Truyện

Ký ức xương rồng

Truyện ngắn của Mai Sơn 20/12/2023 07:55

(Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)

Tôi chuyển cây xương rồng ra mảnh vườn nhỏ trước nhà. Dạo đó cái cây lớn nhanh hơn. Tôi lo chiếc chậu cảnh nhỏ không đủ chỗ cho nó. Đó là vào một ngày hạ mưa đổ liên miên. Cái cây đã ở cùng tôi qua mùa xuân trong chiếc chậu con con ấy.

ky-uc-xuong-rong.jpg
Minh họa của Lê Tiến Vượng

Căn nhà có cửa sổ hướng ra sân. Mỗi buổi sáng tôi sẽ nhìn cái cây qua ô cửa và nghĩ về nàng, về lần gặp đầu tiên của chúng tôi. Mái tóc cắt ngắn, đi giày thể thao, nàng cùng đoàn người phăm phăm leo núi. Tôi đã nhìn thấy nàng qua một khe cửa hẹp. Thỏa sức ngắm nghía gương mặt nàng ửng đỏ vì phải cố để theo kịp đám bạn. Trong đoàn người ấy trai có, gái có. Tôi đếm được có tám người. Họ lên núi tìm đào rừng. Nàng mang chiếc balo to sụ, vì thế càng thêm nặng nhọc. Nhưng chỉ một lúc sau đã thấy nàng vượt lên dẫn đầu đoàn người, thế là tôi nom rõ hơn. Cô này chắc ương bướng lắm, tôi thầm nghĩ.

Sắp sửa vào xuân và hoa đào trên núi đã lác đác nở. Trời vẫn rét khiến lũ sẻ núi mỏ nâu chỉ kêu lích rích rụt rè trong kẽ lá. Những đợt gió lùa qua khe vách đôi khi làm tôi co rúm vì rét. Tôi đang chờ cho cái chân trái lành lại sau cú ngã xe gần tháng trước làm gãy. Mùa đông với tôi dài dặc quá. Muốn làm gì đó cho đỡ hiu quạnh quá. Ấy thế là mấy ngày trước tôi theo đòi chúng bạn, lết ra vườn trẩy về một cành đào tính bán cho khách tìm mua. Tôi dựng sẵn trước sân chờ. Nàng dừng lại ngắm, có lẽ cốt để đỡ mệt vì leo dốc.

- Bạn muốn một cành đào rừng hả? - Tôi thò đầu ra từ ô cửa và hỏi khi nàng sắp sửa đi ngang qua trước mặt.

Cả đám người ngoái lại. Nàng cũng vậy, ngoái nhìn tôi một chập.

- Ừ. Mỗi người một cành đào. – Nàng đáp.

- Nhưng tôi chỉ có một. Những cây kia của hàng xóm cả đấy. – Tôi trỏ về phía vườn đào nơi triền dốc. Lũ trai gái cùng nhau bước nhanh về phía đó. Có vài người bán đào đã chờ sẵn và họ vui vẻ hẳn lên khi đám người mua đào tìm đến.

Nàng đã dừng bước. “Mình phải nghỉ một lúc. Leo dốc mệt quá rồi.” – Nàng nói và thở dốc. Tay vịn vào cây cọ gỗ hàng rào.

- Vậy thì ở lại luôn nhé. - Đám người châm chọc, nháy mắt với nàng và cười lên rúc rích. Chỉ một thoáng, đoàn người đã mất hút sau những lùm cây rậm rạp đi vào rừng đào. Tôi tưởng tượng họ đang ngất ngây ngắm những nụ đào cong lên kiêu hãnh. Chỉ ít bữa nữa thôi, khu vườn trên núi sẽ xơ xác và nham nhở những vết dao của người săn đào để lại. Tôi sẽ phải trải qua những ngày dưỡng thương trong vẻ điêu tàn này chăng.

- Này anh, em mua lại cành đào nhé. – Nàng nói vẻ dè dặt.

- Đó là một cành đào vô giá. – Tôi đùa và cảm thấy thoải mái hơn trên chiếc ghế tựa xe lăn. Tôi điều khiển chiếc xe đi ra cửa rồi bỏ xe với lấy cái gậy chống ra sân. Tôi cũng từng làm như vậy khi ra vườn đốn cành đào. Sau vụ tai nạn, bác sĩ khuyên vận động ít và chỉ tập dần từng chút một.

Nàng ngước nhìn tôi một lúc rồi hạ chiếc túi xách xuống, lôi ra một cái bọc giấy bóng. Bên trong là cây xương rồng trồng giữa cái chậu con con, ven gốc có rải một lớp đá mịn. Thứ cây cảnh này cánh sinh viên thị thành vẫn thích đặt trên bàn học. Nhưng cái chậu cảnh này có vẻ lớn hơn và khá nặng. Chẳng biết vì sao một người mảnh khảnh như nàng lại mang theo nó lên đây.

- Một sự đổi chác hả? – Tôi làm bộ nghiêm mặt khiến nàng càng thêm ngập ngừng.

- Em tặng lại anh cái cây nhỏ này. Em đã mang theo nó đi nhiều nơi rồi đó.

Câu nói khiến tôi ngạc nhiên. Té ra chẳng phải nàng mua nó ở chợ thị xã. Tôi nhìn kỹ hơn chậu cảnh, những chiếc lá xương rồng nom cứng cáp và như được làm từ thứ nhựa mềm.

- Tôi đùa bạn đấy. Cành đào này đã là của bạn.

- Vậy cảm ơn anh. Cái cây nhỏ này sẽ thuộc về anh, được chứ?

Nàng nói rồi tính trao cho tôi cái gói có cây xương rồng song nhận ra với tình trạng này tôi sẽ không đỡ nổi một vật nặng nên đặt xuống cạnh thềm. Nàng nhìn tôi ái ngại.

- Tai nạn ấy mà. Ít tháng nữa rồi sẽ đi lại được. – Tôi cũng có phần bối rối. Nom kỹ, nàng khá đẹp, mi cong, gương mặt bầu bĩnh. Vầng trán hơi cao, bướng bỉnh.

Nàng im lặng bước tới đỡ lấy nhánh đào. Một vài bông màu hồng nhạt đã hé nở. “Anh đón Tết vui nha. Mong anh chóng khỏe.” Đó là lời từ biệt? Nàng vác cành hoa xuôi dốc rồi đứng chờ chúng bạn cạnh hàng rào.

Gần áp Tết, tôi nhận được bức email từ nàng có đính chiếc bưu thiếp chúc năm mới. Tôi ngạc nhiên thấy hình khuôn mặt của mình nổi bật trên nền hoa đào núi. Không biết nàng đã chộp lén được lúc nào trong buổi sáng gặp gỡ ngắn ngủi ấy.

Tôi đáp lại nàng bằng một bức mail đính kèm hình cây xương rồng, món quà của nàng. Những ngày xuân của tôi qua một cách nhẹ nhàng với những bức mail. Nàng kể về những chuyến đi làm thiện nguyện ngày cận Tết. Kể rằng quê nàng ở một tỉnh ven biển miền trung. Nhiều bão lắm.

Mùa xuân thật ngắn ngủi. Từ cửa sổ, tôi nhìn ra cánh rừng đào xác xơ đang nhú lại những mầm xanh. Cánh rừng vừa đi qua một mùa xuân thê thảm vì những người săn đào đá. Cánh rừng như khoác cái áo mới khi chớm sang hè. Mưa đầu mùa rơi xối xả đánh thức khu rừng nhỏ cạnh nhà tôi. Mùa hè, tôi cũng tươi tỉnh hơn. Chiếc chân trái đang dần hồi phục. Cái chân tôi cũng như khu rừng ngoài kia vậy, đang dần qua thương tích.

Trong khi đang ngắm những chiếc lá xương rồng dưới mưa, tôi nhận được tin nhắn của nàng. Em nghỉ việc, về thăm cây xương rồng. Cây đào của anh cho đã chết héo ngay sau Tết. Nó thiếu bộ rễ để mà sống chứ sao. Tôi thầm nghĩ trong lúc đứng đầu con dốc chờ nàng, chẳng hiểu vì sao người con gái này nghỉ hẳn một ngày làm và đi hàng trăm cây số về đây chỉ để thăm cái cây. Dẫu còn hơi tập tễnh, nhưng tôi đã bỏ được xe lăn và gậy. Trên rừng đào đã chín.

- Anh không muốn cây xương rồng héo rũ trong cái chậu nhỏ ấy nên đã chuyển nó ra đây. Tôi phân trần khi dẫn nàng vào khoảng sân. Còn nàng không mấy để ý đến điều này. Nàng lặng lẽ mân mê những chiếc gai nhọn xanh rì. Điệu bộ như thể những ngày qua đã rất nhớ cái cây. Thật là kỳ cục.

- Anh muốn nghe kể lai lịch của của cây nhỏ này không? – Nàng nói khi mưa dần nặng hạt. Đó cũng là điều tôi băn khoăn khi hay tin nàng muốn về thăm cây xương rồng.

*

Mười tám tuổi vừa xong phổ thông thì em lấy chồng. Chồng em làm nghề đi biển. Anh nhớ cơn bão Chanchu hồi xưa không? Nó đã cướp đi người em yêu quý nhất.

Chúng em quen nhau hồi vừa học lớp 11. Ngày đó em ra biển chơi rồi lạc bạn, mếu máo khóc. Em mải nhặt vỏ hến, vỏ sò rồi chơi đùa với sóng đến nỗi lũ bạn bỏ đi lúc nào không hay. Anh ấy lớn hơn em tám tuổi và vừa trở về từ chuyến đi biển. Nom cũng đen đúa như em, nhưng dữ tợn lắm. Mắt sáng quắc, râu quai nón đen nhánh. Anh đến hỏi han vì sao khóc. Em sợ quá khóc to hơn. Nhưng rồi chẳng biết làm sao để tìm được nhóm bạn nên đành nín nhờ anh giúp. Hai anh em kiếm xe máy lên thị trấn lục tìm khắp các khu chợ, đường sá và trở lại bờ biển thì gặp chúng bạn. Té ra họ cũng đang rồng rắn đi tìm em. Học trò nên chỉ đi xe đạp. Chúng bạn đạp xe ai nấy bở hơi tai, thở phì phò. Gặp được em có mấy đứa khóc. Mừng có, và bực mình cũng có.

Khi chia tay, anh xin địa chỉ để biên thư. Thư anh viết cộc lốc. Có bứcchỉ vài câu. Chữ khó đọc nên nhiều khi em phải luận mới ra. Em viết nắn nót và anh khen chữ đẹp. Cứ thế bọn em thư qua thư lại suốt một năm trời thì anh hẹn về nhà chơi. Ngày ấy anh đi xe đạp những năm chục cây số về làng. Ai nấy ra ngó rồi trêu đùa em sắp bỏ học lấy chồng. Làng em nhiều người như vậy mà, chẳng có lạ chi. Anh mang cho ba mẹ cá thừng khô, ốc và cá biển. Em thì được tặng chậu cây xương rồng. Chính là cái cây này. Em đã chăm nó suốt thời học trò cho đến khi lấy nhau. Anh bảo em cũng lạ như cái cây này. Thể nào cũng sống được.

Anh ở lại đến hai ngày thì về. Đêm chia tay, anh nắm tay em dạo dưới trăng cạnh hàng dừa và nói lời thương em. Em bảo chỉ thương thôi sao. Anh bảo, muốn cưới em làm vợ. Em nghe chẳng hiểu vì sao mà chợt rùng mình. Có lẽ vui. Có lẽ lo sợ vì chưa biết người ta khi về làm vợ ai đó sẽ ra sao. Mới mười bảy tuổi thì đã biết gì về chuyện gia đình?

Cưới nhau chưa được bao lâu thì anh lại đi biển. Nhanh thì một hai tuần, lâu thì cả tháng mới ghé về. Em ở cùng mẹ chồng phơi cá. Căn nhà lúc nào cũng sực nức mùi cá và em vẫn luôn nhớ về chốn đó. Gần đây có đêm em vẫn mơ thấy mẹ chồng ngồi chống cằm cạnh mấy rổ cá trước hiên.

Rồi một ngày gió nổi lên. Người ta xem tivi, nghe radio và bắt đầu lo cho những người đi biển. Mối lo cứ tăng dần khi có tin về cơn bão Chanchu. Em mãi không quên cái tên đó. Mối lo của em dần thành vô vọng khi hay tin con tàu của người làng mà chồng em có trên đó bị đắm. Người ta chẳng tìm được ai trong số họ. Mãi mãi chẳng tìm được. Anh có thể đoán biết là em đã khóc nhiều ra sao. Khóc mấy tháng đến gầy rộc đi. Để nguôi nhớ chồng, em lo giúp mẹ chồng phơi cá và đem bán rao qua làng này, làng kia. Có ngày chẳng bán được chút gì nhưng em vẫn cứ đi. Đi để nguôi nỗi buồn. Rồi một đêm em mơ thấy anh ấy về. Đội mưa về. Áo quần tơi tả. Anh nhắc em hãy chăm giùm mình cây xương rồng. Đừng bỏ rơi nó.

Sáng hôm sau, mẹ chồng bảo em nên tính chuyện tương lai vì anh ấy mất tích đã hơn năm rồi. Chắc không về lại nữa. Bà nói nghe bình thản lắm. Có lẽ bà đã quen chuyện này bởi cách đó mấy năm, bố chồng em đi biển và cũng không về nữa. Bà vẫn ra thăm ngôi mộ gió người ta đắp cho ông sau cồn cát nơi hàng dương cạnh biển.

Em về lại nhà mẹ đẻ. Ngày về, em cũng ra ngôi mộ gió của chồng. Ngồi lại lâu lắm nhưng chẳng biết nói lời chi. Em chỉ thầm hứa sẽ giữ cây xương rồng luôn xanh tốt. Mùa hè năm đó em thi đỗ rồi ra Bắc học đại học. Cái cây đã theo em suốt những năm qua nhưng nó chẳng lớn thêm được chút nào. Vẫn bé xíu, còi cọc. Về đây nó có khá hơn. Chắc nó tìm được chốn an lành rồi.

*

Chắc anh sẽ thắc mắc tại sao lại đi giao một kỷ vật quý như vậy cho một người xa lạ… - Nàng tiếp tục câu chuyện – Bởi chẳng biết vì sao khi nom thấy anh, em như gặp lại người ấy. Em nói thực lòng đấy. Hai người trông giống nhau như cặp song sinh.

Tôi nhớ lại email có đính bức hình hồi đầu năm. Cứ ngỡ nàng chụp lén tôi, biết đâu đó chính là người chồng của nàng.

- Trước ngày lên đây em lại mơ thấy anh ấy về. Anh mặc một bộ quần áo cầu thủ bóng đá. Anh kể đang chơi cho một đội phía bên kia đại dương. Cuộc sống vui vẻ lắm. Anh nhắn em nên tìm một nơi nào đó cho cây xương rồng. Nó cũng đang cần một chốn mới như anh vậy.

Nàng nói chỉ thăm lại cái cây rồi đi. Quả vậy. Tôi vẫn nhớ rõ đó là một buổi chiều mùa hè mười năm về trước. Cũng như hôm nay là một chiều hè. Nàng phăm phăm bước trên dốc núi trong màn mưa đang đổ về nặng hạt. Ai đó đỗ xe chờ sẵn nàng ở cuối dưới dốc. Tôi chỉ kịp nom thấy mỗi mái tóc cắt ngắn khi cửa xe đóng lại.

Tôi vẫn trồng cây trong khu vườn của mình. Không nhiều lắm nhưng mỗi cây có một câu chuyện riêng. Tôi nhớ nhất là chuyện về cây xương rồng cạnh sân. Tôi vẫn bảo với vợ con rằng đó là kỷ vật của một người bạn đã lâu không còn gặp lại. Có thể cũng như người chồng, nàng đã tìm thấy một cuộc sống mới, vui hơn. Cây xương rồng của nàng đã lớn quá đầu người và vượt qua hàng rào. Xanh tốt. Lâu lâu, xương rồng lại ló ra vài chùm hoa đỏ bé xíu./.

Bài liên quan
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Ký ức xương rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO