Truyện

Hố băng

Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang 07:44 14/04/2024

Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.

img_3182gmgjmgym.jpg

“Kỳ cục thiệt!” Tiên sinh vừa nói vừa lúc lắc đầu như thể muốn trút cái kỳ cục đó ra khỏi trí nhớ.

Ông cũng chính là người kể cho tôi về cái làng không phất đường khoa bảng nọ, cái làng mà ông đã sinh vào đêm tiết cốc vũ trong nhà mụ bà mù chữ.

“Ông tôi thọ một trăm lẻ ba tuổi. Cả đời ông chẳng bao giờ ra khỏi cái làng từ lúc sinh ra đến lúc đem chôn. Cha tôi gần được như thế. Hồi trẻ ông từng một lần qua làng bên tán gái nhưng bị trai làng đó đánh bể đầu. Từ đó vừa sợ vừa giận, nửa đời không bước sang làng đó nữa. Vậy mà chú thấy đó, giờ tôi đi tít mù làng”. Tiên sinh kể.
Chốn ấy còn chẳng có nổi một cái đình làng. Trong ký ức của các bậc bô lão, chưa bao giờ họ nhớ làng của mình từng tồn tại một cái đình, cứ như làng đã bị thánh thần và triều đình bỏ rơi bên lề của một đời sống trần thế lơ lửng giữa có và không. Ngôi làng nhưng không văn tự, chiếu chỉ, kinh sách và không cả một bản dư địa chí chép sơ sài ghi lại nguồn gốc của làng, giải thích cho cái tên nửa Nôm nửa Hán mà người làng mặc sức muốn hiểu sao thì hiểu.
Vào ngày rằm tháng Giêng, dân làng chèo thuyền ra sông cái, họ thả một vò rượu thượng hạng đặc sản của làng kèm theo đồ tế lễ xuống nước. Có năm dân chúng khấm khá, mấy thằng ma cà bông núp trong bụi lau ven sông, đợi thuyền mọi người chèo về bờ thì hụp xuống đáy, vớt được cả con heo cúng trắng phau, đem lên đốt lửa nướng ăn như thường.

“Nhưng lạ là rượu cúng thì không bao giờ tìm thấy.” Tiên sinh kể. Có đứa lặn xuống, thấy ngồi thu lu dưới đáy nước một đứa trẻ mặt chà bá như cái mâm, da xanh xao nhợt nhạt, ôm khư khư vò rượu.
“Ở cái làng đó, đến hà bá cũng nghiện rượu!” Tiên sinh nói. Tôi biết, chính tiên sinh cũng uống rượu rất giỏi. Tôi mới gặp ông chừng hai tiếng trước nhưng trong khoảng hai tiếng đó ông đã tu ừng ực hết ba chai rượu mạnh.

Tiên sinh và tôi đang ở một cái làng ở Đức. Cái làng lúc tôi mới dọn đến đây, ông thị trưởng giới thiệu rằng, nó đã một ngàn năm tuổi, tên nó được đặt theo tên một anh hùng đã có công lãnh đạo nhân dân chống lại quân thù, nó có những kỳ quan kiến trúc gì, danh lam thắng cảnh nào hấp dẫn, người làng nào đã thành nhà triệu phú, văn hào bán triệu bản sách, nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh thế giới, giáo sư vật lý, tiến sĩ toán học… Tóm lại là một cái làng hết sẩy. Hay có thể nói là cái làng đối nghịch với cái làng của tiên sinh.

Tiên sinh và tôi đang ở một cái làng ở Đức. Đúng hơn là đang ngồi trên con hồ đóng băng ở cái làng ấy. Xung quanh là cánh rừng trơ trụi phủ đầy giá tuyết bọc trong vòng tay của những ngọn núi mờ xa im tiếng. Như thể một sinh vật ma thuật nào rơi rớt từ những trang sách Grim ẩn núp và chờ đợi phóng ra vồ lấy hai con người đang bất chấp thời tiết mà ngồi câu cá giữa hồ băng hiu hắt xa cách quê hương vạn dặm.

Ánh mắt tôi lần mò theo sợi dây câu xuống hố băng. Như thả vào hư vô. Dưới kia mịt mùng không thấy gì hết ngoài một màu đen sẽ không thôi đặc lại thành dầu.

Tôi gặp tiên sinh lần đầu cách nay một tuần cũng tại hồ băng này. Ông cũng buôn lưỡi câu như thế, bên cạnh là cái xô rỗng không và kể từ dạo đó chưa bao giờ tôi thấy con cá nào trong xô. Rõ ràng tiên sinh không phải ngư phủ tài ba chi ráo. Tôi cũng không phải là ngư phủ ráo chi, suốt nhiều năm tôi đã thử vận mình bên bãi sông Hậu nhưng lần duy nhất tôi câu dính cá thì cái con thủy sinh tội nghiệp đó bé đến mức tôi chẳng buồn chụp ảnh lại làm kỷ niệm. Nhưng biết đâu được, ở nơi cách cố thổ nghìn trùng, rốt cục một ông phúc thần tây phương có thể vì cảm thương cho kẻ xa xứ lìa quê mà ban cho chút ân mưa móc. Vào một ngày mùa đông, khi mặt trời cuối cùng cũng chịu mọc, tôi xách khoan, xô, và cần ra tìm kiếm con cá định mệnh của mình. Vừa đến nơi, tôi đã gặp tiên sinh ở đó.

Tôi ngại ngùng chào nhỏ. Tiên sinh đang ngồi thu lu bên miệng hố băng như con gấu già đáng thương, quay phất lại nhìn tôi, mắt sáng lên, nói rổn rảng:

“Việt Nam hả?”
Tôi kinh ngạc vì tưởng mình đã qua đây hơn mười năm, thứ tiếng Đức mình nói ra hẳn là thứ tiếng Đức của Goethe.
“Có gì đâu thắc mắc. Nghe khẩu âm là biết liền.” Tiên sinh phá giải nghi ngại của tôi. Chẳng biết nói gì, tôi gãi gãi đầu, định khoan xuống mặt băng.

“Không cần!” Tiên sinh ngăn. “Lại đi, câu chung cho vui.”
Tôi bày ghế ra ngồi đối diện tiên sinh, nhẹ nhàng thả lưỡi câu, nước khẽ xao phát ra một âm trong. Bên rừng, có tiếng đập cánh của loài chim nào không rõ.

“Chẳng phải hồng nhạn đâu.” Tiên sinh nói. “Mùa này chúng bay về phương Nam trốn tuyết hết rồi. Bình thường chúng làm tổ quanh hồ này.” Ông ngập ngừng giây lát. “Có khi nào chúng bay đến tận quê hương ta không?” Đôi mắt tiên sinh nhìn xa xăm như thể quên đi sự hiện diện của tôi rồi như chợt thấy mình thất lễ, ông hỏi: “Về làng này khi nào?”
“Dạ, tuần trước.”
“Chú làm nghề chi?”
“Dạ, giáo viên toán.”
Tiên sinh gật gù: “Vậy là tôi biết chú dạy trường chi rồi. Chú thay vị trí của ông Herman mới mất tháng trước. Hồi còn sống ổng cũng là bạn câu của tôi.”
Có một khoảng lặng kéo dài, thời gian như hóa tượng cùng cái lạnh để tiên sinh phải xoa tay khẽ khàng hỏi tôi cho bớt giá băng:
“Tôi hỏi câu này mong chú đừng giận. Sao chú lại chọn làm giáo viên.”
“Tôi mê thơ Rilke nên mới tìm đến nước Đức này. Nhưng qua thời gian tôi nhận ra mình chẳng có tài. Từ ngữ là một thứ gạch dùng để xây tường đắp lũy. Tôi không nắm bắt được, tôi chỉ tạo ra nhiều hiểu lầm thêm bằng thứ từ ngữ vụng về. Tôi đã mơ thành thi sĩ, thành văn nhân, cuối cùng tôi nhận ra mình ngộ nhận nhiều thứ, về tài năng, về cuộc đời. Trong toán học, người ta nói cùng một ngôn ngữ. Không có sự ngộ nhận. Nhưng tôi cũng chẳng là nhà toán học có tài, nên thôi, tôi đi dạy vậy.”

Tiên sinh gật gù. Từ đó đến cuối buổi ông không hỏi tôi thêm câu nào nữa. Lúc chia tay, chúng tôi trao đổi số điện thoại. Ít lâu sau, tiên sinh gọi hẹn tôi đến nhà chơi.

Ông ở một nơi hẻo lánh, tách mình khỏi khu dân cư. Một căn nhà gỗ rộng lớn, treo đầy tranh vẽ. Bây giờ, tôi mới biết tiên sinh là một họa sĩ thành danh. Tôi đồ rằng, phần lớn tranh của ông được vẽ trong lúc say. Cái thần thái tửu đồ đã đi vào hội hoạ, xô lệch cả nét bút, màu sắc lững thững nối nhau không theo lớp lang, cũng không rõ ông muốn truyền tải thông điệp gì trong những họa phẩm.
“Rốt cuộc làng ấy cũng sản sinh ra một nhà nghệ thuật.” Tôi hỏi, sau khi nghe ông kể về cái làng thiếu vắng vĩ nhân của mình.
“Nhưng tôi chẳng thể nào đem cái làng ấy vào tranh của mình được. Tôi có thể vẽ chính xác từng chi tiết, tôi có thể vẽ bức tranh khổng lồ về mọi cảnh mọi người trong cái làng ấy. Nhưng tôi không diễn tả được cái không của nó. Sự thiếu vắng đến dị kỳ tôi nói với cậu nãy giờ, tôi chẳng làm sao dùng tranh vẽ để người khác hiểu được”.

Bây giờ đang là tiết đông chí, tôi cùng tiên sinh uống rượu nhưng không bàn về những cuộc chia ly như trong một bài thơ xưa. Tiên sinh đã đi khắp đông khắp tây, đã ngủ ở những khách sạn lộng lẫy nhất Nữu Ước đã đến thăm các lâu đài, cung điện ở vùng Địa Trung Hải. Nhưng lại bị ám ảnh bởi cái làng nghèo chịu không ai nhớ nổi tên ở miền Tây.

Tôi muốn nói với tiên sinh rằng cái làng của ông chẳng cần tranh vẽ hay bất kỳ thứ văn tự nào để lưu danh nó. Nó đã tồn tại hàng trăm năm trước khi ông ra đời và sẽ tồn tại hàng trăm năm nữa sau khi ông chết đi. Bản thân sự tồn tại dài lâu như thế đã chứng tỏ mọi điều hẳn hữu lý. Nếu trong toàn cái xứ ấy ai cũng trọng học hành, chữ nghĩa, ai cũng muốn vươn lên thành ông nọ ông kia, thì cái làng của tiên sinh đã bị xoá bỏ, sát nhập, hay vẫn là cái làng nhưng không là cái làng ám ảnh ông nữa.

Cái làng không ai nhớ nổi tên ấy, cái làng mà tiên sinh đã lục hết thư tịch chỉ tìm được đúng một dòng là Gia Long lúc bôn tẩu từng qua đấy ngủ một đêm dưới gốc đa (giờ đã bị đốn hạ, làng tiên sinh không còn gốc đa nào), vốn dĩ nó không cần làm việc kinh thiên động địa gì để cần lưu danh muôn thuở. Nó đã chấp nhận đời này kiếp này không sinh ra được vĩ nhân nào. Thậm chí rằng tôi nghĩ cái làng ấy đã cố kháng cự lại toàn thể xứ sở như một thách thức, rằng nó không cần thứ hư vinh mà ai cũng muốn, nó chứng minh không cần những hão huyền đó nó vẫn tồn tại và buộc những đứa con như tiên sinh phải nhớ về nó.

Tiên sinh ngủ gục, có lẽ nãy giờ, không từ nào trong mấy lời an ủi của tôi lọt vào tai ông. Phía sau ông, bức tranh treo ở phòng bếp, một bức tranh có màu xanh lục chủ đạo, một màu xanh lục vô cùng chói gắt không thể cắt nghĩa được. Nó có thể là một cánh đồng đang vào mùa. Những nông dân khom lưng giấu mình dưới ruộng, không ai thấy mặt và cũng không cần ai nhớ mặt. Tôi biết bức tranh này, đây là bức vẽ trong giai đoạn đầu của tiên sinh, lúc ông rời làng và quyết định chu du khắp chốn để hoàn thiện nghệ thuật của mình. Bức tranh khác hoàn toàn so với những bức về sau, nghĩa là… tôi vẫn còn nhìn ra tiên sinh vẽ gì, chứ không như những vệt màu túy lúy.

Mà thật ra thắc mắc lớn nhất của tôi, tại sao tiên sinh không hồi hương cho khuây khoả? Có lẽ cái tiên sinh đối diện, không phải cái không của ngôi làng mà là sự đầy ắp của nó trong ông. Nhiều năm xa xứ khiến ông sợ hãi nếu trở về ngôi làng và thấy nó không còn giống ký ức. Ông luôn miệng bảo rằng làng mình cái gì cũng không có, nhưng ông luôn nói với vẻ thích thú, đôi khi, không giấu chút tự hào. Mỗi người chúng tôi đều có một cái làng, ta đem theo cái làng đó trong mình, lang thang khắp chốn. Một ngày giật mình nhớ lại, nhận ra rốt cục mình chỉ như đứa trẻ, loanh quanh chơi trên đường làng.

Đến cuối mùa đông, tôi nghe tin tiên sinh bước hụt chân xuống hố băng. Chẳng rõ người dạn dày kinh nghiệm như ông vì sao lại không ý thức được rằng lớp băng trên hồ đã tan mỏng đi nhiều lắm.
Tôi vẫn thường nghĩ về cái hố tiên sinh rơi xuống, nó cứ rộng ra mãi trong tâm tri tôi cho đến lúc thành một thứ hư vô, và đi đến tận cùng hư vô ấy một ngôi làng hiện ra. Không ngủ được, tôi ra khỏi phòng, trên bàn bếp của một người nhà quê Việt Nam sống ở thôn làng của nước Đức, tôi bắt đầu gõ chầm chậm:
Ngày xửa… ngày xưa… [Không, mở đầu vậy thì hơi rập khuôn. Xoá, xoá]… Tôi nghe kể có một cái làng ở miền Tây…

Bài liên quan
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hố băng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO