Truyện

Hành trình bất ngờ

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 14:07 20/06/2023

Tôi có cuốn sổ được mua từ hồi sinh viên và vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, tuy không dày lắm nhưng tôi ghi mãi vẫn không hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.

hanh-trinh-bat-ngo.jpg
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Khi có các thiết bị như điện thoại thông minh, ipad, tôi rất ít khi ghi chép các nội dung tỉ mẩn vào cuốn sổ ẩy. Những thứ được lưu lại trên sổ chỉ còn như những gạch đầu dòng cho một ghi chú nhỏ. Lúc thì những cái tên tôi ấn tượng, tên một loại hoa, có khi là phác họa ngô nghê về một ai đó mà tôi đã gặp trong cuộc đời.

Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi hay lấy cuốn sổ ra xem lại như một thú vui nhỏ. Những dòng ghi chép tưởng vu vơ, những cái tên có thể quen hoặc lạ được lưu lại vào một ngày nào đó lúc này như một thước phim lướt qua năm tháng đời mình. Thường thì lúc nhớ ra hoàn cảnh của những dòng ghi chú, tôi sẽ đánh dấu lại và có thể còn viết thành một bài báo nhỏ. Cuốn sổ ấy nhiều lần đã “giải cứu” tôi trong những lúc bí đề tài.

Công việc dần bận rộn, tôi mải mê với các công cụ máy móc hiện đại và quên dần những thứ cũ kĩ không cần thiết trong đó có cuốn sổ này. Cho đến một hôm, khi mọi người phòng tôi lục tục chuyển đồ để sửa lại tòa nhà. Đây cũng là dịp để mọi người vứt bớt những thứ đồ cũ kĩ, đề xuất mua sắm mới. Tôi tìm khắp nơi không thấy cuốn sổ đâu, dù bình thường nó cứ bày ra trước mắt. Đến khi cái tủ cuối cùng được dọn ra, tôi mới thấy nó nằm ngay dưới gầm, giấy đã phồng rộp. Tôi cầm cuốn sổ lên, phủi bụi và ngắm nghía. Các trang trong đều bị ố và nhòe chắc do ngấm nước, chỉ còn hai trang mặt sau của bìa da thì được làm bằng loại giấy tốt. Giờ tôi mới để ý thấy có một dãy số được ghi mờ bằng bút chì. Quái lạ, xưa đến nay phòng tôi lấy đâu ra một cây bút chì, loại bút của học sinh lớp 1 tô chữ cái. Tôi vắt óc suy nghĩ rồi thử bấm máy gọi. Chuông vang lên gần hết một hồi thì nghe tiếng người đàn ông thưa máy. Tôi hỏi anh ta là ai, anh ta chỉ nói rằng mình tên Linh. Tôi có linh cảm về một sự kết nối mơ hồ với người đàn ông này nên đã chủ động giới thiệu về bản thân, vừa nghe xong anh ra reo lên:

- Anh Văn đấy à, em nhớ ra anh rồi, hôm đấy em đến tìm các anh đều đi vắng cả, chị văn thư hứa sẽ ghi lại số của em và nói anh sẽ liên hệ. Gia đình em cứ đợi mãi…

Quái lạ, ai thế nhỉ, chẳng hiểu anh ta có nhầm tôi với ai không nhưng tôi quyết định vẫn hẹn gặp. Người đàn ông đến gặp tôi khoảng hơn bốn mươi tuổi, khá nhã nhặn. Anh kể một mạch cho đến khi mặt trời đứng bóng về câu chuyện cuộc đời mình.

- Thế anh đã tìm được manh mối gì chưa?

- Thực sự, thưa anh (anh ta luôn gọi tôi bằng anh) tôi đã đọc được tin tức về trận đánh của đơn vị cha tôi trong một bài báo cũ. Tiếc là tờ báo mà tôi đọc bị thiếu một góc nên tôi không rõ hết được nội dung. Vì thế tôi tìm tới anh để hỏi thăm về bài báo đó.

- Tức là, đã đăng trên báo của chúng tôi?

- Không thưa anh, chỉ là một bài báo thôi. Tôi biết trong cả nước có hàng trăm tờ báo nhưng mong các anh cố gắng tìm giúp.

Câu chuyện chỉ dừng ở đó. Tôi cũng không dám hứa chắc chắn gì với người đàn ông ấy. Mãi đến khi vì bí đề tài, tôi đã viết một bài về trường hợp của gia đình anh Linh. Bài viết khá chân thực và xúc động về người cựu chiến binh đã bị mất tích sau một trận đánh. Cho đến thời điểm ấy mọi suy đoán vẫn chỉ là 50/50. Hoặc người lính đã hy sinh không tìm thấy xác hoặc đã mất tích. Nhưng đã gần 50 năm sau chiến tranh, những đồng đội cũ đã nhiều người khuất núi. Manh mối càng ngày càng ít đi, ngay cả các đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ cũng chưa tìm thấy.

Cầm bản bông lên, Tổng biên tập trầm ngâm:

- Báo mình chưa chạy loại bài này bao giờ, có chút lăn tăn chú ạ!

- Sao vậy anh, nhân vật, tư liệu đã rõ ràng. Em nghĩ có sao mình cứ viết vậy là được.

- Nhưng chỉ là dựa theo trí nhớ của một đứa trẻ, chú xem liệu có chắc chắn không? Lúc ấy anh Linh còn chưa đến mười tuổi. Một đứa trẻ luôn nhớ về bố mẹ bằng những ấn tượng đó là điều quý giá nhưng báo chí còn cần sự khách quan, cần những cứ liệu thuyết phục hơn.

Nghe thế, tôi cũng đâm lo. Bài báo của tôi tạm thời được để lại cho số tháng sau. Tôi quyết định tìm về quê anh một ngày đầu tháng 6. Đây là một huyện cách xa thành phố, chưa có khu công nghiệp nên còn thanh bình, yên ả. Ở miền đồi núi này, nhà cách nhà khá xa, tìm được một người giữa đồi cam, đồi dứa để hỏi thăm cũng đâu có dễ. Những thửa ruộng bậc thang vàng óng như bức tranh 3D mà thiên nhiên tạo giữa đất trời.

Trưa nắng gắt, tôi dừng lại dưới gốc đa. Từ gốc đa nhìn ra, cánh đồng chạy dọc chân núi phía xa như một chiếc khăn xanh mịn màng. Giữa đồng, có một gò đất nổi lên như thể một con voi đang phủ phục để người ta trèo lên bành xuất trận. Tôi đang mải ngắm nhìn thì có tiếng nói vang lên bên cạnh:

- Bác có biết đó là gì không? Đấy là gò ông tượng đấy!

Bất ngờ vì câu hỏi, tôi nhìn sang thấy một bà lão đã đứng cạnh từ lúc nào. Năm tháng đã xô lệch những đường nét nhưng trên gương mặt đôn hậu ấy là đôi mắt ánh lên sự hiếu khách. Nhân thể, tôi cũng muốn biết thêm về mảnh đất này:

- Chào cụ, cụ có thể giảng giải cho con biết được không?

Bà lão vừa nhai trầu, vừa nhẩn nha kể: Gò đất có dáng ông voi nên dân làng gọi là gò ông tượng. Vì cái gò ông tượng ấy quay đầu hướng nam nên từ xưa đến nay trai làng đều nối bước nhau hạ sơn tòng quân đánh giặc. Nhưng hầu hết đều bình an trở về làng dẫu mang trên mình thương tích từ chiến tranh.

- Là do ông tượng phù hộ đấy bác ạ. Thiêng lắm, trẻ con chăn trâu cũng không dám trèo lên gò chơi đâu, hàng năm người dân vẫn thắp hương cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Chợt nhớ ra cuốn sổ, tôi lấy bút tốc ký lại, không quên vẽ phác họa gò ông tượng ở một góc. Nhìn tôi vẽ, bà lão có vẻ tò mò:

- Bác là nhà báo hay họa sĩ?

- Dạ thưa cụ, cháu đi tìm một người bạn. Cụ biết nhà anh Linh ở xóm nào không?

- Bác hỏi Linh nào, nhiều Linh lắm, đủ từ lái xe công nông, đến thầy giáo, y tá, thợ xây đều có cả.

- Cụ cho cháu hỏi về anh Linh có bố ngày xưa đi B rồi mất tích ấy ạ. Anh ấy cũng tầm gần năm mươi tuổi.

- À, Linh đấy là Linh y tá, hàng ngày vẫn hay xem bệnh giúp người ta. Nhưng, anh ấy đi vắng cả tuần nay rồi.

Theo chỉ dẫn của bà lão, tôi tìm được tới nhà gặp người thân của anh. Đập vào mắt tôi là bức truyền thần một anh bộ đội trên ban thờ. Bà mẹ anh rót nước chè xanh cho khách rồi ngước lên bức chân dung người chồng:

- Năm nào cũng thế, cứ tầm này là nó lại đi Nam để tìm bố. Nó bảo người mất tích chưa chắc đã hy sinh. Nó nhẩm tính nếu còn, năm nay ông ấy mới ngoài bảy mươi, còn hy vọng là còn đi tìm.

- Thưa bác, điều gì khiến anh Linh vẫn ấp ủ hy vọng đó?

- Tôi cũng không chắc nữa. Nhưng từ cái tên của nó, nó muốn tìm hiểu nhiều hơn về ông ấy. Linh là cái tên mà chồng tôi đã đặt cho con trai trong lá thư gửi về quê… Tôi không biết chữ, chỉ nghe người đọc thư hộ bảo ông ấy đặt tên Linh vì giống tên chiến trường mà ông ấy đang chiến đấu…

Nói rồi, bà cụ lấy từ trong tủ ra một bức thư đã ố vàng. Tôi nghĩ đến thời gian và giọt nước mắt đã tạo ra màu kí ức ấy:

“Tây Ninh, ngày… tháng… năm…

Mình và cả nhà vẫn khỏe chứ. Tôi biên thư này gửi một anh cán bộ ra Bắc. Đơn vị tôi vẫn đang ở đây, chưa có lệnh tấn công nhưng tôi dự cảm thấy chiến trường đang rất gần. Có thể chỉ là nay mai, sống chết là chuyện chưa thể nói trước được. Hôm rồi nhận được thư mình tôi đã nghĩ mãi. Con trai cần có một cái tên gọi để sau này nó nhớ đến những năm tháng gian nan, khốc liệt này. Tôi đang ở Tây Ninh, đặt tên con là Ninh, mình cứ lên nhờ chú Sỹ nhà ông hai làm hộ cho cái giấy khai sinh như thế, kẻo muộn con lại chậm chuyện học hành…”

Những đoạn sau tôi không thể đọc được vì nét mực đã bị nhòe trên nền giấy quá cũ.

Người mẹ giải thích:

- Tây Ninh, người ở đây nói ngọng từ N sang L nên tên nó mới là Linh chú ạ.

Tôi chợt nhớ tới lần theo chân anh bạn đồng nghiệp cách đây khoảng hơn một năm, đến gặp một ông cụ từng là bộ đội chống Mỹ và hoạt động ở vùng biên giới Tây Nam. Sau một trận đánh ác liệt, đơn vị bị thương vong khá nhiều, ông bị thương nặng rồi được bà con nước bạn tìm thấy và cứu chữa. Vết thương cơ thể dù đã bình phục nhưng ông lại không thể nhớ ra mình là ai và quê quán ở đâu. Những năm tháng ấy, chính quyền đang phải đối mặt với bao thách thức của xung đột biên giới Tây Nam… Nhìn chúng tôi, ông rơm rớm nước mắt, tất cả đọng lại trong trí nhớ ông chỉ còn là “voi đất”, “voi đất”… Điều đó từng khiến bọn tôi nhầm tưởng ông ám chỉ gì đó về chuyện bên đất bạn Lào…

Tôi vội lục ba lô, lật lại cuốn sổ, tìm số điện thoại của anh đồng nghiệp, nó được ghi ở phía sau trang bìa. Tôi mừng quýnh, chưa kịp bấm máy thì thấy một tấm ảnh nhỏ từ phần gấp của bìa sổ rơi ra. Tôi cầm lên xem, đột nhiên giọng của người đàn bà vang lên bên cạnh:

- Ôi! Đúng ông ấy rồi! Vẫn cái nụ cười này, sau nhiều năm ông ấy có khác nhưng không sai được. Cả cái vết sẹo gai rừng cào trên khuôn mặt nữa.

Chỉ kịp nói được thế, bà đã khóc. Giọt nước mắt của người vợ sau chiến tranh gần năm mươi năm với niềm hạnh phúc bất ngờ. Giọt nước mắt lăn chậm hơn muôn vàn giọt nước mắt khác sau chiến tranh từ ngày hòa bình lập lại…

***

Tổng biên tập cầm cuốn sổ của tôi lên, lật trước lật sau rồi nói:

- Thời đại 4.0 rồi mà ai ngờ cuốn sổ này lại có tác dụng thế nhỉ. Chú thấy không, làm báo mà nếu chỉ chăm chăm vào bài vở, xong việc của mình mà không có trách nhiệm với xã hội thì đáng tiếc quá.

Từ hôm ấy, cuốn sổ như một người bạn đồng hành không thể rời, lại tiếp tục nằm trong túi xách của tôi. Những lần có dịp qua nhà, tôi vẫn vào thăm gia đình anh Linh. Từ ngày đón người cha về đoàn tụ, gia đình anh làm ăn khấm khá hơn, mọi người đều khỏe mạnh, vui vẻ. Có lần tôi hỏi anh:

- Tại sao ngày đó anh chọn tìm tới tòa soạn chúng tôi?.

- Bởi tôi luôn tin rằng các nhà báo đọc nhiều, đi nhiều, biết nhiều và có sự nhạy bén nhất định trong việc tìm kiếm và điều tra. Tôi tin là các anh sẽ giúp được gia đình tôi!

Tôi cười và không biết nói gì. Cuộc sống luôn có một chữ duyên, mình chọn nghề và có lẽ nghề cũng đã chọn mình… Có lẽ đúng như anh Tổng biên tập đã nói, đâu chỉ cần viết hay, người làm báo còn cần lương tâm và trách nhiệm để đem đến những niềm vui trong cuộc sống này…/.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
    Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một Thế giới hòa bình”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • Những âm thanh cổ điển vang lên trong đêm “Hà Nội Concert: Hoà nhạc mùa đông”
    Tối 13/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam cùng Dàn hợp xướng Bình Minh đã có những màn trình diễn thăng hoa trong đêm hòa nhạc “Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài năng Phan Đỗ Phúc.
  • Triển khai đợt 2 Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai đợt II xét tặng Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025.
  • Hà Nội dự kiến giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp
    Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
    Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Hành trình bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO