Truyện

Đi thăm cha mẹ

Truyện ngắn của Hữu Vi 16:06 18/07/2023

Nàng cất lời, giọng có chút trách móc. Cũng phải thôi. Từ ngày cưới đến giờ đã nửa năm, vài lần nàng nhắc Khun đi thăm cha mẹ. Người già trong họ cũng bảo: “Mày lấy con gái người ta về lạy tạ tổ tiên nhận làm con nhà này rồi thì cũng phải đi lạy tạ cha mẹ nó chứ”.

img_2683-copy.jpg
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

En En ơi (*)

Ơi…

Sân nhà Khun mấy ngày nay thường có một đám trẻ. Chúng xếp hàng dài chơi và hát đồng dao. Bài đồng dao Khun và vợ đều thuộc từ ngày còn thơ ấu. Vợ Khun ngắm khắp lượt bọn trẻ nhớ lại những năm tháng ấu thơ. Ngày còn bé, nàng cũng hát bài này. Mới như hôm qua hôm kia thôi mà giờ nàng đã thành người có chồng. Còn Khun dường như chẳng để ý lắm, hướng mắt về những đụn mây đầu chóp núi.

“Mai đi thăm cha mẹ”.

Nàng cất lời, giọng có chút trách móc. Cũng phải thôi. Từ ngày cưới đến giờ đã nửa năm, vài lần nàng nhắc Khun đi thăm cha mẹ.

Người già trong họ cũng bảo: “Mày lấy con gái người ta về lạy tạ tổ tiên nhận làm con nhà này rồi thì cũng phải đi lạy tạ cha mẹ nó chứ”.

“Ừ thì đi”. Khun gật, mắt vẫn hướng về những đụn mây xếp tầng lên đầu chóp núi. Đoàng! Tiếng sấm giật. Tia sét xé toạc mảng trời trước mặt khiến nàng giật nảy mình ngã nhào vào lưng Khun. Hắn vẫn thản nhiên ngắm những đụn mây cứ xếp chồng mỗi lúc một dày thêm lên chóp núi. Cơn mưa mùa hạ đến bất thần cũng như tràng sét vậy. Mưa làm đám trẻ bỏ chơi. Đêm đến thì mưa ngớt. Khun nằm nghe bầy ếch nhái rỉ rả ngoài vườn và thiếp đi.

“Dậy thổi xôi nào”. Khun giục vợ. Nàng đang ngáy pho pho bên cạnh. Sau vài lần trở mình, vươn vai cho tỉnh hẳn nàng lồm ngồm bò dậy chuẩn bị nổi lửa thổi xôi. Gà đã gáy lần hai mà nghe lẻ tẻ buồn chán. Ngoài trời hãy còn tối. Khun mở tung cửa sổ căn buồng hướng ra vườn. Tháng Tư, nhưng sáng ra vẫn lành lạnh. Có một làn hương là lạ từ ngoài vườn phả phất phả phất. Khun lại thiếp đi.

Chát! Ông Ki gõ búa trên chiếc đe dưới gậm sàn. Lúc này thì Khun tỉnh hẳn. “Cái thằng, lấy vợ rồi còn ngủ vùi như con lợn đực. Nhác thế bao giờ mới có ăn?” Tiếng cằn nhằn của người cha khiến Khun bực bội. “Người già xứ này cứ nói như trong phim”. Khun uể oải ngồi dậy, miệng lầm bầm. Sương núi lùa vào căn buồng khiến hơi thở hắn ướt sũng. Dưới nhà, đàn lợn dụi mõm vào chân cột đòi ăn. Cả căn nhà rung lên nhè nhẹ. Nàng đã dọn bữa sáng trên chiếc mâm đan. Bà mẹ cõng trên lưng chiếc gùi đựng mấy đõ ong nhỏ mà cậu con cả vừa đem cho. Ong đầu mùa đã có ít mật ngon.

***

Trâu nhà mày mấy con

Hai con…(*)

Đôi khi, Khun ước gì mình còn nhỏ như lũ trẻ trước sân kia. Mới sáng ra chúng đã lại xếp hàng dài vừa chơi vừa hát. Vậy mà hai mươi tuổi, gã đã sắp phải làm cha. Cái bụng nàng đang dần lớn vượt mặt. Một đứa trẻ sẽ ra đời nay mai.

Khun gặp nàng vào mùa mật ong năm ngoái. Tháng ngày ong làm mật bao giờ cũng vui. Nắng nôi. Trời đất, rừng núi, cây cối, nhà cửa, đầy hơi ẩm. Sáng ra mây nhí nhảnh nhảy nhót nơi triền núi rồi tan biến như chưa hề tồn tại. Mưa vẫn thình lình ập đến vào chiều tối, hoặc giữa đêm. Có khi tùy hứng. Đang trưa, trời cũng trót mưa. Núi rừng, đồng ruộng mơn man xanh. Hoa thi nhau nở dọc đường đi, ven sườn núi, cạnh suối nước, bờ ruộng. Hoa lá như đám con gái phổng phao lớn đòi đi lấy chồng. Ong rừng được thì tha hồ hút nhụy làm mật. Ong tràn đến các cánh rừng tìm hoa dại, túa xuống cả vườn nhà hút nhụy hoa đỗ hoa cà. Bầy ong lấy nước sà xuống bến nước, chui vào cả chum vại. Hầu như ngày nào cũng có đứa nhỏ trong bản bị ong chích la oai oái ôi ối. Có bữa, Khun đang tính mắc màn ngủ thì đã thấy mấy chú ong bay vo ve bên trong. Có lẽ trong ngày, chúng nó chơi đùa hay kiếm tìm nguồn nước mà lạc vào buồng ngủ.

Cha Khun bảo: “Tao đã đan xong rồi đấy. Tổ ong ở thấp, chắc chỉ mỗi mày cũng bắt được”. Lão vứt cái rọ bắt ong cạnh sân. Gã vác theo hai cây nứa và nắm lạt tre xách rọ lên rừng. Chừng nửa giờ sau Khun đến chỗ tổ ong lão Ki tìm ra chiều qua. Tổ ong lớn bằng cái nia bám chắc trên chạc cây kia rồi. Nom ngon ăn lắm. Lũ ong dường như nhận thấy sự chẳng lành, cứ xao động, thập thò trước tổ. Ong rừng là loài côn trùng khôn ngoan và gan góc bậc nhất. Nom ngon lành mà chẳng dễ ăn đâu.

Khun tính buộc đoạn nứa đầu tiên vào thân cây trèo lên thì lùm cây trước mặt bỗng rung lên dữ dội. Gã vội chộp lấy con dao đi rừng. Chẳng lẽ có con thú lớn mắc bẫy của kẻ nào đó, bản năng thợ rừng mách bảo gã như vậy. Khun hít một hơi dài định thần tiến đến và không tin vào mắt mình. Một người đàn bà với cái dây thòng lọng thít chặt cổ, một đầu treo trên chạc cây. Chị ta dường như đang loay hoay không biết nên làm sao khi chân vẫn chạm đất. Mất mấy giây, gã trai mới hiểu ra sự tình. Trời ơi. Có người muốn tự tử. Chẳng nghĩ được nhiều nữa, Khun chạy đến cắt đứt sợi dây. Cơn đau bụng tan biến. Gã nói như thét: “Muốn chết à? Sao lại thế?”

Tĩnh tâm hơn, Khun nhận ra nàng. Cô gái ở ngay cùng bản. Dù chẳng phải thân thiết gì, nhưng vẫn chào nhau mỗi khi chạm mặt. Ban đầu nàng ngượng đỏ chín mặt. Nhưng rồi cũng rất nhanh sau đó, nàng thốt lên cộc lốc: “Tôi muốn chết đó. Liên quan gì anh?” Nàng nói, gỡ đoạn thòng lọng khỏi cổ, ngồi thụp xuống khóc gào như cha chết.

Không. Cha nàng chẳng chết. Nhưng mấy tháng trước cả cha lẫn mẹ nàng bị bắt giam. Mới ít ngày trước tòa án huyện xử cho ngồi tù, nghe đâu mỗi người phải chịu gần mười năm trong nhà giam. Chuyện này dân bản đều biết. Mấy năm nay ai nấy đều lấy làm lạ vì chẳng có nhiều ruộng rẫy mà nhà nàng chợt có của ăn của để chứ không nghèo như những nhà khác. Hóa ra cả ông lẫn bà đều đi lấy hàng trắng về bán rồi bị công an còng tay cùng ngày. Hai người già chỉ có mỗi một mặt con đang tuổi lớn khôn, cũng gọi là tươi da đẹp thịt. Ngày cha mẹ mới bị bắt nàng cứ nghĩ hai người bị oan. Cả đời chẳng thấy đi đâu xa làm sao biết buôn ma túy cơ chứ. Ngày xử án, nàng đạp xe đến tòa nghe. Khi lên xe tù về trại, ông bố chẳng nói gì. Bà mẹ chỉ bảo: “Mẹ cha xin lỗi con. Chỉ muốn nhà mình giàu mà làm vậy”.

Ra khỏi phòng xử án, nàng tính trốn đi đâu đó thật xa. Nhưng xa gần chẳng quen ai. Biết đi đâu cho khỏi xấu hổ với làng bản. Nàng nghĩ đến lá ngón, lần tìm khắp rừng xa núi gần không gặp cây nào. Ừ thì thắt cổ chết cho xong. Nghĩ là làm. May sao Khun tình cờ cứu được.

Nàng khóc chán rồi cũng nguôi. Trưa, gã đưa nàng ra đến bìa rừng rồi quay lại bắt tổ ong. Buổi tối, Khun tìm đến nhà nàng. Cái nhà to nhất bản nhưng từ bữa hai ông bà đi tù thì tối om. Nàng cũng chẳng buồn bật đèn. Đói thì nấu ăn rồi lăn ra ngủ. Gà lợn đói thì cho ăn. Bò trâu thả trên rừng đã nửa tháng, nàng không buồn lên ngó.

“Anh đi về”. Nàng đuổi rồi chốt cửa. Cả bản chỉ mỗi cửa nhà nàng có khóa. Gã đành đi tìm bọn trai làng uống rượu. Quá nửa đêm, ngà ngật say, gã tìm đến gọi cửa. Nàng lại nói cộc lốc: “Đi về”. Đang phừng phừng hơi men, gã trèo cửa vào. Nàng phải dậy bật đèn. Lỡ gã mà ngã thì gay to. Gần trọn đêm, hai người chỉ ngồi lặng nhìn nhau. Gà gáy lần ba, nàng lại đuổi: “Đi về”. Lúc này gã lần ra cửa, bước xuống cầu thang về thật.

Đêm sau Khun vẫn tìm đến. Lần này không còn say rượu. Gã tỉnh như thường ngày họ vẫn gặp mặt chào nhau trong bản. Gã ngồi bên bếp lửa rít thuốc, thi thoảng chỉ nhìn nàng cười. Rồi gã hỏi: “Có muốn đi chết nữa không?” Nàng cười ngượng: “Có chứ. Sống khổ, chết cho sướng”. Đến đêm thứ năm thì nàng dần quen với sự có mặt của gã trong căn nhà. Cái nhà vậy là đã có hơi người. Không còn trống trải như từ ngày cha mẹ nàng bị tạm giam nữa. Hè về, ve kêu đến tận đêm. Mùa hè là mùa côn trùng chim muông sinh nở.

Gần khuya nàng chợt buột miệng: “Hay anh cưới em về đi. Cứ đến thế này người bản họ nói…” Khun không ra lắc cũng chẳng ra gật. Gần tháng sau nhà Khun mang trầu cau đến hỏi cưới nàng. Nhà gái chẳng có ai. Họ hàng ở tận đất Phủ Quỳ, xa quá nên trong ngày đám hỏi nàng, một người trong bản thân thiết nhất với gia đình đứng ra nhận lễ.

Gần cuối năm thì cưới. Lễ cưới chóng vánh quá. Nàng bán đi chút vàng cha mẹ để cho bày mâm mời dân bản. Hôm rước dâu, nàng cũng mặc váy thêu, đội nón trắng như bao người con gái khác khi về nhà chồng. Nhưng lòng trống trải. Chẳng rõ buồn hay vui. Đêm đầu tiên ở nhà chồng, nàng mơ thấy cha mẹ qua đời trong trại giam. Buồng giam là một căn phòng dài và vắng lặng. Tỉnh dậy trời vẫn tối đen, nàng rấm rứt khóc. Khun vẫn ngủ say, ngáy vang nhà.

***

Dê nhà mày mấy mống

Hai mống

Chia cho mình một mống…(*)

Bầy trẻ vẫn mải miết với trò chơi của chúng khi Khun chở vợ trên chiếc xe cà tàng phóng đi.

Lần đầu Khun đến trại giam. Nàng cũng thế. Từ khi cầm cuốn sổ thăm tù, nàng vẫn chưa dùng lần nào. Ban đầu sổ chỉ có mỗi tên nàng. Giờ thì công an huyện điền thêm tên Khun, con rể của người tù.

Viên giám thị trại giam nhìn hai vợ chồng ướt lướt thướt dắt xe vào chỗ gửi, hất hàm hỏi: “Trên núi xuống à?” Nàng chẳng nói được gì. Miệng cứng lại vì lạnh. Hai người quên mang theo áo mưa, phải chịu trận suốt dọc đường. Khun đưa sổ thăm tù cho người giám thị. Ông ta ngó qua quyển sổ rồi chạy đi. Một lúc sau quay ra, viên giám thị nói: “Các em có mười phút nhé”. Khun bước vào bốt canh xách theo cái túi đựng đồ ăn và một ít tiền cho người tù. Gã giúi vào tay viên giám thị một mảnh giấy gấp làm tư: “Gửi anh uống nước”. Ông ta đón lấy, gật gù: “Dân bản mà khôn đáo để đó. Vào đi”.

Khun dắt tay vợ bước qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang con mương rộng chừng hai sải tay vào nhà thăm tù. Từ xa, gã trông thấy cha mẹ nàng ngồi cạnh nhau trên chiếc ghế dài sau bức lưới sắt. Cả hai đều trong bộ đồng phục kẻ sọc đen trắng. Đồ tù là thế này đây, gã nghĩ. Lâu nay mình chỉ biết trên mạng, trên báo. Giờ thì thấy ngoài đời thực rồi. Gã buông tay nàng bước đến. Gã nhận ra song thân của nàng đều tiều tụy hơn ngày thường.

“Con và vợ đến thăm cha mẹ đây”. Khun cất tiếng chào. Hai người già chưa quen kiểu xưng hô của con rể trong lần đầu gặp mặt và có phần bối rối.

“Chồng con đó”. Nàng nhắc lại.

“Ừ, con”. Ông bố buột miệng, bàn tay dò trên những mắt lưới. Ông muốn nắm lấy tay con rể rồi lại ngại ngùng. Giữa họ chỉ là một bức màn sắt mà như nghìn trùng cách biệt.

“Con lấy được chồng rồi…” Bà mẹ những muốn nói thêm điều gì mà cổ họng như tắc nghẹn. Bà trân trân nhìn hai vợ chồng Khun như người xa lạ, rồi chỉ biết mỉm cười. Chẳng rõ bà đang buồn thương hay mừng cho con gái có được nơi gửi gắm.

Gần như suốt buổi gặp mặt, Khun lặng thinh nghe vợ kể chuyện làng xóm chuyện cửa nhà cùng cha mẹ. Gã đổi tư thế ngồi mấy lần có phần sốt ruột. Cuối cùng gã nói: “Con xin được lạy tạ mẹ cha. Mong mẹ cha nhận con làm rể”.

Nói rồi, gã trai rời khỏi chỗ ngồi, lùi cách bức màn sắt một quãng ngắn rồi thụp lạy. Gã làm lễ như một cái máy, trong khi cha mẹ vợ gã tay nắm chặt những mắt lưới nhìn con rể, ánh mắt đờ đẫn vì xúc động.

“Các con hãy thương lấy nhau nhé”. Bà mẹ thều thào trong nước mắt. “Chừng mấy năm nữa, cha mẹ mới được về bế cháu”.

Khun vội mở chiếc túi vải lấy ra một ít trầu cau. Gã để lên chiếc đĩa đặt trên cái bàn làm chỗ ngồi cho người thăm tù và nhón lấy hai miếng nhỏ đưa qua khe lưới.

“Con mời mẹ mời cha nhận trầu”.

Tay run run, người cha cầm lấy những miếng trầu chia cho bà mẹ. Ông ta đưa phần trầu của mình vào miệng nhai trều trệu.

“Sắp hết giờ nhé”. Giọng viên giám thị vang lên sau lưng Khun. Gã quay lại cố nặn ra một nụ cười.

“Anh cho chúng em thêm ít phút”.

Khun quay lại thì thấy hai người già đã dắt tay nhau đi vào khu trại giam. Bên bức màn bằng lưới sắt, vợ gã trân trối nhìn theo, nước mắt lưng tròng.

Khi hai người già đã khuất dạng, nàng quay lại bảo chồng.

“Về thôi nào”. Nàng thì thào, trên gò má còn đọng vài giọt nước mắt.

Khun cầm tay vợ rời khỏi trại giam. Tâm trí gã lại hiện lên bóng hình những đứa trẻ trước sân nhà với trò chơi bất tuyệt của chúng. Văng vẳng bên tai một khúc đồng dao.

Cốc cốc

Ai phá rẫy nhà ta thế?

Chim cú

Cú gì?

Cú mèo…

Một trận mưa nữa ập đến. Khun dắt vợ nép vào cạnh chiếc xe máy. Cơn mưa qua đi, gã mới có thể chở vợ về nhà. Mưa mùa hè mà. Sẽ chóng qua thôi.

______________________

(*) Bài đồng dao của người Thái ở Nghệ An

Bài liên quan
  • Hành trình bất ngờ
    Tôi có cuốn sổ được mua từ hồi sinh viên và vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, tuy không dày lắm nhưng tôi ghi mãi vẫn không hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đi thăm cha mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO