Tin vào nắng
Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Diệp dặn với thêm: “Chuyển thiếp mời cho ông Tín giúp tao nhé! Ông ấy bận nên chỉ mời dự tiệc ở khách sạn thôi, không phải về quê cùng mày từ hôm trước”. Diệp không ưa nổi cái cách quan tâm đầy chất chiếm hữu của anh, mà anh thì lại luôn sợ những ồn ào phá phách của cô bạn ngấm sang Thùy. Chính vì thế, những lúc buồn khổ, thất vọng về anh, Thùy không dám sẻ chia nỗi niềm với bạn.
Lâu lâu, Diệp nhìn xoáy vào nỗi lo âu mơ hồ của Thùy:
- Mày với Tín định thế nào? Chẳng lẽ lại cứ biền biệt mãi thế à? Đàn ông làm nghề xây dựng đi đâu “gieo ngô” ở đó. Liệu có tin được lâu không?
Thùy rất sợ cái kiểu nửa hỏi han nửa phán xét đó. Mẹ và các chị tuy không nói toạc ra, nhưng cũng xa xôi nhắc nhở. Nhiều lúc phải trốn tránh những săn đón quanh mình, Thùy cũng tự hỏi: Hay mình mù quáng dại dột quá khi cứ vời vợi chờ mong thế này?
Yêu nhau hai năm, không ngày quan trọng nào anh quên có mặt (bằng cách của anh) bên cạnh Thùy. Chỉ nghe giọng Thùy khang khác là hàng tá dặn dò trách móc: Em nhớ uống thuốc đúng giờ. Em đừng thức khuya gõ máy tính nữa. Anh tệ quá, không ở gần để chăm sóc được em cho đáng mặt người yêu… Chỉ nghe thế thôi, giọng Thùy đã ướt sũng: “Anh đừng lo. Em không sao thật mà”. Hai năm, anh đã kịp biết gần hết họ hàng Thùy qua mấy đám cưới, đám giỗ, đám khao thọ… Nhưng Thùy chưa một lần đặt chân đến quê anh. “Bầm anh (anh vẫn quen gọi mẹ là “bầm”) rất đẹp nhưng không hiền. Em mà về bây giờ là hỏng hết. Đợi khi anh có đủ những thứ cần thiết cho em, chúng mình sẽ không phải chịu sự sắp đặt nào hết. Chỉ cần em tin anh”. Anh bảo, mẹ luôn là người quyết định mọi chuyện trong nhà, ngay cả chọn nghề cho em trai, kén chồng cho chị gái cũng một tay bà sắp đặt. Anh phải chọn cách đi suốt năm để thoát khỏi tầm kiểm soát của mẹ, mấy ngày Tết về nhà chỉ để ngủ vùi. Trúng mấy công trình lớn, anh dư tiền mua một mảnh đất kế bên khu đô thị phía tây thành phố. “Trong ngôi nhà của em, sẽ có một căn phòng đặc biệt. Chỉ cần bước vào đó, em sẽ được tự do tuyệt đối với nắng gió của mình”. Thấu hiểu và yêu thương đến độ nào đó, anh mới đọc ra được ước mơ sâu kín của Thùy một cách dễ dàng như vậy. Sao Thùy lại không tin, không dựa vào lòng tin để chờ đợi anh cơ chứ!
Chị Phương cùng phòng nghỉ sinh, dù đã tuyển thêm cộng tác viên nhưng công việc của Thùy như vẫn tăng lên gấp đôi. Vừa lo viết bài, vừa phải tổ chức trang, mà cộng tác viên lại chưa thạo việc nên bài nhận về phải biên tập khá vất vả. Cả tuần tất bật, đến lúc nhớ ra đã gần hết ngày thứ 7 mà chưa có tin nhắn quen thuộc nào. Chắc phải giận ghê lắm anh mới im lặng lâu như vậy. Thùy hân hoan nhấn phím: “Trừng phạt em như vậy là đủ rồi. Nhớ anh vô cùng. Sớm trở về với em nhé, Leo!” Anh sinh đúng vào cung sư tử, Thùy đã chọn tên chòm sao này làm kí hiệu tình yêu của mình.
…1 giờ sáng. Bản giao hưởng Định mệnh dội lên róng riết. Số máy nội thành, Thùy ấn phím nhận cuộc gọi, một tiếng gầm vang lên: “Con đĩ!” Hả? – Thùy bật khỏi cơn ngái ngủ, trân trân nhìn màn hình xanh lét, vẫn 04664… đang gọi. Trấn tĩnh trong giây lát, Thùy áp máy vào tai: “Chị là ai? Sao lại nói năng hồ đồ như vậy?”. Tiếng gầm kết thành chuỗi: “Tao là ai à? Mày hỏi thằng tình nhân mặt dày của mày xem ai đẻ cho nó hai đứa con? Xem nó móc ví của ai để lấy tiền hoa hoét, quà cáp cung phụng mày?” Chiếc điện thoại run lên bần bật. Đây là món quà anh bí mật đặt dưới gối của Thùy, đúng vào buổi sáng ngày lễ Tình nhân, nó láu lỉnh vang lên bản Love story da diết.
Không biết bao lâu sau, Thùy tắt máy mà lịm đi trong cơn nức nở. 6 giờ. Anh đến, áo bò bạc phếch, tóc bị gió vuốt ngược ra phía sau. Đó là người vợ mà mẹ anh muốn chọn. Tối qua anh về thăm nhà, có ai đó đọc tin nhắn trong máy và gọi cho cô ta. Để có anh, cô ta sẵn sàng tuân thủ tất cả những chỉ bảo của mẹ. Anh hôn lên đôi mắt vẫn mòng mọng nước: “Em khóc suốt đêm qua phải không?”. Anh dồn công việc vào một góc, bỏ mặc mấy công trình vừa bắt đầu khởi công, đưa Thùy ra biển. Mấy ngày sóng nước vỗ về, Thùy trở lại với niềm tin ngạo nghễ. Anh yêu Thùy, chỉ một mình Thùy mới khiến anh sẵn sàng vứt lại những cộng trừ nhân chia trong cái bảng hoàn công dày đặc lời lãi, để nhấc bổng Thùy lên trong căn phòng chốt kỹ mọi lối vào: “Chẳng có điều gì trên đời này mà anh không dám làm, vì em!”. Vậy là tình yêu đang bị thử thách đấy thôi. Chỉ cần Thùy tin anh, sẽ vượt qua tất cả… Sau “sự cố” đó, anh tìm cách ở bên Thùy nhiều hơn, một phần cũng vì thời gian này những công trình của anh đang mọc dần lên ngay trong thành phố.
Diệp nhìn thẳng vào ngọn lửa hạnh phúc đang lộ liễu cháy trong mắt Thùy:
- Niềm tin chỉ bất tử trong môi trường “chân không”. Tao thấy thật lạ, sao chưa bao giờ ông ấy đưa mày về nhà? Tuổi này yêu đương đâu phải nay thích mai bỏ. Ngay cả tên quê ông ấy, mày vẫn còn lơ mơ.
Thùy hơi sững lại, rồi làm mặt giận. Diệp xem nhiều phim hình sự quá, nhìn đâu cũng thấy dấu hiệu phạm tội. Hai đứa không nói thêm được gì, Thùy đứng dậy: “Mai tao đi công tác. Tuần sau về sẽ mang quà cho hai mẹ con mày.”
Chuyến đi kéo dài hơn dự định vì những cơn mưa dầm của đợt áp thấp. Đi qua đoạn quốc lộ đang thi công lầy lội như đám ruộng vừa sục bùn, Thùy cố nén để không bật ra lời ca thán với anh cán bộ địa phương mấy ngày nay cần mẫn đưa Thùy lên huyện xuống xã thu thập tư liệu. Anh ghìm chặt tay lái để trèo qua những đống đá dăm, cố pha một câu đùa:
- Chắc chị Thùy chẳng đủ can đảm vượt qua đường sá này mà về làm dâu quê tôi đâu nhỉ?
Thùy cười: “Đây là xã nào vậy anh?” “Thanh Lãng, nơi có nghề mộc nổi tiếng đó chị”. Câu trả lời làm Thùy hơi giật mình. Chuyến đi biển lần trước, lúc anh lấy giấy tờ để thuê khách sạn, Thùy liếc tấm chứng minh thư, nguyên quán của anh trùng với tên xã miền trung du này. Một ý nghĩ bất chợt nảy sinh. Thùy bảo: “Em muốn đi tìm hiểu làng nghề”. Anh cán bộ sốt sắng đưa Thùy đến ngay nhà một nghệ nhân tài hoa nhất vùng.
Sau những thao tác nghiệp vụ, Thùy lấy vẻ thản nhiên hỏi một chú thợ đang chăm chút từng nhát đục tạo hình hoa lá cho bộ ghế giả cổ:
- Em biết nhà anh Tín ở đâu không?
Không phải một mình chú thợ mà gần như cả xưởng mộc đều muốn góp câu trả lời. Ở quê thường vẫn thế, người đầu thôn này cũng thuộc lòng cánh cổng nhà cuối xóm kia sơn màu gì. Tín à? Tín chủ thầu xây dựng chứ gì? Thằng này khá lắm, học dở đại học mà lấy được vợ Hà Nội, mẹ vợ nó là “mỏ vàng”, dốc tiền đầu tư toàn công trình lớn, “oách” lắm! Cả họ được hưởng lộc của nó đấy. Vừa rồi còn xây lại nhà cho bố mẹ. Đấy, cái nhà màu xanh to tướng ngay giữa làng kia kìa…
Thùy quay về, suốt mấy ngày hóa đá trước đống tư liệu thực tế ngổn ngang của chuyến đi. Không khóc được thì cũng không làm nổi việc gì cả. Thùy thay số máy, trả phòng trọ, đến cơ quan bằng một con đường khác. Im lặng, vì ngay cả Diệp, ngay cả mẹ và các chị cũng không thể chịu đựng nổi nếu Thùy vỡ òa những đau đớn này ra. Câm lặng, vì nếu không đóng băng cảm xúc lúc này lại, sẽ chết chìm trong nước mắt. Không biết trốn vào đâu để thoát được cảm giác của một kẻ gây ra trọng tội mà không tìm được nơi đầu thú. Từng ngày, từng ngày đếm nhịp thời gian mà tự thắt từng mối chỉ vá liền trái tim đã bị cắt ra từng lát, mỏng và đều đặn…
Anh tìm được Thùy trong một quán cà phê xa lạ. “Không cần phải xin lỗi đâu. Dù sao anh cũng đã dày công biến tôi thành một tên ăn cắp, không, ăn cướp mới đúng. Tôi chỉ không tìm được cách tha thứ cho những mù quáng nhẫn tâm của mình thôi”. Anh nhìn Thùy, không một thoáng nao núng. Sau tất cả những màn kịch đã bị vạch trần, sao người ta vẫn giữ được ánh mắt thẳng băng quyết liệt như vậy nhỉ? “Không như em nghĩ đâu, Thùy. Có thể em đã hết tin anh. Nhưng tình yêu của anh là có thật. Anh sẽ ra đi sau những cố gắng để em đỡ chật vật khi chỉ có một mình. Anh muốn em không cần phải cân đo toan tính để đánh đổi bất cứ thứ gì cho hạnh phúc của mình”. Anh nắm chặt hai bàn tay Thùy lạnh ngắt: “Em không bao giờ trở lại nữa đâu”. “Anh biết, anh cũng không thể giữ được em. Chỉ mong em được thanh thản với lựa chọn của mình. Đừng như anh. Đừng như Diệp.” Anh đặt vào bàn tay Thùy chiếc chìa khóa của ngôi nhà có căn phòng chỉ dành riêng cho nắng gió. Nước mắt đàn ông hình như không chỉ toàn vị mặn, vì tay Thùy đang bỏng rát từng vùng. Thùy rút hai bàn tay về phía mình, tiếng kim loại rơi xuống nền gạch lát vang lên khô lạnh như một nhát chém.
Thùy cần một nơi để gục đầu vào mà khóc. Cần thật nhiều nắng gió để bay đi hết bao lần nước mắt chảy ngược vào trong. Và Thùy cần hơn tất cả là một niềm tin lành lặn giữa mênh mông tan nát đớn đau này./.