Truyện

Một giấc mơ xa

Truyện ngắn của Lữ Hồng 06:54 22/10/2024

Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…

giacmoxa-21082024.jpg
Minh họa của Ngô Xuân Khôi

Vân gượng dậy khỏi sofa, vừa quấn tóc vừa tiến lại chiếc bàn kê sát bức tường màu trắng sữa, nhớ ra mình chưa cắm hoa. Sắp phải chuẩn bị cơm trưa. Giờ này mà ở Việt Nam, chỉ cần qua chợ mua mấy nghìn dưa cải, cà pháo muối chua là có thể ăn nguyên ngày. Nghĩ đến đó Vân gợn buồn. Không bao giờ cô để lộ vẻ mặt ấy khi có Otto ở nhà. Anh là người hay suy tư. Từ ngày đưa Vân sang đây, Otto chưa để cô phải chịu khổ một ngày nào. Anh tự đổ rác, đi chợ, mua báo hay pha cà phê mỗi sáng trước khi đi làm. Có Jim và Coen, anh lại càng bận bịu hơn. Nhìn chồng tất bật, Vân không nỡ thốt nên hai chữ nhớ nhà. Người Việt hay bảo, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Ba của Vân ngày còn sống chỉ toàn làm khổ vợ con bởi phong lưu quá trớn, nên kí ức về gia đình cô ảm đạm và lạnh giá. Ngày Vân quyết định xa xứ, mẹ cô lặng lẽ gật đầu, hai đứa em còn khờ cứ cười như đón Tết. Vân không hiểu chính mình lúc ấy, cũng như không hiểu chính mình bây giờ. 6 năm trời ở xứ người, cô mới về thăm mẹ được hai lần. Về được là tốt rồi!

Bữa trưa đã xong. Vân đổi món bằng nồi thịt kho hột vịt cho ra dáng một người xa xứ. Otto và hai đứa trẻ vẫn chưa về. Chắc Jim và Coen đang cười tít mắt trên những thảm tuyết dày hay đã ra tới bờ hồ mải mê ngắm tulip rồi. Thị trấn này gần như chưa bao giờ nhàm chán về cảnh trí. Tất cả đều quyến rũ nhất là ngay buổi chiều Vân đặt chân đến. Vân pha một tách trà, vị hoa cúc sấy khô dễ chịu quá. Cô thả mình bên bệ cửa, bắt đầu để ý những thay đổi bên ngoài. Vậy là 6 năm làm công dân của thị trấn này đã trôi qua. Sau những thủ tục làm quen, những cuộc xã giao vu vơ với hàng xóm trong vài lần chạm mặt, Vân vẫn chưa biết mình có thật sự thuộc về nơi này hay không.

Vân nhấp ngụm trà rồi hít một hơi thật dài. Lồng ngực của cô bao giờ cũng như thiếu dưỡng khí. Vân dợm nghĩ đến tấm vé máy bay rồi mở mắt nhìn ra phía ngoài trời. Hỗn độn quá. Vân luôn trấn an, rằng mình không bất hạnh. Bởi thế Vân không dám trông chờ thêm điều gì thật tốt lành sẽ đến. Hôm qua, Otto vừa nói như trêu Coen: “4 tuổi mà vẫn xài tã, cả nhà sắp phải nhịn ăn vì con rồi”. Một câu đùa làm Vân suy nghĩ. Vân đã thử tìm một vài việc ở gần đây, để tiện bề chăm con nhưng chưa việc nào ổn cả. Số tiền trang trải cho gia đình mấy năm nay đều trông cậy vào Otto.

***

Tuyết trắng gần như phủ kín không gian bên ngoài khung cửa. Otto đi làm từ sớm dù đang mùa lễ hội. Hôm nay Vân thay anh đưa con đến trường. Nhà chỉ cách trường một quãng đi bộ nên chẳng có trở ngại nào. 5 tuổi, Jim đã biết đạp xe. Bên này, trường tiểu học có vài điều khác lạ. Giờ giấc linh hoạt, trang phục không nhất thiết phải giống nhau. Hai đứa trẻ nhà Vân có nhiều thời gian nô đùa ở trường, chỉ học vừa đủ thôi. Cô giáo trẻ Agnes hay dặn Jim mang vỏ lon sữa đến trường, dạy cách khoét lỗ rồi bỏ thức ăn vào, đem về treo lên cây cho chim có chỗ ở và thức ăn vào mùa đông. Vân tạm hài lòng vì điều đó.

Coen vào tới cửa lớp còn ngoảnh lại cười với mẹ. Vân đưa tay ra hiệu cho các con cứ yên tâm vì mẹ sẽ ở gần đây thôi. Sáng nay tuyết dày quá, có vẻ chớm xuân rồi. Những bông tuyết bám trên cành cây được một lúc là tan ra. Vân men theo con đường rừng, đi về hướng bờ hồ. Mặt hồ đóng băng như còn ngái ngủ, phản chiếu ánh nắng nhẹ tênh của buổi mai đẹp đến ngẩn người. Quanh đó là cây rừng dây leo chằng chịt. Tháng 12 mà lá vẫn như mới ngả sang thu. Vạn vật cũng có đôi lần trễ nhịp. Vân đứng lặng hồi lâu trước mặt nước lạnh băng, bâng quơ nghĩ về lũ vịt đang tránh rét nơi nào. Thường ngày, chúng vẫn bơi ở đây cơ mà.

Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên
thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ
.

Tự dưng lại nhẩm nhẩm câu hát này, Vân bối rối đến rơi nước mắt. Vân nhớ Việt Nam quá. Nhớ mảnh đất cao nguyên với ngôi làng nhỏ nằm cheo leo giữa thung sâu. Nhớ cánh đồng rạ trải vàng những khung cảnh thần tiên lên mặt đất và nhớ cả vị chua giòn giã của nhánh táo rừng đang mùa trĩu quả. Mùa này, chắc người trên phố đã giả vờ biết lạnh để nhắc nhau mặc ấm. Nhung cứ điện hoài, bảo về đi Vân, Tết này lớp mình họp lần đầu. Vân ngồi thụp xuống, chống chọi với nỗi nhớ đang dâng cùng khắp cơ thể. Từ hôm nghe tiếng mẹ sụt sùi trong điện thoại, Vân ít gọi về hơn. Đã chọn rồi, có thể liệng bỏ được sao!

Vân đảo mắt nhìn quanh. Hồ nước này, cánh rừng này với cái màu vàng non óng ánh như có một cái gì đó bồi đắp cho tâm trí của một người luôn chỉ để ý đến mùa xuân. Nhớ ngày trở dạ sinh Jim, Vân nhớ mẹ, đau càng đau thêm, hai chân cứ sụt xuống dù đã có hai cô y tá đỡ hai bên. Hà Lan có chỉ số hạnh phúc cao cũng vì chất lượng y tế, giáo dục bên này khó lòng chê trách. Vân đã tìm hiểu điều đó trước khi đeo nhẫn cầu hôn của Otto. Bệnh viện cho người đến tận nhà chăm sóc hai mẹ con Vân. Việc tắm cho em bé những ngày đầu cũng không tới tay, đêm Vân mệt, ngủ thiếp đi cũng có người ôm con giúp. Thay vào đó, Otto phải đi làm và dành khoản tiền không nhỏ để đóng thuế. Tất nhiên rồi. Nhưng tất cả, tất cả đều không bù đắp nổi sự buồn tủi trong Vân mà có lẽ chỉ có người phụ nữ Việt nào sinh con so mà không được gần mẹ ruột của mình mới hiểu.

Vân ngước nhìn lên. Khi mấy ý nghĩ vụn còn đang mải miết trong đầu thì những đám mây đỏ rực ở đâu vừa bay đến, phủ lấp nền trời. Giấc mơ về Việt Nam lại thoáng qua. Giấc mơ ban ngày này cứ đeo đuổi Vân mãi. Không thấp thoáng. Chẳng chập chờn. Vân đứng hồi lâu trong thứ ánh sáng lành lạnh ấy, hắt hơi một cái rồi chợt rời đi. Có chú sáo nhỏ hót vui tai đâu đó. Vân tự hỏi, liệu nó có biết cuộc sống tươi đẹp lên bằng chính thanh âm của nó không, liệu nó có ước mơ gì không và khi nào thì biết nhớ về tổ ấm. Vân thong thả trở lại con đường chính, bỏ sau lưng tiếng hót lẫn vào vòm lá say sưa.

***

Một buổi tối tiết trời ấm hẳn lên dù vẫn còn tuyết rơi lất phất ngoài ô cửa. Những cánh cửa đã bắt đầu riêng tư. Vân gấp xong quần áo cho con, liền đun một bình nước sôi, pha tách trà và ngồi đợi. Otto trở về nhà, trao cho Vân một cái hôn và bó hoa hồng. Bữa tối muộn, có bánh mì và súp mặn. Dọn dẹp xong căn bếp và cho lũ trẻ đi ngủ, Otto vào bàn làm việc, chuẩn bị vài tài liệu cho buổi họp ngày mai. Vân nhìn bình hoa hồng trước khi đi vào phòng ngủ.

Otto vẫn cặm cụi. Vân tới gần, nhìn bâng quơ vào màn hình đầy những số liệu của chồng, chừng như muốn nói gì đó mà lại thôi. Otto ra hiệu cho Vân đi ngủ trước, còn thắc mắc sao tối nay không thấy cô đắp mặt nạ dưỡng da như mọi ngày. Vân hôn vào vai chồng rồi lặng thinh bước tới chiếc giường trải ga màu xanh sậm, nằm quay lưng vào vách, hướng mắt về phía Otto đang ngồi. Vân cố nén một hơi thở dài. Nghề nghiệp bây giờ không còn chỉ là niềm vui đối với Otto nữa. Sự thiếu hụt đâu đó nhiều lúc khiến con người ta trở nên dẻo dai hơn. Vân nghĩ mình không có quyền kêu ca khi thấy công việc chiếm gần hết thời gian của chồng. Cô chưa bao giờ là kẻ hay than phiền. Nhưng ai đó nói giúp Vân đi, nói với Otto rằng cả nhà hãy về Việt Nam một chuyến nữa.

Người phụ nữ đêm nay thấy mình chẳng khác gì một kẻ không tang mà đứng trước mộ phần, buồn đìu hiu. Vân nằm nghĩ linh tinh, về Việt Nam chặng nào cũng khó khăn, riêng tiền ăn uống, đi lại đã nuốt chửng khoản tiết kiệm gần cả năm trời của chồng, chưa kể quà cáp cho mẹ, cho em, cho bà con lối xóm. Nghĩ đến đó, Vân thấy mình tệ quá. Vân gác tay lên trán để sớm đi vào giấc ngủ, lồng ngực như bị bóp chẹt lại. Dù thế nào thì cuộc sống vẫn lặng lẽ đi tới.

***

Sáng chủ nhật, Otto đưa Vân và lũ trẻ đi dạo. Không phải vào rừng mà là ghé thăm một ngôi làng cổ cách nhà khá xa. Ở đây, những mái nhà nằm dọc theo bờ kênh, người ta muốn di chuyển phải dùng thuyền nhỏ. Mọi thứ tĩnh lặng đến mức tiếng kêu của bầy thiên cầm cũng đủ làm không gian náo động. Vân ngẩn ngơ nhìn cảnh vật nơi này, biết là xứ người mà cảm giác sao thân thương quá đỗi. Otto kiếm một góc khiêm tốn trên bãi cỏ để bày cuộc dã ngoại cho hai con. Jim cười tít mắt. Coen chốc chốc lại níu tay Vân chỉ ra ngoài bờ kênh, nơi chú chim nào đó lướt vội trên mặt nước rồi đột ngột cất mình bay lên. Otto chụp cho ba mẹ con một kiểu ảnh. Ánh mắt hiền từ của anh khiến lòng Vân nhẹ bẫng. Thì ra, vui hay buồn cũng đều có thời điểm của nó. Điều duy nhất còn sót lại trong cô bây giờ là tình thương Otto. Khi biết thương một người, mình đâu còn nghĩ quá nhiều cho bản thân mình nữa. Ngày xưa Vân ôm mộng riêng như ôm một nỗi khát khao về biển để thỏa vẫy vùng. Tự do điều khiển những gì mình muốn. Nhưng giây phút này đây, Vân mấp máy bờ môi chỉ muốn nói lời thì thầm của loài cá trong cái bể kính nhỏ mà ở quê, mẹ Vân vẫn thường đặt trong nhà. Những chú cá vàng cứ hạnh phúc lượn lờ. Không bao giờ chúng biết để mơ về biển lớn.

Vân thỉnh thoảng cười vội với Otto nhưng vẻ mệt mỏi trong nụ cười của Vân dường như không giấu được chồng. Anh nắm bàn tay khô đét của vợ. Vân lại cười bẽn lẽn, biết chắc Otto sắp sửa nói một câu gì đó ấm lòng. Khi Jim và Coen hối trở về nhà, Otto đỡ Vân đứng dậy. Trên đường, anh cứ lén nhìn sang bên cạnh, để ý từng động thái của vợ mình. Còn Vân nhìn chăm chăm về phía trước. Vân sẽ lại viết CV. Như thể chưa lần nào Vân quyết liệt đến nhường vậy. Vân tạ ơn trời cho mình biết bình tâm trước những giấc mơ. Thì ra, nếu không vững lòng thì chẳng bao giờ con người mới thôi hổ thẹn trước những giấc mơ của mình.

Những góc phố, quảng trường, tòa nhà thoáng qua. Xe chạy chậm dần khi rẽ vào thị trấn. Hoàng hôn cũng đã giăng khắp. Otto hạ kính xe theo ý Vân và hai con. Không khí bên ngoài cửa sổ dường tinh lọc. Vân không cố chống lại nỗi nhớ đang nhỏ giọt trong đầu nhưng hình như trái tim cô đã dễ thở hơn một chút. Có chú sóc xộc ra giữa đường, cứ giương đôi mắt nhỏ tinh anh nhìn về kính xe rồi chạy biến vào mạch rừng. Hai đứa trẻ cười ầm lên trong xe. Hàng sồi ven đường đổ mình vào bóng đêm dịu vợi…

Bài liên quan
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
  • Tình già
    Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Một giấc mơ xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO