Lễ phạt vạ
Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
Mảnh lưới bóng chuyền treo hờ hững. Mấy cây đào bên góc tường đã nở bung. Đào phai phơn phớt đỏ lại như xát muối vào gan ruột Cường. Anh muốn bất chấp tất cả mà trốn về nhà, ra Tết chẳng cần về lại trường cũng được. Nỗi nhớ nhà tựa ngọn lửa thiêu đốt khiến anh giáo trẻ đứng ngồi không yên.
Cường hai bốn tuổi. Hai năm trước, anh lấy bằng sư phạm rồi xung phong lên núi Mường Lôm. Núi Mường Lôm có bản Mường Lôm quanh năm mây phủ. Mới lên cái gì cũng khiến anh tò mò, lạ lẫm. Lạ tiếng nói. Lạ lối sống. Lạ cả khí trời. Hồi nhỏ, Cường ở nhà sàn, lớn lên đi học thì quen với thành phố. Nhà ở Mường Lôm hầu hết là nhà trệt lợp ván gỗ, bước qua cửa chính vào nhà đã tối tăm chẳng nhìn rõ mặt người. Nơi đây về đêm chỉ có tiếng cú kêu và gió rít nghe thật thê lương. Trường vỏn vẹn năm lớp học với hơn ba chục học trò, đứng lớp toàn giáo viên nam.
Ấy thế mà Cầm Bá Cường cũng đã trải qua hai năm đứng lớp đầy niềm vui. Anh yêu nghề mến trẻ, biết hát tiếng Thái, nói tiếng Mông nên được dân bản quý mến. Sau giờ dạy, anh thích la cà vì vậy rõ gia cảnh từng nhà trong bản. Giàu nhất bản là nhà ông Giàng Rua Chỏ. Ông Chỏ khéo chăm nương rẫy lại chịu khó bán tạp hóa. Xong ruộng rẫy, ông Rua Chỏ còn đánh đường sang tận Lào mua bò gầy về vỗ béo, sau vài tháng lại đem bán kiếm lời. Đã giàu lại thêm có của. Nghèo nhất bản là nhà chị Y Xài. Cha mẹ Y Xài đã mất, anh chị đều gia đình đề huề, giờ căn nhà gỗ đầu bản chỉ có mỗi chị vào ra thui thủi sớm hôm. Y Xài đã ngoài ba mươi nhưng chưa có chồng. Nghe đâu Tết đến chị vẫn theo con gái trong bản đi ném pao nhưng mãi chẳng ai chịu rước đi. Trai gái mồ côi thường khó lấy chồng lấy vợ. Được cái tính tình Y Xài luôn vui vẻ, gặp ai cũng chào, cũng cười, chẳng thấy mặc cảm hay tự ti gì hết.
Cầm Bá Cường hay đến nhà trưởng bản - ông Giàng Giống Xênh. Nhà trưởng bản ở gần trường, ra cổng, rẽ phải, trèo một quãng dốc ngắn là đến. Giống Xênh người cao gầy trán cao bóng loáng như bôi mỡ gà. Giống Xênh mắt một mí, khi cười nom tinh quái, vui nhộn. Ông có cô con gái út là Y Mỷ đang học năm cuối đại học ở tỉnh. Cô chỉ về vào dịp hè hoặc Tết nguyên đán nên ít khi thấy mặt. Thế mà trong ngày đầu đến nhận lớp hai năm trước, Cầm Bá Cường đã gặp Y Mỷ. Ngày đó, cô gái chuẩn bị vào năm thứ hai đại học. Cả bản chỉ mỗi Y Mỷ đi học ở thành phố. Chắc vì thế cô cũng ít nhiều mạnh bạo hơn đám bạn cùng lứa chỉ khép nép nhìn thầy giáo trẻ từ xa. Tối đó, Cường đến nhà Giống Xênh ra mắt ban quản lý bản. Đang ngồi cùng những cán bộ bản thì Cường phải ngoảnh ra sau vì một tiếng nói con gái cất lên: “Em mời thầy chút rượu”. Giọng nói có chút ngập ngừng e thẹn khiến anh cũng phần nào bối rối. Cô gái đã cầm sẵn hai chén rượu trên tay, một chén cho mình, một cho Cường. Anh chỉ còn nước cầm lấy và uống cạn. Sau chén rượu làm quen, Y Mỷ đi ra khỏi nhà và hòa vào đám bạn gái rồi cả đám đi đâu đó. Các cô gái như thể đã biến mất trong màn sương núi mỏng mảnh.
Cuộc vui kéo dài đến tận khuya. Cầm Bá Cường không dám uống nhiều. Chú trai mới vào nghề giáo vẫn bỡ ngỡ lắm. Anh không muốn người khác nghĩ mình bợm rượu. Anh xin phép ra về, trong khi trưởng bản vẫn ngồi cùng đám thực khách là những người sống cạnh nhau từ thuở niên thiếu.
Cường gặp Y Mỷ gần cổng trường. Cô gái chủ động cất tiếng chào. Sau vài câu nói, Y Mỷ chìa ra một mảnh giấy xin số điện thoại. Cô cũng thủ sẵn một tờ giấy khác có ghi số điện thoại của cô. Cường cầm mảnh giấy rồi bước qua cánh cổng vào trường. Anh cũng không quên chào cô con gái trưởng bản cho phải phép lịch sự trước khi khóa cổng. Cường để quên mảnh giấy của Y Mỷ ở đâu cũng chẳng rõ nữa. Nơi này chẳng có sóng điện thoại. Anh nghĩ khi cô kia về trường thì mình ở bản, vào dịp hè dịp Tết cô gái trở về bản thì anh cũng về nhà, cứ như mặt trời, mặt trăng làm sao liên lạc.
Tết năm đó, Giàng Giống Xênh có ý mời Cường ở lại bản. Anh chối khéo. “Lần đầu đi làm xa nhà, Tết cũng không về thì cha mẹ mắng cho”, anh bảo vậy. Giàng Giống Xênh chẳng còn biết nói lại ra sao. Thế là thoát. Tết năm ngoái cũng vậy. Sau bữa tiệc chia tay để các thầy cô về quê sum họp cùng gia đình, Giống Xênh lại gọi riêng Cường ra mời mọc. “Năm nay thầy ở lại ăn Tết cùng dân bản ta đi. Người bản ai cũng quý thầy. Họ đều muốn có thầy trong ngày Tết”. Chẳng biết chối từ ra sao, anh gật bừa. Gà mới gáy sáng, anh đã dậy thu dọn đồ đạc dắt xe trốn về. Đám đồng nghiệp chẳng hiểu mô tê gì trước việc này. Ra Tết, anh trở lại trường, trưởng bản gặp chẳng nói chẳng rằng. Ông ta giận. Nửa tháng sau, Cường phải mang rượu, gà đến chuộc lỗi, Giống Xênh nguôi.
Thế mà năm nay, Cầm Bá Cường phải ở lại ăn Tết cùng dân bản, dù chẳng ai mời. Sẽ là một cái Tết nhớ đời đây. Đã xa nhà, lại còn mắc vạ.
Mấy ngày trước trường cho học trò nghỉ Tết. Cánh giáo viên rục rịch dọn đồ để hôm sau về quê, cái trán hói của trưởng bản xuất hiện dưới dốc. Vừa vào đến sân, ông ta đã oang oang gọi tên khối trưởng, nói: “Này này! Tôi đã chuẩn bị sẵn mâm cơm rồi nhé. Chiều nay, các thầy không phải nấu ăn nữa đâu. Ta làm bữa cơm chia tay, cũng là ăn mừng bản có sóng điện thoại”. Vừa tống xong đôi dép rọ đi rừng vào gầm giường, Cường chợt ngẩng lên. Anh đã biết chuyện bản có sóng điện thoại nhưng cũng chẳng mấy háo hức. Đồng nghiệp có vợ con ở quê thì tiện lợi thật, từ chiều hôm qua đến giờ chẳng cần phải chạy xe máy hứng sóng rơi sóng rớt nữa. Còn anh ít khi gọi về nhà, chẳng sốt sắng lắm với sóng di động.
Cầm Bá Cường và mấy anh đồng nghiệp vừa bước vào nhà trưởng bản, Y Mỷ cũng bưng mâm cơm đặt giữa nhà. Cô gái vẫn bận quần bò như ngày thường và khoác chiếc áo đỏ dày cộp. Cũng như lần đầu gặp, hôm đó, Y Mỷ chỉ mời khách một chén rượu rồi lẩn đi. Chẳng hiểu sao đêm đó Cầm Bá Cường uống nhiều đến thế. Vui chuyện, anh ngồi cùng trưởng bản và mấy đồng nghiệp và uống say đến mức chẳng biết trời trăng gì.
Tỉnh dậy chưa kịp rửa mặt đã thấy ông trưởng bản lù lù xuất hiện. Vẻ tinh quái mọi ngày biến đâu mất. Ông ta nhìn Cường và mấy đồng nghiệp vẻ nghiêm nghị: “Các anh ạ. Tối qua, thầy Cường uống quá chén, đã nôn vào cây cột ma nhà tôi. Theo tập tục thì phải mua lợn về cúng để rửa cột nhà. Thôi thì nể tình thầy, tôi sẽ bỏ tiền mua lợn. Nhưng thầy Cường phải ở lại để lo mổ lợn cúng ma nhà.”
Mấy anh giáo bản nhìn nhau một lượt chẳng biết làm gì hơn là chấp nhận yêu cầu của trưởng bản. Cường cũng từng nghe tập tục nơi đây không cho khách chạm tay vào cây cột cái giữa nhà. Nôn ọe vào đó thì chắc kinh khủng lắm. Mặt Cầm Bá Cường cứ nghệt ra, trắng bệch rồi đỏ lửng. Anh vừa giận mình vừa tức trưởng bản chuốc anh say lại còn bày trò phạt vạ. Vậy là mất Tết rồi. Khi trưởng bản đi khuất, anh tìm đến phòng khối trưởng nhờ nói giúp nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu kèm với một nụ cười ranh mãnh. “Chú còn trẻ, chưa vợ con, ở lại bản ăn Tết một năm có sao đâu. Trưởng bản không bắt mua lợn cúng rửa nhà là may rồi. Nếu không đi tong cả tháng lương chứ không đùa”.
Cường đành miễn cưỡng bốc máy gọi cho cha báo là tết này ở lại bản. Ông bố biết tính con nên thuận tình, nghĩ nó chưa vợ con, cứ chiều ý vậy. Cường buông phịch điện thoại xuống giường rồi trút đồ đạc từ ba lô ra. Anh muốn nổi xung nhưng chẳng biết trút vào đâu. Mấy anh đồng nghiệp đều vô can. Anh chỉ còn biết tự trách mình quá chén mà gây nên họa, thấy cũng may trưởng bản là người thông cảm, ông ta xử đúng theo lệ làng thì Cường mất toi cả tháng lương thật.
Nhờ có sóng internet, Cường có thể lên mạng. Kể ra mấy ngày Tết cũng đỡ buồn, anh tự an ủi. Mấy ngày nay, thi thoảng trưởng bản có ghé thăm chuyện trò. “Thôi thầy ạ. Tôi cũng không muốn ép thầy. Nhưng lệ bản nó vậy. Thầy chịu khó nhé”, trưởng bản lại cười tinh quái như mọi ngày. Cường tức lộn ruột mà đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Chiều hăm chín Tết, Cường chặt một cành đào đem vào phòng để bày. Ở một mình cũng phải cho nó ra không khí tết chứ. Anh đang loay hoay buộc cành đào cạnh bàn làm việc thì trưởng bản mang đến một đôi gà sống và mấy cặp bánh chưng. Lăo lại làm lành đây mà! Cường đón lấy, miễn cưỡng nói lời cảm ơn. Trưởng bản nói: “Con Y Mỷ luộc bánh chưng từ sáng đấy. Tôi không biết phong tục của nhà thầy nên không chuẩn bị”. Lời trưởng bản khiến Cường cảm thấy ngạc nhiên. Lâu nay, anh dường như quên khuấy cô con gái trưởng bản. Cô ta đi học xa, cũng biết phong tục đây đó. Vậy là Tết có bánh chưng rồi.
“Tối nay thầy đến nhé. Ta tổ chức mổ lợn để cúng ma nhà đấy. Không thiếu thầy được đâu”. Anh gật đầu. Nhưng khi trưởng bản đi khuất, anh cảm thấy có điều gì là lạ. Mới chập tối, Cường đã tìm đến nhà trưởng bản. Lợn đã mổ xong từ bao giờ rồi. Đám trai bản cất tiếng chào anh vẻ nể trọng lắm. Chẳng giống một vụ phạt vạ chút nào. Anh cũng xông đến cùng đám trai thái thịt nhưng họ gạt đi. “Thầy là khách quý, chẳng phải làm gì hết”. Anh cứ tròn mắt nhìn. Chẳng hiểu sao từ kẻ bị bắt vạ mình lại hóa khách quý, hay lũ trai có ý trêu chọc? Anh nhìn vẻ mặt từng người thấy ai nấy đều có vẻ nghiêm trang.
Gần tám giờ tối. Khi Cầm Bá Cường đang giết thì giờ bằng cách lướt mạng, trưởng bản đặt một bàn tay lên vai anh vẻ thân tình. “Thầy giáo ạ. Gia đình tôi và dân bản rất mừng vì anh ở lại ăn Tết cùng”. Ngừng một lúc, Giàng Giống Xênh tiếp lời: “Thật ra thầy không mắc lỗi gì hết. Hôm đó chính tôi đã đưa thầy về trường mà. Chỉ là mấy năm rồi mời thầy ở lại ăn Tết mà không được nên tôi mới nghĩ ra cách này thôi. Mong thầy thông cảm”.
Chiếc điện thoại trên tay Cầm Bá Cường chực rơi xuống. Mặt anh lại nghệt ra như hôm nhận tin bị phạt vạ. Nhưng rồi anh cũng hiểu rằng trong chuyện này chỉ mỗi mình là kẻ ngốc. Trưởng bản đã tính từ trước. Mấy anh đồng nghiệp có lẽ cũng đã biết. Trách gì mà ông Giống Xênh không bắt anh bỏ tiền mua lợn cúng ma nhà còn thầy khối trưởng thì cười một cách ý nhị. Có khi họ đã bàn bạc hòng giữ chân anh trong khi anh say đến bất tỉnh nhân sự.
Một niềm vui ngọt ngào chợt len lỏi trong huyết quản Cầm Bá Cường. Có quý mến lắm thì trưởng bản mới bày mưu giữ chân mình lại cùng ăn Tết với gia đình. Anh miên man suy nghĩ về những năm tháng đã qua, về ông trưởng bản có cái trán bóng loáng và điệu cười tinh quái, về cô Y Mỷ. Đêm mai sẽ là giao thừa. Anh định sáng dậy sẽ phóng xe về nhà. Nhưng rồi anh gạt phăng ý nghĩ đó. Cường sẽ trải qua cái Tết đầu tiên xa nhà bên những người thân quen ở Mường Lôm.
Mâm cơm đã được bưng ra. Trưởng bản Giàng Giống Xênh bảo rằng đêm nay chẳng có lễ cúng ma nhà nào cả. Dân bản mổ lợn để cảm ơn thầy giáo trong hai năm qua đã giúp đỡ con em mình học chữ. Được mời lên nói chuyện, Cầm Bá Cường cảm động đến mức chẳng thốt nên lời, trong đầu nghĩ đêm nay có khi lại say khướt như mấy bữa trước. Anh lại nghĩ đến hội ném pao sẽ bắt đầu từ mồng một Tết mà hai năm nay chưa từng tham gia cuộc nào. Tết này, anh sẽ thử cùng trai gái nơi đây đi hội ném pao./.