Truyện

Hoa thủy tiên của mẹ

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy 08:17 17/02/2024

Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.

img_0381.jpg
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Dòng sông tĩnh lặng, bên bờ hàng xoan nghiêng soi xuống mặt nước, hoa xoan tím rụng rơi lã chã trong làn gió nhẹ thổi ngang qua buổi chiều quê yên ả, thanh bình. Trong tấm gương nước phẳng lặng khổng lồ, tôi thấy tóc mình dài hơn năm ngoái, da dẻ mình cũng hồng hào hơn năm ngoái. Tôi biết mình đã trở thành thiếu nữ tự hôm nào, trước mùa xuân không lâu, khi đất trời đương vào mùa trăng nở. Trời đã chuyển sang đêm.

Đêm mùa xuân nhẹ nhàng và thanh vắng. Xa xa, tôi nghe được tiếng ai hát câu huê tình khi đang chèo thuyền đi trên sông. Tiếng mái chèo khua nước ngày một gần hơn. Tôi ngồi ngóng đợi, mắt tôi nhìn qua khung cửa bé xíu trên vách ghe. Chiếc thuyền lạ rẽ nước xuôi về phía khác. Tiếng hát nhỏ dần rồi chìm khuất trong đêm tối mênh mông.

- Mai, với tay sập tấm liếp xuống đi con, kẻo muỗi!
Tôi làm theo lời mẹ. Đêm trên sông thường muỗi nhiều, kêu vo ve, có cả tiếng con cuốc kêu sương khiến lòng người đi thuyền buồn hoang hoải.

Tôi ngồi bó gối bên cạnh mẹ. Thuyền nhỏ, có ngọn đèn bé xíu treo lơ lửng ở giữa soi cho tôi thấy rõ từng đường nét trên khuôn mặt và vóc hình của mẹ tôi. Ngắm mẹ một lúc, tôi thấy thương. Mẹ tôi không còn trẻ trung gì nữa, những nếp nhăn trên khuôn mặt sạm màu của mẹ ngày càng rõ hơn. Mái tóc mẹ tôi cũng bạc đi nhiều. Mẹ đang nâng niu củ thủy tiên trên tay. Củ thủy tiên mẹ vừa mua được hôm chúng tôi neo thuyền ở một xóm chợ vùng ven đô. Sống xa Hà Nội đã lâu, mẹ tôi vẫn giữ thói quen gọt thủy tiên mỗi khi xuân về.

- Gọt thủy tiên là một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội mình vào dịp Tết đến. Dù mình sống xa phố cổ, lênh đênh trên dòng sông này đến dòng sông khác, thì vẫn phải giữ lấy gốc rễ, giữ lấy văn hóa truyền thống!

Mẹ tôi nói vậy, bằng chất giọng của một người Hà Nội. Giọng tôi không chuẩn bằng giọng mẹ bởi khi tôi trưởng thành là lúc Hà Nội chỉ còn trong mảng ký ức xa ngái. Giọng tôi cũng đã pha tạp ít nhiều. Mẹ tôi vốn là con gái Thủ đô, nhà gần Hồ Gươm, trong khu phố cổ. Ngày trước nhà tôi sống bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ một vài sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho khách du lịch. Sau một đợt làm ăn sa sút, bố tôi quyết định bán căn nhà cũ rồi cả nhà dọn ra xóm chài ven sông Hồng sinh sống. Bố tôi là dân miền biển nên đánh bắt rất thạo. Lần nọ bố theo con nước sông Hồng đi lưới cá không thấy về, mẹ con tôi tìm mãi không gặp, mẹ quyết định dọn xuống thuyền sống lênh đênh nay đây mai đó trong lưu vực sông Hồng và những nhánh sông lân cận. Mẹ nói: “Bố giờ là người của sông nước. Mình lên bờ sống, xa bố, mẹ chịu không nổi”. Chúng tôi cứ lang thang trên sông với hy vọng sẽ có phép màu để được gặp lại bố, để được ôm bố thật lâu và xoa xoa vào làn da sạm nắng của bố, để nói với bố rằng những tháng năm xa bố, mẹ đã đợi chờ như có thể hóa đá vọng phu.

Những ngày tháng sống phiêu bạt kỳ hồ trên thuyền, mẹ tôi vẫn giữ lấy nếp sống của một người Hà Nội gốc. Mẹ tỉ mỉ ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất. Mẹ dạy tôi nhiều thứ, từ cách nấu mấy món quen thuộc của Hà Nội đến cắm hoa dơn, gọt thủy tiên. Tôi vụng về, năm ngoái trong lúc gọt thủy tiên, đã lỡ tay làm gãy mấy chồi non mơn mởn. Mẹ tôi tiếc rẻ:

- Vụng về quá! Sau này làm sao lấy được tấm chồng?
Tôi cười tít mắt:

- Con không lấy chồng, con chỉ muốn sống bên mẹ suốt đời, rồi cùng mẹ đi tìm bố mà thôi!

Nhắc đến bố, niềm vui của mẹ bỗng dưng khựng lại. Đã bao năm mẹ tôi không được đón Tết cùng bố, nhưng mẹ cứ mặc nhiên bố vẫn ở đâu đó quanh đây, mẹ vẫn cảm nhận được hơi ấm của bố. Mẹ gọt thủy tiên với hy vọng hoa sẽ nở đúng vào 30 Tết, bởi mẹ tin nếu hoa nở vào ngày đó thì gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, biết đâu bố sẽ tìm được đường về từ ánh sáng tỏa ra của đóa thủy tiên vàng. Bao nhiêu năm trôi qua, chưa bao giờ hình ảnh người đàn ông hiền từ, chất phác, lam lũ và gánh gồng mọi cơ cực của cuộc đời vơi đi trong tâm trí của mẹ.

Gió xuân thổi lay mấy chòm xoan bên sông rung rinh. Một đợt hoa rụng xuống mặt nước. Hoa li ti nhưng vì đêm xuân vắng quá nên tôi nghe được cả tiếng hoa rơi như mưa rào. Mẹ tôi với tay vặn ngọn đèn cho tỏ hơn, soi sáng cho mẹ gọt củ thủy tiên, tỉ mẩn bóc tách từng lớp vỏ mỏng cho đến khi những mầm lá, mầm hoa lộ ra. Mắt mẹ tôi sáng rỡ. Gọt thủy tiên đòi hỏi sự kiên nhẫn và đôi bàn tay khéo léo. Năm nào mẹ tôi cũng gọt củ thủy tiên rồi chưng trong chậu thủy tinh, để ở vị trí đẹp nhất trong thuyền. Mẹ dặn tôi chăm thay nước thì hoa thủy tiên mới nở đẹp. Tết truyền thống của người Hà Nội không thể nào thiếu hoa thủy tiên được. Dù giờ đây chúng tôi không còn sống giữa lòng Thủ đô thanh lịch, nhưng mẹ tôi vẫn mang những nét đẹp văn hóa, không khí của mùa xuân Hà thành truyền thống đi lang bạt trên sông. Nhìn mẹ, nhìn củ thủy tiên trắng nõn trên đôi tay mẹ nâng niu, tôi như vơi bớt đi nỗi nhớ về Hà Nội, về bố, về những ngày bé thơ tôi sống giữa lòng Thủ đô, được đi chơi thỏa thích, được ngắm hoa mùa xuân khu chợ Bưởi hay ven Hồ Tây, Hồ Gươm...

Đêm sâu hơn. Vọng bên tai tôi một câu huê tình của người đàn bà nào đi trên sông vắng.

Mấy lần tôi định nói với mẹ, hay mẹ con mình lên bờ mà sống, về Hà Nội hay trở lại xóm chài nhỏ ven sông Hồng cũng được. Tôi đã chán cảnh lênh đênh trên sông nước lắm rồi! Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để mở lời. Tôi biết mẹ yêu dòng sông, sâu xa hơn là yêu bố. Không có bố, mọi niềm vui khác với mẹ đều vô nghĩa mà thôi. Mùa xuân này, có cái gì thôi thúc trong tôi, có cái gì cựa nguậy trong tâm hồn tôi khiến tôi muốn vùng bước khỏi chiếc thuyền nhỏ hẹp, đặt chân lên đôi bờ, áp tai vào đất, chạy thong dong trên những cánh đồng xuân về hoa nở lấm tấm, đi khắp khu chợ hoa để ngắm nhìn cảnh xuân đô thị. Hồi hộp, chờ đợi, cuối cùng tôi cũng bạo dạn nói với mẹ:

- Hay mẹ con mình lên bờ mà sống, đi mẹ!
Củ thủy tiên đang xoay đều trên tay mẹ bất giác đứng yên. Tim tôi cũng đứng yên trong lồng ngực. Mẹ nhìn tôi. Mắt mẹ sâu thăm thẳm, sâu hơn cả đêm xuân.

- Mai! Con muốn lên bờ đến thế sao?
Tôi gật đầu, nước mắt tự dưng tuôn ra như mưa đổ:

- Ở trên thuyền ngột ngạt quá, con chịu không nổi. Con cũng đã lớn, tóc mẹ cũng bạc màu. Đã đến lúc mẹ con mình phải sống một cuộc đời vững chãi hơn là lênh đênh, bấp bênh trên sóng nước sông Hồng... Mẹ ơi!

