Truyện

Mùa hoa biên giới

Truyện ngắn của Nguyễn Công Đức 06:03 25/05/2024

Sau những ngày vất vả ngược xuôi với các vụ việc, hôm nay Ban mới có một ngày rảnh rỗi. Nhớ tới lời hứa với Hoa, nhớ tới lũ trẻ trên điểm trường ở Nậm Mo Phí, Sín Thầu, nơi Hoa dạy. Ban mua một ba lô quà bánh, ít mì tôm, thịt hộp cho lũ trẻ và đặc biệt mua cho Hoa một tấm áo mới.

hoa-biengioi2.jpg
Minh họa của Ngô Xuân Khôi

Ban vẫn nhớ hôm cùng mình đi bắt thằng Páo - một đối tượng buôn bán ma túy trong bản, khi biết Ban bị thương Hoa đã xé vạt áo của cô để băng bó cho mình. Từ hôm ấy Ban vẫn chưa có dịp gặp lại Hoa. Ban lựa mãi mới chọn được một chiếc áo màu thiên thanh, màu mà Ban biết Hoa sẽ thích, trước ngực có một dải như chiếc nơ buông xuôi.

Đường lên điểm trường bữa nay như đẹp hơn trong mắt Ban. Vừa ngắm nhìn những bông hoa ban bắt đầu nở rải rác ven đường đung đưa trong gió, Ban vừa huýt sáo những điệu nhạc vui tươi. Con đường dường như ngắn lại, khi những giọt mồ hôi chưa kịp chảy ướt lưng áo, Ban đã nghe thấy tiếng lũ trẻ ríu rít tranh nhau chạy ra đón mình từ cổng trường. Đang giờ ra chơi, nhác thấy bóng Ban dưới chân dốc, một số đứa tinh mắt trông thấy đã vọt lên trước, chân chạy, mồm reo “A, chú Ban, chú Ban chúng mày ơi!” Những đứa chậm chân hơn cũng cố chạy theo. Chúng đu bám lấy người Ban tíu tít hỏi han đủ thứ. Ban ngồi thụp xuống vòng tay ôm lấy đám trẻ, nở nụ cười thật tươi thay cho câu trả lời trước rất nhiều câu hỏi ngây thơ của chúng. Ban lấy trong ba lô ra những gói bánh kẹo chia cho đám trẻ, những gương mặt rạng rỡ, ríu rít như các chú chim non được mẹ mang mồi về tổ sau một ngày dài.

Như đang chơi trò rồng rắn lên mây, Ban đi trước, đám học sinh của Hoa bám đuôi theo sau cùng nhau bước vào cổng trường. Hoa đang đứng trước cửa lớp ngó ra, đôi mắt lấp lóa niềm vui. Được Ban cho quà, đám học trò của Hoa xúm lại chia nhau, không bám theo Ban nữa như muốn trả Ban lại cho cô giáo của chúng.

“Anh Ban nay rảnh qua chơi hay tiện đường qua thăm cô trò chúng em thế?” Đứng bên cạnh Hoa, Ly nhanh nhảu hỏi khi thấy Ban bước lại gần. “Lâu quá chả thấy anh lên, hình như có người cứ ngóng mãi sắp mỏi cả cổ rồi đấy!” Nói rồi Ly nháy mắt với Hoa.
“Con ranh, lắm chuyện, là anh ấy lên thăm lũ trẻ chứ thăm gì chị em mình!” Vừa đập vào vai Ly, Hoa vừa liếc mắt nhìn Ban nói kháy.
“Hôm nay tôi rảnh, tranh thủ lên thăm cả cô lẫn trò, được chưa?” Vừa nói Ban vừa bước vào phòng ở của hai cô giáo rồi lấy ra những gói mì tôm cất vào chỗ quen thuộc như ở nhà mình. Lấy ra chiếc áo bọc trong túi nilon, Ban ngập ngừng đến trước mặt Hoa: “Tặng em!”

“Tặng em? Nhân dịp gì thế? Sao bữa nay anh lại tặng quà cho em, hơi lạ đấy nhé!” Vừa mở to đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên Hoa vừa hỏi.

“Hôm trước vì anh mà em hỏng mất một chiếc áo, nay anh tặng em coi như thay cho chiếc áo đó, lý do thế có được không?”
“Lý do tạm chấp nhận, được!” Hoa vừa nhận món quà của Ban vừa nở nụ cười tươi rói.

“Chị Hoa sướng nhé! Thế còn quà của em đâu?” Ly vừa trêu Hoa vừa ngó sang Ban và chìa tay ra.

“Đây của cô đây, anh quên sao được!” Vừa nói Ban vừa lấy ra chiếc gương cỡ quyển sách đưa cho Ly. Ban vẫn nhớ hôm trước Hoa điện có nói chuyện Ly làm vỡ chiếc gương chưa mua lại được, nay nhân tiện Ban mua cho cô một cái.

“Uây, anh Ban tinh thật đấy! Biết em đang cần mà mua tặng luôn mới tài. Cảm ơn anh nhé! Thôi hai người nói chuyện đi, em cho học sinh vào lớp đây!” Ly cất chiếc gương xong vừa cười vừa chạy ra khỏi phòng hô đám học sinh đang đùa nhau vào lớp.

Còn lại hai người, Ban lững thững theo chân Hoa ra sườn núi phía sau trường. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm toàn bộ thung lũng phía dưới đang sáng lên dưới ánh mặt trời.
Trải dài từ sườn núi chỗ Ban đứng, một triền hoa cỏ dại đang nở những bông hoa li ti tim tím, trăng trắng xen kẽ nhau chạy suốt xuống chân núi. Kéo dài ra xa là những vạt lúa đang vươn mình lên xanh mướt báo hiệu một vụ mùa bội thu của bà con thôn bản.
Ngồi xuống phiến đá mồ côi to gần bằng cái bàn học sinh chìa ra bên sườn núi, thấy Hoa cứ có vẻ buồn buồn khác hẳn lúc nãy, Ban bèn hỏi: “Em có chuyện gì à?”

Đưa tay ngắt một chùm hoa nhỏ, Hoa nhìn sang Ban bảo: “Có chuyện này không biết có nên nói với anh hay không, cơ mà em vẫn cứ lăn tăn quá!”

“Chuyện gì mà khiến cô giáo khó nghĩ đến thế, kể anh nghe xem nào?”

“Con bé Piêu mấy nay nó bỏ học rồi anh ạ! Cái đứa còi cọc nhất trong đám học sinh ấy. Nó nhút nhát, mỗi lần anh đến nó không dám ra chơi với anh như đám bạn. Nhưng mỗi lúc anh về nó lại hỏi em về anh, nó có vẻ cũng quý anh nhưng không mạnh dạn thể hiện.”

“Anh nhớ nó rồi, thảo nào hôm nay lên trường cứ có cảm giác thiêu thiếu, hóa ra là vắng nó. Sao nó lại bỏ học vậy?”

“Bố nó chết vì ma túy rồi, giờ nó bơ vơ một mình nên không đi học được nữa. Mà anh biết không, cả bố mẹ nó đều nghiện. Mấy năm trước khi mẹ nó sinh thằng em mới được mấy tháng tuổi, người ta đến gạ cũng đem con bán đi để lấy tiền hút, chích. Đến lúc hết tiền có căn nhà rách nát cũng bán nốt. Rồi mẹ nó bị sốc thuốc mà chết tầm một năm nay rồi. Hai bố con nó chui vào sống trong hang núi ấy. Bố nó cứ bắt nó bỏ học đi kiếm tiền cho bố nó hút thuốc phiện. Mà tính nó ham học, thích đi học lắm, em động viên mãi nó mới theo học. Bây giờ bố nó chết đi, nó bơ vơ không biết sống với ai, nhà nó nghe đâu cũng chẳng còn ai thân thích. Em thương nó quá, định đem nó về đây ở với em, nuôi cho nó ăn học nên người. Anh thấy thế nào?”

Nghe Hoa kể, Ban chợt thấy sao nó giống hoàn cảnh của mình, nếu không có bà Liên chăm chút nuôi dạy từ bé đến giờ chắc gì Ban đã có ngày hôm nay. Con bé Piêu kia, giờ không còn nơi nương tựa, để nó bơ vơ giữa dòng đời này thì rồi không biết cuộc đời nó sẽ trôi về đâu. Ban nhớ lại những ngày cùng bà Liên lặn lội hết làng nọ đến bản kia, tuy vất vả nhưng bà Liên vẫn chăm chút cho mình từng bữa ăn giấc ngủ, yêu thương Ban như con đẻ. Bà Liên cũng không đi bước nữa mà dành cả cuộc đời để nuôi dạy Ban nên người, trở thành một người lính biên cương. Thế nên giờ thấy một đứa trẻ có hoàn cảnh như mình Ban không nỡ lòng nào.

“Anh tính thế này, em cứ mang nó về đây nuôi dạy, coi nó như con, có gì anh sẽ hỗ trợ. Em ở đây có nhiều thời gian cho nó hơn anh. Nếu bố mẹ em không đồng ý hoặc sau này em đi lấy chồng thì anh sẽ mang nó về nhờ mẹ anh chăm sóc. Thế có được không?”

“Ai thèm lấy chồng? Em sẽ nuôi nó, như mẹ Liên của anh đấy!” Nghe thấy Ban nhắc đến chuyện lấy chồng, Hoa mặt hơi ửng hồng ngúng nguẩy quay đi.

“Hay là thế này, nay anh cũng đang rảnh, em nhờ Ly đứng lớp. Mình xuống chỗ con bé Piêu xem thế nào. Rồi báo với chính quyền và làm thủ tục nhận con nuôi.”

“Cũng gần trưa rồi, để em nấu cơm, ăn xong rồi anh em mình đi!”
“Thế cũng được!”

Ban phụ giúp Hoa nấu cơm. Đến giờ ăn trưa Ban cùng hai cô giáo với lũ trẻ bê ra một xoong cơm, một nồi to canh rau rừng nấu với mì tôm, thịt hộp Ban mang lên. Nhìn đám học sinh chen chúc nhau, đứa mang mèn mén, đứa mang cơm nắm với ít muối rang, sang hơn có đứa có ít muối lạc, muối vừng ngồi xúc ăn ngon lành. Thi thoảng lại có đứa mang bát lại xin cô giáo chút canh, nhìn chúng húp xì xoạp một cách vui vẻ, thích thú, Ban chợt thấy cuộc sống nơi đây tuy còn khốn khó nhưng vẫn thật sự ấm áp. Đối với lũ trẻ, bữa ăn chỉ cần có thêm chút gia giảm thôi là chúng đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Ban chợt thấy chạnh lòng khi thấy đâu đó vẫn có những bữa ăn sơn hào hải vị thừa mứa bỏ đi.

Ăn cơm xong Ban và Hoa lên đường đến chỗ Piêu. Phải vượt qua hai con suối, một ngọn núi, rồi khi đến chân Nậm Mo Phí lại phải leo lên một con dốc cao nữa mới tới nơi. Thế mới biết mỗi lần đến trường của một đứa trẻ nó vất vả như thế nào. Ban vừa đi vừa nghĩ về những ngày đi học của Piêu với đôi bàn chân nhỏ nhắn, vóc dáng nhỏ bé, gầy còm như thế mà vẫn chịu khó vượt qua để đến trường.
Đi qua một sườn dốc với một ngôi nhà nằm chơ vơ rách nát, Hoa bảo Ban: “Đây là ngôi nhà trước kia của gia đình con bé Piêu, nhưng giờ bán cho ai rồi không biết, mình phải đi sâu vào tận hang đá trong núi kia mới đến chỗ nó đang tá túc.”

Có lẽ phải rất lâu sau Ban mới có thể quên đi được cái cảm giác ban đầu khi bước chân vào hang đá mà Hoa bảo ấy. Một thứ mùi muốn làm người ta nôn mửa. Nó hỗn hợp của mùi hôi hám, mùi thức ăn ôi thiu, mùi khen khét của giẻ rách, nilon bị đốt cháy, kết hợp cả cái mùi của bệnh tật lâu ngày còn ám lại. Trần hang thấp không đủ để một người lớn có thể đứng thẳng đi vào, muốn vào trong phải khom lưng, quỳ gối, gần như phải bò.

Khi thấy Ban hơi nhăn mặt vì sự hỗn tạp nơi đây, Hoa bảo: “Anh mới vào đây thấy thế này đã kinh rồi, chứ mấy bận lên đây em chết khiếp lên được ấy. Cái hang này là chỗ chuyên cho một nhóm người tụ tập hút, chích đấy. Chính quyền làm gắt, mấy bận đốt, chúng bỏ đi kiếm chỗ khác. Chỉ còn bố con nhà Piêu chẳng có nơi nào để đi cứ loanh quanh rồi lại về đây bám trụ. Anh không biết đâu, có lần em lên nhìn đám người nằm lăn lộn trong đống chăn đệm, nilon, giẻ rách cáu bẩn trong cái hang nhờ nhờ tối, trước mặt là ống tẩu, điếu cày và chút cơm thừa, canh cặn không biết kiếm ở đâu về, em run hết cả người. Muốn đi không được mà ở lại cũng không xong, đành đánh liều vào gặp bố con cái Piêu. Khi biết em là cô giáo cái Piêu, cũng không thấy ai làm gì em cả. Trong hang chỉ có đôi ba manh chiếu rách, vài cái ống bơ đun nước xái thuốc phiện, không có cả nồi niêu nấu nướng gì. Trời lạnh thì họ đem nilon, giẻ rách ra đốt để sưởi, lắm khi khói phủ hết cả hang, ai nấy ho sặc sụa. Không có tiền mua thuốc thì lấy ống tẩu cũ luộc lên thứ nước đen đen của nó mà xì xụp húp cho đỡ nhớ thuốc phiện. Người thì lở loét, người thì đau đớn vật vã!”

Nghe kể mà Ban cũng thấy sợ thay cho Hoa. Bỗng nhiên nghĩ đến điều gì đó Ban chợt thấy rùng mình i. Ban nhắm chặt hai mắt lắc lắc cái đầu một lúc rồi mở choàng mắt ra như nhìn vào một nơi vô định. Ban nhớ đến những tháng ngày cùng anh em của đồn A Pa Chải lặn lội khắp rừng sâu núi thẳm để phục bắt những kẻ buôn lậu thuốc phiện gieo rắc cái chết trắng thâm nhập qua biên giới. Ấy thế mà vẫn không thể ngăn chặn hết được cái vòi bạch tuộc đang âm thầm vươn xuống tận nơi đây để lại biết bao hệ lụy đáng buồn.
“Anh sao thế, khó chịu à? Nếu khó chịu thì để em vào cho!” Thấy thái độ của Ban như vậy, Hoa dò hỏi.

“Không, anh không sao, để anh vào cùng em!”

Bò vào một đoạn hai người thấy dưới bóng tối lờ mờ một thân hình nhỏ bé đang đắp tấm chăn mỏng, rách lỗ chỗ nằm co quắp trong góc hang ẩm ướt. Phía trên còn một bát cơm với quả trứng và vài cái chân hương đã tàn.

“Piêu, Piêu…” Vỗ nhẹ vào đống chăn Hoa khẽ gọi.

Đống lùng nhùng trong chăn chợt động đậy thò ra mái tóc bù xù, đôi mắt hơi he hé nhìn người trước mặt. “Cô giáo ơi, con đói!” Khi nhận ra Hoa con bé uể oải nói, giọng mệt mỏi.
Ban bò vào nâng con bé dậy, lấy cái bánh giắt theo người đưa cho nó. Hoa cầm sẵn một chai nước sợ nó nghẹn.
Rũ bỏ tấm chăn rách khỏi người, con bé Piêu run rẩy nhận cái bánh từ tay Ban rồi nhồm nhoàm ăn. Cả người nó bốc ra mùi hôi hám, ẩm mốc.

“Con ăn đi rồi về với cô chú, từ giờ cô chú sẽ nuôi con, con có muốn ở với cô chú không?” Vừa nhìn con bé Hoa vừa ướm hỏi.
Con bé gật gật cái đầu, cầm chai nước Hoa đưa tu ừng ực.
Sau khi đưa con bé ra khỏi hang, tìm xuống con suối tắm rửa sạch sẽ, thay cho nó bộ quần áo khác, Hoa và Ban thu dọn những gì còn sót lại của Piêu cho vào một cái túi. Piêu có vẻ đuối sức, Ban bèn ngồi xuống cho cô bé bám lên cổ mình rồi cõng nó. Đôi bàn tay nhỏ bé của nó quàng lên cổ Ban, chợt trong lòng anh dấy lên một xúc cảm kỳ lạ.

Lúc này đã sâm sẩm tối, mặt trời đang tìm đường trốn ra sau dãy núi cao nhất. Trên đầu hai người đâu đó một khoảng mây trắng bồng bềnh kéo đến.

Hoa và Ban rảo chân bước vội khi con đường phía trước bắt đầu nhập nhòa trong đám sương mù. Hai bên đường những cánh hoa ban trắng muốt đang rung rinh trong gió như tiễn bước hai người xuống núi. Lại một mùa hoa của vùng đất biên cương này bắt đầu chúm chím nở làm xao động lòng người.
Chỉ ít ngày nữa thôi những cánh hoa ấy sẽ bung nở trắng rừng./.

Bài liên quan
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
Mùa hoa biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO