Về bến nước xưa
Mẹ thường hay nhắc về cái bến sông nhỏ nằm bên dòng sông chảy thẳng. Tôi hỏi mẹ nơi ấy có gì vui để mẹ cứ nhắc nhớ suốt một đời, cho đến khi chúng tôi đã không còn sống trong cái xóm buồn tẻ xung quanh bao bọc bởi những cánh rừng thăm thẳm, sớm chiều chỉ nghe mỗi tiếng vượn hú, chim kêu. Mẹ tôi cười hiền khô.
Chính mẹ cũng thấy lạ, nhớ gì không nhớ, lại đi nhớ da diết cái bến sông vô tri chắc giờ sóng đánh cũng sụp lún ít nhiều, thay hình đổi dạng. Mãi sau này tôi mới biết không phải mẹ tôi nhớ bến sông xưa, mà là mẹ nhớ những kỷ niệm đã từng có trên cái bến sông quê hiền lành ấy.
Nhớ người trên bến.
Mẹ đã gom củi khô vào chất lên giàn bếp chuẩn bị cho một mùa mưa dài. “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ” – bà ngoại tôi hay nói vậy. Nhìn bầu trời những buổi chiều quê có màu mỡ gà, mẹ tôi đâm lo. Ở xứ này, mỗi độ cuối hè trời thường mưa dầm dề từ sáng sớm đến tận chiều tối. Có khi củi khô ướt sạch, mẹ phải nhóm lửa một lúc lâu mới bén. Tôi ngồi trên vạc đợi mẹ nấu cơm, bụng tôi đói lả, kêu rồn rột. Mẹ tôi chắt nước cơm vào trong bát rồi bỏ vào đó tí đường, đưa cho tôi. Tôi đón lấy, húp lấy húp để. Mẹ hỏi bộ nước cơm pha đường ngon lắm hay sao mà tôi húp đến cạn bát vậy. Tôi gật đầu lia lịa. Đang đói thì cái gì vào miệng cũng trở thành sơn hào hải vị cả. Mẹ cười, lấy tiêu đâm nhuyễn rắc lên mẻ cá kho đang dần khô nước.
Lần nào dọn cơm, mẹ tôi cũng tỉ mẩn chia thức ăn ra làm hai phần. Một phần mẹ dọn lên bàn, tôi với mẹ ngồi xoay mặt vào nhau ăn. Một phần mẹ lấy lồng bàn úp lại. Con mèo mướp cấp rày hư, thi thoảng lại ủi lồng bàn rơi xuống đất, cơm canh văng tứ tung. Mẹ tôi giận quá lấy roi đánh nó chạy ra tận ngoài bờ chuối ngồi kêu không cam tâm. Cơm canh đổ, mẹ tôi nấu lại nóng hôi hổi rồi lại úp trong lồng bàn, lấy tấm thớt dằn lên cẩn thận. Tôi lạnh lùng nói:
- Mẹ để vậy rồi cũng nguội. Ba có về ăn đâu.
Đó là vì chiều nào tôi cũng thấy mẹ hâm lại phần thức ăn đã chừa trong bữa cơm sáng rồi hai mẹ con cùng ăn. Còn thức ăn mẹ để dành buổi chiều cho ba, đêm đến ba không về ăn, sáng lại nguội lạnh meo mốc, mẹ tôi lại đổ đi. Tiếc lắm! Mẹ nhìn tôi rồi nhìn lảng ra sau nhà, qua song cửa gỗ, mấy ngọn khói tản mác bay ra cánh đồng xa tít. Khoảnh khắc ấy tôi thấy mẹ rơm rớm nước mắt. Tự dưng tôi ân hận, giá như tôi không nói với mẹ những lời ấy, chắc mẹ tôi đã tạm quên nỗi niềm riêng mang.
Bữa cơm cứ lặng lẽ trôi qua. Mỗi thời khắc nặng như quả tạ đè xuống trái tim tôi, đè xuống hình bóng khắc khổ của người mẹ hiền từ đang ngồi trước mặt tôi và nhanh từng miếng cơm cho xong bữa.
Vậy là những ngày đầu tiên của một kỳ mưa dầm đã đi qua. Ba tôi không về. Đêm xuống, trời mưa rỉ rả, những hạt nước li ti rớt xuống mái lá lộp bộp, rớt xuống miếng tôn để trên miệng lu làm máng dẫn nước. Bến sông hiu hắt. Bên kia sông, những nhà khác đã đóng cửa cả rồi, mấy ngọn đèn leo lét trong nhà tỏa ra thứ ánh sáng yếu ớt, tưởng chừng như bóng đêm sắp sửa nuốt chửng. Xóm ven rừng vẫn chưa có điện, mỗi chiều tôi với mẹ phải bơi xuồng ra xóm ngoài mua dầu lửa về thắp sáng. Mẹ nghe tiếng chó sủa rần rần ngoài xóm, nóng ruột xách đèn ra xem. Ngang qua buồng tôi, mẹ cố nhón chân thật khẽ vì tưởng rằng tôi đã ngủ. Thực ra tôi vẫn còn thức. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Mẹ mong ba về, riêng tôi thì nửa mong, nửa lại không. Tôi mong ba về vì ba chính là niềm hy vọng lớn lao nhất của mẹ tôi lúc bấy giờ. Nhưng tôi cũng sợ ba về, vì mỗi lần ba về không khí trong nhà lại trở nên căng thẳng. Ba chưa bao giờ đánh mẹ, cũng chưa một lần nặng lời. Nhưng ba tôi lạnh lùng. Với mẹ, sự lạnh lùng của ba còn đau đớn gấp trăm lần một cái tát tay hay một lời chửi rủa.
Nằm trong buồng, tôi biết đêm ấy ba tôi về. Song ba tôi không ngủ lại nhà mà lại ra đi với một túi quần áo. Mẹ theo ba ra bến sông. Trong bóng tối, mẹ tôi bước đến nắm lấy tay ba, tôi nghe mẹ nói ba đừng đi, hãy ở lại nhà với tôi và mẹ. Ba tôi ậm ừ. Mưa lại đổ. Những đêm mưa buồn xé lòng. Tôi không dám bước xuống khỏi giường nhưng lòng cứ nhấp nhổm ra ngoài bến sông. Mưa làm mẹ tôi ướt sũng. Ba đi. Bóng ba hòa vào trong bóng tối, mất hút giữa rừng khuya giá lạnh. Mẹ tôi đứng lần khân ngoài bến sông một lúc rồi trở vào nhà. Vẫn cái bước đi nhỏ nhẻ vì sợ tôi thức giấc.
Nhưng tôi có ngủ được đâu. Tôi đã bước xuống giường tự hồi nãy và đứng nép sát vào trong vách nhà dõi theo nhất cử nhất động của mẹ. Mẹ tôi bước qua khỏi cửa, bắt gặp tôi với đôi mắt ráo hoảnh và đôi môi mếu xệch vì thương mẹ quá, mẹ tôi chết lặng. Tôi nức nở, tiếng tôi lại hòa cùng tiếng mưa:
- Mẹ ơi! Sao mẹ cứ đau đáu hoài một người chưa bao giờ thương mẹ, hả mẹ?
Im lặng chốc lát, mẹ tôi ôm choàng lấy tôi. Rồi mẹ đẩy tôi ra, lấy tay lau nước mắt đang chảy trên khuôn mặt của đứa con gái mà mẹ yêu thương hết lòng:
- Tím ơi, đừng nói vậy! Đừng trách ba của con, Tím ơi!
Lúc đó tôi thấy mình giận sôi nước mắt. Mẹ tôi ra sức bênh vực ba tôi, trong khi ba tôi có bao giờ xem mẹ là người chung chăn gối. Tôi biết mẹ yêu ba. Và tình yêu của mẹ cũng mênh mông như con sông chảy qua trước nhà, xẻ đôi cánh rừng, chia thành hai bờ nối nhau bằng những nhịp cầu lỏng lẻo. Tôi chẳng hiểu vì sao, chỉ thấy mình giận ba tôi quá! Với tôi, cuộc đời chỉ hạnh phúc khi có mẹ mà thôi!
- Ba bỏ đi rồi. Nếu ba thương con, thương mẹ, thì ba đâu có bỏ đi trong đêm mưa lạnh lẽo này!
Mẹ nắm tay tôi bước đến ngồi xuống giường. Mùng mền ấm áp bỗng dưng lạnh như lòng của ba tôi. Mẹ thắp thêm một ngọn đèn dầu nữa. Lúc này tôi mới thấy mặt mày mẹ tôi đã xám xanh vì lạnh, đôi môi mấp máy, mái tóc bết lại, lòa xòa. Thanh xuân của mẹ đã héo úa trong ngôi nhà nhỏ ở bìa rừng hoang lạnh này. Cuộc đời của mẹ là những ngày tháng một mình giữ lửa cho gian bếp, giữ bữa cơm canh nóng hổi trong lồng bàn, giữ yêu thương cho căn nhà và chuỗi ngày chờ đợi một người chưa trở lại. Tôi hỏi mẹ tiếp, bằng sự sốt sắng của một đứa con gái mười lăm mười sáu chưa hiểu gì nhiều, chỉ biết thương mẹ bằng tình thương vô tận:
- Mẹ ơi! Có phải ba không cần mẹ, không cần con… Phải vậy không, mẹ?
Mẹ nhìn tôi, đôi mắt mẹ như chạm sâu vào đáy mắt của tôi. Mẹ chậm rãi nói:
- Không đâu, con! Không phải lỗi của ba đâu. Lỗi là ở mẹ.
Tôi nhìn mẹ trân trối. Những dấu hỏi ngổn ngang trong đầu.
- Tím, mẹ định khi nào con trưởng thành mới nói cho con nghe một điều mà mẹ đã giữ kín mười sáu năm nay, chỉ có ba và mẹ biết. Nhưng…
- Điều gì, mẹ nói đi, mẹ! – Tôi tha thiết.
- Tím, con không phải… không phải là con ruột của ba con.
- Trời ơi, mẹ! – Tôi sững sờ, lòng như có mưa xối vào, rát rạt – Vậy là sao, hả mẹ?
Mẹ tôi nhìn mưa rơi xiên xiên ngoài mái hiên. Mẹ từ từ kể cho tôi nghe về những điều mẹ cất giữ trong lòng. Thì ra, trước khi đến với ba tôi, mẹ đã mang tôi trong bụng. Tôi chính là kết quả của một cuộc cưỡng đoạt bởi người chỉ yêu mẹ chứ mẹ không đáp trả lại tình yêu. Mẹ chỉ yêu ba tôi. Mẹ đến với ba tôi, lấy tình yêu sâu nặng mà khỏa lấp những sai trái của mình. Ba tôi vẫn tin rằng con bé tên Tím mà từng chiều ba cõng trên lưng ra đồng thả diều, lội qua con sông nhỏ mọc đầy bông súng tím… chính là con ruột của ba. Cho đến một hôm mẹ tôi nói ra sự thật… Vì những cắn rứt trong lòng…
Ba không hận mẹ tôi. Ba cũng không bỏ mẹ tôi ngay lúc biết mẹ đã dối ba. Nhưng ba tôi mỗi ngày một lạnh lùng hơn; còn tình yêu mà mẹ dành cho ba ngày một sâu đậm hơn. Nó giúp mẹ vượt qua sự ghẻ lạnh của ba, đợi chờ ngày ba quay trở lại hâm nóng căn nhà, nối lại những yêu thương đứt quãng.
Nhưng rồi ba có trở lại hay không? – Tôi nghĩ vậy. Mùa mưa đã sắp hết. Mưa ngớt đi và trên trời thường xuất hiện những đám mây ngũ sắc bay ngang qua cánh rừng vạn dặm. Tôi hay ngồi ngoài bến sông tết tóc. Mẹ ngồi gỡ đầu, thoảng lại nhìn ra sông xa. Mùa nước ngọt, sông đục ngầu, hai bên cỏ mọc xanh um. Cái bến sông này mẹ từng đón đợi ba về và tiễn chân ba đi đâu đó, khi hai ba hôm, khi mười ngày, nửa tháng… Cái bến sông hằn in bóng hình của ba tôi, gợi nhắc trong tim mẹ bóng hình người mẹ yêu thương nhưng chẳng thể nào giữ chân được.
Chúng tôi quyết định ra đi. Rời khỏi bến sông này. Rời khỏi căn nhà lá lụp xụp bao mùa nắng mưa vẫn vững vàng bên bờ sông năm cũ.
Ngày đi, tôi thấy mẹ tôi buồn lắm. Mẹ cứ đứng ngẩn ngơ nhìn căn nhà, nhìn bến sông quen, nhìn cái máng xối, cái lu đã nứt… Mẹ nhìn xa xôi, về phía cánh rừng thăm thẳm. Tôi biết mai này đây mẹ sẽ nhớ chốn cũ, người xưa rất nhiều. Nhưng có lẽ đi là cách duy nhất để mẹ tôi vơi bớt những muộn phiền đã qua, cũng là để mẹ tôi nguôi ngoai nhớ thương một người không bao giờ trở về với mẹ.
Mùa mưa năm này nữa là đã ba mùa mưa qua. Mùa mưa nào cũng y chang nhau, nhưng mẹ tôi vẫn phân biệt rành rọt và cứ nhắc nhớ về những mùa mưa đi ngang qua căn nhà lá lúp xúp bên bờ sông thẳng tắp. Tôi đưa mẹ đi chơi, tôi gợi những câu chuyện vui hay bày biện nấu món nọ, món kia cho mẹ thôi nhớ về chuyện cũ. Nhưng dù làm gì tôi cũng vô tình khơi lại, như món canh chua tôi nấu lại gợi mẹ nhớ buổi chiều nhổ bông súng nấu canh chua cá rô đồng úp sẵn đợi ba về… Mẹ lại ngoái nhìn về quá khứ.
Mẹ vẫn thường lội ngược dòng ký ức để tìm về ngôi nhà xưa. Chắc giờ ba tôi đã ở hẳn lại căn nhà, hoặc đã dựng lên nhà gỗ, nhà tường cho kiên cố, thay thế căn nhà lá lúp xúp bên sông cất giữ những kỷ niệm buồn. Mẹ đoán vậy.
Một ngày cuối mùa mưa, mẹ nói với tôi đi thăm một người bạn trong thành phố. Tôi không để ý lắm. Mẹ đi gặp gỡ bè bạn tôi lại càng mừng, vì mẹ đã tìm thấy niềm vui ở cái nơi chông chênh phố phường, tưởng không một ai quen thuộc này. Nhưng mẹ đi từ sớm đến chiều, đến tối mịt vẫn chưa về. Tôi hốt hoảng. Gọi điện cho bè bạn của mẹ, tôi chỉ nhận lại cái lắc đầu. Trong lúc rối rắm, tôi sực nhớ về chốn cũ, bến xưa. Tôi ngờ ngợ ra rằng mấy hôm trước mẹ tôi có bồi hồi nhắc về bến sông năm cũ.
Tôi về lại bến sông xưa. Căn nhà cũ vẫn còn. Nhà lá nhưng cao ráo, sạch sẽ như hồi chúng tôi còn ở đó. Ngọn khói bếp vẩn vơ bay lên mái lá, tan vào không trung. Tim tôi rung lên trong lồng ngực. Tôi bước đến gần hơn. Trời ơi, còn ai khác ngoài mẹ tôi tóc búi sau gáy đang cặm cụi thổi lửa nấu cơm trong gian bếp cũ đã từng nuôi tôi khôn lớn? Mẹ tôi kia rồi! Mẹ ơi – Tôi định thốt lên, nhưng cổ họng tôi nghẹn lại khi thấy ba đang ngồi uống trà trên vạc nhìn mẹ tôi, cười hiền. Giọng ba trầm trầm ấm ấm:
- Má con Tím về ở với tui nghen. Tui biết tình yêu trong bà dài như sông, không bao giờ vơi cạn.
Nước mắt tôi đầm đìa…/.