Tôi nói trong nước mắt, như thể chỉ đêm nay tôi mới được phép nói hết những điều mình suy nghĩ trong lòng, nói hết những tâm tư, tình cảm, những khát vọng ước ao của mình. Không phải là tôi không muốn đi tìm bố nữa. Nhưng tôi hiểu rằng, nếu bố biết hai mẹ con vì tìm bố mà sống kiếp lang bạt kỳ hồ, bố cũng không thể nào vui được. Đã bao năm chúng tôi đón Tết trên thuyền. Tết vui như thế nào tôi cũng không thể cảm nhận hết được. Niềm vui của chúng tôi đóng khung lại từ mũi đến lái thuyền, trong khuôn viên nhỏ xíu, dù có hoa thủy tiên, có món ăn Hà Nội mẹ nấu, có chậu hoa đào mẹ mua ở xóm chợ vùng ven sông... thì tôi cũng chẳng thể hưởng trọn được vị Tết quê mình. Tôi thấy tâm hồn mình như bị khuyết đi một khoảng sâu thăm thẳm...

- Mai ơi! - Mẹ tôi nắm lấy hai bàn tay tôi. Ngọn đèn sáng soi rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt trái xoan của mẹ - Bao năm qua, mẹ đã để con gái của mẹ khổ như thế sao? Mẹ xin lỗi...

Tôi ôm mẹ nức nở. Tôi không trách mẹ. Mẹ cũng chỉ vì muốn kiếm cho tôi người bố mà tôi hằng yêu quý. Nhưng tôi cần phải nói ra để mẹ biết rằng tôi muốn mẹ có một cuộc sống ấm êm như bao người, để đỡ phải chạy vạy trên dòng sông này. Chốn sông nước đò giang đâu phải là nơi để chúng tôi mãi gắn bó phận mình, dù trong lòng của cả tôi và mẹ vẫn dành cho dòng sông một tình yêu tha thiết.
Ánh nắng của chiều ba mươi Tết rực rỡ và tinh khôi soi rọi vào trong khoang thuyền. Chiều cuối năm, sau khi đã tắm gội sạch sẽ, tôi thấy mẹ chọn mặc áo dài, tóc quấn gọn sau gáy ngồi ngắm hoa thủy tiên nở. Hình như mẹ có thoa chút son, đánh chút má hồng nên trông mẹ tôi tươi tắn, rạng rỡ hơn nhiều. Tôi thấy đâu đó cái nét đẹp truyền thống của người Hà Nội hiện lên trên từng đường nét của mẹ tôi. Củ thủy tiên mẹ gọt mươi hôm trước đã kịp nở vào buổi chiều 30 Tết. Chính tôi là người phát hiện ra chậu thủy tiên nở hoa, cạnh bên là chậu hoa dơn đỏ cũng bung nở. Trong ghe lấp lánh sắc màu. Tôi reo lên:

- Mẹ ơi, thủy tiên nở rồi! Hoa nở đúng ngay 30 Tết!
Mẹ tôi nhìn củ thủy tiên đăm đăm, rồi mắt mẹ sóng sánh nước. Tôi biết lòng mẹ đang lâng lâng hạnh phúc.

- Năm nay, thế nào nhà mình cũng gặp vận may.
Tôi thấy mẹ ngồi trước chậu thủy tiên vàng đang lung linh trong nắng chiều mùa xuân nghiêng ngả bên bến nước, nhắm mắt lại, chắc mẹ đang cầu mong điều gì đó cho tôi, cho bố, cho mẹ, cho quãng đời kế tiếp của chúng tôi. Rồi mẹ thì thào nói:

- Đây là cái Tết cuối cùng trên sông nước của mẹ con mình. Mai này xa sông, chắc mẹ sẽ nhớ sông, nhớ bố nhiều lắm! Nhưng mẹ tin rằng dù bố có đi đâu, về đâu, bố cũng sẽ nghĩ đến hai mẹ con mình và chắc chắn một ngày bố sẽ tìm về với Mai, với mẹ...
Tôi lau hai dòng nước mắt.

Gió chiều mùa xuân thổi vào trong khoang thuyền se se lạnh. Gió mang theo hương xuân thì, hương rạ trên cánh đồng sau vụ gặt, hương hoa xoan bên bến sông và hương hoa đào trong những khu chợ Tết ven sông, khiến tim tôi như vỡ ra. Tôi ngồi ngoài mũi ghe chải tóc, lòng lâng lâng nghĩ về những năm tháng đã qua và những tháng ngày sau tiếp. Chắc chắn rằng, trên bước đường sắp tới của tôi và mẹ, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng tôi tin hai mẹ con tôi sẽ vượt qua được và có cuộc sống vững chãi, ấm êm như chúng tôi từng mong mỏi. Và tôi tin rằng, đâu đó trên thế gian này, bố vẫn sẽ hướng lòng về hai mẹ con tôi, sẽ tìm về với chúng tôi nếu còn có phép màu rực rỡ.

Tôi cứ ngồi ngoài mũi ghe vẩn vơ nghĩ những điều không đầu, không cuối, cho đến khi mẹ gọi tôi vào trong khoang ghe ăn những món truyền thống của ngày Tết Hà Nội - những phong vị mà mẹ vẫn gói ghém mang theo trên mỗi bước đường đời.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hoa thủy tiên của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO