Truyện

Ăn Tết nay yêu Tết xưa

Truyện ngắn của May 08:22 27/01/2025

Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.

tetxuataetnay.jpg
Minh họa của họa sỹ Ngô Xuân Khôi

Con dâu bà tuy vụng đường gia chánh nhưng bù lại được tiếng cười giòn và nét mặt lúc nào cũng tươi như hoa mới nở. Nó đi đến đâu, nhà cửa rộn ràng đến đấy, dường như tiếp thêm sinh khí cho mấy tầng nhà xưa nay vốn lặng trầm, yên ắng.

Chỉ có một điều bà chẳng ưa nổi ở con bé, ấy là cái nết ăn uống đến lạ. Chao ôi, nó ăn bún đậu với nước mắm, nước rau muống luộc thì chẳng buồn vắt thêm vài giọt chanh hay dầm tí sấu. Có lần bà còn thấy nó trút hẳn miếng xôi gấc vào bát chè đỗ đen, trộn đều lên rồi cứ thế xúc ăn. Cái thức quà xôi vò chè hoa cau ấy thanh cảnh chừng nào, thế mà con bé biến tấu thành một món thật khó tả. Chẳng phải bà xét nét, nhưng ăn thế có phí hoài miếng ngon không cơ chứ!
Tết này, phải chỉ dạy con bé thấy rõ cách ăn, cách nấu tinh tế của nhà bà. Không biết nấu thì ít ra cũng phải biết ăn, đằng này…

Nghĩ vậy, bà sốt sắng hẳn lên, trong đầu đã liệt kê ra vô số món. Chồng và con trai năm nào cũng phàn nàn kêu bà cầu kỳ. Ơ hay, mỗi năm có nhõn một cái Tết, không giữ lấy nếp ăn truyền thống thì đến lúc bánh chưng, xôi gấc cũng chẳng còn, chỉ còn lại cái “Tết fast food” nửa nạc nửa mỡ. Thế nên ai càu nhàu thì mặc ai, bà vẫn lui cui tự nấu nồi thịt đông có thể cắt thành từng miếng trong veo như miếng thạch, vẫn cầu kỳ chọn từng thức rau củ để nấu bát canh bóng thả, tốn đến vài ngày để kho miếng cá trắm chắc nịch đậm đà, rồi cẩn thận đặt mua bánh chưng, giò xào, giò lụa trước cả tháng trời, để chắc chắn có chiếc giò gói lá chuối, buộc lạt đúng chất xưa, có vài đôi bánh vừa xanh vừa rền để bày lên ban thờ. Đành rằng chẳng ăn được là bao, nhưng nếu chẳng sắm sanh cho tươm tất, bà cứ thấy lòng chống chếnh.

Bữa cơm tối hôm ấy, khi cả nhà rôm rả bàn chuyện Tết, con dâu bà nhanh nhảu: “Tết này để con đặt bánh chưng nhé mẹ. Bạn con làm bánh chưng ngũ sắc, ăn vừa ngon vừa đẹp mẹ ạ.” Con bé vừa dứt lời, con trai bà đã cười tủm tỉm: “Đố em thuyết phục được mẹ mua bánh chưng ngũ sắc về ăn Tết nhá.”

“Nhà mình xưa nay chỉ dùng bánh chưng xanh vào dịp Tết thôi con ạ,” bà cau mày. “Truyền thống bao đời của các cụ là vậy, biến tấu cũng phải tùy dịp, tùy nhà.”

Bà đã nói khéo như thế, tưởng con bé biết ý mà thôi. Ai ngờ, nó vẫn khăng khăng: “Tại mẹ chưa thử ăn đấy thôi. Thi thoảng đổi mới một tí, các cụ có khi lại vui đấy ạ.”

Bà im lặng, chẳng nói gì mà đâm cáu trong lòng. Đất nào có bánh chưng đỏ, bánh chưng đen thì bà không biết, nhưng ở cái đất Hà thành này, bao đời nay tấm bánh chưng chỉ khoác một màu xanh mướt của lá riềng, của sắc lá dong phôi ngấm vào hạt gạo. Đổi cái màu thì cũng thay cái vị, cái hương, bà còn thấy lòng không an, huống gì dám dâng lên tiên tổ.

Chồng bà thấy không khí hơi chùng xuống, vội giảng hòa: “Con cứ mua hai chiếc về nhà mình ăn chơi đổi vị. Trẻ con đến nhà bày ra mời chúng nó trông cũng thích mắt. Bà nó thì cứ đặt mua bánh chưng xanh như mọi năm. Bố con tôi cũng không thiếu bánh chưng xanh được.” Con dâu vui vẻ “vâng ạ”, còn bà thầm thở dài. Đấy, chưa gì mà bà đã thấy dấu hiệu của một cái Tết chẳng mấy xuôi chèo, mát mái.

Tháng Chạp trôi nhanh trong vài bận rét ngọt cứ đi rồi đến, trong lòng xốn xang mong Tết và sợ Tết của bao người. Tết ở nhà bà thì mỗi ngày đầy thêm một chút. Nay, bà hỉ hả đong được mấy cân nếp nương vừa dẻo vừa ráo. Mai, bà mua được xâu nấm hương rừng nhỏ xíu mà thơm đáo để. Bà bạn thân lại vừa gọi điện, rỉ tai rằng đứa cháu ở quê đang có sẵn bầy gà sống thiến thả vườn, vừa ngon cho dịp Tết. Con dâu bà cũng xăng xái với công đoạn sắm Tết lắm. Cách Tết một tuần, con bé đi làm về xách theo túi to túi nhỏ. Bà cảnh giác nhìn nó hí hửng lôi ra từng món, nào là lườn ngỗng hun khói, chân gà cay, táo đỏ sấy giòn, sữa chua sấy, mấy bịch mứt dừa đủ màu thái miếng to bằng cả hai ngón tay...

Hóa ra Tết với chúng nó giờ là thế đấy. Bà lại nhớ đến những ngày còn bé, giáp Tết lạnh căm là vùi đầu vào chảo mứt dừa trắng tinh như bông bưởi, chảo mứt gừng vàng dịu cay nồng, mứt cà rốt rực lên như ánh lửa. Cầm miếng mứt dừa trắng nõn trên tay mới thấy xốn xang, dù đã lâu rồi, già ngại ngọt, bà chẳng còn mua mứt về bày.

Tết đến thật rồi. Sáng mồng 1, bà dậy từ tinh mơ, đun nồi nước mùi già thơm nức rồi bắt tay vào chuẩn bị mâm cúng đầu năm. Khi nồi xôi gấc đỏ đã lên hơi nghi ngút, con gà luộc đã vớt khỏi nồi, chồng bà cũng trở dậy, rửa mặt bằng nước lá mùi rồi xắn tay vào giúp vợ.
Mâm cỗ bày ra đã gần đủ đầy. Con gà chặt khéo xếp vào chiếc đĩa sứ thuôn dài, xôi gấc mòng mọng đỏ, nồi canh măng sôi tăm trên bếp. Bà tỉ mẩn pha bát nước mắm để lát nữa trộn đĩa nộm đu đủ giòn thơm. Chừng đó mới thấy cô con dâu mắt nhắm mắt mở đi xuống từ trên gác.

“Thơm quá”, nó hít hà. “Sao mẹ không gọi con dậy?”.
“Cứ ngủ đi”, bà nói mà không ngước mắt nhìn lên. “Bố mẹ làm quen rồi, vèo cái là xong thôi”.

“À”, con bé reo lên như nhớ ra gì đó. “Mình rán thêm đĩa chả mực không mẹ? Hôm trước con có mua mấy cân chả mực giã tay ngon lắm.”

Trời đất ơi, bà sững cả người. Vẫn biết con bé vụng ăn vụng nấu, nhưng ai mà ngờ nó lại đểnh đoảng đến mức này.
“Đầu năm sao mà ăn được chả mực, con ơi là con”, bà rền rĩ. “Con định cho nhà mình đen đủi cả năm à? Ít nhất cũng phải kiêng hết tháng Giêng.”

“Ui, mấy chuyện kiêng cữ ấy có căn cứ đâu hả mẹ”, con bé liến thoắng. “Mà con thấy có mỗi nhà mình kiêng. Bạn con bán chả mực đắt hàng lắm. Người ta mua ăn cả cuối năm, đầu năm, có ai bị làm sao đâu“.

“Nhà ai không biết nhưng nhà này không thế”, bà gắt lên. “Thiếu gì thứ mà lại phải ăn chả mực đầu năm.”
“Thôi thôi”, chồng bà lại đỡ lời. “Để đấy làm cỗ rằm tháng Giêng là đẹp. Lâu lâu bố cũng không ăn chả mực. Hôm đó bà thổi thêm ít xôi trắng ăn kèm là nhất đấy.”

Con bé vâng dạ với giọng tiu nghỉu. Dường như nó cũng biết lỗi nên suốt cả buổi chỉ im lặng làm chân sai vặt. Nhưng đến khi hạ cỗ xuống để cả nhà dùng cơm thì lại có chuyện.

Vốn bà đã muối sẵn một vại con dưa muối, hành muối để ăn kèm trong Tết. Nào là bánh chưng, giò xào… thiếu miếng dưa chua vàng hườm, củ hành muối giòn tan thơm nức là cái vị chưa tròn. Ấy thế mà trong mâm cỗ rặt những thứ truyền thống, con dâu bà lại bưng ngay ra một hộp kim chi.

“Cỗ Tết Việt Nam chứ có phải Hàn Quốc đâu mà lại ăn với kim chi”, bà nhăn mặt vì mùi tỏi ớt nồng xộc bay lên mũi. “Dưa hành của các cụ ngon thế này thì không ăn, cứ sính ngoại.”

“Ai thích ăn gì cứ ăn”, chồng bà xua tay. “Ngon miệng là được, câu nệ làm gì.”

Bà chẳng nói gì, con bé cũng im lặng. Trong mâm cơm chỉ còn hai bố con thi nhau kể chuyện, pha trò. Bữa cơm đầu năm cứ thế mà trở nên nhạt nhẽo.

Xế chiều, hai vợ chồng thằng con xin phép đèo nhau đi chùa. Ông pha ấm trà Shan tuyết, rót cho bà một chén rồi thủ thỉ: “Tôi biết bà cũng muốn gìn giữ nếp xưa cho cả nhà, nhưng cách biệt thế hệ, đôi khi cũng phải thông cảm cho chúng nó bà ạ. Ít nhất con bé cũng còn thích Tết, thích quây quần với cả nhà. Ấy là quý nhất rồi.”
Bà im im, chợt nhớ đến bà bạn thân của mình. Bà ấy có những ba đứa con, nhưng Tết này vẫn lẻ loi một mình. Đứa kêu đường sá xa xôi nên ở lại ăn Tết trong Sài Gòn, đứa thì đã đặt vé đi du lịch đến tận mùng ba, đứa ở nhà thì chỉ khoái tụ tập, check-in cùng bè bạn, nào quan tâm mẹ đón Tết ra sao. Còn con dâu bà, ấy thế mà nó cũng… yêu Tết.

“Nào, bà ăn thử miếng mứt dừa này xem, con dâu mua đấy “, ông giục. “Nó bảo mứt dừa non sao với đường mía thô, ít ngọt, bố mẹ cứ yên tâm mà ăn.”

Ông cứ nài, bà cũng đành cầm lên một miếng. Ô, miếng mứt dẻo mềm thế mà lại hay. Lâu lắm bà không dám cầm lên miếng mứt Tết nào vì sợ vị ngọt ngấy tận chân răng. Còn miếng mứt trên tay bà lại ngọt thanh vừa phải, nhấp thêm ngụm trà chát nhẹ mới hợp làm sao.

Sáng mồng 2 Tết, bà vẫn dậy sớm nhất trong nhà, đun thơm nồi nước lá mùi rồi soạn sửa mâm cơm. Đĩa nem đã rán, nồi nước dùng nấu canh bóng thả đã hầm liu riu, con dâu bà bước xuống nhà sớm hơn sáng hôm qua. Nó nhanh nhẹn rửa mặt bằng nước lá mùi, rồi lại gần bà thỏ thẻ: “Hôm nay nhà mình có làm nộm đu đủ nữa không mẹ? Nếu có thì mẹ dạy con nhé, chiều con về trổ tài cho bố mẹ con xem. Con mê món này lắm, mà không biết làm sao cho ngon.”

“Thế thì lấy nửa quả đu đủ trong tủ lạnh ra gọt vỏ đi cho mẹ”, bà cười. “Món này khó ở nước trộn nộm thôi. Pha được nước mắm ngon thì kiểu gì nộm cũng ngon.”

Thế là món nộm đu đủ bỗng dưng lại khiến căn bếp rộn ràng cả lên. Trên bàn ăn, hũ kim chi im lìm xếp cạnh vại dưa, cà đang ươm vàng đến độ. Còn trong bếp, có một người trẻ và một người già đang chụm đầu pha bát nước mắm chua, cay, mặn ngọt. Tết bỗng tròn vị lạ lùng./.

Bài liên quan
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ăn Tết nay yêu Tết xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO