Truyện

Tàu xuôi ra Bắc

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy 22/07/2024 15:10

Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.

tau-xuoi-phuong-bac-_o.jpg
Minh họa của Lê Tiến Vượng

Tôi thoáng nhìn, không thấy bực bội khó chịu. Trang cũng vậy, cô nhìn tôi - vị khách lạ mà cô vừa mới quen, cười hiền.

- Anh xuống ga nào? - Trang hỏi.

- Ga Huế! Còn em?

- Em chưa biết.

Tôi ngạc nhiên nhìn cô. Trang đẹp, nhưng trong mắt thẳm sâu nỗi buồn. Cô nhìn xa xăm qua ô cửa con tàu, ngắm những hàng cây vụt qua, những núi đồi nhấp nhô, làng mạc bình yên tỏa khói trong sớm mai sương mờ bảng lảng.

Tàu đang đi trên miền Trung mến thương - dải lụa mềm bên bờ sóng biển. Thỉnh thoảng, tàu tôi chạy qua cung đường ray cạnh biển. Tôi nhìn thấy muôn ngàn ngọn sóng trắng nhấp nhô trên mặt biển xanh. Đối diện với tôi, Trang vẫn đang say sưa cùng cảnh sắc nước non mình, nhưng trong mắt vẫn là một trời buồn rượi. Sự vô định của Trang khiến tôi nhớ đến mình của mấy năm về trước, khi ấy tôi còn trẻ, còn yếu mềm trước những sóng gió cuộc đời để rồi xách ba lô vào ga Sài Gòn trong một chiều mưa đổ, mua một tấm vé. “Đi đâu, anh?” - Cô nhân viên bán vé hỏi vội vì sau lưng tôi còn mấy người khác đang xếp hàng đợi. “Về Bắc” - Tôi đáp. “Tỉnh nào? Ga nào? Anh vui lòng nói cụ thể!”. “Hà Nội”. Thật tình lúc đó Hà Nội vang lên trong vô thức, bởi trên hành trình Nam - Bắc, Hà Nội là ga xa nhất. Trên đường đi, tôi muốn xuống đâu tùy thích.
Đó cũng là lần tôi ngồi chuyến tàu dài nhất trong đời, với một trái tim vỡ vụn.

Tôi hiểu tâm trạng của Trang lúc này, có những khoảnh khắc trong cuộc đời người ta vô định đến thế, như thể mình đang trôi trên một dòng nước, bồng bềnh cùng đám mây, không biết mình sẽ đi đâu và làm gì trong thời gian sắp tới.

Cảnh ngoài ô cửa đẹp, hệt như tranh vẽ. Mỗi năm tôi về Huế một lần, khi thì họp mặt bạn bè bên dòng sông Hương thơ mộng, khi đi công việc, hoặc... nhớ Huế thì về để xem “xứ Huế bây chừ có khác xưa”. Không hẹn hò trước với ai, cũng chẳng “phát tín hiệu” lên Facebook như ngày tôi còn trẻ, mỗi khi đi đâu lại canh góc để chụp những tấm ảnh thật đẹp “post” Facebook. Tôi cứ im lặng và đi, và trải lòng mình cùng non nước. Từ Sài Gòn ra Huế cũng mất gần một ngày ngồi tàu. Tôi gặp Trang ở đoạn Ninh Thuận - vùng đất của cát trắng và nắng cháy, của những vườn nho xum xuê bên đường tàu. Tôi nhớ nụ cười của Trang lúc mới vừa gặp tôi, nụ cười rất tươi - dù tôi biết Trang đang không thực vui trong lòng. Nụ cười của cô gái Chăm tỏa nắng.

Tàu vẫn đi trong tiếng còi ngân dài không trung. Ngày nắng đẹp, biển xanh thăm thẳm. Những ngọn núi hùng vĩ của miền Trung căng tròn như bầu ngực của cô gái xuân thì. Tôi ra căng tin ở toa cuối, mua vội hai cốc cà phê, một cho tôi, một mời Trang. Cô không từ chối. Uống cà phê chẳng những để đỡ buồn ngủ mà còn có khả năng “giải sầu” rất tốt.

- Trang biết không, ngày trước, có lần tôi ở trên tàu mấy ngày trời, nghe đủ mọi câu chuyện, qua nhiều miền đất khác nhau. Tự dưng tôi thấy mình trưởng thành. Đời còn nhiều điều vui, cớ gì lại u sầu bởi một chuyện từ trên trời rơi xuống.

Trang nhìn tôi đăm đăm, hiểu được tôi muốn nói gì với cô, vài sợi tóc hơi xoăn và hoe vàng xòa xuống vầng trán cao cao bánh mật.
Tàu vừa đỗ lại ít phút ở sân ga Sa Huỳnh để đón - tiễn khách. Nhìn những bóng người vội vã tiễn chân nhau trên sân ga, lòng tôi thoáng buồn. Cảnh đưa tiễn bao giờ cũng gieo vào lòng người những nỗi sầu miên viễn.

Tì khuỷu tay lên mặt bàn, bàn tay xòe ra hình cánh sen nâng khuôn mặt thon gọn và có chiều sâu, Trang khẽ khàng:

- Anh không phải là Trang, không phải là phụ nữ, anh không hiểu hết được nỗi lòng của người phụ nữ mới hạnh phúc đó, đã vội vàng vỡ tan.

Tôi lặng đi, chìm sâu vào câu chuyện của Trang. Không còn xem tôi là vị khách đi tàu mà cô vừa gặp trên hành trình xuôi về phương Bắc, Trang tâm sự những câu chuyện tưởng sẽ nhốt kín trong lòng rồi ném chìa khoá ra ngoài ô cửa. Quê hương Trang ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ trung du và đồng bằng cát trắng, nắng cháy da người, vùng đất của những Tháp Chàm im lìm nghe thời gian trôi, nắng mưa phủ lên một màu thâm trầm, cổ kính. Ở cái tuổi không hẳn là trẻ, cũng chưa thể gọi là già - như tôi, Trang đã nếm trải những tháng ngày hạnh phúc nhất đời, bên một người thanh niên hiền lành, chất phác, suốt năm suốt tháng quanh quẩn trên những vườn nho, vườn táo, đợi đến mùa bội thu. Cây nho, cây táo anh trồng nức tiếng Nam Trung Bộ, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Đời Trang chẳng ước ao gì nhiều, ngoài việc sáng đưa anh ra đồng, chiều ngồi sau con xe cũ kỹ của anh đi ra bờ biển ngắm hoàng hôn buông, cát nhấp nhoáng lung linh dưới ánh chiều tà sót lại. Chỉ vậy thôi!

Nhưng rồi cuộc sống vốn có những biến động bất ngờ đã cuốn anh vào vòng xoáy của sự hiện đại. Những vườn nho, vườn táo dần dần được thay thế bằng khu đô thị; những đồi cát trắng mênh mang bị lấy đi, khung cảnh đổi thay ít nhiều. Lòng anh cũng dần đổi thay. Anh không còn thiết tha với cô gái Chăm vẫn tận tuỵ đợi chờ ngày về chung một nhà với anh, bên những cây trái xum xuê trong nắng vàng rực rỡ. Một ngày cô thấy anh về căn biệt thự trong khu đô thị mới cùng một cô gái khác, Trang biết mình không còn gì trong lòng anh. Người trai làn da bánh mật ngày nào giờ đã tách mình ra khỏi cảnh cũ, người xưa để sống một cuộc đời mới, chỉ riêng cô gái Chăm vẫn lặng lẽ nhặt và đếm lại những hạt ký ức cũ rơi, sợ mất mát, sợ vỡ nát.

- Giá mà lòng người cũng như là cát, có thể đo, đếm được, anh ạ!
Tôi vẫn còn đang chênh vênh trong câu chuyện của Trang, trong nắng gió của vùng Nam Trung Bộ. Đời vốn có nhiều biến đổi, tôi đã quen dần với chuyện đó, học cách chấp nhận điều đó. Có những người tưởng có thể sẽ song hành suốt đời, nhưng một lúc nào đó, trên hành trình vạn dặm sẽ lạc mất nhau, vì điều gì không rõ. Có những vùng đất tưởng sẽ giữ mãi hình ảnh đặc trưng như đồi cát, nắng vàng, những Tháp Chàm im lìm nghe mưa nắng... rồi cũng dần khoác lên mình tấm áo của đô thị hóa. Có thể Trang - một cô gái quê ngây thơ, con tim chưa từng có những vết nứt rạn - cảm thấy bất ngờ và đau xót, tan nát và mất mát, như tôi ngày ấy. Nhưng hành trình sắp tới, khi cô bước xa hơn khỏi những đồi cát trắng, những vườn nho, vườn táo quê mình, sẽ giúp Trang mạnh mẽ và bản lĩnh.

- Cảnh đẹp quá, Trang xem kìa! - Tôi chỉ tay, ngoài ô cửa, thiên nhiên đẹp như một kiệt tác.

- Đất nước mình càng đi càng thấy đẹp - Trang thủ thỉ.
Chúng tôi rời ghế ngồi, đi ra chỗ khớp nối hai toa tàu đứng để ngắm cảnh, thu vào mắt mình là muôn hình vạn trạng cảnh sắc của tự nhiên. Ở đó cũng có vài người đàn ông đang bá vai nhau, đứng rít thuốc.

- Trang đã quyết định được ga mà mình sẽ xuống hay chưa? - Tôi sực nhớ, hỏi cô.

- Vẫn chưa, nhưng có lẽ Trang sẽ đi ra Bắc. Chưa bao giờ Trang ra đó. Mẹ nói: ngoài Bắc đẹp và đậm chất văn hóa, anh ạ!

- Nên đi, Trang ạ! - Tôi khuyên - Đi để thấy nước mình đẹp, dân mình hiền hòa. Đi để trưởng thành, mạnh mẽ trước muôn vàn sóng gió.

- Còn anh, không lâu nữa tàu sẽ đến ga Huế! Chúng ta sắp sửa chia tay nhau rồi.

Tự dưng, tôi thấy đâu đó trong Trang vẩn lên niềm tiếc nuối. Và tôi cũng thế.

Đoàn tàu đang băng băng đi ngang qua thành phố Đà Nẵng. Ngoài ô cửa là thành phố hiện đại, sầm uất và đáng sống bậc nhất Việt Nam. Chút nữa thôi tàu sẽ qua đèo Hải Vân - nơi mà ba tôi thường ôm đàn guitar và hát về: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi...”. Bài hát đã làm xao lòng biết bao thế hệ, cả tôi - thế hệ có thể xem là trẻ, vẫn thích và thường ngân nga trong mỗi chuyến đi xa bằng tàu.

- Sắp đến Huế rồi Trang ạ! Một lúc nào đó, Trang ghé Huế nhé! Huế có khả năng “chữa lành” tâm hồn chúng mình nữa đấy.
Trang cười. Nụ cười của cô gái Chăm lại tỏa nắng khiến tim tôi ấm áp.

Qua vịnh Lăng Cô, tàu đi về thành phố Huế. Tôi thầm ước con tàu đi chậm thêm chút nữa để tôi được gần Trang, được xoa dịu tâm hồn đầy vết xước của Trang, được kể cho Trang nghe những câu chuyện của mình để cô thấy vẫn còn biết bao tâm hồn chênh vênh như cô nhưng vẫn bước qua được trăm chiều khó khăn, giông tố.

“Kính thưa quý khách, đoàn tàu mang số hiệu SE sắp về đến ga Huế... Huế là thành phố xinh đẹp nằm bên bờ sông Hương hữu tình...” - Giọng cô phát thanh viên vang vang trên loa báo hiệu đoàn tàu sắp dừng bánh ở ga Huế.

- Thôi, chào Trang, anh xuống nhé! Hẹn gặp Trang vào một dịp khác. Chắc chắn rồi! Khi đó, Trang sẽ mạnh mẽ hơn... - Tôi nói vậy, bùi ngùi.

Thoáng thấy mắt Trang buồn.

Tôi quảy ba lô, đi lang thang trên sân ga Huế một trưa lắm nắng! Ga Huế vẫn giữ dáng vẻ một nhà ga cổ, màu đỏ son, màu của cung đình sang trọng thuở nào còn lưu dấu.

Bỗng tôi nghe sau lưng mình có tiếng vọng quen, ngọt và thanh như cơn gió mát lành thổi ngang qua mùa nắng Huế:

- Anh ơi! Anh... đợi Trang với. Trang không ra Bắc mà xuống Huế với anh...

Tôi ngạc nhiên ngoái lại, thấy Trang cười. Nụ cười tươi rói trên màu da bánh mật của cô. Tim tôi se lại.

Trong nắng Huế, dưới tán cây phủ rợp con đường Lê Lợi dọc bờ sông Hương, chúng tôi khẽ đi bên nhau, không nói gì, nhưng thấy những vết xước nứt trong tâm hồn được khâu lành. Và Huế xoa dịu đi cơn đau của Trang - cơn đau không đáng nhớ.

Tôi khe khẽ hát: “Chiều mưa trên Kinh đô Huế. Tiếng mưa còn vương kỷ niệm. Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ em còn nhớ không...”.

Mà nắng Huế vẫn đầy...

Bài liên quan
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
  • Tình già
    Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Bánh tẻ Cầu Liêu – Món ăn thấm hồn quê của làng Thạch xá
    Vùng đất xứ Đoài không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn có nhiều món ăn ngon, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Đoài, trong đó có món Bánh tẻ. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Nếu như bánh tẻ Phú Nhi được gói bằng lá dong, lá chuối như nhiều loại bánh tẻ khác thì bánh tẻ Cầu Liêu so với những nơi khác là bánh được gói bằng loại lá đặc biệt – lá tre mai.
  • Bản hòa ca Hà Nội qua tranh vẽ
    70 tác phẩm đa dạng về chất liệu từ màu nước, ký họa, lụa, sáp dầu... với chủ đề về Hà Nội sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm thông tin triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 20/11 đến 28/11/2024.
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
    Chiều 18/11, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
  • Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
    Việc công nhận “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài” là Di sản văn hóa phi vật thể cũng đánh dấu hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc trưng ở Phú Thọ.
  • Trưng bày chuyên đề “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”
    Chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tới dự.
  • Khám phá Hà Nội qua triển lãm "Mười Bốn Art Show 2024"
    Triển lãm “Mười Bốn Art Show 2024” đang diễn ra tại không gian Aqua Art - Hanoi Aqua Central 44 Yên Phụ, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
  • Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành chính thức nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
    Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
    Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 “Giao lộ Sáng tạo” đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô và du khách.
  • [Podcast] Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đây đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Hiện nay, Di tích đặc biệt quan trọng này đang là nơi lưu giữ những hiện vật vô cùng giá trị: Bia Tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia, Di sản tư liệu thế giới; Khuê Văn Các được chọn là Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội…
Tàu xuôi ra Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO