Truyện

Bóng làng nơi đáy ao

Truyện ngắn của Nguyễn Hiếu 07:01 10/03/2023

Ở làng Chiện này, cách đây năm mươi cái tết, người đàn ông nào vào tuổi ngũ tuần, thì được làng tặng con cá chép ao Sen. Ao Sen là ao chung của cả làng, có ý nghĩa quan trọng với cả cộng đồng. Ông Nền giờ đã ngoài sáu mươi, sau khi rời quân ngũ về đã làm liền hai khóa chủ tịch xã. Còn hơn nửa năm nữa, ông chỉ mong kết thúc nhiệm kì để được nghỉ ngơi.

275731578_1849703975.jpg

Cả ngày ông bận rộn nên phải đến đêm xuống, biểu hiện “trục trặc” của cơ thể mới bắt đầu rõ rệt. Mỗi lần cử động khớp gối là lại đau nhói lên, hễ thời tiết thay đổi là xương sống mỏi nhừ. Hôm nào lỡ uống nước nhiều hơn bình thường là nửa đêm phải trở dậy đôi ba lần. Riêng đêm qua, không rõ do thay đổi tiết giao mùa hay do bận lòng sau cuộc thảo luận về dự án lấp ao Sen để xây công trình kỉ niệm sự kiện năm 46 ở làng mà ông cũng trằn trọc đến mất ngủ. Hoặc có thể cơn mất ngủ là do ông đã uống một chút vang của tay chủ dự án. Nếu ông không nhớ nhầm thì tay chủ dự án là con trai của lão Biện ở xóm ngoài đê từng di cư vào Nam và mới trở về. Tên gã hình như là Biểu hay Biển gì đó, đôi chân mày rậm rì hình mác, những ngón tay trùng trục với các đốt ngắn nần nẫn cầm chai rượu vang đến vừa rót vào ly của ông vừa cười giả lả: “Kính mời chủ tịch ly rượu vang Tây Ban Nha chính gốc, rất hợp với tuổi của chủ tịch đấy ạ”. Vị vang ngòn ngọt dễ uống mà cũng khiến ông cảm thấy hơi ngây ngây. Trằn trọc mãi dễ đến đầu canh hai ông mới chìm vào giấc ngủ được. Chưa kịp sâu giấc thì ông đã rơi vào mộng mị lạ kì.

Một mặt nước trong veo được khoanh lại bằng lũy tre xanh mướt. Vầng trăng lu lấp ló sau những đám mây trôi gấp gáp. Lúc này, mặt nước bỗng rung động rồi trồi lên những lớp sóng gối vào nhau như người ta gập cuộn vải dài. Một đụn khói đặc đùn lên trên những lớp sóng đó. Đụn khói ngày càng cuồn cuộn, rồi lờ mờ hiện ra giữa quầng khói một dáng hình trông như khuôn mặt nhưng không rõ nhân dạng, cứ đu đưa giữa gợn khói sóng. Liền sau đó là giọng nói mơ hồ lúc rõ lúc mờ vẳng lên:

- Chào ông. Ông có biết ta là ai không?
Ông Nền im lặng lắc đầu, tiếng lào khào lại tiếp:
- Ta là thần canh giữ mạch nước, trú ngụ dưới ao, mà người làng Chiện cũng như tất cả các làng ở hầu hết phía Bắc này gọi là “con Nam”.
- “Con Nam”, ma nước?! Ông Nền thoáng giật mình nhắc lại.
- Đúng rồi. Ao nào có lũy tre, cây vối, cây sung hay cây si mà chẳng có “con Nam”. Cả làng này, mà không, cả vùng Bắc bộ này đã có ai nhìn thấy “con Nam” đâu. Nhưng các người đều sợ ta và vẫn gọi tên ta mỗi khi dọa trẻ con!

- Tôi nhớ rồi. Những hôm trời tối…
- …Nhất là vào hôm tối trời, mưa phùn hay trăng suông, người lớn vẫn dọa trẻ con rằng “con Nam” sẽ rút chân nếu đứa trẻ nào dám ra cầu ao nghịch ngợm. Đúng không?
- Đúng rồi.

- Làng này ngày xưa nhà nào chả có ao. Người ta đào hố, vật thổ cơi nền nhà. Trận mưa rào đầu mùa trút xuống là thành ao thôi. Có ao rồi thì trồng lũy tre, rặng ổi, rặng nhãn bao bọc. Đường làng thì toàn hàng rào duối và cây tầm xoọng… Tối xuống bóng đen bao phủ khắp làng, trong nhà chỉ le lói ngọn đèn dầu. Mỗi cái ao sẽ có một “con Nam” trú ngụ. Nhưng nào ai biết nhiệm vụ của bọn ta là canh giữ mạch nước cho loài người.

- Quả không sai, tôi vẫn nhớ. Và đúng là tôi không biết rằng các vị là thần canh giữ mạch nước cho làng!
- Ngươi nghĩ xem, cánh đồng mất dần, tre, nhãn, vối hay cây cối đều dần bị đốn sạch và thay bằng tường gạch bê tông đã đành, đến cả ao chuôm cũng lấp hết… Phong thủy làng này sẽ đi về đâu, con cháu đời sau các người muốn sống thế nào khi mất đi mạch nước ngọt?
- Biết làm sao, vật đổi sao dời...
- Ngươi là người đứng đầu làng mà buông xuôi thế ư? Ao riêng của mỗi nhà tự họ lấp đã đành. Nhưng ao chung là của cộng đồng, là lá phổi của làng, là phong thủy đấy, ngươi có hiểu không? Mất ao nước thì mưa trời xuống sẽ chảy vào đâu? Mất ao nước thì mùa hè nóng bức cỡ nào? Lấp ao Sen chính là bịt nguồn lưu thông và trao đổi khí của cả làng. Đó là “long mạch” của cả làng đấy, các ngươi còn không nhận ra ư? Chuyện đời sau của làng thịnh vượng hay lụn bại đều phụ thuộc vào long mạch này cả! À… Đúng hơn thì chuyện của đời sau đang phụ thuộc vào quyết định của ngươi đấy!

Tiếng nói lào khào chìm dần vào giấc ngủ sâu.
Sáng dậy, nhìn vẻ mặt nhợt nhạt của chồng, bà Nền trông trước ngó sau rồi tiến lại sờ vào trán chồng hỏi khẽ:
- Đầu vẫn mát cơ mà. Mà sao mặt ông…
Ông Nền khẽ gạt tay vợ ra, nôn nóng nói:
- Bà còn nhớ “con Nam” không?
Bà Nền ngạc nhiên nhìn chồng, lắc đầu nghi hoặc:
- Con Nam nào? Mấy xóm xa thì tôi không rõ nhưng gần đây có ai tên Nam đâu.
- Không phải là người mà là con Nam ở dưới ao ấy. Tức là, tức là… con ma nước ấy, bà hiểu chưa?
- Thời buổi này còn chỗ nào cho ma nước nữa! Đến cả cái ao Sen ngày trước mênh mông thế mà khi nhà Hai Ớt đổ đất cho con nó xây nhà chiếm đến quá nửa ao, giờ chỉ còn như vũng trâu đầm mà các ông làm việc làng, việc xã cũng chả có ý kiến gì…
- Nhà nó đã xây từ hồi tôi mới đi bộ đội về. Mà không nói chuyện ấy nữa, tôi hỏi bà về chuyện “con Nam” kia, là con ma ở dưới ao do người chết đuối biến thành ấy.
Bà Nền ngẩn người nhìn chồng một chặp, rồi đập mạnh vào vai ông, bà nhìn xung quanh rồi tủm tỉm cười:

- Phải gió, ông rõ thật là… Con Nam mà năm xưa, trước ngày đi bộ đội, ông hẹn tôi ra gốc cây vối bờ ao rồi bất ngờ bảo tôi “con Nam, con Nam kìa!” khiến tôi giật mình suýt ngã phải ôm chầm lấy ông đấy hả? Nỡm! Giờ già rồi mà còn đùa!

Ông Nền nhìn vợ nhưng rồi lại đảo mắt nhìn lên trần nhà lẩm bẩm:
- Ao Sen của làng, nếu lấp đi... Nó là lá phổi, là long mạch của làng. Không được! Dứt khoát không được! Rồi con cháu mai sau sẽ chẳng còn biết ao, bờ ao, cây vối là gì. Không được! Không thể được!
Bà Nền ngơ ngác nhìn chồng, hờn dỗi:

- Tưởng nói với vợ, ai ngờ lại nghĩ đến công việc. Rõ thật là… vô duyên. Mà sao lại lấp ao Sen đi? Ngày trước ao Sen rộng mênh mông, đám đàn bà con gái đi làm đồng xuống khỏa chân rửa tay. Trai gái hẹn hò ai mà chẳng ra ao Sen! Mùa cạn thì khoét trổ đầu gầu tát nước ao Sen lên ruộng.

- Tết xưa, nhà nào nhà nấy thay nhau ra cầu ao rửa lá dong, đãi đỗ. Mưa rào đầu mùa, ao nọ thông ao kia, cá rô le te rạch theo rãnh nước chảy. Giờ thì… - Ông Nền lẩm bẩm - Thế mà bây giờ, người ta lại định lấp nốt cái ao cuối cùng của làng. Không được, không thể được! Tôi đi đã! Dứt khoát không thể mất ao Sen!

***
Chủ tịch Nền trầm ngâm ngồi trước bàn nước. Trong đầu ông chộn rộn đủ mọi ý nghĩ, hết vang lên cuộc họp của Ban Thường vụ xã tới xì xào của dân làng. Tất cả cũng chỉ nói về việc ao Sen sắp bị lấp. Một giọng đàn ông vừa rẽ vào sân nhà ông cắt ngang mạch suy nghĩ:
- Con chào bà, ông con có nhà không ạ?

- Không dám, chào anh. Ông ấy có nhà. Mời anh vào chơi.
Ngẩng đầu lên, ông Nền ngờ ngợ khi người khách mới vào thoáng có nét quen quen, nhất là đôi lông mày rậm đen hình lưỡi mác. Một tay với những ngón nần nẫn từng đốt ngắn xách chiếc cặp đen bóng nhẫy, tay kia gã xách một túi giấy kẻ ca rô. Vừa nhìn thấy chủ nhà, gã khách bước nhanh hơn và liến thoắng:

- Ôi, con nhìn thấy ông mà mừng quá. Ông biết vì sao không? Một là con thấy vẻ mặt của ông hôm nay vượng. Hồng hào, tươi tỉnh. Hai là trước khi đi con đã tính dứt khoát hôm nay ông ở nhà, vì chiều qua con vừa ngồi với anh Nhẫn chủ tịch huyện. Anh ấy bảo nể con lắm nên mới tiết lộ là trong số các xã chuẩn bị lên phường có xã mình.
- Anh là… Biểu?

Gã khách nhấc đôi chân ngắn bước lên thềm, môi vẽ ra một nụ cười nhạt thếch:
- Ôi, ôi. Con là Biển ông ạ. Trời biển mà ông. Bố con tên là Biện. Bố con đi xa làng nước vài chục năm, ở tận tít mù tắp mà vẫn giữ tên cúng cơm ông bà con đặt cho đấy. Dân chính gốc làng Chiện mà… Trong kia bố con cũng đầy đủ nhà cửa, biệt thự, cửa hàng nhưng ai nói thế nào bố con vẫn dứt khoát về làng bằng được để sống tuổi già. Sản nghiệp của bố đều để lại cho anh cả của con. May mà doanh nghiệp của con do chọn đúng hướng nên cũng phát triển được. Có lẽ cũng vì con được thừa hưởng di truyền của bố!

- Thôi được rồi. Mời anh vào uống nước.
Gã Biển ngồi, tiện tay đặt cặp và túi giấy xuống. Miệng vẫn thao thao:
- Anh Nhẫn chủ tịch huyện khi biết con là người làng Chiện thì khen ông lắm ạ. Anh ấy bảo ông tuy tuổi hơi cao nhưng vẫn rất năng động, so với các chủ tịch xã ở huyện mình thì khối anh trẻ hơn vẫn không theo kịp. Chủ tịch huyện nhận xét kĩ lắm ạ. Anh Nhẫn đánh giá tuy quyết đoán nhưng vì là người làng rất hiểu dân nên mọi sự giải quyết của ông đều rất hợp lòng mọi người.

- Anh uống nước đi, rồi có việc gì anh cứ cho biết.
- Ông ạ…
Đang cao giọng Biển bỗng nhìn ra sân, rồi thầm thì.
- Chủ tịch Nhẫn nói với con, ở tuổi ông là trường hợp đặc biệt, và với sức làm việc này của ông, anh ấy bàn với Hội đồng huyện sẽ giữ ông làm thêm khóa nữa.
- Đã hai khóa làm việc rồi, kì này tôi dứt khoát xin nghỉ để anh em trẻ họ lên, sẽ phù hợp với tình hình, trình độ của dân và xã hội lúc này.
Biển xua xua bàn tay:
- Người trẻ năng động đấy nhưng vừa linh hoạt, năng nổ và dày kinh nghiệm như ông thì ở xã này không ai theo kịp ạ. Con thấy Hội đồng quyết thì ông nên nghe theo.
- Ý huyện ủy thế nào tôi không rõ, tôi có quyết định của mình. Mà anh có việc gì…

- Vâng. Thôi thì… Ông con mình là trong họ ngoài làng với nhau. Bố con bảo đời chồng trước bà dì ruột con đâu là anh em thúc bá đằng ông…
- Điều này tôi không được rõ lắm.

- Vâng. Một giọt máu đào hơn ao nước lã… Nó quý lắm ông ạ. Vì thế nên một trong những nhiệm vụ của thế hệ sau chúng con là cứ phải lo sức khỏe cho thế hệ đi trước. Riêng ông hết lòng vì làng, vì dân như thế, chúng con càng phải lưu tâm. Con vừa đi Hàn Quốc về có mua được ít đông trùng hạ thảo và cả sâm Cao Ly gốc của Bắc Hàn, con biếu ông mấy hộp. Hai thứ này ngâm với năm lít rượu, nửa tháng sau thì dùng được. Ông cứ uống một chén con trước khi đi ngủ mỗi tối, thì cứ gọi là hết chê, thanh niên còn chạy không kịp.

Vừa nói, Biển vừa lôi các thứ ra đặt lên bàn.
Ông Nền nhíu mắt:
- Anh cất các thứ đi. Tôi mới gặp anh lần này là lần thứ hai, chưa quen biết gì nhiều…
Biển bật bật tay trên hộp đông trùng:

- Con biết ông giữ ý. Tuy mới quen biết nhưng con rất quý ông, và dù sao chúng ta cũng là người có dây mơ rễ má với nhau. Con xin thưa với ông, con có chi nhánh công ty đã đặt ngoài này gần hai chục năm nay nên con nắm tình hình làng ta, xã ta rất vững. Hội làng, lễ lạt con đều về thắp hương lễ tạ. Các cụ linh thiêng phù hộ nên con mới được về làm dự án ở làng ta.

- Chúng tôi đã quyết đâu mà anh nói dự án làng ta!
Biển chẹp miệng, mắt nhiu nhíu:
- Thưa ông, khoảng cuối năm nay, đầu năm sau thôi, xã ta sẽ lên phường. Lúc ấy thì nước sạch đến tận nhà. Cần gì giếng, ao nữa. Còn chưa kể ao nhiều muỗi dĩn lắm, bệnh tật ở đấy mà ra chứ đâu. Vì thế mà ao riêng trong làng đều đã được lấp hết. Chỉ còn cái ao Sen rộng mênh mông là của chung…
Ông Nền lắc đầu:

- Anh nói thế, tôi không tán thành lắm.
- Vâng vâng. Con cũng đã biết ý ông trong việc này, nên con cũng thưa với ông. Nếu dự án được quyết thì không chỉ là công trình kỉ niệm sự kiện năm 46, mà còn là dự án xây dựng đôi chung cư đứng sau để tôn thêm vẻ hoành tráng của công trình kỉ niệm.
Ông Nền tự nhiên đứng phắt lên, mặt nghiêm lại, chỉ tay ra cửa:
- Anh nói hết rồi chứ. Giờ thì thu tất cả những thứ này vào rồi đi ra khỏi nhà tôi ngay!

Sau khi tiếp tay Biển, trong lòng chủ tịch Nền không mấy yên nên ông đảo qua Ủy ban xem có việc gì cần giải quyết gấp rồi thủng thẳng đi ra bờ ao Sen.

Lúc đó trời đã chạng vạng. Những đụn mây xếp đống vào nhau đã ngả màu xám của bóng đêm. Ông Nền nhìn khắp mặt ao Sen.
Đúng là so với ao Sen thời ông còn trẻ thì giờ chỉ còn non nửa. Ngày trước mặt nước mênh mông, đứng từ bờ này nhìn sang bờ bên kia thấy ngút ngát. Bụi tre có tổ của cặp cuốc đen mà xẩm tối hè nào cũng gióng giả cất lên tiếng “cuốc, cuốc” rộn rã cả góc làng bé xíu, nghe vời vợi. Đôi le le đang bơi nhanh cạnh những con vịt cuối cùng của đàn vịt trắng toát trong bóng chiều đang lạch bạch lên ghềnh ao. Mặt ao mênh mông đến trưa ngày hè trảng, nước ruộng nóng bỏng mà đi bắt cua về lao xuống vẫn thấy nước ao Sen mát rượi, gió từ ao thổi vào làng hây hẩy.
Vậy mà bây giờ…

Mặt ao thắt lại, nhà lấn chiếm lô xô nhô ra thụt vào lộn xộn. Ánh điện trong nhà xỉa ra cắt lìa mặt nước thành những khoang tối. Giọng karaoke nhão nhoét, ông ổng giao nhau dai nhẵng… Một đài kỉ niệm hiện ra sau đó là đôi tòa nhà chung cư cao vút, lừng lững trồi lên thì làng Chiện này… Còn gì nữa…

Đêm xuống hẳn. Ông Nền đứng lặng. Mặt áo sẫm một màu nhung. Có tiếng quẫy nhẹ của con cá trên mặt nước. Ngọn đèn từ cột cao thế bật lên, xỉa xuống mặt ao loang ra thành những vòng tròn hao hao ánh trăng suông. Vòng tròn cứ loang ra lẫn vào tiếng lào khào vẳng lên từ mặt nước ngổn ngang, lãng đãng những mảng bèo cái trôi vô định:
- Không được lấp ao Sen!

Chủ tịch Nền vừa đưa mắt nhìn khắp mặt ao cố tìm nơi phát ra tiếng nói, trong khi miệng ông lẩm bẩm nhắc lại:
- Không được lấp ao Sen!

Ngay sau đó, câu nói vang rõ hơn, loang rộng trên mặt ao trong veo loang loáng vòng ánh sáng vân vi:
- Không được lấp ao Sen… Không được lấp… ao… Sen!

Bài liên quan
  • Đào bích ngược ngàn
    Đã là ba mươi tháng Chạp. Cây đào phai già bên con dốc từ trạm y tế xã Mường Va lên Trạm biên phòng 19 đã khoe những bông đầu tiên. Không ai biết cây đào đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng trên cái gốc vâm váp sần sùi của cây là vết tích của những cành to bằng cánh tay người đã bị gãy do thời gian, là mấy cành nhỏ còn vết dao chặt do cái thú chơi cành cắm lọ của mấy người miền xuôi năm trước và cả cái cành lả thế hoành duy nhất và đẹp nhất vào cuối năm ngoái.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Bóng làng nơi đáy ao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO