Chính sách & Quản lý

Hai cung điện nguy nga trong Đại nội Huế, đón khách ngày Tết Giáp Thìn

Hà Oai 09/02/2024 11:50

Sau trùng tu phục dựng, điện Thái Hòa và điện Kiến Trung (Đại nội Huế) mở cửa phục vụ người dân, du khách tham quan miễn phí trong 3 ngày Tết Giáp Thìn năm 2024.

Điện Thái Hòa tiêu biểu nhất trong quần thể kiến trúc cung đình Huế

Sau nhiều năm trùng tu phục dựng, điện Thái Hòa và điện Kiến Trung (Đại nội Huế) mở cửa để phục vụ người dân, du khách đến tham quan miễn phí vào ngày 10, 11, 12/2 (mùng 1, 2, 3 Tết Giáp Thìn). Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng sẽ mở cửa miễn phí tham quan tất cả các điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế vào 3 ngày Tết Giáp Thìn năm 2024.

Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng vào ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805 là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc” (hai bộ mái trên một mặt nền), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly. Hệ thống 80 chiếc cột bằng gỗ lim được sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn rồng mây “nhất thi nhất họa” với hàng trăm bài thơ chữ Hán trên các ô hộc ở phần liên ba, đố bản bên trong điện và trên dải cổ diêm ở mái đã đem lại nét duyên dáng cho công trình.

8(2).jpg
Điện Thái Hòa trong Đại nội Huế.

Bên trong điện Thái Hòa, phía trên ngai vàng là bửu tán trang trí 9 con rồng được thếp vàng rực rỡ và phía trước điện Thái Hòa là sân Đại triều nghi (nơi các quan đứng dự lễ Đại triều). Hàng tháng các vua Nguyễn tổ chức lễ Đại triều vào hai ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) tập trung đầy đủ bá quan văn võ, sân có 2 tầng với tầng trên cùng dành cho các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm và tầng dưới dành cho các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống.

Trải qua thời gian, điện Thái Hòa đã được nhiều lần trùng tu sửa chữa, trong đó phải kể đến đợt trùng tu lớn vào năm 1833 khi vua Minh Mạng cho tái quy hoạch các công trình trong Hoàng thành Huế và đợt trùng tu vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924. Vào năm 2021 Chính phủ cấp kinh phí và sau 3 năm trùng tu, hiện nay khối lượng công việc tại công trình điện Thái Hòa đã cơ bản hoàn thành hơn 70%.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở cửa cho du khách vào bên trong tham quan điện Thái Hòa và sau tết việc trùng tu sẽ được tiếp tục để cố gắng hoàn thiện vào năm 2025. Với vị trí trang trọng, điện Thái Hòa nổi bật uy nghi và tiêu biểu nhất trong quần thể kiến trúc cung đình Huế cả về giá trị lịch sử, nghệ thuật.

Sau phụng dựng, điện Kiến Trung mở cửa đón khách tham quan

Điện Kiến Trung nằm bên trong Tử Cấm Thành được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1921-1923 mang phong cách kiến trúc Pháp, Ý và cổ truyền của Việt Nam. Ngôi điện Kiến Trung đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn vào năm 1947 và tháng 2/2019 Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khởi động dự án phục dựng điện Kiến Trung với tổng kinh phí thực hiện hơn 123 tỷ đồng.

Dự án gồm nhiều hạng mục đầu tư xây dựng như tu bổ tổng thể tường bao nền, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm Tiền Viên và Hậu Viên, các bậc cấp, tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 97m2. Các công trình nhỏ xung quanh cũng được tu bổ như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng.

Sau nhiều năm trùng tu và phục dựng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở cửa để phục vụ người dân, du khách tới tham quan…

Những hình ảnh của điện Kiến Trung

1(4).jpg
Điện Kiến Trung sau phụng dựng.
2(5).jpg
Di tích điện Kiến Trung đón khách vào tham quan dịp Tết Giáp Thìn.
3(3).jpg
Hình ảnh điện Kiến Trung nhìn từ trên cao.
4(3).jpg
Hình ảnh rồng ở điện Kiến Trung.
5(3).jpg
Các họa tiết hoa văn độc đáo, nổi bật.
6(2).jpg
Bên trong điện Kiến Trung.
7(1).jpg
Bên trong được phụng dựng.
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hai cung điện nguy nga trong Đại nội Huế, đón khách ngày Tết Giáp Thìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO