Chùa Văn Quán (quận Hà Đông)
Chùa Văn Quán là tên gọi theo địa danh Văn Quán, phường Văn Mỗ, quận Hà Đông, Hà Nội. Chùa còn có tên chữ là Linh Quang tự, toạ lạc trên một khu đất cao ráo gần với đình làng.
Xưa kia, chùa Văn Quán nằm gần bờ sông Nhuệ, nhưng cách đây hơn 100 năm, do những tác động và biến thiên của lịch sử, ngôi chùa chuyển về vị trí như hiện nay.
Chùa quay hướng đông bắc, trước toà Tiền đường là Tam quan mang nhiều triết lý nhà Phật. Qua một khoảng sân lát gạch Bát Tràng là tới chùa chính. Toà Tiền đường được xây theo kiểu 2 tầng 4 mái. Phần nối giữa tầng trên và tầng dưới gọi là cổ diêm được chia thành ba để lát gạch hoa trang trí và cũng để thông quang cho di tích. Kết cấu các bộ vì được làm theo kiểu thức “chồng rường” trốn cột, trên 3 hàng chân gỗ. Lối kiến trúc này đã tạo một không gian rộng và thoáng, nghệ thuật điêu khắc không có nhiều, các phần gỗ được bào trơn đóng bén trên chất liệu gỗ tứ thiết. Các hoạ tiết hoa văn chủ yếu là hoa lá cách điệu tập trung ở các kẻ ngoài hiên. Do vậy, các bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son thếp vàng được trang trí trong nội thất Tiền đường đã đem lại cho ngôi chùa một vẻ lộng lẫy và thâm nghiêm. Bên trái Tiền đường là nơi toạ lạc của tượng Đức Ông, đối diện bên kia là đức Thánh hiền, hai bên hồi là hai hàng Thập điện, đó là tượng Diêm vương, Địa tạng, Thổ địa...
Nối từ gian giữa Tiền đường là Thượng điện tạo thành kiểu kiến trúc chữ “đinh” với các bộ vì đơn giản hơn toà Tiền đường. Nhưng tại đây là nơi bài trí hệ thống tượng tròn từ thấp lên cao. Bộ Tam thế gồm 3 pho được tạo tác bằng gỗ, sơn son thếp vàng, mỗi pho cao 85cm ngồi trên toà sen. Lớp thứ 2 là tượng A Di Đà, hai bên là Quan Thế Âm (bên trái) và Đại thế chí (bên phải). Pho A Di Đà được tạo tác bằng gỗ có chiều cao 134cm, với tư thế ngồi trên đài sen, mặt nhìn xuống chúng sinh, tay kết định ấn. Tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí trong tư thế đứng, mỗi pho cao 137cm. Tiếp đến là tượng Thích Ca mâu ni, hai bên có A Nan và Ca Diếp. Tượng Thích Ca tay cầm hoa sen, nên có người gọi là Thế tôn niêm hoa, tượng cao 132cm trong tư thế ngồi xếp bằng trên toà sen, tay trái cầm hạt ngọc đặt trong lòng, tay phải giơ lên cầm đoá hoa sen, các lớp hoá tạc liền vào thân, các đường nét uyển chuyển và mềm mại. Lớp thứ 4 là tượng Diêm vương được cổ nhân tạo theo chân dung hoàng đế, mình mặc áo long cổn, tay cầm hốt, đầu đội mũ miện. Tượng Cửu long Thích Ca sơ sinh được bài trí ở hàng cuối cùng, hai bên có Đế Thích và Phạm vương. Những pho tượng này được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Hệ thống tượng chùa Văn Quán có bố cục đường nét hài hoà, cân đối. Nhiều pho tượng cao trên 100cm và đều mang phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02