Hạnh phúc của mẹ
Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
Mẹ bước vào phòng, chậm rãi ngồi xuống bàn uống nước. Tôi nhìn thấy cổ tay mẹ tím bầm, viền ngoài của vết bầm ấy đã chuyển sang màu vàng, để lảng tránh ánh mắt của tôi, mẹ vội kéo tay áo xuống. Tôi hỏi xem có phải bố lại đánh mẹ không, mẹ không nói gì chỉ gật đầu. Hai hàng nước mắt tôi cứ thế trào ra, không kìm lại được. Mẹ lấy tay lau nước mắt cho tôi, vỗ về. Hôm đó, bố nóng lên nên đã tát mẹ một cái, mẹ mất đà, ngã đập tay vào cạnh bàn nên nó mới tím đen như thế, xoa dầu vài hôm sẽ hết thôi. Từ sau, mẹ sẽ không để bố đánh nữa.
***
Từ ngày ông cụ Thuần mất, bà cụ Thuần sống một mình trong căn nhà cũ ở cuối làng. Ba người con trai đều muốn đón mẹ về sống chung, nhưng bà cụ nhất quyết ở một mình cho thoải mái. Ừ thì vắng tiếng người cũng buồn thật, nhưng bà muốn ăn lúc nào thì ăn, buồn buồn lại khóa cửa khóa nẻo đi sang hàng xóm chơi, uống đôi ba chén nước chè thế là cũng hết buổi.
Trước kia, bà đã sống với mẹ chồng mấy mươi năm, đủ biết chuyện mẹ chồng nàng dâu vốn phức tạp, sống riêng thì còn đỡ, chứ ở cùng nhau đến lúc lời qua tiếng lại thì ai cũng khó xử. Nghĩ thế, nên từ hồi ông cụ Thuần mất, bà lão lặng lẽ sống một mình trong căn nhà cũ. Bà tin, ông Thuần nếu có khôn thiêng, thỉnh thoảng sẽ về thăm nhà. Bà đến ở cùng các con, nhà cửa không có ai ở, vắng hiu vắng hắt như chùa bà Đanh, sợ hương hồn ông ấy lại buồn. Mấy người con trai năn nỉ mãi, thấy mẹ không đổi ý cũng đành chịu. Được cái đứa con dâu nào cũng hiếu thảo, hiểu biết, có món gì ngon cũng mang sang mời mẹ, tuần nào mấy đứa cháu cũng lên đón bà nội sang ăn cơm, hoặc xuống nấu ăn cùng bà, nên bà Thuần cũng thấy đỡ cô quạnh, mà buồn thì sao chứ, buồn mãi cũng quen thôi.
Mấy tháng trước, không may bà Thuần bước hụt chân ngã ngoài giếng. May mà nhà hàng xóm đang hái cau trong vườn nhìn thấy, vội chạy sang báo tin cho mấy người con trai của bà cụ. Già rồi nên xương cốt cũng giòn, ngã nhẹ một cái mà cụ bà phải nằm viện cả tháng trời.
Mẹ bị ngã khiến mấy anh em ông Thắng lo lắng lắm. Nghe bác sĩ nói có thể sau khi bình phục bà Thuần không thể đi lại được khiến mấy người con trai lòng càng nóng như lửa đốt. Giờ mẹ nằm một chỗ, đồng nghĩa với việc cần người chăm sóc kề cận bên bà cụ suốt ngày đêm. Ông Thắng đấm thùm thụp vào cái lưng đau, nhăn nhó nói với hai người em trai:
- Chú Thành, chú Thức này! Giờ mẹ ốm nặng như vậy, nguy cơ nằm liệt một chỗ đó, các chú tính sao?
Nhìn thấy anh trai vừa nói vừa thở hắt ra, chắc do cái lưng đau quá, Thành thỏ thẻ nói.
- Em tính thế này, bác Thắng với chú Thức xem có được không nhé! Thời gian mẹ nằm một chỗ có thể tính bằng năm, bằng tháng, chứ không tính bằng ngày, bằng giờ. Anh em mình thay nhau chăm mẹ mãi cũng không ổn. Hai vợ chồng bác Thắng đã về hưu nhưng cũng hơn sáu mươi cả rồi, làm sao chăm mẹ được mãi. Mà mẹ là mẹ chung, ai cũng phải có trách nhiệm. Mẹ ra viện thì về ở nhà bác Thắng, nhưng em và chú Thức sẽ tìm một người hộ lý chuyên chăm sóc người bệnh về chăm nom mẹ. Lương lậu của họ bao nhiêu, chúng em sẽ lo.
Vừa nghe thấy thế ông Thắng đứng phắt dậy, chỉ thẳng mặt em trai, mắng rằng làm như vậy là bất hiếu. Con cái còn khỏe mạnh cả mà thuê người ngoài về chăm mẹ thì chẳng ra thể thống gì cả. Hàng xóm láng giềng nhìn vào người ta cười cho. Lời qua tiếng lại một lúc, ba anh em không ai chịu ai, mặt mũi ai cũng đỏ bừng như Quan Công vì giận.
Tối hôm đó, mấy cô em dâu gọi điện cho bà Nhu kể chuyện ba anh em nhà ông Thắng cãi nhau ở bệnh viện lúc ban trưa. Nghe các em kể, bà Nhu cũng bất bình với cách xử sự của chồng. Hai ông bà tuy đã về hưu, cả ngày cũng chỉ ngồi rỗi, lo hai bữa cơm. Chỉ có điều sức khỏe giờ đây không còn được như trước, hết chứng thoái hóa cột sống của ông Thắng lại đến bệnh viêm khớp của bà Nhu hành hạ hai cái thân già những lúc trái gió trở trời. Nói thật, hai ông bà tự chăm sóc cho nhau lắm lúc còn thấy vất vả, huống hồ chi giờ phải chăm nom mẹ già nằm liệt một chỗ. Hai người em trai của ông Thắng đang phải nuôi con ăn học, nên không thể bỏ chuyện buôn bán để chăm mẹ già được.
Tính toán ngược xuôi, thuê một người giúp việc về chăm bà Thuần là phương án hợp lý nhất. Khổ nỗi, một người trọng sĩ diện như ông Thắng sợ điều tiếng với hàng xóm nên phản đối tới cùng. Xưa nay ở cái làng này, cha mẹ già ốm đau nằm đó đều do con cái chăm sóc, chứ chưa ai thuê giúp việc về chăm bố mẹ. Ông Thắng sợ người ta đàm tiếu là anh em ông bất hiếu, nên mới phản đối dữ dội như thế. Thân là con cả, nếu trong nhà có chuyện gì không hay, ông là người bị chê trách đầu tiên. Hiểu được nỗi lòng của chồng, bà Nhu cũng định để đến mai cho chồng nguôi giận, rồi mới lần hồi mà khuyên nhủ.
Tối hôm sau, cơm nước xong, nhân lúc đang lấy chai rượu thuốc để bóp cái lưng cho chồng, bà Nhu mới nhẹ nhàng nói:
- Mình này, tôi biết là mình thương mẹ, nhưng tôi với mình giờ cũng già rồi, hay là cứ nghe lời các chú ấy thuê người về chăm sóc mẹ. Tôi với ông ở nhà cả ngày, họ cũng không dám làm gì mẹ đâu.
Vừa nghe thấy vợ nói thế, ông Thắng đã nổi giận đùng đùng. Ông mắng bà Nhu là con dâu mà không hết lòng hiếu nghĩa với mẹ chồng. Trước kia, một tay bà nội trông ba đứa con cho vợ chồng ông đi làm, nay mẹ mới ốm đau có mấy ngày mà đã vào hùa với mấy đứa em chồng, tìm cớ thoái thác việc chăm sóc mẹ, không làm tròn nghĩa vụ của dâu trưởng.
Nghe thấy thế, bà Nhu vừa giận vừa uất ức. Bao nhiêu năm làm dâu, bà luôn biết ơn mẹ chồng vì bà cụ Thuần là người hiền lành, lúc nào cũng hết lòng vì con cháu. Nhưng giờ bà Nhu đã có tuổi, muốn chăm sóc mẹ chồng cũng lực bất tòng tâm. Giận quá, bà mới trách chồng:
- Ông muốn chăm mẹ thì phải xem sức mình có kham nổi không, hay lại đẩy cho tôi. Muốn đón mẹ về nhà tự chăm sóc, ông cũng phải nói với vợ một tiếng. Sao ông cứ tự quyết một mình rồi bắt tôi phải theo.
Nghe thấy vợ cãi lại, ông Thắng liền giờ tay tát cho bà Nhu một cú như trời giáng rồi đi vào phòng, khiến người vợ ngã dúi xuống đất. Đêm hôm đó bà Nhu thức trắng. Cuối cùng bà đã quyết định làm cái việc mà hồi trẻ bà không đủ dũng khí để làm.
***
- Mẹ gửi đơn ly hôn lên tòa án huyện rồi Nhàn ạ!
Đợi tôi nín hẳn, dần bình tĩnh lại mẹ mới chậm rãi nói. Vẻ mặt bà rất bình thản, điềm nhiên như cái cách người ta kể một câu chuyện vu vơ thường ngày, để mặc tôi tròn mắt ngạc nhiên. Lúc này, tôi thấy gương mặt bà rạng rỡ hẳn, ngắm mẹ cười, tôi có cảm giác như đang được ngắm đóa hoa mới nở, trên từng lớp cánh còn long lanh sương đêm.
Mẹ nói, giờ bà không thể về quê được nữa. Bây giờ mà về, kiểu gì họ hàng, rồi xóm giềng cũng xì xào, bàn ra tán vào. Còn chưa kể đến việc hai anh trai tôi chưa chắc đã ủng hộ mẹ. Mẹ nói, bà sẽ ở trên này với tôi một thời gian. Vài ngày tới, bà sẽ mua nồi chõ, rảnh rỗi thì thổi một thúng xôi để bán cho vui. Tôi yên tâm hơn khi nghe mẹ nói về những dự định nhỏ trong tương lai. Đang vui vẻ, chợt nghe tiếng mẹ thở dài. Mẹ lo, không biết hai anh trai của tôi sẽ phản ứng ra sao khi biết mẹ gửi đơn ly hôn lên tòa án. Thấy mẹ đã thấm mệt, tôi giục bà đi ngủ trước. Còn mấy cái báo cáo phải hoàn thành nốt, nên tôi mở máy tính lên, định làm việc, nhưng đầu óc cứ quanh quẩn về những chuyện ở nhà.
Từ nhỏ đến giờ, tôi đã chứng kiến khá nhiều lần bố đụng tay đụng chân với mẹ, không đến nỗi hở chút là đánh, nhưng mỗi lần không kiềm chế được cơn giận, hay thấy to tiếng với bố, bố đều dùng vũ lực thay vì ngồi xuống nói chuyện phải trái với vợ. Hồi trước, bà ngoại còn sống, có lần mẹ nói muốn ly hôn. Ai ngờ, bà chỉ thẳng mặt mẹ tôi mà bảo rằng: “Nếu mày dám bỏ chồng, thì tao coi như con gái đã chết rồi!”. Sợ ông bà ngoại giận, mẹ không nhắc đến chuyện ly hôn lần nào nữa. Giống như bao bà mẹ khác, mẹ tôi chẳng bao giờ dám nghĩ điều gì cho riêng mình. Mẹ nghĩ cho ba đứa con, mẹ sợ chúng tôi khổ, sợ mấy anh em bị người đời chê cười vì có cha mẹ ly hôn. Những nỗi sợ đó như tơ nhện, vây một con bướm nhỏ, khiến nó vùng vẫy mãi cũng không thể thoát ra.
Tôi chỉ lo một điều, mẹ đã sống cả đời ở quê, liệu mẹ có làm quen được với cuộc sống tấp nập của chốn phố thị này không? Mẹ có thể bỏ đi vài tháng, thậm chí vài năm, nhưng đâu thể đi mãi cả đời… Suy cho cùng tôi thương mẹ, nhưng tôi đâu phải là mẹ…
Nhìn thấy tên của anh Hùng hiện lên trên màn hình, tôi thở dài rồi bắt máy. Anh đoán kiểu gì mẹ cũng lên chỗ tôi, nên bảo tôi khuyên mẹ về nhà. Theo anh, trong nhà, có mỗi tôi là con gái, giờ bố mẹ lục đục, tôi phải đứng ra hòa giải. Hai anh tôi đã hẹn nhau, ngày mai sẽ lên Hà Nội đón mẹ. Bà nội đang ốm, mẹ lại bỏ đi như thế chỉ khiến chuyện trong nhà thành trò cười cho bàn dân thiên hạ. Tôi nói mai anh không phải lên chỗ tôi làm gì, chuyện của bố mẹ, cứ để mẹ tự quyết định, dù là con trưởng, hay con gái cũng không có quyền xen vào.
Tôi vừa dứt lời, đã bị anh mắng té tát. Anh nói tôi nghĩ như thế là dại. Bố mẹ ly hôn, mai mốt có ai hỏi cưới tôi, người lớn nhà bên ấy cũng chẳng vui vẻ gì. Anh nói tôi đừng hùa theo mẹ, hãy lựa lời khuyên mẹ về nhà, đó mới là cách hay nhất lúc này. Nghe những lời đó, máu trong người tôi sôi lên vì giận. Bao lâu nay mẹ tôi luôn nghĩ cho các con, nhưng anh cả tôi chưa bao giờ nghĩ cho mẹ.
Sáng sớm, tôi vừa dắt xe ra đến đầu ngõ chuẩn bị đi làm thì anh Hùng đã đứng ở đó tự bao giờ. Anh hỏi tôi đã nói chuyện với mẹ chưa, thấy tôi im lặng, anh kéo tay tôi, bước nhanh vào phía trong, mặc cho tôi vùng vằng. Chợt có một bàn tay giữ anh lại, đó chính là anh Minh, anh thứ hai của tôi. Giằng co giữa đường cũng không hay, ba anh em tôi tìm một quán café ngồi nói chuyện.
Anh Minh nói khuyên mẹ về với bố là đúng, nhưng muốn mẹ tha thứ thì bố phải thay đổi. Anh không muốn nhìn thấy mẹ bị đánh thêm lần nào nữa. Vừa nghe thấy thế, anh Hùng đã đập tay xuống bàn, mắt long lên sòng sọc. Anh cho rằng bố rất cố chấp, bao năm nay ông vẫn vậy, khuyên nhủ để bố thay đổi thì còn khó hơn lên trời. Mấy anh em nên khuyên mẹ quay về với bố. Bố mẹ già rồi, còn sống được bao nhiêu năm nữa đâu mà ly hôn để thiên hạ đàm tiếu. Một bà lão sáu mươi tuổi, đã lên chức bà nội mà còn đòi ly hôn thì đúng là chuyện động trời.
Anh Minh đứng phắt dậy, cảnh cáo anh Hùng không được đến chỗ tôi ở để gây sức ép cho mẹ. Nếu anh cố tình ép mẹ về nhà, chúng tôi coi như không có người anh trai này nữa.
***
Bà nội được chú Thành đón về chăm sóc, hằng ngày bố vẫn sang nhà chú chơi, xoa bóp cho bà, dù chú thím đã thuê người chăm nom. Ở gần bà nội, bố mới nhận ra chăm nom người già bệnh tật không hề đơn giản.
Trước kia, có mẹ ở nhà, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Mẹ mới đi vắng hơn một tuần, mọi thứ đã rối tinh cả lên. Có hôm bố tôi nấu canh còn để cháy đen cả nồi. Hai chị dâu tôi sợ bố ăn uống không đầy đủ, nên thay nhau mang đồ ăn sang, nhưng bố tôi vốn quen ăn đồ mẹ nấu, nên thấy không hợp khẩu vị. Hơn nữa, có hôm hai chị phải tăng ca, mãi đến tối muộn mới mang cơm nước cho bố được.
Từ một người cả năm không vào bếp, bố đành lọ mọ nấu ăn. Mẹ bảo, thỉnh thoảng bố còn chụp ảnh mâm cơm ông nấu, gửi cho mẹ xem. Mẹ lên Hà Nội được hai tháng, một hôm bố gọi điện cho tôi, hỏi mẹ có ở đó không, nhờ tôi đưa máy để bố nói chuyện với mẹ. Lúc đó, mẹ tôi đang mải lựa đậu, bảo tôi nói bố lát nữa gọi lại.
Vừa nghe thấy thế, bố liền bảo tôi bật loa ngoài lên để ông nói chuyện với mẹ mấy câu. Tôi chỉ nghe thấy tiếng bố ngập ngừng: “Bà nó à, tôi xin lỗi!”. Bao năm qua, bố tôi đã nhiều lần đánh mẹ, nhưng đây là lần đầu tiên bố nói câu xin lỗi. Mẹ không nói gì, chỉ khẽ lấy tay lau nước mắt.
Hôm nay, tôi đưa mẹ về quê, ở nhà bố và hai anh đã chờ sẵn. Các chị dâu tôi khoe hôm nay bố đích thân vào bếp, bố nấu chính đấy, các chị chỉ phụ giúp thôi.
Ngoài sân còn trồng một bụi hồng, loài hoa mà mẹ thích. Bố kể, từ hôm nắng gắt, bố phải che chắn cho mấy cây hoa ấy rất kỹ, sợ chúng bị cháy nắng. Nhìn đóa hoa đang nở, mẹ nhẹ nhõm mỉm cười…