Chùa Xuyên Dương (huyện Thanh Oai)
Chùa Xuyên Dương hiện nay tọa lạc tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Chùa Xuyên Dương có tên chữ là Bạch Dương am. Dấu tích cổ xưa nhất của ngôi chùa là tấm bia đá làm năm Xương Phù thứ 3 (1379). Chùa còn lưu giữ được bảo tháp bằng đất nung thời Mạc (thế kỷ XVI), cây hương đá thời Lê Dụ Tông (Bảo Thái 3 - 1722), bia đá thời Lê Cảnh Hưng 13 (1752). Tuy nhiên, kiến trúc gỗ của chùa hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn ở thời Nguyễn: niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876) và năm Thành Thái thứ 17 (1905). Hiện tại chùa chính có bố cục kiểu chữ “nhị” với toà Tiền đường và Tam bảo nằm song song. Phía sau Tam bảo là nhà Mẫu làm cùng hướng với Tam bảo, ở sườn bên tả Tam bảo là đình Sắc. Phía trước chùa có cổng xây kiểu trụ biểu, sân lát gạch rộng, hai bên sân là tả hữu vu.
Toà Tiền đường được làm 3 gian 2 chái vào năm Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876) kiểu hai mái chảy hồi bít đốc. Bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng lá cách điệu, chạy dọc theo bờ nóc là các đường hồi văn trang trí. Vào bên trong, các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ chuyền quá giang trốn cột cái”. Trang trí trên các hạng mục gỗ của toà Tiền đường chủ yếu được bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ hoặc tạo các đường xoắn nhẹ. Toà Tam bảo nằm song song với Tiền đường, cách nhau một khoảng sân lọng lát gạch, làm theo kiểu tường xây hồi bít đốc với hai tầng mái chảy. Bên trong Tam bảo được chia làm ba gian với các bộ vì đỡ mái tương ứng kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường nách quá giang trốn cột cái” mang phong cách thời Nguyễn. Tại Tam bảo, toàn bộ nghệ thuật điêu khắc được tập trung ở gian hiện có, các bức cốn mê, bẩy, xà, ván dong... đều được chạm khắc hai mặt rất tinh xảo. Cốn mê chạm tứ quý, tứ linh. Xà nách chạm lá lật, độc long, phượng hay tứ quý hoá long. Bẩy chạm tứ quý hoá rồng riêng rẽ từng con một... Bên trong Tam bảo có xây ba ban thờ bằng gạch, trên đó gian giữa là nơi toạ lạc của các tượng Phật, gian bên tả đặt một long ngai bài vị thờ Đức Ông, gian bên hữu đặt một khám thờ, bên trong là long ngai bài vị thờ Lang tướng họ Dương. Nhà Mẫu làm phía sau chùa chính gồm ba gian nhà ngang, làm theo kiểu tường xây hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói. Các bộ vì ở nhà mẫu được làm theo kiểu “kèo kẻ quá giang” đơn giản, gian giữa có xây thêm chuôi về nhỏ, lùi về phía sau một chút là nơi đặt ban thờ Mẫu.
Đình Sắc được làm bên tả chùa chính, đây là nơi lưu giữ sắc phong và các đồ thờ tự quý giá của ngôi miếu và một số đồ thờ của chùa. Đình Sắc cũng gồm hai toà có kết cấu và trang trí tương tự như ở hai toà Tiền đường và Tam bảo chùa chính. Đình Sắc được trùng tu năm Thành Thái thứ 17 (1905).
Chùa Xuyên Dương còn giữ được nhiều di vật quý giá bằng đá: 1 bia đá cao 91cm, rộng 57cm, chất liệu đá xanh đen. Bia được làm năm Xương Phù thứ ba (1379) ghi chép về am Bạch Dương do vua Trần Nhân Tông đặt tên và công đức của vị Lang tướng họ Dương. Một bia đá dẹt cao 130cm, rộng 63cm, dầy 20cm, mặt trước thân bia có ghi công đức những người đặt hậu, mặt sau dưới trán bia có bốn chữ Hán “Bạch Dương am phủ”. Bia làm năm Cảnh Dương thứ 13 (1752). một cây hương đá cao 155cm làm theo kiểu Thượng thu hạ thách, phần trên ngọn có tiết vuông 23 x 23cm, phần chân có tiết diện vuông 25 x 25cm. Chóp cây hương có đặt một bát hương đá chạm cánh sen nhọn đầu. Bốn mặt của cây hương phần trên có chạm bốn chữ Hán “Nhất trụ thạch hương”, mặt chính thân có ghi dòng niên hiệu: Bảo Thái thứ ba (1722)... cùng nhiều đồ tế tự khác.
Chùa Xuyên Dương đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02