗi lần như thế, Đạt cũng xuất hiện bên cạnh. Những hôm không ra khơi, Đạt thường rủ Linh lang thang theo bờ cát, đuổi theo những cơn gió hay những con còng gió ngoi lên kiếm ăn từ hang hốc ven bờ. Tình yêu mộc mạc đến với họ tự nhiên như nắng gió làng chài. Mỗi sáng tinh mơ, những người phụ nữ làng chài đổ ra bến Đợi ngóng những con thuyền trở về. Nét vỡ òa trên gương mặt các bà các chị khi những con thuyền đầy ắp cá hay chút buồn thoáng qua khi tay trắng cập bờ là những cung bậc cảm xúc thường nhật nơi bến Đợi. Họ hay an ủi bằng ba từ ngắn gọn “biển giả mà”. Thi thoảng Linh cũng dậy sớm theo họ ra bến Đợi. Hình ảnh Đạt cởi trần đứng nơi mũi thuyền cầm cái áo trên tay vẫy vẫy trở nên thơ mộng trong con mắt của những người đang yêu như Linh. Họ lại đi bên nhau trên những lối mòn cát trắng. Bất chợt, Linh hỏi Đạt về những đụn cát nhỏ ven đường:

- Người ta vun những đụn cát nối tiếp nhau như thế này để làm gì vậy anh?

- Những ngôi mộ gió đấy em à. Biển giả mà. Được mất ở những người đi biển mong manh lắm. Sống nhờ biển rồi chết cũng về với biển…

Đạt xua tan không khí vừa lặng đi bằng nhành san hô mà anh lấy được trong chuyến đánh bắt vừa rồi. Linh nâng niu nhành san hô, tự xem nó như vật đính ước.

Đám cưới đầy ắp tiếng cười đã gắn cuộc đời cô giáo Linh ở lại với làng chài. Rồi đứa con gái xinh xắn của họ ra đời làm cho cô giáo Linh càng bận rộn thêm. Toàn “xoăn” ngày nào cũng sang nhà cô Linh bế em để cô rảnh tay soạn bài, chấm bài hay giúp kèm thêm cho các em nhỏ ngoài giờ học. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Những cậu bé như Toàn “xoăn” rồi cũng trở thành những thanh niên lực lưỡng theo cha, theo anh ra khơi và có vài người đã nằm lại nơi biển cả. Dãy mộ gió cứ nối dài mãi ra qua bao thế hệ. Những người phụ nữ mỏi mắt trông chờ nơi bến Đợi có khi đến suốt cả cuộc đời.

​Cho đến một ngày…

Trời chiều trước cơn bão lặng yên hơn bao giờ hết. Anh Trí cùng Đạt ra khơi như thường lệ vì theo kinh nghiệm của họ đây là lúc họ có thể đánh được nhiều cá nhất. Linh cùng những người phụ nữ nháo nhào ra bến Đợi lúc trời còn tối om, khi cơn bão đổ bộ vào bờ. Bóng những người phụ nữ xiêu vẹo, bé nhỏ trước từng đợt gào thét của biển cả. Cơn bão đi qua, thêm nhiều người phụ nữ lặng câm. Linh bế con ngồi như bức tượng trên bến, ánh mắt vô hồn nhìn về khơi xa. Toàn “xoăn” thì gọi ba đến khản giọng làm cho bao người xung quanh cũng nức nở theo. Chiều sau bão xơ xác rặng phi lao, mùi nhang trầm, khói hương trút thêm vào không khí tang thương trên những ngôi mộ gió. Linh dắt thằng Toàn “xoăn” thất thểu trên bờ cát đến khi bóng đêm bao trùm lên mặt biển bao la. Những tháng ngày đau thương của người mẹ trẻ trôi qua một cách chậm chạp. Những lớp học vắng hẳn tiếng cười. Một chiều không lâu sau đó, dì ruột của Toàn từ miền Nam tìm đến làng chài và đón nó về nuôi. Cô trò ly biệt kể từ ấy.

***

Bác sĩ Toàn đã khóc khi nghe cô giáo già của mình kể về tai nạn của chàng rể duy nhất của cô. Không có tiền sắm tàu lớn, nó “đi bạn” cho người ta rồi cũng gặp nạn trên biển cách đây năm năm khi câu mực và đến ba ngày sau mới tìm thấy xác. Mẹ con bé vốn đã đau ốm suốt, khi biết con bệnh nặng cũng bệnh theo nên đành phó mặc cho bà ngoại dẫn đi chữa bệnh. Những ngày lưu lại Sài Gòn, bác sĩ Toàn giúp hai bà cháu đi xét nghiệm rồi đưa về nhà chờ kết quả. Sáng nay hai bà cháu hồi hộp chờ tin. Vừa dắt xe vào cổng, bác sĩ Toàn lao vội vào nhà ôm chầm cả hai bà cháu mà quên cả tháo giày.

- U lành cô ơi! May quá! Trời thương cháu của cậu rồi!

Những giọt nước mắt vui mừng lã chã trên khuôn mặt già nua của bà giáo già. Hy vọng rồi đây đời bà sẽ hết những chuỗi ngày buồn đau. Tiễn hai bà cháu về quê, vị bác sĩ cứ ôm chặt cô giáo của mình như sợ cô lại tan biến vào biển cả như những người đàn ông nơi làng chài.

- Em sẽ sắp xếp về lại làng chài trong thời gian sớm nhất cô ạ. Giờ em đã lớn rồi không còn sợ phải đối mặt với quá khứ buồn đau nơi đó đâu. Hy vọng cuộc sống sẽ mở ra trang mới cho người dân làng chài để những ngôi mộ gió không còn mãi nối dài nơi rặng phi lao ven đường.

Xe đã rời bến ra tận ngoài đường, bà cháu vẫn còn thấy bác sĩ Toàn với mái tóc xoăn bồng bềnh từ thuở nhỏ mãi đứng nhìn theo./.

Bài liên quan
  • Tự khúc
    Rèm cửa, hạ xuống. Trước mỗi bàn trang điểm, chiếc đèn nhỏ phía trên lại được bật sáng; trong tấm gương, phản chiếu hình ảnh một cô gái đang kẻ lông mày, sửa lại tóc.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
Bến đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO