Truyện

Hương trời

Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên 07:07 21/08/2023

Buổi sáng, nhà hay ăn cơm nắm lá sen, mới hoai hoai nguội ông Nhẫn đã xong, vào nhà lấy khăn chít lên đầu.

huong-troi.jpg
Minh họa của Vũ Khánh

Doanh buông nắm cơm thủng thẳng xuống thuyền. Hà nhìn nắm cơm dưới đất. Đến giữa hồ, trời bắt đầu nắng, hương quyện với mùi bùn non ngai ngái. Doanh bẻ thoăn thoắt, bông nọ léo vào bông kia, gạo sen rơi lả tả. Hái sen cũng phải có tâm. Doanh quay sang nhìn ông Nhẫn thận trọng ngắt từng bông. Doanh ngao ngán. Bây giờ kể ra sống bằng cái nghề này cũng tài thật. Doanh ê ả nói, đứt quãng theo tiếng thở. Nhân lúc ông Nhẫn không để ý Doanh chụp luôn núm sen bẻ cho nhanh. Không làm thì đi về. Nhà tao không có thứ hái sen như thế. Doanh nhảy xuống hồ bơi vào bờ. Nhổ nước bọt.

Trên thuyền chỉ còn hai người, ông Nhẫn đứng chơ vơ giữa trời đất, tay nâng bó sen. Để theo nghề này, ta đã phải trả cả đời con ạ. Sen cũng như người, phải biết trân quý. Ông Nhẫn cúi xuống nhìn nụ sen đau đớn. Thưa ông, vâng. Hà cúi xuống nhặt những búp sen trần trụi giữa khoang thuyền.

Gần sáng, tiếng xe chạy về ngõ, Doanh định bước vào nhà thì tiếng ông Nhẫn gọi giật lại. Sao mày đi giờ này mới về? Doanh nín bặt, thở phè phè hơi men. Mày không định ở cái nhà này nữa phỏng? Phải. Tôi thấy chán rồi, nếu ông muốn đuổi thì tôi đi. Hà trong nhà chạy ra, thấy bố với anh cãi nhau, đứng can. Ông đối với tôi còn không bằng thằng con hoang.

Mấy ngày sau vẫn không thấy Doanh về, đến bữa Hà quen tay sắp ba cái bát. Ông Nhẫn cầm ném vỡ choang. Đêm hôm rằm, trăng sáng vằng vặc, đất giời chỉ có trăng. Thuyên đến đứng ngoài ngõ gọi. Thuyên bảo cho vào nhà rửa nhờ cái chân, lúc lội qua hồ bị lấm. Hà ngần ngừ. Ông không thích cho đàn bà vào nhà. Vậy em về. Mặt Thuyên tội nghiệp. Nhanh nhanh đi, anh trông cho. Thuyên len lén đi vào. Nước dưới hồ trong vắt, nhìn thấy cả trăng. Cô vén quần tạt nước. Nhìn đôi bắp chân trắng như ngó sen của Thuyên, mắt Hà ngây dại. Hà ôm Thuyên từ phía sau, tay len lén xộc qua áo ngực. Anh làm gì thế? Hái sen. Hà nói mê man theo tiếng thở. Thuyên ngại, xoay người ngược lại tránh thì bắt gặp đôi mắt giận dữ của ông Nhẫn từ cửa sổ nhìn ra.

Trưa, ông Nhẫn chuẩn bị khăn gói đưa chè vào thành bán. Hương bay bay, Hà tiễn ông ra ngõ. Về tách nhụy sen đi. Ông Nhẫn vẫy. Hà thấy dáng ông xa vời vợi. Một mình ngồi tách nhụy trên sạp thì Doanh về cùng với mấy người khách. Khách mua sen hả anh? Mày cứ làm đi, đừng có tọc mạch. Hà lặng lẽ cúi đầu, tay tách nhụy run run, cảm giác hoang mang bất chợt ùa đến khi nhìn Doanh hăng hái dẫn khách ra sau nhà chỉ trỏ, quanh vùng sen. Khách đi rồi, Doanh bảo, tao sẽ bán đứt chỗ đầm này cho bọn quy hoạch khu giải trí. Nghe thế, Hà giật mình. Anh nói bé thôi, ông mà biết… Tao sợ gì. Doanh khinh khỉnh đưa chân gạt những cánh hoa vung vãi dưới sàn. Mày nên nhớ ông cụ chỉ có một đứa con là tao. Nói rồi Doanh vào nhà ngủ. Mắt Hà nhìn đăm đăm ra đầm.

Bao giờ ông Nhẫn cũng đi một ngày mới về, vào thành gặp bạn cũ vừa bán vừa thưởng thức trà. Hà ở nhà nóng ruột, cứ chốc chốc lại ra ngóng.

Đến chập tối thì Thuyên khóc chạy sang, Thuyên nhìn vào mắt. Bao giờ anh lấy em? Hà cầm tay, rất ấm. Bao giờ anh có nhà đã. Thuyên khóc. Anh Doanh sắp bán đầm rồi. Thuyên ngước lên. Còn ông? Ông không biết. Sao anh không nói. Vì… anh là con nuôi. Âm thanh lặng đi trong âm thầm tối.

Khách đến lần nữa, bẻ sen bên hồ, mỗi người một bó nhét sau cốp xe. Tiếng Doanh cười sang sảng. Vừa đi xong thì ông Nhẫn về. Doanh lẩn vào nhà. Xe máy nổ giòn tan. Ai đến? Ông Nhẫn nhìn Hà. Con không biết. Lụi cụi xuống phòng ướp trà, mặt đanh lại.

Bữa cơm tối, ba người ngồi cùng mâm, chạm mặt nhau mà ba cái đầu cúi thấp. Ông Nhẫn lặng lẽ ngồi so đũa. Thỉnh thoảng Doanh lấm lét nhìn trộm bố. Tôi định thưa với thầy một việc. Dù đánh mắng tôi cũng cam. Ông Nhẫn thở dài không lên tiếng. Tôi định làm kinh tế, các đầm trì xung quanh đều nhượng lại cho khu quy hoạch cả rồi. Một mình nhà ta chống không lại. Ý anh thế nào? Ông Nhẫn nhìn mặt con, vảng vất đâu đấy ánh nhìn của vợ, cay nghiệt xé lòng. Tôi… định bán đầm. Ông Nhẫn tay siết chặt chén trà, hương sóng sánh. Môi ông khẽ run. Trước sau gì thầy cũng để lại nhà cho tôi, vậy hãy để tôi làm giàu bằng sức mình. Trong tay ông, chén trà vỡ nát, những vụn vỡ găm vào tóe máu. Tao còn sống một ngày thì sen còn sống. Nói rồi ông ôm ngực đi xuống khu ướp trà. Doanh nhìn Hà, Hà nhìn xuống đất.

Sen vào vụ, Doanh bỏ nhà đi. Thiếu người làm, cánh sen nhanh tàn. Hà xin ông cho Thuyên vào hái giúp. Ông Nhẫn khẽ gật đầu. Trên thuyền, Thuyên xây lưng lại hái sen. Búp tóc đen mượt buộc lại. Chiều về, mây nước làm mắt ông thẫn thờ. Ông nhớ dáng quen quen của vợ chèo thuyền chênh vênh giữa gió ngày xưa…

Nửa đêm, ông Nhẫn cầm đèn đến bên giường Hà gọi anh trở dậy. Lặng lẽ, anh theo xuống phòng trà. Từ trước đến nay chưa bao giờ ông cho phép hai thằng con trai xuống khu chế biến trà. Hà đứng ngoài cửa. Vào đi. Tiếng ông Nhẫn mỏng như tiếng gió. Bước chân Hà lạc vào cõi diêu mộng, nơi cô lại hương thơm của trời đất. Đặt chiếc đèn dầu lên ván gỗ, ông Nhẫn rửa tay cẩn trọng trong chiếc chậu đồng thả cánh sen.

Trong thứ ánh sáng mờ ảo từ chiếc đèn dầu, Hà nhận thấy niềm vui khôn tả toát ra trên khuôn mặt võ vàng. Khi con thụ được tâm và hương của trời đất thì con sẽ yêu nghề này. Con hãy nhìn ta làm một lần và nhớ lấy.

Chè xanh được sao tròn búp, giòn rộp trong lớp lá sen. Một lớp gạo sen lấm tấm như ngàn vạn hạt ngọc li ti rải lót đáy chum sành. Chè rắc lên, đều đều… Mồ hôi thánh thót, cách một lớp chè, lại một lớp gạo sen. Khi chiếc chum được đậy lại, ông Nhẫn vuốt mồ hôi rồi hỏi. Thấy có gì khác không? Mặt Hà nhìn đăm đăm suy nghĩ. Ông ơi, con thấy trà sen mấy nhà hồ bên cũng làm như vậy tại sao trà nhà mình lại thanh đạm và thơm hơn? Ông Nhẫn mỉm cười, gạt lớp than hồng rực sang mé bếp, rồi với tay lấy chiếc đèn dầu. Ướp sen bằng sức sao có thể thanh thảo bằng chính tâm hồn người làm nó. Khi nào con thực sự yêu nghề, có tâm với nó thì con sẽ hiểu.

Hà gật đầu, bước chập chờn theo bóng người đàn ông ra mé hồ. Trong không gian vô định của đất trời, ngần ấy vì tinh tú tụ lại gieo mình xuống. Ông Nhẫn đứng trước, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực. Đây là đất của gia tộc ta từ ngàn đời để lại. Từ đời ông bà ta đã chết để bảo vệ mảnh đất này. Thời Pháp thuộc, quang cảnh đầm hồ bị phá hủy, những nguồng sen thưa thớt vẫn rời rạc vươn lên. Bọn chúng còn chặt đầu cụ cố treo đầu đình vì không chịu ướp trà sen dâng chúng. Máu còn rớt xuống đây, máu đỏ ngầu nước, thấm vào tụy rễ sâu. Ta quên được ư? Ta có thể mất tất cả nhưng không thể để mất chữ Tâm với nghề. Ta yêu sen như máu thịt mình, ta muốn con từ nay yêu và trân quý nó như ta vậy.

***

Chiều muộn Doanh về. Thầy đi đâu? Thầy qua xóm. Doanh vào nhà mở chiếc rương đồng lấy sổ đỏ cầm đi. Hà kéo lại. Đừng làm vậy. Đồ con hoang, đồ ăn mày. Doanh chạy. Hà đuổi theo bị ngã, vục mặt xuống bùn. Ông Nhẫn không tìm được Doanh, đi về đầu chúi phía trước. Suốt ba ngày ở phục dưới phòng trà, không cho ai vào trong, ngày hai bữa Hà mang cơm nước xuống vẫn còn nguyên. Trong ánh sáng mờ mịt, Hà thấy da thịt ông rạc đi, chỉ còn hồn vương vất. Mẻ sen cuối cùng làm xong, ông Nhẫn lẳng lặng về góc giường nằm đắp chăn. Khe khẽ nhắm mắt.

Hà tìm sang bên khu lò gạch xóm Quỳnh Đôi gặp người bạn cũ. Thấy khói gạch lầm trời. Hà hỏi vay tiền. Bạn băn khoăn nghĩ. Hà ngại định quay về thì người bạn kéo lại bảo chỉ để dành được mười triệu làm vốn. Hà bảo vay sẽ trả, bạn gật đầu. Hà về nhà, vắng ngắt. Ông vẫn nằm, tóc phờ phạc lặng im.

Thuyên trốn nhà sang gặp. Hai người đi dạo trên bờ cỏ một lúc thì Thuyên móc trong túi áo ra một lụn bông trắng bên trong có chiếc nhẫn vàng. Đây là của em để dành. Anh không lấy được. Thuyên nhìn vào mắt. Trước sau gì mình cũng là của nhau. Đừng khách sáo, em buồn. Sau này, anh dùng cả đời trả em cũng được. Hà ôm người yêu vào lòng, mắt nhòe nước. Xa xa, dưới ánh trăng mờ, hai cái bóng dựa vào nhau.

Doanh gọi người đến, sổ đỏ cầm tay. Công nhân phát bờ liền thửa, sen đứt ngang thân, cánh rơi xuống bùn hồng rực. Ông Nhẫn cố hơi tàn chạy ra chặn trước mũi xe, tay lăm lăm rựa. Một cây sen chết sẽ có một người chết. Đám người dừng tay, đợi lệnh của sếp. Thầy vào nhà đi. Doanh nói xấc. Mày muốn giết tao trước thì giết đi. Ông Nhẫn xô lại bị Doanh đẩy xuống bùn, mắt nhìn đau đớn. Một vệt nước mắt rứa ra. Sao lại thế? Khách mua đầm nhìn Doanh hỏi. Thôi cứ về đi vậy, để ngày một ngày hai. Hà vực ông Nhẫn lên, rồi nhìn trừng trừng vào mặt Doanh tức giận. Anh sang đây. Hai người nói chuyện, hồi lâu thấy Hà đưa bọc giấy, Doanh nhìn ông Nhẫn rồi nhìn bọc tiền. Cầm. Bước đi. Chưa xong đâu.

Đêm cô lại như mực, vắng lặng đến mức có thể nghe thấy cả tiếng thở đau đớn của hương trời. Hà vẫn ngồi phục bên ông Nhẫn. Cây nến đầu giường leo lét sáng. Người đàn ông ú ớ vật mình trong cơn mơ. Người ta thường nói người sắp chết hồn sẽ mải mê đi theo mộng không tìm được đường về. Anh phải cầm tay, lắc thật mạnh như cố gắng níu linh hồn ở lại cõi nhân gian. Mắt ông Nhẫn từ từ mở, một dòng nước mắt hiếm hoi rớt xuống đôi gò má. Ta có tội với bà ấy, con ạ. Hà vuốt đôi bàn tay cha. Ông đừng nói vậy, tất cả không phải lỗi của ông. Là ta, bắt bà ấy chết đau chết đớn. Những năm qua, đôi mắt mở trừng không bao giờ khép với những búp tóc vấn vào thân sen nguyền rủa ta. Ta không phải người có tâm. Chữ tâm mỏng mảnh khiến ta nhầm. Ta là kẻ ác. Vừa nói ông đưa tay đấm mạnh vào ngực mình. Con van ông. Trong đêm hai người đàn ông cùng khóc.

Mấy hôm sau ông Nhẫn đã khỏe hơn, lúc ăn cơm tối xong, ông gọi Hà ra sân uống trà. Ông Nhẫn lấy trong chiếc bình gốm trát đất dưới gầm giường ra một bức thư bằng giấy dó, màu đã ố vàng. Ta nghĩ nên nói cho con biết, về gốc gác của mình. Nếu sau này người thân của con đến tìm muốn con trở về với họ. Hà cúi đầu lặng lẽ nhìn bức thư. Đọc từng chữ. Một dòng nước mắt lăn dài trên má. Hà gục xuống đôi tay ông Nhẫn. Dù ở đâu thì con vẫn yêu mảnh đất này, yêu hương sen và mái nhà này. Xin ông đừng đuổi con đi. Ông Nhẫn vuốt mái tóc con giống như hình ảnh hai mươi năm trước một đứa trẻ bị đói rét nơi phố huyện bằng tất cả trìu mến.

Cả ngày, Hà đạp xe ra phố tìm Doanh nhưng không thấy. Mãi đến chiều tối mới thấy Doanh phóng xe ngang qua hàng Bông.

- Anh Doanh.

Doanh quay lại ngạc nhiên nhìn Hà rồi dừng xe bên vệ đường, tiếng xe ồn ào.

- Tìm tao có việc gì?

- Ông ốm nặng. Anh về gặp ông…

Giọng Hà chùng xuống, buồn bã.

Tan cuộc nhậu, tiếng cười nói lèm bèm ê ả của những thằng say. Doanh thấy mình loáng choáng, nghếch chân lên chiếc ghế bên cạnh hút thuốc. Vòng khói lòa lòa. Anh đứng dậy bước ra khỏi quán, bỏ mặc sau lưng những tiếng ồn ào, tiếng gọi ơi ới của đám bạn nhậu. Đi vô định trên đường, thấy xung quanh những vòng tròn xao xác… Mẹ bảo, mẹ có tội. Tắm dưới hồ làm mất mùi sen, mẹ khóc, thất thểu bước thấp bước cao trên bờ, liêu xiêu theo gió. Tiếng chì chiết của thầy và những giọt ngắn dài chan chứa…

Đêm, ông Nhẫn nằm xây lưng vào bóng tối, mồ hôi dính, đôi tay khẽ run lên. Đưa ta xuống thuyền. Vực ông xuống nong thuyền, Hà chèo ra giữa dòng, trước mắt ông, cả một trời sen, rừng rực. Những cánh tàn rơi xuống và những nụ đang tách nước ngoi lên. Mắt ông Nhẫn mơ màng. Hơi thở mỏng. Hà ngắt một bông sen đặt lên ngực. Hà ơi... Ông Nhẫn thều thào gọi. Hà buông mái chèo, đến bên nắm lấy bàn tay ông. Trước khi đi xa, ta muốn con gọi ta một tiếng cha. Nước mắt Hà bật ra. Cổ họng nghẹn ứ. Anh cảm nhận thấy đôi bàn tay ông đang lạnh dần, không phải vì sương. Cha ơi… tiếng gọi cả đời Hà nén lại giờ vỡ tung ra tức tưởi. Tiếng gọi xé nát đêm, làm tất cả những cánh hoa sen sắp tàn đồng loạt rơi xuống nước. Một biển hồng. Mắt ông Nhẫn từ từ nhắm lại, bên cạnh bông sen. Câu nói cuối cùng trong miệng ông Nhẫn thì thầm, Hà nghe tiếng được tiếng mất. Liên ơi…, chờ tôi... Luồng hương từ ngàn vạn cánh sen ào đến phủ chụp không trung. Mái chèo không động nước.

Doanh đứng bất động trước cửa nhà, nhìn vọng ra ngoài đầm sen. Nơi ấy tiếng khóc tức tưởi của Hà bật lên đau đớn. Thầy ơi, con đã muộn mất rồi. Nước mắt Doanh chảy dài trên má. Trong một phút anh quỳ phục giữa đất trời, giờ đây, trong khoảnh khắc này chỉ có một khoảng trống vô vọng ùa đến. Doanh nhảy xuống, bơi ra giữa đầm. Nước lạnh ngắt, mùi hương đượm. Doanh nâng lấy bàn tay cha áp vào ngực mình.

Sau ngày giỗ đầu ông Nhẫn, Doanh bảo sẽ đi làm kinh tế. Trước khi đi, anh ngồi tách nhụy sen với Hà đến nửa đêm. Tiễn Doanh đi, dọc bên đường là những đầm sen xanh ngắt. Rất lâu sau chỉ thấy dáng người mờ mờ lẫn trong sương chững lại, ngoảnh đầu nhìn về phía sau. Hà biết nơi ấy có những giọt nước mắt được kết bằng những sợi hương trời…

Bài liên quan
  • Tĩnh lặng
    Bình minh là khoảnh khắc bình yên nhất trong ngày. Sự chuyển động của thiên nhiên vào lúc này vượt qua mọi sự hiểu biết. Đó là một sự đổi mới. Tôi có cảm giác bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Mỗi ngày, tôi thường lê mình ra khỏi chiếc giường êm ái để tận hưởng vẻ đẹp lộng lẫy của bình minh. Nhưng hôm đó, mọi thứ trở nên đặc biệt vì có sự xuất hiện của cô ấy.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó đáng chú ý có cuốn sách “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” của tác giả - nhà văn Lê Xuân Đức (1939 – 2022) giúp người yêu thơ ca của Bác thêm thấu hiểu và cảm nhận rõ nét hơn tinh hoa trong từng câu chữ mà Người để lại, rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình và trên hết là những bài học lớn, sâu sắc về tư tưởng, về đầu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau.
  • Tiếp tục phát triển những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam (Bài cuối)
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện trung thành và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của Người; phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước cách mạng, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vững bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.
  • Ra mắt sách “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”
    Sáng 17/5/2025, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt sách “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 19/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm trên đường Bắc Sơn.
  • Hà Nội khởi công xây dựng cầu Tứ Liên
    Sáng 19/5/2025, UBND Thành phố tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) tại trước nút giao Dự án với đường Trường Sa (lý trình Km4+400 ).
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyên dương 80 gia đình văn hóa tiêu biểu
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 15/5/2025 về việc tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2025).
  • Tháng Năm về quê Bác
    Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả... Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Tháng Năm về quê Bác" của tác giả Nguyễn Xuân Việt.
  • Công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm
    Tối 17/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở chèo cổ “Trinh Nguyên” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ.
  • “Hãy nói rằng con cần mẹ”: Cẩm nang đồng hành cùng người thân bị trầm cảm
    Anbooks phối hợp cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chính thức ra mắt cuốn sách "Hãy nói rằng con cần mẹ" – cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm của tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Đây là tác phẩm tiếp nối hành trình nghiên cứu và chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên – một vấn đề đang ngày càng trở nên đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.
  • Chuỗi sự kiện đặc sắc kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 16/5, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại" với chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa.
  • Sư đoàn Phòng không 361 – 60 năm xứng đáng danh hiệu "cận vệ đỏ" canh giữ bầu trời Thủ đô
    Sáng 17/5, tại Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không – Không quân) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (19/5/1965 – 19/5/2025) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
  • Ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: “Nước non vạn dặm”
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  • Tôn vinh thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư họa
    Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17/5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”. Thông qua hình thức nghệ thuật thư họa – sự kết hợp tinh tế giữa thư pháp truyền thống và hội họa hiện đại, triển lãm đã góp phần tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
    Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhận tác phẩm dự thi từ nay đến tháng 7/2025.
  • Chiêm ngưỡng di sản Phật giáo thời Lý qua công nghệ số
    Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng và ngày Khoa học, Công nghệ Việt Nam (18/5/2025), đồng thời kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh Châu Á và Công ty TNHH C.M.Y.K Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn – Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ”.
Hương trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO